Trang phục biến dị mang đến điều gì cho nhân loại? [Bài viết nhân dịp 20 năm Chánh Kiến Net]



Tác giả: Cam Lộ

[ChanhKien.org]

Bức tranh “Nữ sĩ” có hình ảnh phụ nữ mặc trang phục nam giới được tìm thấy trong mộ của công chúa Vĩnh Thái trong Càn Lăng (khu lăng mộ triều Đường).

Thời kỳ Xuân Thu, vua nước Tề là Tề Linh Công thích nhìn phụ nữ mặc trang phục của nam. Ông lệnh cho tất cả phụ nữ trong cung cải trang thành nam giới để mua vui. Chẳng bao lâu sau tất cả phụ nữ nước Tề đều cải trang thành bộ dạng của nam giới, khiến cho phong tục của toàn xã hội dần dần bại hoại, phụ nữ trở nên mạnh mẽ cứng rắn, mất đi tính nết ôn hoà hiền thục vốn có, mâu thuẫn trong gia đình ngày càng gay gắt.

Sách Hán Thư viết rằng: “Phong tục cuồng mạn, biến tiết dịch độ, tắc vi phiếu khinh kỳ quái chi phục, cố hữu phục yêu” (phong tục cuồng loạn, làm thay đổi phép tắc, là vì xem nhẹ y phục kỳ quái, có mang tính ma mị. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, những người mặc trang phục kỳ dị, hoặc phục sức không phù hợp với thân phận, hoặc nữ giới ăn mặc như nam giới, nam giới ăn mặc như nữ giới, hay đeo trang sức quái dị, trang điểm theo phong cách quái gở được gọi chung là “phục yêu” (người mặc trang phục quái dị).

Chó đội mũ quan, đế vương mặc trang phục của người Hồ bị mất nước

Sách “Hậu Hán Thư” ghi chép rằng vào những năm Hy Bình triều vua Hán Linh Đế, người trong cung cho chó đội mũ để mua vui. Có một con chó đột nhiên chạy ra khỏi cung đến cổng phủ quan tư đồ, nhìn thấy sự việc ấy đều cảm thấy rất kỳ lạ. Học giả nhà Tây Hán là Kinh Phòng từng viết trong “Dịch truyện” rằng: “Nhà vua hành vi không đoan chính, đại thần sẽ muốn soán ngôi, điềm báo trước chính là chó đội mũ quan”. Sau đó Hán Linh Đế tin dùng gian thần và thân thích, còn cho phái ngự sử đến Tây Viên mua quan bán chức, ban các chức quan khác nhau dựa vào giá cả cao thấp khác nhau. Trong những người mua quan bán chức ấy thì kẻ mạnh tham lam tàn bạo, kẻ yếu thì sống vật vờ như cái xác không hồn, thực đúng là những con chó đội mũ quan. Thế nên đúng là chó chạy vào cửa quan.

Hán Linh Đế trong cung điện ở Tây Viên đã dùng xa giá do bốn con lừa trắng kéo để tiêu khiển. Thế là những công khanh đại thần, quý tộc hoàng thân cũng học theo đó, thậm chí còn đi bằng những chiếc xe kéo có mắc rèm che cho phụ nữ. Lừa vốn là loài súc vật được người dân vùng núi cưỡi để đi lại, giờ lại thành súc vật được quý tộc hoàng thất dùng để kéo xe, khi ấy có lúc giá mua lừa bằng với giá mua ngựa. Đây là điềm báo quốc gia sắp gặp đại nạn, người nắm giữ triều chính, hiền nhân và kẻ ngu sĩ lẫn lộn với nhau giống như một lũ lừa ngu ngốc.

