Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống (Phần 4)
Tác giả: Arnaud H
[ChanhKien.org]
Tôn giáo và triết học
Các tôn giáo Hy Lạp cổ đại có liên quan mật thiết đến Thần thoại, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau, bởi vì các tôn giáo thường chọn những phần có ý nghĩa giáo huấn trong Thần thoại và văn hóa để giảng dạy cho con người. Nói một cách chính xác, con người thời đó đều tin vào Thần nên không có thuật ngữ “tôn giáo”, cũng không có khái niệm của người hiện đại đối với tôn giáo. Tuy nhiên, để tiện cho việc diễn đạt về mặt ngôn ngữ, giới học thuật đã liên tục dùng từ “tôn giáo” này.
Đôi khi, chúng ta có thể bắt gặp một thuật ngữ khác, đó là “triết học”. Tác giả đã đề cập trong cuốn “Từ một giai đoạn lịch sử nghệ thuật thấy được sự thay đổi của tư tưởng nhân loại – Phần 2” rằng, triết học Hy Lạp cổ đại đương thời không phải là kiến thức như ngày nay mà mọi người nghĩ, thực tế nó giống như một số môn tu luyện và phương pháp tu luyện được lưu truyền lại. Cũng có một số học giả hiện đại so sánh với các phương pháp tu hành mà Đức Phật Thích Ca và Lão Tử đã dạy. Xét theo ý nghĩa này, không có nhiều sự khác biệt giữa triết học và tôn giáo cổ đại, và quan điểm này cũng có giá trị về mặt học thuật.
Lấy tư tưởng Pythagoras làm ví dụ đơn giản. Bởi vì, hiện nay người ta xếp Pythagoras là một nhà triết học, nhiều người cho rằng tư tưởng Pythagoras là một trường phái triết học về học thuật. Nhưng vì lý luận của Pythagoras có chứa đựng rất nhiều quan điểm tôn giáo và thần học, nên khi giới học thuật nói về tôn giáo Hy Lạp, trường phái triết học này lại được quy về một loại tôn giáo.
Thần thoại và truyền thuyết Hy Lạp thường tập trung vào kể chuyện và giải trí, vì những kẻ phàm phu tục tử thiếu trí tuệ quen tạo ra các câu chuyện theo logic và chấp trước của con người để đọc giả thấy hứng thú. Trong cốt truyện, các nhà văn đã nhân tính hóa, nhân vị hóa, và thậm chí là tà ác hóa các vị Thần. Vào thời đó, một số triết gia và một số giáo phái ở thời kỳ khá cường thịnh không quá quan tâm đến việc bịa đặt vô căn cứ này. Lối vào đền thờ Apollo ở Delphi được khắc ba câu châm ngôn nổi tiếng: “Hãy nhận thức chính mình”, “Bất kỳ việc gì cũng không quá mức” và “Thề thốt bừa bãi thì tai họa sẽ ập đến”, điều này cho thấy tôn giáo và Thần thoại đều có lời dạy khác nhau. Tất nhiên, cũng có nhiều tác động tiêu cực, chẳng hạn như nghi lễ huyền bí của người Eleusis yêu cầu kể những câu chuyện cười khiêu dâm, tại một địa điểm nhất định yêu cầu những người tham gia nghi lễ phải nói với nhau những lời lẽ thô tục, hạ lưu v.v. Đặc biệt là thời kỳ sau này, khi đạo đức dân chúng băng hoại, các ngành các nghề đều hỗn loạn, chẳng hạn như tình trạng dâm loạn tràn lan ở đền thờ Thần Tình Yêu được ghi lại trong lịch sử, vấn đề này sẽ không nói nhiều nữa.
