Thiên cổ anh hùng Hàn Tín (4): Một tay gây dựng cơ đồ nhà Hán



[ChanhKien.org]

Tháng Sáu Hán Cao Tổ năm thứ nhất (năm 206 TCN), Lưu Bang chọn ngày lành, lập đàn tràng, trai giới, tắm gội, bày lễ, bái Hàn Tín làm đại tướng quân. Bái tướng xong, Lưu Bang hỏi Hàn Tín xem có thể có diệu kế gì để trở về Quan Trung hay không. Quân Hán khi đó binh nhược tướng yếu, căn bản không phải là đối thủ của Hạng Vũ. Bởi vậy Lưu Bang không có đặt ra mục tiêu cao hơn, tâm nguyện lớn nhất của ông là có thể làm Vương ở Quan Trung.

1. Đối sách Hán Trung

Trước tiên Hàn Tín vạch rõ cho Lưu Bang thấy rằng muốn đông tiến tranh thiên hạ, thì đối thủ lớn nhất là Hạng Vũ. Hàn Tín cũng hỏi Lưu Bang khi so sánh bản thân với Hạng Vũ về các phương diện như: lòng dũng cảm, sức mạnh, lòng nhân hậu và binh lực, thì thấy ai mạnh ai yếu. Lưu Bang trầm lặng hồi lâu rồi nói: “Ta đều không bằng Hạng Vũ.” Như vậy, dù là xét về lòng nhân hậu, Lưu Bang cũng không được như Hạng Vũ.

Hàn Tín rời chỗ, bái Lưu Bang hai lạy rồi nói: “Chúc mừng đại Vương. Biết người biết ta mới có thể bách chiến bách thắng. Thần cũng cho là đại Vương so ra còn kém Hạng Vương. Tuy nhiên, mọi sự đều thay đổi, có lên có xuống. Hạng Vũ nay tuy lớn mạnh, nhưng đại Vương nhất định có thể đánh bại ông ta.”

Tiếp đó Hàn Tín phân tích nhược điểm trong tính cách của Hạng Vũ, nói rằng Hạng Vũ tuy vũ dũng hơn người, tiếng thét có thể dọa lui thiên binh vạn mã, nhưng lại không biết dùng người hiền tài, chẳng qua chỉ là cái dũng của kẻ thất phu mà thôi. Mặc dù thường ngày cung kính và nhân từ đối đãi mọi người, khi thuộc hạ bị bệnh đều hỏi han ân cần, nhưng hễ khi đến việc có tính thực chất là phong tước thăng quan, thì ngay cả khi đại ấn đã khắc xong rồi ông ta vẫn cứ mân mê đến mòn cả góc mà vẫn không nỡ trao cho người khác, đúng là lòng dạ đàn bà.

Bên cạnh đó, sau khi trở thành Bá Vương, Hạng Vũ cũng đã làm nhiều việc có phần không thỏa đáng. Đầu tiên, đó là dù đã xưng bá thiên hạ nhưng lại rời bỏ Quan Trung, dựng đô ở Bành Thành làm mất đi địa lợi. Thứ hai, làm trái giao ước với Nghĩa đế, phân phong không công bằng. Vùng đất trù phú thì phân chia cho thân tín của mình chứ không phải là người có công lớn nhất, khiến chư hầu căm phẫn bất bình, mất đi cái lợi nhân hòa. Thứ ba, Hạng Vũ kiên quyết đưa Nghĩa đế đến vùng đất Giang Nam, các chư hầu thấy vậy đều bắt chước theo mà xua đuổi các quốc quân nơi mình cai quản, tự lập phe cánh, khiến thiên hạ đại loạn, mất đi lợi thế về thiên thời. Thứ tư, Hạng Vũ đi tới đâu phá tàn diệt tận tới đó, mất đi lòng dân.