Ảnh: Trang phục người Hồ

Hán Linh Đế thích mặc trang phục của người Hồ, dùng màn trướng kiểu người Hồ, ngủ trên giường kiểu người Hồ, ngồi theo cách của người Hồ, ăn thức ăn của người Hồ, nghe âm nhạc diễn tấu bởi đàn không và sáo của người Hồ, xem người Hồ khiêu vũ, thế nên cả kinh thành lẫn quý tộc và hoàng thân quốc thích đều ra sức học theo vua. Hán Linh Đế còn nhiều lần lệnh cho thái nữ (một chức nữ quan) cải trang thành chủ quán trọ, tự mình đóng vai thành thương nhân đến trọ, rồi cùng các thái nữ uống rượu đàn hát, đó chính là “phục yêu”.

Về sau Đổng Trác thống lĩnh đội quân người Hồ chiếm cứ kinh thành cướp bóc cung đình, đào bới cả lăng mộ của hoàng gia lên.

Nam giới mặc trang phục nữ giới là điềm không may

Cuối thời Tây Hán thiên hạ đại loạn, lúc bấy giờ Lưu Huyền xưng đế, lịch sử gọi là Hán Canh Thuỷ Đế. Vị hoàng đế này vô cùng tật đố với công trạng của hai anh em Lưu Diễn – Lưu Tú nên đã tìm một lý do để xử tử người anh trai là Lưu Diễn.

Khi Hán Canh Thuỷ Đế tiến về phía bắc đóng đô ở Lạc Dương, các thân sĩ và quan viên trong kinh thành đều tới nghênh tiếp ông. Những tướng sĩ của Hán Canh Thuỷ Đế đều đội khăn trùm đầu của dân thường và mặc trang phục thêu hoa ngắn tay của nữ giới. Trong đám đông đứng nghênh tiếp ấy có người xì xầm to nhỏ, có người che miệng cười thầm, có người sợ quá bỏ chạy, các nguyên lão trong triều thở dài nói rằng: đây là “phục yêu”, là điềm không may, có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ có tai họa giáng lên đầu Hán Canh Thuỷ Đế!

Khi em trai của Lưu Diễn là Lưu Tú dẫn theo quan viên thủ hạ đến Lạc Dương xử lý công vụ, đã mặc trang phục như của Hán quan trước kia mà vào thành, rất nhiều quan lại nhìn thấy đều xúc động nói: Không ngờ khi còn sống tôi còn được nhìn thấy sự uy nghi của Hán quan. Từ đó những trí giả trong kinh thành đều mong Lưu Tú trở thành vua của họ, phục hưng cơ nghiệp vững chãi của nhà Tây Hán.

Sau đó Lưu Tú thành lập quân đội riêng, chấm dứt cục diện rối ren cuối thời Tây Hán, lập ra nhà Đông Hán, kéo dài cơ nghiệp nhà Hán thêm 200 năm.

Dùng đồ trang sức tạp loạn, trang điểm như khóc chiêu mời hoạ

Những năm Kiến Ninh triều vua Hán Linh Đế, các nhà quyền quý ở kinh thành đều dùng những chiếc hộp vuông chế từ lau sậy để làm hộp đựng trang sức, sau đến cả bách tính phổ thông cũng vậy. Đương thời có người truyền nhau rằng: hộp vuông làm bằng lau sậy vốn được các quận dùng để trình báo các nghi án lên trên; giờ đây người ta lại dùng để đựng những đồ yêu thích, có nghĩa là người trong thiên hạ đều sẽ vì vi phạm pháp luật mà bị quan tư pháp quan luận tội. Đến năm Quang Hòa thứ ba tức năm Quý Sửu, triều đình ban bố lệnh đại xá thiên hạ, hễ là những vụ án chưa rõ đều phải thẩm tra xử lý lại, toàn bộ danh sách tên của những người này đều được đặt trong hộp vuông bằng lau sậy.

