Nghệ thuật nhờ tín ngưỡng và đạo đức mà trở nên huy hoàng (2)



[ChanhKien.org]

Nghệ thuật truyền thống chủ trương thuần chân và thiện lương


Nghệ thuật ngoài chức năng bày tỏ lòng sùng kính, hướng về thế giới thiên quốc, thì nó còn có một chức năng quan trọng khác là khắc họa chân thực phong cảnh tự nhiên, cuộc sống sinh hoạt của con người, cùng với tinh thần tư tưởng chứa đựng phía sau đó. Nghệ thuật phương Tây thời Trung cổ và nghệ thuật Trung Quốc cổ đại đều trọng về tả ý, trong khi nghệ thuật phương Tây sau thời kỳ Phục hưng lại chú trọng hơn về thể hiện sự đẹp đẽ, chân thật và tinh tế của hình thức bề mặt. Trước cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai, dù ở phương Đông hay phương Tây thì tư tưởng chủ đạo của nghệ thuật truyền thống đều dùng ánh sáng làm chủ đạo để duy hộ giá trị quan đạo đức cũng như cái thiện trong nhân tính.

Hãy cùng chúng tôi quay ngược lại dòng thời gian lịch sử lâu dài, để xem xét khắp các nơi trên thế giới, chứng kiến vào thời điểm các vương triều thay đổi, những con người đạo đức bại hoại đã xa rời ý chỉ của Thần để rồi chuốc lấy diệt vong ra sao, những nghệ thuật gia với phẩm đức cao thượng đã ghi lại những bài học lịch sử trong tác phẩm của họ như thế nào, để những điều này lưu truyền qua nhiều thế hệ, soi sáng và cảnh báo cho thế hệ mai sau.

  • * *

“Nữ sử châm đồ”

Trước tiên chúng ta đến vùng đất Thần Châu. Vào triều đại Tây Tấn, Hoàng hậu Dương Diễm của Tấn Vũ Đế đã nhận hối lộ từ Giả Sung, hết sức tiến cử con gái của Giả Sung là Giả Nam Phong thành Thái tử phi. Tấn Vũ Đế ban đầu cũng không thích dung mạo xấu xí, tính tình ghen tuông của Giả Nam Phong, nhưng trước những lời cầu xin liên tục của Hoàng hậu, ông đã xiêu lòng chấp thuận. Sau khi trở thành Thái tử phi, Giả Nam Phong đã dùng những thủ đoạn lừa gạt để giúp Thái tử yếu đuối nhu nhược chiếm được sự sủng ái của Vũ Đế, thuận lợi đăng cơ thành Hoàng đế, sau đó chuyên quyền gây loạn triều đình, cuối cùng dẫn đến Loạn Bát vương khiến nhà Tây Tấn sụp đổ.

Sau khi triều đại Đông Tấn được thành lập, nhằm nhấn mạnh lại tầm quan trọng của đạo đức người phụ nữ, không để đất nước lặp lại những sai lầm tương tự, Trương Hoa đã viết bài văn “Nữ sử châm” (bài văn gồm 12 tiết để khuyên bảo nữ quan). Bài văn nhấn mạnh tầm quan trọng mười phần về đức hạnh của người phụ nữ đối với sự tồn vong của một quốc gia, với bậc Hoàng hậu càng phải biết tu dưỡng đạo đức thật cao, dùng sự hiền đức của mình mà tác động đến Quốc vương, để Quốc vương có thể sửa đổi hướng thiện, bình trị thiên hạ. Dựa trên bài văn này, họa sĩ nổi tiếng của triều đại Đông Tấn là Cố Khải Chi đã vẽ một bức tranh dài “Nữ sử châm đồ”. Bức tranh miêu tả 12 cảnh, gồm có: Phàn Cơ cảm Trang (1), Vệ Cơ gián Tề Hoàn Công (2), Phùng Tiệp Dư đáng hùng (3), Ban Tiệp Dư từ liễn (4) và các sự tích về hiền nữ nổi tiếng trong lịch sử. Thành tựu nghệ thuật của bức tranh này rất cao siêu, nét vẽ tinh tế, mạnh mẽ nối tiếp nhau, nhân vật trong tranh trang nhã, ăn mặc duyên dáng, cử chỉ nhẹ nhàng, phong thái xuất trần, bức tranh quả là quốc bảo truyền thế.

