“Thần thoại” có phải là lời của Thần? Tam Tinh Đôi hé mở một góc nhìn mới
Tác giả: Lý Chính Khoan
[ChanhKien.org]
Mảnh mặt nạ vàng mới được khai quật ở Tam Tinh Đôi vào năm 2021 (Ảnh chụp màn hình video).
Vào cuối tháng 3 năm 2021, di chỉ văn hóa Tam Tinh Đôi ở Tứ Xuyên lại một lần nữa tuyên bố khai quật thêm nhiều di vật văn hoá, bao gồm hơn 500 hiện vật như cây Thần bằng đồng, tượng người bằng đồng, mảnh mặt nạ vàng, ngà voi v.v., đây là một phát hiện gây chấn động thế giới, kể từ khi hàng nghìn di vật văn hóa được khai quật trong hai hố tế Thần vào 35 năm trước, năm 1986. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng trực tiếp nhiều ngày liên tục nhằm tuyên truyền mạnh mẽ cho công tác khai quật, đưa sự kiện Tam Tinh Đôi trở thành tiêu điểm, gây cơn sốt tìm kiếm các tin tức liên quan.
Trong khi cơ quan ngôn luận của đảng (Trung Cộng) đang vô cùng bận rộn với sự phấn khích trước những phát hiện khảo cổ học mới, nhiều bí ẩn chưa được giải thích về nền văn hóa Tam Tinh Đôi cũng khiến mọi người phải nhìn nhận lại lịch sử chân thực, trên mạng Internet cũng triển khai các cuộc nghiên cứu tìm tòi và tranh luận về nền văn hóa Tam Tinh Đôi: Rốt cuộc văn hóa Tam Tinh Đôi là văn hóa Trung Nguyên hay văn hóa ngoại lai, là văn minh ngoài hành tinh hay văn minh tiền sử? Mặc dù có nhiều giả thuyết cho đến nay vẫn chưa đi đến kết luận, nhưng có một điều là cùng với việc khai quật các di tích văn hóa Tam Tinh Đôi, rất nhiều trang sử bám đầy bụi bặm bấy lâu cũng sẽ dần dần lộ ra ánh sáng.
Di vật văn hóa Tam Tinh Đôi và ghi chép trong “Sơn Hải Kinh” là bằng chứng khẳng định lẫn nhau
Khi nói đến “Sơn Hải Kinh”, hầu hết bạn đọc đều công nhận rằng nó là một cuốn kỳ thư được lưu truyền từ nền văn hóa Trung Hoa, hơn 30.000 từ trong toàn bộ cuốn sách hầu như bao gồm tất cả mọi thứ, từ địa lý đến lịch sử, từ động thực vật đến khoáng sản, từ tôn giáo đến phong tục dân gian… Chỉ vì nhiều điều được ghi chép trong đó rất ly kỳ quái lạ, chẳng hạn như yêu quái và quái thú trong truyền thuyết dân gian v.v. hoàn toàn khác hẳn với văn hóa Trung Hoa hai, ba ngàn năm trở lại đây, do đó được người thời nay coi là một bộ sách cổ về thần thoại trước thời nhà Tần. Ngay cả Tư Mã Thiên, tác giả cuốn “Sử ký”, sau khi đọc cuốn sách này cũng vô cùng khó tin, bèn than thở nói: “Toàn bộ quái vật miêu tả trong ‘Sơn Hải Kinh’, tôi không dám nhắc đến”.
Tuy nhiên, nhiều di vật văn hóa được khai quật ở Tam Tinh Đôi gần như hoàn toàn trùng khớp với những ghi chép liên quan trong “Sơn Hải Kinh”, mở ra một cánh cửa mới để mọi người tìm hiểu về sự thật của lịch sử nhân loại.