Theo phân tích của Hàn Tín, Hạng Vương trên danh nghĩa là bá chủ, nhưng trên thực tế lại mất đi lòng dân thiên hạ. (Ảnh: Trong chương trình lịch sử “Đàm Tiếu Phong vân” của Tân Đường Nhân)

Theo phân tích của Hàn Tín, Hạng Vương trên danh nghĩa là bá chủ thiên hạ, nhưng trên thực tế lại không được lòng dân. Nếu Lưu Bang có thể làm ngược lại, trọng dụng những người anh dũng thiện chiến, kỷ luật nghiêm minh quân đội, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, thuận theo tâm nguyện trở về miền đông của các tướng sĩ, thì nhất định có thể thắng được Sở Bá Vương.

Chướng ngại đầu tiên của quân Hán khi trở về Quan Trung là ba người: Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế. Hàn Tín cho rằng ba người này không khó đối phó, bởi họ vốn là tướng nước Tần, chinh chiến nhiều năm, binh sĩ dưới trướng đều theo họ vào sinh ra tử. Nhưng sau khi quân Tần đầu hàng quân Sở, Hạng Vương đã chôn sống 20 vạn quân Tần đã quy hàng, chỉ có Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế giữ được mạng sống. Do đó dân Tần đều căm hận thấu xương ba người này, họ tuy làm Vương ở Quan Trung, nhưng lòng dân nơi đây lại không phục.

Về phần Lưu Bang, sau khi tiến vào Võ Quan, đã làm theo kiến nghị của Tiêu Hà, chỉ đặt ra ước pháp tam chương với dân chúng mà không quấy nhiễu gì thêm, nên người dân có lòng mang ơn. Bởi vậy khi Lưu Bang không thể trở thành Vương của Quan Trung, họ đều cảm thấy bất bình. Nếu Lưu Bang muốn phát binh Đông tiến, thì chỉ cần viết một bức thư liền có thể bình định Tam Tần.

Tấu chương “đối sách Hán Trung” lần này của Hàn Tín không chỉ trù tính một kế sách lâu dài đối đầu với Hạng Vũ, mà còn chỉ ra chiến lược giành lấy Quan Trung trước mắt hết sức rõ ràng, kiến giải độc đáo. Quan điểm của Hàn Tín vượt qua sự mạnh yếu của quân sự, chỉ ra mối liên hệ giữa thắng thua trong chiến trận với sự được mất lòng dân, phân tích điểm mạnh yếu của hai bên, nhìn thấy được sự thay đổi trong tương lai cũng như thời cơ và điều kiện dẫn đến sự thay đổi đó. Tất cả cho thấy sự hiểu biết sâu rộng phi phàm của Hàn Tín. Không ít hậu nhân đã xem “đối sách Hán Trung” của Hàn Tín ngang hàng với “đối sách Long Trung” của Gia Cát Lượng và đều hết sức tôn sùng.

Lưu Bang đồng ý với sách lược của Hàn Tín, và mục tiêu đầu tiên là đánh vào Quan Trung, chiếm lấy Tam Tần.

2. Bình định Tam Tần

Giống như Hàn Tín phân tích, sau khi Hạng Vũ phân phong chư hầu, mâu thuẫn giữa các thế lực và phe cánh trong thiên hạ bắt đầu bộc lộ rõ ràng. Người nổi loạn đầu tiên là Điền Vinh nước Tề. Điền Vinh là một thủ lĩnh của quý tộc đất Tề. Thời Hạng Lương còn nắm quyền, Điền Vinh đã vài lần phụ Hạng Lương, nên khi Hạng Vũ phân phong chư hầu đã không phong cho ông ta. Điền Vinh vì vậy vô cùng bất mãn, liền đuổi Tề Vương do Hạng Vũ sắc phong và tự lập mình làm Tề Vương, đồng thời trợ sức cho Bành Việt, một viên tướng của nước Lương, tiến đánh Định Đào thuộc lãnh địa của Hạng Vũ.

Mặt khác, Trần Dư thấy Trương Nhĩ được sắc phong là Thường Sơn Vương và Triệu Yết làm Đại Vương, còn bản thân lại không được chức tước gì cũng hết sức bất mãn, bèn liên kết với Điền Vinh đối phó Trương Nhĩ và Hạng Vũ. Trương Nhĩ binh bại tìm đến cậy nhờ Lưu Bang. Trần Dư đón Triệu Yết từ nước Đại về lập làm Triệu Vương, còn bản thân làm Đại Vương.