Người hiện đại thường có sự hiểu lầm rằng vào thời cổ đại phụ nữ không được xem trọng. Trên thực tế, xã hội truyền thống lại rất xem trọng người phụ nữ, Khổng Tử soạn ra Kinh Thi, bài thơ đầu tiên chính là Quan Thư (Người quân tử tưởng nhớ ái mộ thục nữ của mình, mong được thành hôn cùng nàng), nhấn mạnh tính trọng yếu rất lớn của người thê tử hiền đức đối với gia đình và quốc gia, vì lẽ đó mà người phụ nữ xứng đáng được yêu thương và trân trọng. Trong hoàng thất, Hoàng đế có các sử quan ghi chép lại lời nói và việc làm, có gián quan khuyên ngăn can gián, tránh cho Hoàng đế có ngôn hành thất đức. Hoàng hậu cũng có nữ sử chỉ dẫn khuyên can. Quốc gia từ trên xuống dưới đều coi trọng đạo đức và giáo hóa, cho dù là cửu ngũ chí tôn, mẫu nghi thiên hạ cũng không thể không tuân thủ quy phạm đạo đức. Trong bối cảnh như vậy, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được sáng tác nhằm duy trì đạo đức, khuyến khích mọi người làm việc tốt và tránh làm việc ác.

Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật có mục đích rõ ràng là giáo hóa đạo đức, còn có vô số tác phẩm khác ca ngợi đào nguyên tiên cảnh, cũng nhằm duy hộ sự thuần chân thuần thiện của thiên tính con người. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã sùng Đạo, Khổng Tử được tôn là Thánh nhân cũng là người nối bước của tổ sư Đạo gia Lão Tử. Kinh điển của Đạo gia được xưng là Đạo Đức Kinh, đề cao tư tưởng con người cần phải thuận ứng Thiên đạo, phải xem trọng đạo đức. Đạo gia khuyên con người phải phản bổn quy chân, cởi bỏ sự ràng buộc của danh lợi, quay về thiên tính ‘vô triêm vô nhiễm’ (không nhiễm bẩn). Người xưa tin rằng để làm được điều này, một cách dễ dàng hơn là ẩn cư tránh đời, tại nơi núi sâu tìm một chốn đào nguyên. Vậy nên thời Trung Quốc cổ đại đã sản sinh ra rất nhiều tranh sơn thủy, tranh ẩn sĩ. Những bức tranh sơn thủy này chứa đựng nội hàm văn hóa Đạo gia sâu sắc, phản ánh tình chí cao khiết, tấm lòng lỗi lạc của họa sĩ, khiến người xem quên đi trần tục, khơi dậy tâm thành kính đối với Thiên Địa tạo hóa, tỉnh ngộ nhận ra sự khiêm tốn nhỏ bé của chính mình.

Cái giá của sự phóng túng tình cảm

Tiếp theo chúng ta đến với thánh địa Jerusalem cách đây hơn 2000 năm. Đế chế Tân Babylon này đã từng rất huy hoàng. Sau khi đế quốc này được truyền đến đời vua Nebuchadnezzar, Babylon thôn tính nước Do Thái, cướp phá sạch sẽ thủ đô nước Do Thái và còn thôn tính luôn các nước láng giềng nhỏ là Moab, Ammon và Edom… Khi Nebuchadnezzar trở về Babylon mang theo vô số vàng bạc châu báu và hàng ngàn tù binh, ông ta bắt đầu sống xa hoa, ông ta đã đem những châu báu trang sức khảm lên mỗi một đồ vật trong cung điện, ông ta ném những chàng thanh niên trẻ tuổi bất khuất người Do Thái vào trong lò lửa, thậm chí ông ta bắt đầu tự xem bản thân mình sáng ngang với Thượng Đế.

