Kết cục bi thảm của việc mù quáng thực thi
Tác giả: Lục Văn
[ChanhKien.org]
Con người sống quần tụ theo nhóm, ảnh hưởng lẫn nhau và có xu hướng chạy theo đám đông. Trên thực tế, khi con người từ bỏ tư duy, phán đoán, hay lựa chọn độc lập mà chạy theo số đông một cách mù quáng thì họ sẽ dần dần đánh mất tự ngã, mất lý trí, hại mình hại người, gây ra vô số điều ác.
Năm 1944, Hitler triển khai kế hoạch “Người sói”, đồng thời huấn luyện các thanh thiếu niên trở thành những gián điệp và phần tử phá hoại, xúi giục họ sử dụng thạch tín và chất nổ để tiến hành các hoạt động phá hoại phía sau mặt trận Đồng minh. Ngày 21 tháng 2 năm 1945, hai thiếu niên Franz và Herbert, vốn là những “người sói”, đã được thả xuống hậu phương của quân địch trên núi Eifel. Vì địa điểm được thả quá xa so với mục tiêu, họ đã bị các lực lượng tuần tra của quân đội Hoa Kỳ bắt giữ trước khi có thể bắt đầu hoạt động phá hoại.
Sau khi thẩm vấn, họ bị Tòa án Quân sự Quân đội số 9 Hoa Kỳ kết án tử hình vì tội gián điệp. Luật sư bào chữa của họ, một sĩ quan quân đội Mỹ, đã đệ đơn xin ân xá lên tòa án, giải thích rằng họ chỉ là trẻ vị thành niên. Vài tuần sau, họ được thông báo rằng đơn xin ân xá đã bị bác bỏ.
Trong bức thư tuyệt mệnh gửi cha mẹ, Franz viết, “Con làm điều này với mong muốn tha thiết được phục vụ nước Đức, Tổ quốc và nhân dân.” Ba mươi tư ngày sau khi họ bị hành quyết, Đệ tam Đế chế sụp đổ. Hitler, nhà lãnh đạo mà họ tôn thờ, đã tự sát trước đó.
Ngày 1 tháng 6 năm 1945, trong tiếng súng chói tai, họ lặng lẽ chết, máu chảy dọc theo thân thể chưa thành niên và từ từ thấm đẫm đất mẹ quê hương. Franz 16 tuổi và Herbert 17 tuổi. Theo thống kê, ở Đức, hơn một phần ba số người sinh từ năm 1921 đến năm 1925 đã chết trên chiến trường của Thế chiến thứ hai hoặc bên trong nước Đức.
Họ còn trẻ, giản đơn và thiếu hiểu biết. Họ đã bị mê hoặc bởi những lời dối trá, mù quáng tuân theo mệnh lệnh của Đức Quốc xã. Họ đã phản bội chính nghĩa, lừa dối đất nước, phản bội bản thân và hủy hoại chính cuộc đời mình.
Liệu một sự việc phi lý, đẫm máu và bi thảm như vậy chỉ có thể có ở Đức Quốc xã? Không, chừng nào còn độc tài, dối trá và chuyên chế, thì sẽ còn lừa dối, tẩy não, mù quáng thực thi, bắt bớ và giết chóc.
Kể từ khi cuộc bức hại phi pháp nhắm vào Pháp Luân Công năm 1999, những tuyên truyền vu khống, phỉ báng Phật pháp của ĐCSTQ đã lừa dối tất cả người dân Trung Quốc. Trung Cộng kích động lòng căm thù của người dân bằng cách tẩy não họ. Do vậy, một số người bị Trung Cộng lừa dối đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, điều này đã được xác nhận bởi các kênh thông tin riêng. Ngoài ra, một số lượng lớn các học viên đã bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức và bị kết án bất hợp pháp vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Trên hết, nhiều học viên đã bị đưa đến các bệnh viện tâm thần và bị bức hại đến tàn phế, phát điên. Một số lượng lớn nội tạng của các học viên đã bị cưỡng bức thu hoạch ngay cả khi họ vẫn còn sống, trong khi một số khác đã bị buộc phải ly tán tha hương, gia đình tan vỡ.