Trước hết, cây Thần bằng đồng lớn nhất (Cây bằng đồng số 1) được khai quật ở Tam Tinh Đôi gần như phù hợp với ghi chép liên quan đến cây Thần Phù Tang trong “Sơn Hải Kinh”! Chiều cao của Cây Thần bằng đồng số 1 là 3,96 mét, được chia thành ba tầng thượng, trung, hạ mỗi tầng có 3 cành, tổng cộng là 9 cành. Trên mỗi cành có một bông hoa chúc xuống và một con chim đứng trên đó. (Hình 1)
Hình 1: Cây Thần bằng đồng số 1 được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh đã được công bố)
Theo ghi chép của “Sơn Hải Kinh”, có chín con quạ vàng tượng trưng cho mặt trời trú ngụ trên cây Thần Phù Tang, “dưới có suối Thang Cốc, trên Thang Cốc có cây Phù Tang, 10 mặt trời tắm ở đây, phía bắc nước Hắc Xỉ có một cây to sống dưới nước, 9 mặt trời núp dưới cành cây, 1 mặt trời ở trên cành cây”. Và 9 con chim ngụ trên cành của cây Thần bằng đồng số 1, chính là tương ứng với “Chín mặt trời” núp dưới cành cây và những con quạ vàng trên cây Phù tang.
Vì vậy, theo ngụ ý của “Sơn Hải Kinh” thì “một mặt trời ở trên cành cây” phải chăng là có một con chim tượng trưng cho mặt trời sống trên ngọn cây Thần? Đúng vậy, từ lâu các nhà khảo cổ học và du khách đã phát hiện ra rằng đỉnh của “Cây Thần bằng đồng” có hình dạng đứt gãy và không hoàn chỉnh, phải chăng đã bị mất do quá trình lịch sử lâu đời?
Đồng thời, các hoa văn hình rồng trên “Cây Thần bằng đồng” và những hình tượng rồng, quỳ (một loại quái vật chỉ có một chân) trên những đồ đồng mới phát hiện, đều có thể tìm thấy nguyên mẫu trong “Sơn Hải Kinh”.
Không chỉ vậy, về cây bằng đồng số 3 gần đây lần đầu tiên xuất hiện ở Tam Tinh Đôi, ba bức tượng đồng đầu người mình chim đứng trên ngọn cây (Hình 2, bên trái), điều này phù hợp với Thần Câu Mang được mô tả trong “Sơn Hải Kinh – Hải Ngoại Đông Kinh”: “Câu Mang ở phương Đông, thân chim mặt người”, và theo ghi chép của “Sơn Hải Kinh”, Câu Mang chính là vị Thần chăm sóc cây Thần Phù Tang.
Hơn nữa, nhiều bức tượng đồng đầu người thân rắn đã được khai quật ở Tam Tinh Đôi (Hình 2, 4 ảnh bên phải) cũng tương ứng với những ghi chép trong “Sơn Hải Kinh”, ví dụ hình tượng các vị Thần cổ đại quen thuộc như Phục Hy và Nữ Oa đều có đầu người thân rắn.
Hình 2: Tượng người bằng đồng được khai quật ở Tam Tinh Đôi. Bức ảnh thứ nhất bên trái là tượng đồng đầu người thân chim, bốn bức ảnh bên phải là tượng đồng đầu người mình rắn. (Ảnh đã được công bố)
Ngoài ra, phần Sơn Kinh của “Sơn Hải Kinh” còn được gọi là “Ngũ Tàng Sơn Kinh”, đời sau cho rằng “Tạng” (藏) là một ký tự theo hình thức giả tá (mượn âm) của “tạng” (脏) trong ngũ tạng (hai chữ này trong tiếng Trung đều phát âm là “zàng”). Hiểu như thế nào về “ngũ tạng” của trái đất? Nếu so sánh hình dạng của năm cơ quan nội tạng với hình dạng lớp vỏ của các lục địa, có thể thấy: Châu Úc là tim, Châu Phi và Nam Mỹ là phổi, Bắc Mỹ là lá lách, đảo Greenland là thận, Châu Á là gan. Châu Nam Cực tương ứng với bộ não của con người, trong đó Tây Nam Cực là đại não, Đông Nam Cực là tiểu não, bán đảo kéo dài từ Đông Nam Cực đến Nam Mỹ là thân não. Hơn nữa, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, “Sơn Hải Kinh” đã mô tả chi tiết tình huống ở miền đông Bắc Mỹ như Great Lakes và lưu vực sông Mississippi, trong kinh thứ chín và thứ mười, nhiều vùng của châu Mỹ cũng được mô tả một cách chính xác. Ngoài ra, Chương 14 “Đại Hoang Đông Kinh” mô tả về “sau ánh hào quang”, “nước sông chảy vào vực thẳm”, “mặt trời được sinh ra như vậy”, đây chính là cảnh mặt trời mọc ở hẻm núi Grand Canyon thuộc tiểu bang Colorado, Bắc Mỹ.