Một ngày nọ, Thượng Đế cho ông ta một giấc mơ và cảnh báo ông ta phải kết thúc cuộc sống tội lỗi này, nếu không cải biến thì tương lai sự trừng phạt của Thượng Đế sẽ giáng xuống ông ta. Tuy nhiên, Nebuchadnezzar không quan tâm và vẫn sống một cuộc sống xa hoa đầy dục vọng. Một hôm, Nebuchadnezzar đang đi dạo trong cung điện, khi đang kiêu ngạo ngắm nhìn vương quốc của mình, ông ta đột nhiên phát cuồng, trốn khỏi cung điện và sống trong rừng như dã thú suốt bảy năm. Dù sau này Nebuchadnezzar bình phục trở lại nhưng bài học ấy cũng không khiến cho con cháu của ông ta cảnh giác, con trai của Nebuchadnezzar là Belshazzar sau khi lên ngôi, vẫn ăn chơi sa đọa, tha hồ hưởng lạc, không tu thiện tích đức. Vì vậy, Thần đã viết một dòng chữ trên tường, ý tứ là: “Thần tính số năm trị vì vương quốc của ngươi đã hết, và vương quốc của ngươi sẽ thuộc về người Medes và người Ba Tư”. Đêm đó, Belshazzar bị giết, người Medes đã công phá vương quốc Tân Babylon.

Bức tranh “Lễ hội của Belshazzar” của họa sĩ người Hà Lan, Rembrandt. (Hình ảnh từ internet)

Vào thế kỷ 17, Rembrandt, một họa sĩ tiêu biểu của trường phái nghệ thuật Baroque Hà Lan, ông nổi tiếng về vẽ những câu chuyện lịch sử và kinh thánh, đã vẽ ra cảnh tượng kinh ngạc này dựa trên những ghi chép trong sách Kinh thánh – Daniel: Người hầu gái của Belshazzar đang dùng đồ cướp được trong thánh điện để rót rượu góp vui, đó vốn là những đồ dùng bằng vàng bạc dâng lên Thượng Đế, nhưng Belshazzar chưa kịp thưởng thức thì trên tường đột nhiên xuất hiện bàn tay và dòng chữ bí ẩn, khiến Belshazzar vô cùng kinh hãi và khiếp sợ. Ngụ ý trong tranh là sự phóng túng hưởng thụ tình cảm dục vọng thường chỉ thoáng qua trong giây phút, phồn hoa qua đi, sự phán xét của Thần mới là kết cục sau cùng của sinh mệnh. Đến khi đó, biểu hiện của con người thế gian sẽ trở thành tiêu chuẩn đánh giá; người khiêm tốn, tự giác, thiện lương sẽ đắc phúc báo; kẻ kiêu căng, ngang ngược, phóng túng dục vọng, tàn bạo sẽ chịu ác báo.

  • *

Thomas Jefferson, một trong những Quốc phụ sáng lập nên nước Mỹ từng nói: “Thượng đế đại diện cho đạo đức lương thiện và đẹp đẽ nhất mà loài người có thể có được”. Cho dù là Cơ đốc giáo và Thiên chúa giáo ở phương Tây, hay Phật giáo và Đạo giáo ở phương Đông, đều khuyên bảo dẫn dắt thế nhân làm mọi việc phải tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức nhất định. Vì vậy, trước khi khoa học kỹ thuật và văn minh hiện đại thống trị xã hội, hầu hết mọi người đều tín ngưỡng Thần và thiên quốc, tin vào những chuẩn tắc hành vi mà Thần cấp cho con người, cho nên cả xã hội đều hướng thiện tu đức, lòng người có chuẩn mực đo lường thiện ác. Trong bối cảnh xã hội như vậy, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật cũng tập trung đánh thức mặt thiện lương, quang minh của con người, rất hiếm khi khắc họa những hình tượng âm ám, méo mó. Những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp này tỏa ra ánh sáng của nhân tính và Thần tính, có ảnh hưởng tích cực đối với thẩm mỹ quan và đạo đức quan của con người.

