Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống (Phần 6)



Tác giả: Arnaud H

[ChanhKien.org]

Không chỉ nghệ thuật, mà lý thuyết bốn nguyên tố có liên quan đến nhiều lĩnh vực ở Hy Lạp cổ đại. Ví dụ, y học gia đương đại Philistion of Locri cùng thời với Plato đã áp dụng bốn đặc tính lạnh, nóng, khô và ướt mà ông rút ra từ bốn nguyên tố này vào y học, kết hợp với chủ trương của Alcmaeon vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, Alcmaeon (Alcmaeon of Croton) tin rằng “sức khỏe con người phụ thuộc vào sự cân bằng các yếu tố đối lập”, điều này giúp hoàn thiện hơn các lý luận y học phương Tây cổ đại.

Ngoài bốn nguyên tố, Hy Lạp cổ đại còn có một “Nguyên tố thứ năm” (Quinta Essentia hay Quintessence) nổi tiếng, được gọi là “Aether” (Aether hay Ether). Nó được người ta biết đến từ thuở sơ khai khi lý thuyết về bốn nguyên tố xuất hiện, nhưng vì người ta cho rằng Ether có kích thước siêu nhỏ, và có các tính chất khác với bốn nguyên tố trên nên nó không được đưa vào bốn nguyên tố. Chỉ đến thời Aristotle, nó mới được xếp vào loại nguyên tố thứ năm. Ở thời hiện đại, người ta từng cho rằng Ether là một loại sóng điện từ giả định nào đó, nhưng sau khi nghiên cứu, họ cho rằng không có bằng chứng quan sát nào chứng minh được sự tồn tại của loại chất này, nên về cơ bản nó đã bị giới khoa học loại bỏ.

Nhưng trên thực tế, từ “Ether” xuất phát từ vị Thần Hy Lạp nguyên thủy Aether, người đại diện cho không gian tối cao ở Thiên giới và không khí trong lành tươi sáng mà các vị Thần sống ở đó hít thở.

Cũng giống như gió là một hiện tượng tự nhiên ở phía bên này, và Thần Gió ở phía bên kia, một mặt của sự vật là một chất cụ thể, và mặt kia là một vị Thần. Do đó, khái niệm “Ether” có thể được hiểu là biểu hiện của vị Thần Aether ở trên cao. Đặc điểm của vật chất này là kỳ ảo, hư vô, nhẹ nhàng, vi diệu, tinh khiết, có nhiệt lượng. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng, nó là một nguyên tố cực kỳ vi quan tràn ngập khắp không gian vũ trụ. Theo trình tự thời gian về sự xuất hiện của nhiều danh từ khác nhau trong lịch sử triết học, nó được các thế hệ sau gọi là “nguyên tố thứ năm”. Tuy nhiên, vì khái niệm của nó cao hơn các nguyên tố tự nhiên thông thường như Nước, Lửa và Khí, nhiều học giả cũng coi nó là nguyên tố đầu tiên trong các nguyên tố cổ điển.

Cuộc tranh luận về sự tồn tại của Ether vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, nhưng hầu hết chúng hoàn toàn bó hẹp trong khuôn khổ của vật lý học hiện đại. Hạn chế này khiến người hiện đại thực sự khó hiểu khái niệm của nó trong văn hóa truyền thống. Trên thực tế, người xưa luôn coi trọng quan niệm về sự thống nhất giữa tinh thần và vật chất, cho rằng tư tưởng là vật chất nhẹ nhàng, trong sáng. Vì vậy, họ cũng tin rằng Ether tinh tế, thuần khiết và thanh tao cũng có một ý chí quy tắc nhất định, nó thiết lập và duy trì trật tự của vạn vật. Bởi vì, nó là biểu hiện của Thần trên cao, tuy là vật chất rất vi quan, nhưng nó cũng có đặc tính của sự hư không.

Nếu so sánh với nền văn hóa cổ đại Á Đông, chúng ta có thể tìm thấy một số tình huống trùng hợp tất yếu. Trong lý thuyết Phật giáo có một danh từ gọi là “Ngũ giới” (Panca-dhatavah), cũng được gọi là “Ngũ luân”, cụ thể là “Tứ đại” gồm Đất, Nước, Lửa và Gió, cộng với “Không giới” (Akasha) là năm yếu tố cơ bản tạo nên thế giới. Ở phương Tây sự hiểu biết ban đầu về điều này đến từ Nhật Bản, vì vậy nó thường được gọi là “Godai” – đây là phiên âm của “Ngũ đại” trong tiếng Nhật.