Cùng lúc đó, Liêu Đông Vương Hàn Quảng cũng không thỏa ý, muốn chiếm lãnh địa của Yên Vương, nhưng cuối cùng lại bị Yên Vương tiêu diệt. Vùng đất Trung Nguyên triền miên chìm trong khói lửa chiến tranh, khiến vị trí bá chủ của Hạng Vũ bị lung lay. Hạng Vũ cho rằng Điền Vinh là chủ mưu, nên đích thân dẫn binh chinh phạt.

Hàn Tín thấy thời cơ đã đến, và vào tháng tám Hán Cao Tổ năm thứ nhất, ông đã dẫn quân đông chinh và phát khởi chiến dịch bình định Tam Tần.

Quan Trung và Hán Trung ngăn cách nhau bởi rặng núi Tần Lĩnh với thế núi cao và hiểm trở, giữa hai vùng đất này chỉ có mấy con đường men theo vách núi được hình thành bằng cách đục lỗ bắc cầu, được gọi là cách đạo, hay sạn đạo. Mỗi con đường dài hàng mấy trăm dặm, vô cùng hiểm trở, chật hẹp, hành quân bất tiện, việc vận tải lại càng khó khăn hơn.

Trong số các sạn đạo, đường qua núi Bao Tà và Trần Thương là hai sạn đạo quan trọng nhất. Sau khi Lưu Bang vào Hán Trung đã cho thiêu rụi đường Bao Tà, vốn là sạn đạo dài hơn 600 dặm, muốn tu sửa cũng không phải là chuyện một sớm một chiều. Bởi vậy chỉ còn sạn đạo Trần Thương là có thể sử dụng được. Nhưng đầu đường này lại có có lực lượng hùng hậu của Chương Hàm trấn giữ, muốn phá vòng vây cũng không phải là việc dễ dàng.

Nhưng những điều này đều không làm khó được Hàn Tín. Ông cử Phàn Khoái, Chu Bột dẫn quân khuếch trương thanh thế tu sửa sạn đạo Bao Tà, làm ra vẻ như quân Hán đang muốn xuất bình từ nơi đây. Chương Hàm sau khi nhận tin lập tức phái thêm binh hùng tướng mạnh phòng ngự tại đầu đường Bao Tà. Nơi đây “một người gác cổng, vạn người khó qua,” do đó, chỉ cần chiếm đóng cửa quan này thì Chương Hàm có thể kê cao gối, không cần lo lắng gì nữa.

Thấy Chương Hàm trúng kế, Hàn Tín liền điều binh khiển tướng đi về phía Tây, ra khỏi huyện Miễn, sau đó chuyển hướng lên phía Bắc, theo con đường cố đạo (đường cũ) tiến quân vào Trần Thương. Cố đạo này còn được gọi là Trần Thương đạo. Thời điểm đó, Trần Thương là nơi tích trữ quân lương, là một cứ địa quân sự trọng yếu. Quân Hán tiến vào Trần Thương trước, chẳng khác nào đi vòng qua phía sau quân đội của ba vị Tần Vương. Đại bộ phận binh lực của Chương Hàm đều đã được điều đến Hàm Dương, nên ở Trần Thương gần như không có quân lính, do đó quân Hán dễ dàng lấy được Trần Thương mà không tốn chút sức lực.

Chương Hàm hay tin, vội vàng dẫn quân đến Trần Thương giao chiến với Hàn Tín. Quân Hán với cơn giận dồn nén đã lâu, lại thêm trận mở màn chiến thắng, đương nhiên sĩ khí ngút trời, tựa như mãnh hổ xuống núi. Chương Hàm gấp gáp ứng chiến, lòng quân bất ổn. Trong lúc hai quân giao chiến, Phàn Khoái, Chu Bột cũng dẫn quân đến hợp lực cùng Hàn Tín, ba mặt giáp công. Chương Hàm bại trận tự sát. Tư Mã Hân và Đổng Ế cũng lần lượt đầu hàng. Không ngờ việc bình định Tam Tần chỉ mất vỏn vẹn bốn tháng. Từ đó Quan Trung đã trở thành căn cứ địa để Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ.