Những năm Nguyên Gia triều vua Hán Hoàn Đế, phụ nữ ở kinh thành thịnh hành trào lưu trang điểm khuôn mặt buồn với lông mày mỏng và cong; dưới hai mắt trang điểm một lớp phấn bạc trông như vệt nước mắt; búi tóc theo kiểu “đoạ mã kế”, là tóc búi kiểu lệch sang một bên đầu; khi đi thì eo lắc lư, dáng đi khom lưng như thể hai bàn chân không còn dính vào chi dưới (có chỗ giải thích là khi đi thì nghiêng bên này vẹo bên kia, hệt như hai chân không chịu nổi sức nặng của cơ thể); khi cười như bị đau răng, nụ cười không toát lên được sự vui vẻ. Kiểu trang điểm này bắt đầu từ thê tử của đại tướng quân Lương Ký, rồi thịnh hành ở kinh thành, sau đó các nơi thuộc Trung Nguyên cũng học theo. Trang điểm như vậy rất giống với “phục yêu”.

Ảnh: Kiểu trang điểm như khóc

Nhà Lương Ký hai đời liên tục được phong làm đại tướng quân, lại có quan hệ thông gia với hoàng thất, có thể nói là quyền uy khuynh đảo một thời. Nhưng kiểu trang điểm như khóc, ưu sầu của thê tử của Lương Ký như đang diễn cảnh bị tiểu lại sĩ tốt kéo mạnh đến gãy thắt lưng, nhăn mặt khóc lóc, búi tóc nghiêng lệch rối bời, tuy gượng cười vui nhưng khó giấu được nỗi sầu khổ trong tâm. Năm Diên Hi thứ hai quả nhiên toàn gia tộc họ Lương bị xử tử.

Sách “Âu Dương Tu tập – Biện tả thị” viết rằng: Quan sát dung mạo, tuy thánh nhân không biết được lòng người, nhưng cũng biết được hoạ phúc. Áo mũ không ngay chính nhìn sẽ không thể hiện được sự tôn quý, trên dưới xung quanh không tiết chế, bất quá chỉ là không hợp lễ, mà hoạ phúc trên trời cũng do ở con người vậy.

Trang sức và trang phục thể hiện rõ thân phận

Sách Tả thị truyện viết rằng, năm Mẫn Công thứ hai, Tấn Hiến Công phái thái tử Thân Sinh vào mùa đông dẫn quân xuất chinh, Tấn Hiến Công cho thái tử Thân Sinh mặc trang phục trái phải hai màu khác nhau, lại đeo thêm khối vàng.

Đại phu nước Tấn là Hồ Đột thấy vậy thở dài nói: “Thời gian, phục trang và phục sức khi thái tử xuất chinh đã nói rõ thân phận và kết quả thành bại của việc xuất chinh rồi. Đại vương muốn xa lánh thái tử rồi. Nếu đại vương tín nhiệm thái tử thì đã cho thái tử mặc quan phục màu sắc thuần chính, đeo ngọc bội trung thành một lòng, lệnh cho thái tử xuất chinh vào đầu năm. Đại vương dùng y phục và phục sức để xa lánh thái tử, xuất chinh vào mùa đông có lẽ việc sẽ không thành. Mùa đông không khí lạnh lẽo tiêu điều, thêm khối vàng nữa ý chỉ ly biệt trong giá rét, y phục màu sắc tạp loạn ý chỉ bạc bẽo. Thái tử đã không còn chỗ nương tựa rồi”.

Đại phu Lương Dư Tử Dưỡng nói: “Người lĩnh quân xuất trận sẽ đến thái miếu để nhận lệnh, ở miếu điện nhận thịt tế, lại còn có quy định về phục sức. Hiện giờ thái tử không được mặc lễ phục lại còn phải mặc trang phục màu sắc tạp loạn như vậy, ẩn ý trong mệnh lệnh này xem ra không cần hỏi cũng biết. Như vậy đã phải chết còn mang thêm tội bất hiếu, tốt hơn hết là thái tử nên bỏ trốn”.

Đại phu Hãn Di nói: “Trang phục màu sắc tạp loạn chứng tỏ sự bất thường, khối vàng biểu thị ý đi là không quay lại, đại vương có tâm muốn hãm hại thái tử rồi”.