Như chúng ta đã biết, không có các vị thần Hy Lạp như Zeus, Hera, Poseidon, Hades và Aether trong Phật giáo. Thuyết “Ngũ giới” của Phật giáo hoàn toàn xuất phát từ hệ thống lý luận của chính mình, và không liên quan gì đến việc người Hy Lạp cổ đại suy luận ra năm nguyên tố cổ điển thông qua các đặc điểm của các vị Thần. Hơn nữa, thời điểm mà phương Đông và phương Tây cùng đưa ra những lý thuyết về nguyên tố này rất gần nhau, đều là vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, khi chưa có công nghệ hiện đại, phương tiện giao thông còn rất thô sơ, thành quả về văn hóa và học thuật rất khó để truyền sang các lục địa khác. Tuy nhiên, mặc dù hai nền văn hoá mang nội hàm ý thức hệ khác nhau, nhưng quan niệm “Đất, Nước, Lửa, Gió và Không” của Phật giáo và quan niệm “Đất, Nước, Lửa, Khí và Ether” của Hy Lạp cổ đại lại tương đồng, bổ trợ cho nhau, điều này khiến mọi người nhớ đến một câu thành ngữ trong cuốn “Chu Dịch” là “Thù lộ đồng quy”, tức các con đường khác nhau nhưng đều dẫn đến cùng một đích.

Truyền thống và sự thay đổi

Nói về nhiều nền văn hóa cổ xưa như vậy, cũng khiến chúng ta nảy sinh một chút suy nghĩ: Trong nghiên cứu văn hóa lịch sử, cần phải làm rõ một khái niệm – đó là “truyền thống” là gì. Nói chung, truyền thống có lịch sử lâu đời, vậy tất cả những gì có từ lâu đời có phải là truyền thống không?

Từ các nền văn hóa cổ đại của các quốc gia có thể nhìn thấy một đặc điểm chung: nhiều quy phạm đạo đức và phong tục cơ bản có nguồn gốc từ Thần thoại hoặc tôn giáo cổ đại. Những điều cơ bản như việc Bàn Cổ khai thiên trong thần thoại phương Đông và việc các vị Thần định ra các mối quan hệ nhân luân trong tôn giáo phương Tây, đều do các vị Thần đặt định ra vào thời kỳ đầu của nền văn minh và truyền lại cho thế nhân, sau đó được nhân loại coi là nền văn hóa chính thống mà truyền từ đời này qua đời khác, chúng ta thường gọi đó là “văn hóa Thần truyền”.

Những nền văn hóa Thần truyền này đa phần được đặt định vào thời kỳ đầu của một chu kỳ văn minh trong lịch sử, hoặc được hoàn thiện trong quá trình phát triển ban đầu, từng bước trải qua một quá trình thành trụ hoại diệt, cho đến khi lại có nền văn minh mới xuất hiện, thay thế nền văn minh cũ.

Các nền văn minh mới thay thế các nền văn minh cũ, một số nền văn minh là do thiên tai và các yếu tố khác dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn của con người và thậm chí cả các sinh vật. Một số khác là do chiến tranh quy mô lớn hoặc bệnh dịch quy mô lớn gây ra số lượng lớn người chết, những người sống sót dần dần từ bỏ nền văn hóa tiền sử để hòa nhập vào nền văn minh mới. Nhưng trong trường hợp thứ hai, nền văn minh cũ còn lại sẽ không biến mất hoàn toàn mà có khả năng sẽ được nền văn minh mới tiếp thu một phần, hoặc được bảo tồn như những di tích văn hóa và bằng chứng lịch sử.