Lịch sử gọi chiến lược dẫn quân Hán từ Hán Trung tiến vào Quan Trung của Hàn Tín là: “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” (Vờ sửa sạn đạo, ngầm vượt Trần Thương), đây chính là điểm sáng đầu tiên trong nghiệp cầm quân của Hàn Tín. Ngày nay, câu thành ngữ này thường được dùng để chỉ mưu kế nhằm đánh lạc hướng đối phương. Chiến thuật “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” mà Hàn Tín sáng tạo ra đã luôn được các nhà nhà cầm quân đời sau vô cùng coi trọng, và được đưa vào trong “Tam thập lục kế” của nhà binh.

Quân Hán bình định Tam Tần là một việc chấn động nhưng Hạng Vũ lại nhất thời không để tâm đến. Mưu sĩ dưới trướng ông đều cho rằng Lưu Bang mới chính là kẻ địch mạnh nhất. Đặc biệt là á phụ Phạm Tăng, liên tục khuyên Hạng Vũ phát binh tiến đánh Hán Vương. Vào lúc Hạng Vũ còn chần chừ chưa quyết, Trương Lương chớp thời cơ đưa mật thư đến, nói rằng Lưu Bang chẳng qua chỉ muốn làm Quan Trung Vương mà thôi. Lưu Bang vẫn sẽ mãi mãi phục tùng Hạng Vũ, và còn đính kèm theo một lá “thư phản hồi” về việc Điền Vinh, Bành Việt liên minh chống Sở muốn tranh thiên hạ.

Hạng Vũ xem thư xong tưởng thật, bèn đích thân thống lĩnh đại quân bắc tiến. Trước đánh tan Bành Việt, sau quét sạch Điền Vinh ở Thành Dương, một lần nữa sắc lập Điền Giả làm Tề Vương. Sau khi Hạng Vũ rời đi, em trai Điền Vinh là Điền Hoành đã đuổi Điền Giả đi. Hạng Vũ căm giận tức tốc dẫn quân trở lại để giết Điền Hoành. Nhưng Điền Hoàng không giao chiến trực diện với Hạng Vũ mà đánh du kích, khiến Hạng Vũ tiến đánh thì khó thắng, mà lui binh lại không đành, hoàn toàn sa lầy trong cuộc chiến với nước Tề.

Lưu Bang thừa cơ củng cố và mở rộng cơ nghiệp Quan Trung của mình. Văn thần võ tướng đều đua nhau kéo đến quy thuận. Kinh đô của Hán Vương cũng dời từ Nam Trịnh có địa thế cô lập đến Nhạc Dương, với phía đông thông với Tam Tấn (Ba nước Triệu, Ngụy, Hàn). Lưu Bang đã lần lượt thu phục được Hà Nam Vương Thân Dương, Tây Ngụy Vương Ngụy Báo, và Ân Vương Tư Mã Bình, lại dùng kế khiến cháu của Hàn Tương Vương là Hàn Vương Tín làm phản, phế Hàn Vương Trịnh Xương. Sau khi Trương Nhĩ bị Trần Dư đánh bại đã quy hàng Lưu Bang, Trần Bình vốn dưới trướng Hạng Vũ nay cũng đến nương nhờ Lưu Bang.

Hàn Tín bí mật dẫn quân “ám độ Trần Thương”. (Ảnh: Epoch Times)

3. Cứu thua Lưu Bang ở Huỳnh Dương

Giờ đây lãnh địa của Lưu Bang đã được mở rộng gấp mấy lần, quân đội cũng từ ba vạn tăng lên mấy chục vạn. Lưu Bang cảm thấy tự mình có thể đối đầu với Hạng Vũ mà không cần Hàn Tín, đồng thời cũng lo sợ Hàn Tín danh vọng cao quá thì bất lợi cho mình. Hơn nữa lúc này Trương Lương cũng đã trở về bên cạnh, Lưu Bang bèn hạ quyết tâm giải trừ binh quyền của Hàn Tín. Vào đêm trước khi phát động tiến công đánh thẳng vào Hạng Vũ, Lưu Bang đã điều chỉnh lại quân đội, thản nhiên bãi bỏ chức vụ đại tướng quân của Hàn Tín, để Tiêu Hà và Hàn Tín ở lại đóng giữ Quan Trung, tiêu diệt tàn quân của nước Ung và làm quân hậu viện, còn Lưu Bang đích thân làm thống soái dẫn theo Trương Lương, Trần Bình đông tiến.