Tranh phục dựng đền thờ Thần Apollo ở Delphi dựa trên các di tích được kiến trúc sư người Pháp Joseph Albert Tournaire vẽ vào năm 1894. (Hình ảnh sưu tầm trên mạng internet)
Một đặc điểm khác của tôn giáo Hy Lạp cổ đại là rất coi trọng sự khải thị từ những lời dạy của Thần (Oracle). Bất kể họ là người cai trị hay người bình thường, khi họ gặp những sự kiện quan trọng hoặc những vấn đề khó khăn, họ sẽ đến nơi Thánh địa (thường là đến các ngôi đền của các vị Thần khác nhau) để tìm kiếm sự khải thị, và nếu vị Thần chấp nhận lời cầu nguyện thì sẽ giáng lời Thần dụ để giải đáp. Tế tư hoặc người chuyên trách trong ngôi đền sẽ chuyển dịch lại lời Thần dụ thành thể văn vần, thơ ca để nói cho người đi cầu nguyện. Theo ghi chép, lời Thần dụ của Thần Apollo ở đền Delphi được chứng minh là linh nghiệm và chính xác nhất, vì vậy đền Delphi đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng cực kỳ quan trọng của Hy Lạp cổ đại kể từ thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên.
Khi Thánh Socrates còn sống, lời Thần dụ ở đền Delphi đã nói rõ: “Không có người nào có trí huệ hơn Socrates”. Tuy nhiên, sự đánh giá phi phàm của lời Thần dụ đã làm dấy lên rất nhiều sự ghen tị. Vì vậy, một loạt các sự kiện dẫn đến việc Socrates bị cáo buộc một cách vô căn cứ rằng không tôn trọng các vị Thần và mê hoặc những người trẻ tuổi, và bị kết án tử hình sau cuộc bỏ phiếu của một bồi thẩm đoàn gồm 500 người.
Ảnh minh hoạ: Tượng Socrates trước Học viện Athens. Tác phẩm của Leonidas Drosis và Attilio Picarelli. Trong thời đại mà tất cả mọi người đều tin vào Thần, các thành viên của bồi thẩm đoàn và những người ghen ghét, căm ghét Socrates một cách vô lý cũng đều tin vào sự tồn tại của các vị Thần, nhưng điều này không thay đổi được sự thật rằng họ đã giết Thánh nhân dưới chiêu bài kính Thần.
Chuyện các Thánh đồ bị trừng phạt vì ham muốn ích kỷ không phải là chuyện lạ. Câu chuyện nổi tiếng nhất phương Tây là câu chuyện vua Herod tàn sát trẻ sơ sinh được ghi trong Kinh Thánh: Vua Herod nghe tin xuất hiện thiên tượng vị vua mới của người Do Thái giáng sinh, thì coi đó là mối đe dọa và phái người đi tìm. Tuy nhiên, những người được sai đi tìm đó đã được các Thiên sứ nhắc nhở, vì vậy họ đã bỏ trốn mà không quay lại bẩm báo với vua Herod. Vua Herod không tìm thấy Chúa Giê-su nên đã ra lệnh thảm sát tất cả trẻ sơ sinh nhỏ hơn hai tuổi tại Bethlehem, quê hương của Chúa Giê-su.
Những ví dụ như vậy không thiếu trong thời cổ đại và hiện đại, cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Những người nắm quyền vì họ tin rằng có một vị vua được sinh ra trên thế gian liền tàn sát bừa bãi, hoặc thông qua giải nghĩa những lời tiên tri để xem ai là hoàng đế trong tương lai mà giết chóc. Trong lịch sử, trong các chức sắc tôn giáo như các giám mục, sư trụ trì và các linh mục, đều không thiếu những kẻ tham lam và bại hoại, mà rất nhiều người trong số họ thực sự tin vào sự tồn tại của các vị Thần. Ở Trung Quốc mặc dù tuyên truyền học thuyết vô thần, nhưng lại có nhiều quan chức tham nhũng tin vào phong thủy và những thứ khác được coi là “mê tín”, tuy nhiên tin vào những điều này không có nghĩa là họ sẽ không tham nhũng, hủ bại.