Vì vậy, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng Sơn Hải Kinh không phải là truyền thuyết thần thoại, mà là ghi chép chân thực về lịch sử. Ngày nay, những di vật văn hóa được khai quật ở Tam Tinh Đôi một lần nữa minh chứng cho những ghi chép của “Sơn Hải Kinh”, nhiều cư dân mạng đã kinh ngạc thốt lên rằng: “Chuyện thần thoại những tưởng là chuyện của Thần, nhưng đều là sự thật”. “Lịch sử chân thực trôi qua theo thời gian dần dần trở thành truyền thuyết thần thoại!”, “Truyền thuyết thần thoại đều là lịch sử chân thực”…
Nếu “Sơn Hải Kinh” thực sự là một bộ sử ký chính xác và chặt chẽ, thì những chuyện ghi chép trong đó như trận Đại hồng thủy thời tiền sử, Đại Vũ trị thủy v.v. vốn từng được coi là truyền thuyết thần thoại, chẳng phải đều là sự thật sao?
Liệu những chuyện “thần thoại” như trận Đại hồng thủy và Đại Vũ trị thủy có được khoa học hiện đại chứng thực?
Trận Đại hồng thủy được Đại Vũ chế ngự được ghi lại trong “Sơn Hải Kinh” xảy ra dưới thời trị vì của vua Nghiêu, ước tính cách đây khoảng 4400 – 4300 năm. Mà trận Đại hồng thủy thời con thuyền Noah được ghi lại trong “Kinh Thánh” của phương Tây cũng xảy ra cách đây khoảng 4400-4300 năm. Hai trận đại hồng thuỷ được phương Đông và phương Tây ghi lại hoàn toàn trùng hợp về thời gian. Theo ghi chép, trận lụt mang tính toàn cầu này là lần thảm họa toàn cầu gần nhất đối với loài người ngày nay, và nó hầu như đã phá hủy hoàn toàn nền văn minh nhân loại thời bấy giờ.
Mặc dù câu chuyện Đại Vũ trị thủy đều được tất cả mọi người ở Trung Quốc đại lục biết đến, nhưng bởi vì công việc khơi thông chín dòng sông và khai mở chín châu là vô cùng lớn lao và khó khăn, những người theo khoa học thực chứng không thể tin rằng Đại Vũ có thể làm được điều này trong thời cổ đại “lạc hậu”, hơn nữa suốt thời gian dài cho đến nay vẫn thiếu bằng chứng khảo cổ học, nên thường được mọi người coi là truyền thuyết thần thoại.
Tuy nhiên, một luận văn nghiên cứu đăng trên tạp chí “Khoa học” (Science) năm 2016 đã chứng minh rằng một trận Đại hồng thủy thực sự đã xảy ra ở Trung Quốc khoảng 4000 năm trước. Tác giả chính của luận văn này là Tiến sĩ Ngô Khánh Long, một nhà địa chất học tại Đại học Sư phạm Nam Kinh.