Trương Lương tự Tử Phòng, và Hàn Tín, Tiêu Hà được xưng là “Hán sơ tam kiệt” (ba anh tài kiệt xuất của thời đầu nhà Hán), ông nội và cha của ông đều là thừa tướng của nước Hàn. Sau khi Tần Thủy Hoàng diệt Hàn, Trương Lương lập mưu ám sát Tần Thủy Hoàng ở bãi cát Bác Lãng nhưng không thành, nên phải đổi tên và trốn đến Hạ Bi. Ở đây, Trương Lương gặp Hoàng Thạch Công, người thần bí này đã dạy cho ông “Thái Công binh pháp.” Từ đó, Trương Lương trở thành một mưu lược gia. Về mưu lược, Trương Lương tuy có chỗ hơn người nhưng không thể một mình đảm đương toàn diện quân cơ giống như Hàn Tín. Lúc này Lưu Bang căn bản không chút lo lắng rằng Trương Lương có uy hiếp gì đến mình, nên vẫn luôn dựa vào Trương Lương.

Tháng ba Hán Cao Tổ năm thứ hai (năm 205 TCN), Lưu Bang dẫn đại quân đến Lạc Dương. Theo kế sách của Trương Lương, Lưu Bang đích thân phát tang cho Nghĩa Đế, người bị Hạng Vũ giết hại, lệnh cho toàn quân mặc áo tang và để tang ba ngày, đồng thời phái sứ giả đi tới các lộ chư hầu, truyền lệnh chinh phạt Hạng Vũ để báo thù cho Nghĩa Đế. Lưu Bang lợi dụng điều này thu phục lòng dân, và làm lý do để có thể quang minh chính đại xuất quân.

Dưới ngọn cờ báo thù cho Nghĩa Đế, chỉ trong vòng một tháng, Lưu Bang đã tập hợp được 56 vạn đại quân, khí thế cuồn cuộn tiến về kinh đô Bành Thành của nước Sở. Lúc này, đại quân chủ lực của Hạng Vũ và bản thân Hạng Vũ đều đang sa lầy trên chiến trường trong cuộc chiến với nước Tề, hậu phương bỏ không. Lưu Bang một đường thẳng tiến, suốt hai nghìn dặm hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại nào, dễ dàng đánh chiếm Bành Thành.

Thắng lợi khiến Lưu Bang mê mờ đầu óc, tưởng rằng chiếm được Bành Thành chính là đã có được thiên hạ, căn bản không chút đề phòng Hạng Vũ vẫn còn nguyên thực lực, đã vội đắm chìm trong tửu sắc, không triển khai bố trí những công việc cần thiết.

Hạng Vũ trước nay vốn không để mắt tới Lưu Bang, mãi đến khi Bành Thành bị quân Hán đánh hạ, mới nhớ lại lúc ở Hồng Môn Yến, vì quá nhân từ mà không nỡ xuống tay với Lưu Bang. Vậy mà giờ đây, Lưu Bang lại dám ngông cuồng vào trong cung của mình tầm hoan tác lạc. Hạng Vũ phẫn nộ, chọn ra ba vạn tinh binh tức tốc hành quân về phía nam, số binh sĩ còn lại tiếp tục chiến đấu với Điền Hoành.

Chỉ trong một đêm quân của Hạng Vũ đã tiến đến huyện Tiêu, đánh tan cánh quân bên trái của quân Hán, đến giữa trưa chiếm lại được Bành Thành. Quân Hán bị đánh tan tác rút lui đến bên bờ sông Cốc, sông Tứ, và bị quân Sở truy diệt, hơn 10 vạn đại quân chen nhau rơi xuống nước mà chết. Tàn binh còn lại bỏ chạy về phía phía nam, khi đến bên bờ sông Tuy thì không còn đường tiến, phía sau lại có binh lính đuổi theo, hơn 10 vạn đại quân đã bỏ mạng dưới nước. “Sử Ký–Hạng Vũ bản kỷ” có ghi: “Nước sông Tuy vì thế mà ngừng chảy.”

