Quên đi viên mãn



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[ChanhKien.org]

Tôi đã từng xem một câu chuyện tu Đạo, đại ý như thế này:

Có một người tu Đạo tên là Khả Huyền tu hành tại một đạo quán trên núi, mỗi ngày ông đều xuống núi giúp người qua đường khiêng vác đồ đạc sang bên kia núi, đường núi gồ ghề hiểm trở, mỗi lần như vậy đều rất vất vả. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thoáng chốc đã 20 năm trôi qua. Một ngày kia Khả Huyền nghĩ: “Mình tu hành đã 20 năm rồi, nên viên mãn rồi chăng?” Ông vừa nghĩ vừa đi xuống núi thì gặp một ông lão đang gánh đồ đạc qua núi. Khả Huyền bước đến, đón lấy gánh đồ đạc của ông lão cõng trên vai. Ông lão vừa đi vừa hỏi: “Anh tên gì?” “Tôi tên Khả Huyền”. Đi được vài bước ông lại hỏi: “Anh tên là gì thế?” “Tôi tên Khả Huyền”. Ông lão bước được mấy bước lại hỏi lần nữa, khi này, Khả Huyền Đạo nhân đã đi đến lưng chừng núi, cảm thấy gánh hành lý càng ngày càng nặng, mồ hôi ướt đẫm cả mặt, hơi thở hổn hển. Khi ấy ông lão vẫn liên tục hỏi: “Anh tên là gì vậy?” Lúc này Khả Huyền Đạo nhân đã mệt đến mức hoa mắt, bước đi khó nhọc, còn ông lão vẫn luôn miệng hỏi như cũ, Đạo nhân hét lớn: “Khả Huyền Khả Huyền Khả Huyền! Ông đã nghe rõ chưa? Tôi tên là Khả Huyền!”

Ông lão thấy Khả Huyền đã nổi giận bèn nói: “À, cậu tên là Khả Huyền? Tai ta bị lãng, lần này mới nghe rõ”. Đột nhiên, Khả Huyền Đạo nhân cảm thấy gánh hành lý trên vai nhẹ hơn, vừa quay đầu lại thì đã không còn thấy ông lão cùng gánh hành lý trên vai nữa. Khi này có một mảnh giấy từ trên đầu ông bay xuống, trên đó có bốn câu thơ:

Khả Huyền Khả Huyền chân khả liên,

Nhất tâm tu Đạo tưởng viên mãn;

Túng nhiên cật tẫn thế gian khổ,

Thử tâm bất khứ nan thành tiên.

Tạm dịch:

Khả Huyền Khả Huyền thật đáng thương,

Một lòng tu Đạo muốn viên mãn;

Dù rằng chịu hết khổ thế gian,

Tâm ấy không bỏ khó thành tiên.

Khả Huyền cảm thấy rất hối hận: lần này gặp được Thần Tiên, nhưng lại không qua được khảo nghiệm.

Qua chín năm nữa, trong lòng Khả Huyền nghĩ: “Cảnh giới của ta đã khác xa trước, cảm thấy rất thành thục rồi, nên chăng là viên mãn?” Ông nghĩ như vậy, lại đi từ trên núi xuống. Lúc này ông nhìn thấy một bà lão chống gậy đi lên núi, ông đón lấy cái túi của bà lão rồi tiếp tục đi lên phía trước. Lúc này bà lão hỏi: “Cháu tên là gì?” “Cháu tên Khả Huyền”. Trong lòng Khả Huyền vô cùng kinh ngạc: “Phải chăng ta gặp được Thần Tiên rồi? Lần này ta sẽ làm được tốt”. Thế nhưng bà lão chỉ hỏi qua vài lần rồi không hỏi nữa. Khả Huyền đang đi đang đi, thấy phía sau không có động tĩnh gì, quay đầu nhìn lại thì không thấy bà lão đâu nữa, lại nhìn cái túi trong tay, chỉ thấy một mảnh giấy, trên mảnh giấy có bốn câu thơ:

Khả Huyền Khả Huyền chân khả huyền (1),

Đa thiểu phó xuất vi viên mãn;

Túng nhiên cật tẫn thế thượng khổ,

Thử niệm bất khứ nan thành tiên.

Tạm dịch:

Khả Huyền Khả Huyền thật mơ hồ,

Bao nhiêu phó xuất vì viên mãn;

Dù rằng chịu hết khổ thế gian,

Tâm ấy không bỏ khó thành tiên.

Khi đọc thầm bốn câu thơ này, Khả Huyền hồi tưởng lại con đường mình đã đi qua, ông dường như ngộ ra hết thảy. Từ đó ông không nghĩ đến chuyện viên mãn nữa, mỗi ngày trừ việc đọc sách và đả toạ ra, thời gian còn lại ông đều xuống núi giúp người qua đường khiêng vác đồ đạc. Mỗi lần giúp người ông đều xem việc của họ như việc của mình, thành tâm phó xuất, không cầu bất kỳ báo đáp nào. Mỗi khi đưa người qua núi, trong lòng ông đều có cảm giác thanh thản thế này: ông thấy mình nên trở thành sinh mệnh như thế, nên nghĩ cho người khác, chứ không phải vì để viên mãn.

Qua hai năm nữa thì Khả Huyền viên tịch. Đồ đệ cùng đồ tôn (2) của Khả Huyền đã thay ông tiếp tục năm này qua năm khác đưa người qua núi. Nhưng những khách qua đường đều nói rằng: “Trong những người tu luyện trên núi này, chỉ có Khả Huyền mới là Thần Tiên thực sự”.

Khi nhớ lại câu chuyện của Khả Huyền, tôi cũng nhớ lại nhận thức của mình đối với viên mãn: Trước đây khi đọc những đoạn Pháp của Sư phụ về phương diện này như “thời gian không còn nhiều”, “sắp kết thúc rồi”, tôi chỉ lý giải được là cần “cứu nhiều người, hoặc là nhanh chóng đạt đến tiêu chuẩn viên mãn, không được để rớt lại phía sau”. Kỳ thực còn có một tầng nội hàm thâm sâu hơn mà tôi chưa ngộ đến, đó chính là “không được chấp trước vào thời gian và viên mãn”. Từ năm 2011 đến nay Sư phụ đã nhiều lần đề cập đến “thời gian không còn nhiều, sắp kết thúc rồi”, đặc biệt là trong kinh văn Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013, Sư phụ có giảng: “Thời gian thật sự là không nhiều quá đâu, nói kết thúc liền kết thúc, bước tiếp theo nói đến liền đến”. Thiển ngộ của tôi là: Pháp mà Sư phụ trong những năm đó giảng liên quan đến “thời gian không nhiều” chính là để chúng ta buông bỏ chấp trước vào thời gian và viên mãn, là để chúng ta quên đi viên mãn. Nếu như trong tâm chúng ta vẫn thường nghĩ đến “Khi nào thì kết thúc? Năm nay? Năm sau? Vài tháng nữa?”, như thế chẳng phải chúng ta cũng hệt như Khả Huyền sao?

Trên đây là một chút thiển ngộ, có gì không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Chú thích: (của người dịch)

(1) Chữ “khả huyền” (可悬) được dùng trong cách chơi chữ với tên gọi của Khả Huyền (可玄) cùng một âm đọc, ngụ ý rằng: ý niệm về tu luyện và viên mãn của Khả Huyền thực sự còn rất mông lung, huyền hoặc.

(2) Đồ đệ của đồ đệ thì gọi là “đồ tôn”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/120007



Ngày đăng: 15-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.