Bốn năm sau thái tử Thân Sinh vì chịu lời vu cáo hãm hại mà phải tự sát. Câu chuyện này rất giống với truyền thuyết về “phục yêu”.

Không có tôn ti trật tự, tự hạ thấp thân phận

Thời vua Hán Chiêu Đế, Xương Ấp Vương Lưu Hạ thường cùng người đánh xe ngựa và người đầu bếp trông coi đồ ăn đi cưỡi ngựa, đi săn, đi du ngoạn bắn chim. Xương Ấp Vương Lưu Hạ còn phái các quan trung đại phu đến Trường An làm ra rất nhiều mũ trắc chú (một loại mũ quan) để ban thưởng cho các đại thần, nhưng ông cũng cho các đầy tớ đội loại mũ trắc chú này. Xưa nay mũ là loại phục sức mà người có địa vị rất cao mới được dùng, là để thể hiện thân phận tôn quý. Lưu Hạ chế ra loại mũ trắc chú này là đã xúc phạm những người có địa vị tôn quý, lại còn cho đầy tớ đội loại mũ này, điều này có nghĩa rằng những địa vị tôn quý sẽ bị giáng xuống hàng ti tiện.

Xương Ấp Vương Lưu Hạ còn nhìn thấy một con chó trắng lớn không đuôi đội chiếc mũ phương sơn (một loại mũ cho quan lại thời Hán), cảm thấy chuyện này thật kỳ lạ, ông bèn hỏi lang trung lệnh Cung Toại đó là chuyện gì. Cung Toại đáp: “Chó đội mũ quan là chỉ bên cạnh ngài còn có một số người không hiểu lễ nghĩa. Nếu ngài giữ họ bên cạnh có khả năng sẽ đánh mất vương vị, cự tuyệt họ thì vương vị có thể giữ được. Việc mà ngài nhìn thấy được xếp vào nhóm phục yêu, cũng gọi là khuyển họa (quan sát những hiện tượng dị thường của loài chó mà dự đoán tai hoạ đến với con người)”.

Sau khi Hán Chiêu Đế băng hà, Xương Ấp Vương Lưu Hạ kế vị nhưng chẳng bao lâu lại bị phế truất. Sau khi ông qua đời thì không có người nối dõi và cũng không có người kế thừa vương tước, quả là ứng nghiệm với điềm báo khuyển họa không đuôi.

Sách Dịch truyện viết rằng: hành vi loạn nghịch là cho nô bộc đội mũ; thiên hạ đại loạn, vua không có con trai, khi này các thiếp của vua phải chịu hình phạt nặng. Sách còn viết rằng: vua không theo chính Đạo thì sẽ bị đại thần soán vị, trong tình huống này xuất hiện sự việc quái dị, chính là chó đội mũ chạy vào sân triều đình.

Quân vương tình nguyện làm thứ dân

Vào những năm Vĩnh Thuỷ triều Tây Hán, Hán Thành Đế thích hoá trang thành bách tính thường dân rồi lặng lẽ ra khỏi thành đi du ngoạn. Ông thường mang theo môn khách và đầy tớ riêng và tuyển chọn một số tráng sĩ dũng mãnh đi theo. Nhóm người của Hán Thành Đế không đội mũ mà quấn một tấm vải quanh đầu, người đeo đao kiếm, tất cả đều mặc y phục màu trắng. Khi ít thì năm, sáu người, khi nhiều thì mười mấy người cưỡi ngựa, ngồi xe nhỏ, Hán Thành Đế cùng với người đánh ngựa ngồi trên đệm xe. Khi đi gần thì họ ra vào những con hẻm nhỏ trong nội thành, cũng có khi là những nơi hoang dã ở ngoại thành, khi đi xa thì đến những quận huyện bên ngoài thành Trường An.