Ngay từ năm 2007, Tiến sĩ Ngô Khánh Long đã phát hiện ra trên bờ sông Hoàng Hà có một số vật trầm tích có độ dày khác thường, dày tới 20 mét, và chúng trông giống như “vật trầm tích sau một trận lụt lớn”. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích carbon trên các chất hữu cơ có chứa trầm tích lũ lụt, và kết quả cho thấy có một trận Đại hồng thủy xảy ra cách đây khoảng 4000 năm, vừa vặn trùng hợp với trận Đại hồng thủy thời vua Nghiêu, Thuấn, Vũ được lịch sử ghi chép lại.
Đồng thời, khảo cổ học cũng liên tục có những bằng chứng mới chứng minh sự tồn tại thực sự của trận Đại hồng thủy này.
Từ năm 1999, Viện Di tích Văn hóa thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại di chỉ Lạt Gia (nằm ở làng Lạt Gia, huyện Dân Hòa, phía đông nam tỉnh Thanh Hải, bờ bắc sông Hoàng Hà), phát hiện thấy đó là di chỉ của một ngôi làng nhỏ tồn tại từ 4.300 đến 3.900 năm trước. Những bộ hài cốt người được khai quật vẫn giữ trạng thái bị đông kết trong nháy mắt (Hình 3), vì vậy di chỉ Lạt Gia còn được gọi là “Pompeii Phương Đông”.
Hình 3: Hài cốt người được khai quật tại di chỉ Lạt Gia – ” Pompeii Phương Đông” cho thấy trạng thái “đông kết trong nháy mắt”. (Ảnh đã được công bố)
Từ các hài cốt và di vật văn hóa khai quật được, các nhà nghiên cứu suy ra rằng làng Lạt Gia ở bờ bắc sông Hoàng Hà đã bị chôn vùi một cách nhanh chóng bởi lớp bùn dày do một trận đại hồng thủy cách đây 4000 năm, trùng hợp với nghiên cứu của Tiến sĩ Ngô Khánh Long và trận Đại hồng thủy được ghi chép trong “Sơn Hải Kinh”, những bằng chứng này xác minh lẫn nhau.
Ngoài ra, những chiếc khánh đá lớn, dao ngọc và ngọc bội được khai quật tại di chỉ Lạt Gia cho thấy nền văn minh ở đây đã đạt đến trình độ cao, chứ không chỉ là một “ngôi làng nguyên thủy” như người hiện đại vẫn nghĩ.
Về nghiên cứu của Tiến sĩ Ngô Khánh Long, phó tổng biên tập tạp chí “Khoa học” cho biết: “Nghiên cứu này mở rộng hiểu biết của chúng tôi về nền văn minh Trung Hoa cổ đại, chứng minh nguồn gốc của nền văn minh và sự xuất hiện của môi trường xã hội của nền văn minh cổ đại.”
David Montgomery, một nhà địa chất học tại Đại học Washington, tin rằng nhóm nghiên cứu của Ngô Khánh Long đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng trận Đại hồng thủy đích thực đã xảy ra: “Giờ đây chúng ta đã biết trận Đại hồng thủy ở Trung Quốc là có thật, vậy phải chăng những câu chuyện về những thảm họa cổ xưa khác cũng là sự thật?
Những lời bình luận của Montgomery tự nhiên khiến mọi người liên tưởng đến thảm họa Đại hồng thủy và câu chuyện về con thuyền Noah được ghi chép ở phương Tây.