Nhiều ví dụ đều chỉ ra một vấn đề: nếu một người không nỗ lực để cải thiện đạo đức và tâm tính của mình, cho dù họ tin vào sự tồn tại của Thần, thì cũng không có nghĩa là họ thành người có đạo đức cao thượng. Đạo đức không phải là một khái niệm có thể được đánh giá đơn giản bằng cách tin vào sự tồn tại hay không tồn tại của thứ gì đó, mà nó liên quan đến các quy tắc ứng xử và chuẩn mực của con người, cũng như tổng thể các phương diện đối nhân xử thế xuyên suốt của con người như phẩm hạnh, quan niệm, tâm trạng…. Nói đúng ra, nếu một người tin vào sự tồn tại của Thần mà bỏ qua những yêu cầu của Thần đối với đạo đức, phẩm chất của con người, thì loại “niềm tin” này giống như thật mà thành giả, thậm chí là biến dị, không phải là niềm tin chân chính.
Các nhà hiền triết cổ đại đều là những người coi trọng đạo đức và tu dưỡng tâm tính, điều này khác biệt rất lớn với việc con người ngày nay coi kiến thức và kỹ thuật bề ngoài là thước đo giá trị. Chẳng hạn như Thales (Thales of Miletus) (khoảng 624 TCN-548/545 TCN), một trong “bảy nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại”, người hiện đại chỉ đánh giá ông là người thông thạo về thiên văn, địa lý và đi tiên phong trong trường phái Milesia, ông được coi là nhà triết học đầu tiên để lại tên tuổi trong lịch sử phương Tây. Nhưng thực ra, những gì ông làm là để giáo hóa đạo đức công chúng. Những thứ mà ông nắm bắt được không phải là kiến thức khoa học, mà nói là siêu năng lực thì đúng hơn.
Theo cuốn sách “Lịch sử” (Histories) do Herodotus biên soạn vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Đại hiền triết Thales đã dự đoán chính xác nhật thực toàn phần vào ngày 28 tháng 5 năm 585 TCN. Trong cuốn sách “Politics” (Chính trị) của Aristotle kể về câu chuyện Thales dự đoán một vụ thu hoạch ô liu bội thu vào mùa đông năm tới. Người hiện đại đã quen gán cho những dự đoán chính xác này là do kiến thức khoa học phong phú của Thales, vốn đã được tính toán và phán đoán cẩn thận, thậm chí người hiện đại còn gọi ông là “cha đẻ của khoa học”. Nhưng tại sao họ không nghĩ, làm thế nào một người cổ đại có thể làm được điều này vào 2600 năm trước khi mà không có sự hỗ trợ về mặt thiết bị nào và khoa học thời đó cực kỳ kém phát triển?
Thay vì khiên cưỡng gán ghép những việc làm này do công lao của khoa học, tốt hơn hết nên thẳng thắn thừa nhận chúng có mang đặc trưng tiên tri, trên thực tế, đó cũng là để giáo hóa nhân tâm. Lấy ví dụ về một câu chuyện được Aristotle kể: Công việc của nhà hiền triết vĩ đại Thales ở thế tục là làm kinh doanh, nhưng vì ông đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian vào việc tìm kiếm chân lý và nghiên cứu triết học nên ông ngày càng nghèo hơn, dẫn đến nhiều người chỉ trích ông và cho rằng triết học là vô ích. Để đảo ngược nhận thức của mọi người, Thales đã dự đoán một vụ thu hoạch ô liu bội thu vào mùa đông năm tới, đồng thời độc quyền cho thuê các xưởng ép dầu ở Miletus và Chios với chi phí rất thấp. Bởi vì, không có sự cạnh tranh, ông đã kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc cho thuê xưởng dầu trong năm thứ hai. Aristotle nói rằng, Thales đã chứng minh “chỉ cần các triết gia muốn thì rất dễ dàng trở nên giàu có, nhưng đây không phải là mục tiêu theo đuổi của họ”.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/268063
Ngày đăng: 16-08-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.