Lưu Hướng, xa kỵ tướng quân và các đại thần đã nhiều lần can gián vua, nói rằng trong sách Dịch truyện có viết “đắc thần vô gia”. Đại ý là thiên tử xem thiên hạ là bề tôi, không có nhà cho riêng mình. Bây giờ bệ hạ lại vứt bỏ tôn hiệu và sự cao quý của thiên tử, thích danh xưng hạ tiện của thứ dân thất phu, tập hợp những kẻ to lớn lêu lổng bất nghĩa làm tư khách; chọn nơi dân gian làm tư điền, ở Bắc cung cho nuôi nô bộc và mã phu; rời xa cung thất chơi bời cùng những kẻ ti tiện làm vui, còn ngồi chung tạp loạn với bọn họ ăn uống ca hát, không có phân biệt vua – tôi. Bệ hạ đã biến hoàng cung thành cung điện để không vắng bóng chủ, công khanh bá quan trong triều không ai biết bệ hạ đang ở nơi nào. Ngày xưa khi Quắc Công làm chuyện lỗi đạo quân vương, có Thiên thần báo cho Quắc Công rằng sẽ bị giáng xuống làm thứ dân bách tính có ruộng đất. Nếu như chư hầu nằm mơ thấy được ban thưởng ruộng đất thì đó chính là điềm báo mất ngôi vong quốc. Người có thân phận thiên tử tôn quý mà lại tự mình đi tích trữ tư điền tài vật, tình nguyện làm những việc của bách tính phổ thông.

Văn hoá Trung Quốc là văn hoá bán Thần, hết thảy mọi hành vi sinh hoạt của con người là do Thần quy phạm. Vua, tôi và thứ dân ngày xưa đều có văn hoá về phục sức khác nhau, tức là vua, tôi và thứ dân đều có lề lối của mình. Bắt đầu từ triều đại đầu tiên của Trung Quốc là nhà Chu đã có chức quan “tư phục” chuyên trông coi việc mặc trang phục. Sách Chu Lễ – Xuân quan viết rằng: “Quan tư phục trông coi y phục hung cát cho các vương, gọi tên các đồ vật cũng như công dụng của chúng”, tức là căn cứ vào nội dung của nghi thức mà định ra phục sức thích hợp. Người xưa quan sát mặt trời, mặt trăng, các vì sao, núi, rồng, hoa lá côn trùng và các hình dạng… rồi chọn ra năm màu sắc để chế tác ra trang phục. Có thể thấy từ phục sức, áo mũ của người xưa đã thể hiện nguyện vọng tin tưởng và tuân theo thiên mệnh cũng sự kính trời tế đất của họ.

Người xưa cho rằng khi dung mạo và hành vi của con người không phù hợp với thân phận thì đã tính là không được cung kính, và có ý mạo phạm thiên thượng. Hơn nữa còn sẽ chiêu mời các loại tai hoạ. Nếu như vua của một nước mà ngôn hành cử chỉ, dáng vẻ biểu lộ sự thiếu cung kính, không có uy nghi, thì khi xử lý quốc sự sẽ có thái độ lãnh đạm ngang ngược, khinh miệt, từ đó dẫn đến thuỷ tai, cơm ăn áo mặc của bách tính không đủ sẽ phải chịu nhận hình phạt, phong khí của xã hội sẽ thành cuồng vọng khinh suất, hơn nữa còn phát sinh việc quyền thần dám phạm thượng; nếu như bá quan văn võ không sửa được dáng vẻ uy nghiêm, ngoại hình phong thái sẽ chịu tổn thương, sẽ sinh ra kê hoạ (quan sát những hiện tượng dị thường của loài gà mà dự đoán tai hoạ đến với con người). Phàm là ngoại hình bị tổn thương sẽ khiến Mộc khí (can khí) chịu tổn thương, cho nên mất đi tướng mạo uy nghi, từ đó dẫn đến khung cảnh u ám sắp mưa của mùa thu. Kỳ thực yêu quái, bệnh tật, điềm hung, tai nạn cũng tương đương với họa.