Các tác phẩm nghệ thuật do Đoàn Nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun) sáng tác nên cũng nhằm mục đích đánh thức thiện niệm của con người. Các tiêu chuẩn thẩm mỹ của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận luôn tuân theo nguyên lý “Thuần Chân – Thuần Thiện – Thuần Mỹ”, không có bất kỳ nội dung u ám hay tiêu cực nào. Để có thể làm được điều này chính là nhờ đức tin thành kính xuất phát từ nội tâm của những người nghệ sĩ. Các thành viên của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận đều tu luyện pháp môn thượng thừa của Phật gia – “Pháp Luân Đại Pháp”. “Pháp Luân Đại Pháp” yêu cầu tập luyện năm bài công pháp cải biến bản thể, đồng thời yêu cầu tâm tính đạt đến tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn”. Tâm thái của người tu luyện giúp cho diễn xuất của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận đạt đến tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Đây là một trong chín đặc điểm khác biệt của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận so với các đoàn biểu diễn khác.

Thực ra, nghệ thuật ngay từ lúc sinh ra đã không thể tách rời tín ngưỡng, trước khi tôn giáo ra đời, tín ngưỡng của con người đối với Thần đã cắm rễ sâu vào sinh mệnh, người người vì tín ngưỡng mà kính sợ, vì kính sợ mà nghe theo lời cảnh báo của Thần mà được phúc báo và vinh diệu. Khi người nghệ sĩ có phẩm chất đạo đức và tính tự giác cực cao, tác phẩm mà họ sáng tác ra cũng sẽ lan toả sức mạnh tinh thần quang minh thuần chính, có sức lay động lòng người.

(Đăng lại theo sự cho phép của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun), bản quyền thuộc về Đoàn Nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun))

Chú thích:

(1) Phàn Cơ là Phu Nhân của Sở Trang Vương. Sau khi lên ngôi, Sở Trang Vương thích săn bắn. Phàn Cơ nhiều lần can gián không được, bèn quyết không ăn thịt cầm thú. Từ đấy Sở Trang Vương sửa đổi, chuyên việc chính sự hơn. (Theo Liệt Nữ Truyện – Sở Trang Phàn Cơ)

(2) Vệ Cơ là con gái Vệ hầu, là Phu nhân của Tề Hoàn Công. Hoàn Công tính tình phong lưu, yêu thích âm nhạc của hai nước Trịnh, Vệ, thích mỹ nữ của hai nước Trịnh, Vệ, cho rằng phụ nữ của hai nước cũng giống với âm nhạc của họ, đều dùng để hưởng lạc. Để sửa đổi thành kiến của Tề Hoàn Công, Vệ Cơ kiên quyết tỏ ý không nghe âm nhạc của quê hương. Không lấy sắc đẹp và tài múa để lấy lòng Vua. Tề Hoàn Công cũng không trách phạt, ngược lại bị sự khác người của bà hấp dẫn. (Theo Liệt Nữ Truyện – Tề Hoàn Vệ Cơ)

(3) Phùng Chiêu Nghi khi còn là Tiệp dư của Hán Nguyên Đế, một lần Vua cùng hậu cung cơ thiếp xem đấu thú ở quảng trường lớn. Khi đang theo dõi trận đấu, đột nhiên một con gấu mất kiểm soát vồ lên khán đài nơi Nguyên Đế đang ngồi. Tất cả quan thần lẫn cơ thiếp đều nhất loạt chạy tứ tán bỏ mặc Nguyên Đế, duy chỉ có Phùng Tiệp dư xả thân mình lên chắn ngang giữa Nguyên Đế và con gấu. Con gấu sau đó bị giết bởi đội vệ binh. (Theo Liệt Nữ Truyện – Hán Phùng Chiêu Nghi)

(4) Ban Tiệp Dư là Tiệp Dư của Hán Hiếu Thành Hoàng đế. Bà là người hiền tài, khéo ăn nói. Mới đầu vào cung bà chỉ là Thiếu Sử, sau được phong lên làm Tiệp Dư. Mỗi lần đi ra ngoài, Hán Thành Đế định cho làm một chiếc xe rộng lớn để Ban Tiệp Dư có thể ngồi chung. Biết chuyện ấy, Ban Tiệp Dư lễ phép tâu với Vua, lời tâu của Ban Tiệp Dư rất có đạo lý nên Hán Thành Đế phải hủy bỏ ý định ấy. (Theo Liệt Nữ Truyện – Ban Tiệp Dư)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258760



Ngày đăng: 01-03-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.