Không đến một ngày, 56 vạn đại quân của Lưu Bang đã bị ba vạn quân tinh nhuệ của Hạng Vũ đánh cho tơi tả, bản thân Lưu Bang cũng bị quân Sở bao vây trùng trùng. Trong lúc nguy cấp, bỗng một trận gió lớn nổi lên, cuốn đất đá bay mù mịt, trời đất tối sầm, cây cối đổ gãy, mái nhà hất tung, quân Sở nhất thời lúng túng không biết ứng phó thế nào. Lưu Bang thừa cơ phá vòng vây tháo chạy, chỉ có mười mấy kỵ binh cùng thoát ra được. Lưu Bang và người nhà thất lạc, phụ thân Thái Công cùng vợ là Lã Trĩ bị quân Sở bắt làm con tin. Trên đường chạy thoát thân Lưu Bang đã gặp hai con của mình, chính là Hiếu Huệ Đế Lưu Doanh và Lỗ Nguyên công chúa sau này. Vì để bản thân có thể gọn lẹ thoát nạn, ông ta đã mấy lần xô hai con của mình xuống xe ngựa, may nhờ Hạ Hầu Anh mấy lần kéo hai đứa trẻ này lên xe, nhờ vậy mà Lưu Doanh và Lỗ Nguyên mới giữ được tính mạng.

Như vậy trong một trận đánh, Lưu Bang đã gần như mất sạch cơ nghiệp có được kể từ sau khi bình định Tam Tần, 56 vạn đại quân chỉ giờ còn lại không đáng là bao. Quân Hán từ Bành Thành rút về Huỳnh Dương, các lộ chư hầu trước đây đầu hàng Lưu Bang, nay thấy quân Sở thắng lớn liền ngả về phía Hạng Vũ. Hình thế đột ngột chuyển ngoặt, phần lớn đất đai phía đông của Huỳnh Dương đã bị quân Sở chiếm lĩnh. Nếu như Hạng Vũ khởi binh tiến công, Lưu Bang thật không còn bất cứ bình phong nào để có thể nương tựa. Điền Hoành, Trần Dư thoạt tiên tưởng rằng có thể cầm chân Hạng Vũ, nay đều giảng hòa với Hạng Vũ. Hạng Vũ bắt đầu chĩa mũi nhọn về phía Lưu Bang. Lưu Bang không khỏi khiếp sợ, bất đắc dĩ đành phải một lần nữa tìm đến Hàn Tín.

Trước tính thế nguy nan, Hàn Tín vâng mệnh lập tức điều binh phản công quân Sở, rất nhanh chiếm lại được phần lớn lãnh thổ phía đông Huỳnh Dương. Mặt trận nhanh chóng được đẩy mạnh từ Huỳnh Dương về phía đông, một mạch đến chỗ phân chia giữa Huỳnh Dương và Bành Thành. Quân Hán đã xây dựng được hệ thống phòng ngự vững chắc ở những nơi này, khiến trong Hán-Sở tương tranh, quân Hán chuyển từ tình thế hết sức yếu thế sang trạng thái hai bên đối đầu ngang hàng.

Nếu không có Hàn Tín ngăn cơn sóng giữ xoay chuyển cục diện, kết cục của quân Hán quả thật khó tưởng tượng nổi. Thành quả chiến đấu của Hàn Tín khiến sĩ khí quân Hán một lần nữa phấn chấn trở lại, đồng thời, khiến cho các lộ chư hầu khác không dám manh động. Lưu Bang chuyển nguy thành an và một lần nữa có cơ hội cùng Hạng Vũ tranh hùng.

(Đón xem Phần 5: Hàn Tín – Trận chiến Bối Thủy)

Bản gốc: https://www.epochtimes.com/gb/16/4/12/n7547714.htm

Tổ nghiên cứu Nhân vật thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm



Ngày đăng: 08-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.