Lời kết

Ngày nay chúng ta thường nghe thấy người ta gọi những thú cưng như chó, mèo là “cục cưng, con cưng”, còn tự mình xưng là “ba”, “mẹ” của chúng mà không hề biết rằng đó là sự khinh nhờn và sỉ nhục đối với Thần linh, với sinh mệnh của chính mình và với tổ tông; đó là tình nguyện làm súc sinh, thậm chí cả tổ tông cũng lăng mạ. Chúng ta khi đi ngoài đường cũng thường nhìn thấy người khác mặc đồ ngủ, đầu bù tóc rối, hoặc mặc trang phục hoa hòe sặc sỡ; đàn ông mặc váy trên sàn diễn; đàn ông để tóc dài trông rất quái gở không rõ giới tính, bộ dạng õng ẹo, hoặc để những kiểu tóc quái dị; có người mặc quần bò xé để lộ ra những mảng rách hệt như trang phục của ăn mày; có người mặc quần áo, đeo ba lô, mang giày, đội mũ, đeo trang sức có hình đầu lâu; còn phái nữ lưu hành kiểu trang điểm như khóc, dưới mắt vẽ phấn mắt màu đỏ đỏ, hệt như vừa mới khóc xong một trận, mà kiểu trang điểm này lại thành trào lưu thời thượng. Người ta đã tự trang điểm cho mình thành bộ dạng giống ma giống quỷ. Những hiện tượng ấy đã nói rõ rằng chính khí quang minh mạnh mẽ trong tâm con người đang dần suy giảm, tà khí âm ám ma biến đang được khuếch trương lên, thẩm mỹ đã trở thành thẩm sửu (thẩm xú, xấu xí).

Con người sống ở thời đại này đã còn không biết hành vi và quan niệm của mình là rời xa Thần, không hiểu được cái đẹp chân chính là như thế nào, cũng không biết trang điểm như thế nào để bản thân có được hạnh phúc, sức khoẻ và may mắn. Kỳ thực đó là do văn hoá Đảng đã mang lại hành vi và quan niệm biến dị cho người Trung Quốc. Sau khi Trung Cộng cướp được chính quyền đã nhiều lần thực hiện các cuộc vận động nhằm phá hoại truyền thống 5000 năm của Trung Hoa, cuộc vận động Đại cách mạng văn hoá đã phá hoại các văn vật và di tích cổ, đàn áp những văn nhân và phần tử trí thức, cải biên lịch sử và sách giáo khoa của học sinh, khiến cho nền văn hoá Trung Quốc bị đứt đoạn, rồi dùng thuyết vô Thần và thuyết tiến hoá thay thế. Khi con người đánh mất tín ngưỡng vào Thần cũng chính là đã đánh mất tiêu chuẩn chân chính để phân biệt đẹp – xấu, tốt – xấu, thiện – ác.

Thế nên con người mới tự xếp mình ngang hàng cùng súc sinh, trang điểm như ma quỷ, nam nữ trở nên kỳ dị, âm dương đảo chiều. Thần đã không còn xem con người trong bộ dạng như thế là người nữa. Thế thì con người đã đến chỗ nguy hiểm cùng cực! Ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc có một khối đá tự nhiên được phát hiện từ 500 năm trước tên là “Tàng tự thạch”, trên đó có viết sáu chữ lớn “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong” (nghĩa là “Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong”). Đây là cơ hội mà Thần cấp cho những người lương thiện thoát khỏi nguy hiểm, tức là cần phải vạch rõ ranh giới với Trung Cộng, thoái xuất khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của Trung Cộng. Lựa chọn con đường mà Thần đã chỉ ra cho con người là tạo ra cho sinh mệnh chính mình một tương lai may mắn hạnh phúc. Xin hãy nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân Thiện Nhẫn hảo!”

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/270676



Ngày đăng: 23-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.