Lưu Thành Quân, một đệ tử Đại Pháp ở Trường Xuân, đã bị kết án phi pháp 19 năm tù. Trong suốt thời gian bị giam giữ tại nhà tù Cát Lâm, anh đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau và qua đời oan uổng vào ngày 26 tháng 12 năm 2003 tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật ở Trường Xuân. Di thể của Lưu Thành Quân thất khiếu đều chảy máu, đùi của anh cũng bị cắt chảy máu. Vào tháng 2 năm 2011, nhà tù Giai Mộc Tư đã tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt và cải tạo bạo lực đối với các học viên Pháp Luân Công. Chỉ trong 15 ngày, Tần Nguyệt Minh và hai học viên khác đã bị tra tấn đến chết. Tần Nguyệt Minh bị đưa vào tủ đông lạnh, thi thể đầy vết thương, môi thâm tím, mũi và miệng chảy máu, khuôn mặt đau đớn thống khổ tột cùng, phần gáy bên phải sưng phồng và tấy đỏ.
Những thảm kịch này được khởi xướng bởi Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân là thủ phạm và Trung Cộng là nguyên nhân sâu xa. Tuy nhiên, nếu như không ai tuân theo chính sách bức hại, không ai thi hành mệnh lệnh bức hại, không ai hung ác cùng cực tra tấn dã man, thì Giang Trạch Dân không thể tự tay giết hại hàng nghìn học viên. Vì sao một cuộc đàn áp tàn bạo như vậy vẫn tiếp tục diễn ra? Bởi vì một số người vẫn đang lựa gió bỏ buồm, đẩy sóng theo dòng, giậu đổ bìm leo. Bất cứ ai tham gia vào cuộc bức hại đều đang trợ Trụ vi ngược và đều phải chịu trách nhiệm. Một số người nói, “ĐCSTQ cung cấp cho tôi thức ăn, Đảng bảo sao, tôi làm vậy”. Tuy nhiên, một số người chỉ đơn giản là chạy theo xu hướng. Một số người cho rằng vai trò công việc của họ là theo dõi, nghe lén và bắt giữ. Họ tra tấn các học viên Pháp Luân Công một cách tàn nhẫn, vô lương tâm vì họ cho rằng đã được ĐCSTQ hậu thuẫn.
Do sự chấp hành mù quáng, những người này trở thành cây gậy cho ĐCSTQ đánh đập những người vô tội. Họ đánh mất lương tâm và không phân biệt được đúng sai, điều này đã làm trầm trọng thêm cuộc bức hại. Mặc dù ĐCSTQ vẫn nắm quyền và cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn, nhưng khi một cuộc xét xử chính nghĩa được diễn ra, những ai tham gia bức hại Pháp Luân Công sẽ phải đối mặt với hậu quả mà họ gây nên.
Mọi người đều phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Franz, mới 16 tuổi và Herbert, mới 17 tuổi đều phải chịu án tử hình, mặc dù họ đã bị phát xít Đức lừa dối. Bất cứ ai phản bội nhân tính, bán rẻ lương tri, vứt bỏ đạo nghĩa, âm mưu phá hoại đều là đang phạm tội. Con người nên sử dụng lý trí của mình để đưa ra một lựa chọn đúng đắn.
Khi chúng ta đang ở ngã rẽ của cuộc đời, điều quan trọng là phải đưa ra một lựa chọn đúng đắn. Nếu lựa chọn hướng thiện, chúng ta có thể đón nhận một tương lai tươi sáng. Trong thời kỳ hỗn loạn như hiện nay, nếu chúng ta mù quáng đi theo tà ác, vứt bỏ tự ngã, đánh mất phương hướng, chúng ta sẽ lạc lối và rơi vào địa ngục.
Câu chuyện bi thảm của Franz và Herbert đã nói lên một nguyên tắc: Thật khủng khiếp khi bị tẩy não bởi những lời dối trá. Quả báo của việc làm theo một cách mù quáng là sẽ phải tự mình gánh chịu hậu quả, sẽ không có bất kỳ sự miễn trừ nào.
Trong thế giới rộng lớn mênh mang này, chúng ta sẽ phiêu diêu như cánh bèo trong nước, hay mạnh mẽ như tùng bách hiên ngang giữa trời đất bao la. Chỉ khi chúng ta suy nghĩ bằng tư duy của bản thân, đánh giá bằng lý tính của bản thân, lựa chọn bằng trí tuệ của bản thân, chúng ta mới có thể trở nên cao quý và vĩ đại.
Dịch từ:
Ngày đăng: 14-02-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.