Ở đây có liên quan đến một vấn đề, các nền văn minh trong quá khứ phát triển theo quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”, nên khi lịch sử đi đến giai đoạn diệt vong thì yếu tố văn hoá trong nền văn minh đó cũng bị hủy, kể cả văn hóa Thần truyền ban đầu. Có nghĩa là, trong quá trình lịch sử lâu dài, văn hóa Thần truyền ban đầu dần dần bị các thế hệ sau thay đổi, thậm chí đi ngược lại. Những câu chuyện Thần thoại cao quý thuận theo đạo đức xã hội suy đồi mà dần dần lệch khỏi trạng thái ban đầu, trong quá trình lịch sử bị phá hoại, chúng dần dần bị người ta cải biến, chỉnh sửa thành những nội dung tình tiết thấp kém, truỵ lạc, đương nhiên nền văn hóa đã bị thay đổi này không thể được coi là “văn hóa Thần truyền”.

Tuy nhiên, nền văn hóa biến dị không còn là “văn hóa Thần truyền” này lại có một đặc điểm mê hoặc con người – đó là nó có lịch sử khá lâu đời. Sau khi nó được nền văn minh mới bảo tồn như một di sản lịch sử, lịch sử của nó trong mắt người đời sẽ lâu hơn so với thời kỳ văn hóa Thần truyền trong nền văn minh mới, nhưng nó còn bại hoại và trụy lạc hơn cả nền văn hóa của nền văn minh mới. Tuy nhiên, loài người tôn trọng lịch sử cổ đại, nên cùng với sự phát triển của thời đại, con người sẽ công nhận hoặc tán thành sự bại hoại này theo một nghĩa nào đó, và hậu quả dẫn đến cuối cùng sẽ rất nguy hiểm là điều chúng ta cần thấy rõ ngày nay.

Chúng ta hãy quay trở lại chủ đề vừa rồi: Truyền thống là gì? Đó là sự chính thống Thần truyền. Bởi vì, tính chính thống Thần truyền không bị phụ thuộc theo thời đại, mà phụ thuộc vào bản chất Thần truyền. Nói cách khác, ngay cả những nội dung mà Thần truyền lại ngày nay, cho dù nó không được tích lũy lưu giữ ở bất kỳ thời đại nào trên thế giới, thì nó vẫn là truyền thống. Ngược lại, nếu nó không phải là một thứ chính thống, thì dù nó có lưu truyền từ niên đại xa xưa đi chăng nữa, nó cũng không phải là truyền thống mà chúng ta nói đến. Tất nhiên, một số có thể được gọi là “Truyền thống ma quỷ”, nhưng chúng không liên quan gì đến “Truyền thống” được đề cập ở đây.

♦ ♦ ♦ ♦ ♦

Trong các tác phẩm nghệ thuật phương Tây của các triều đại trước đây, nội dung về chủ đề văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại chiếm phần lớn, vì vậy để tạo điều kiện cho mọi người hiểu rõ về nền tảng văn hóa cổ đại, tôi viết bài này khá đơn giản và tương đối trung dung. Thực ra, bài viết này chỉ giới thiệu sơ lược về một vài câu chuyện tiêu biểu trên đại dương văn hóa, không viết một cách tổng thể và chuyên sâu, chỉ dưới góc nhìn của học thuật thông thường và không đề cập đến nhiều nhân tố hơn nữa, mục đích là để cho độc giả ở mọi tầng lớp trong xã hội, những người có quan điểm khác nhau đọc và hiểu, vì vậy không tránh khỏi những thiếu sót trong bài viết, kính mong quảng đại độc giả lượng thứ.

Tài liệu tham khảo:

♣ Aristotle,《 Metaphysica 》, 4th century BC

♣ Aristotle,《 Politics 》, 4th century BC

♣ Gustav Schwab,《 Die schönsten Sagen des klassischen Altertums 》, 1840

♣ Herodotus,《 Histories 》, c. 430 BC

♣ Hesiod,《 Works and Days 》, c. 700 BC

♣ Jean-Georges Vibert,《 La Science de la peinture 》, 1891

♣ Leonardo da Vinci,《 Trattato della pittura 》, 1651

♣ Lucius Flavius Philostratus & Charles Daremberg,《 Philostrate : Traité sur la Gymnastique 》, 1858

♣ Plato,《 Apology 》, 399 BC

♣ Plato,《 Phaedo 》, c. 399 BC

♣ Plato,《 Republic 》, 375 BC



Ngày đăng: 06-09-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.