“Kinh thánh” ghi lại: “Khi Noah 600 tuổi, vào ngày 17 tháng Hai, nguồn nước ở Vực lớn nứt ra, cửa sổ trên trời cũng rộng mở. Mưa lớn trút xuống mặt đất suốt 40 ngày đêm. Vào ngày đó, Noah và ba con trai của ông là Shem, Ham, Japheth, cùng vợ và ba con dâu của ông đều vào trong con thuyền…
Trận lụt ngập tràn trên mặt đất trong 40 ngày, nước dâng lên làm con thuyền nổi khỏi mặt đất. Thế nước lớn đến nỗi ngập tràn hết mặt đất, con thuyền chao đảo trên mặt nước. … Vào ngày 17 tháng 7, con thuyền dừng lại trên núi Ararat. ”
Núi Ararat được đề cập trong “Kinh thánh” nằm gần biên giới đông bắc của tỉnh Oder thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đây là đỉnh núi cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1960, tạp chí Life kỳ cựu của Mỹ đã đăng một bức ảnh vệ tinh do máy bay trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ chụp ở độ cao 10.000 feet, cho thấy rõ ràng có một di tích hình con thuyền gần núi Ararat. Bức ảnh này sau khi được công bố đã thu hút rất nhiều nhà khoa học đến khám phá.
Năm 1977, nhà thám hiểm người Mỹ Ronald Eldon Wyatt đã dẫn một đoàn đến khảo sát núi Ararat, phát hiện ra rằng di tích hình con thuyền có kích thước từ mũi thuyền tới đuôi thuyền là 515 feet (Hình 4), về cơ bản phù hợp với mô tả về chiều dài của thuyền Noah trong “Kinh Thánh”.
Hình 4: Di tích hình con thuyền trên núi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, trùng với con thuyền của Noah được mô tả trong “Kinh Thánh”. (Ảnh chụp màn hình video)
Do quá lâu đời, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng con thuyền Noah đã bị hóa thạch, đồng thời nhận thấy những tấm gỗ hóa thạch này có dấu vết của quá trình gia công, chúng được tạo bằng cách dùng keo hữu cơ kết dính ba tấm gỗ, tấm gỗ ngoài cùng được phủ một lớp hắc ín.
Cuối năm 2019, nhà khảo cổ học Andrew Johns và nhà địa vật lý John Larsen đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D mới nhất để gửi tín hiệu xuống đất thông qua dây cáp điện và phát hiện ra rằng thứ bị chôn vùi dưới lòng đất thực sự là vỏ của một con thuyền. (Hình 4, dưới cùng bên phải)
Năm 2008, một đoàn thám hiểm gồm người Hồng Kông và người Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công tiến vào trong di chỉ có cấu trúc bằng gỗ khổng lồ của con thuyền và tìm thấy đồ gốm, dây thừng và các thứ tương tự như hạt giống trong con thuyền. Đoàn thám hiểm đã tiến hành kiểm tra nguyên tố carbon trên tấm gỗ, phát hiện ra rằng mẫu gỗ có thể có nguồn gốc từ hơn 4.000 năm trước, điều này trùng khớp với sự tồn tại của con thuyền Noah được ghi lại trong “Kinh Thánh”.
Một trong những thành viên của đoàn thám hiểm là Dương Vĩnh Tùng, một nhà làm phim tài liệu Hồng Kông, sau khi chứng kiến chi tiết về di chỉ con thuyền Noah, ông nói: “Mặc dù không thể khẳng định 100% rằng đó là con thuyền Noah, nhưng chúng tôi chắc chắn đến 99,9% về điều này”.
Ngoài ra, điều đáng kinh ngạc là họ còn tìm thấy những chiếc đinh tán hình đĩa to tròn khảm nạm trong lớp gỗ hóa thạch của thuyền Noah, hơn nữa chúng là hợp kim của sắt, nhôm và titan có độ bền cao và chống ăn mòn. Điều đó cho thấy rằng hơn 4000 năm trước đã có kỹ thuật luyện kim rất cao siêu.
Về điểm này, kỹ thuật luyện kim tiên tiến tương tự cũng đã được tìm thấy trong các di vật văn hóa được khai quật ở Tam Tinh Đôi, ví dụ, nhiệt độ để gia công chiếc mặt nạ vàng phải trên 1.000 độ C, ngoài ra, cây Thần bằng đồng đã sử dụng các công nghệ như đúc phủ, đúc tán, đúc khảm và đúc nối vô cùng tinh xảo, kẽm và chì trong nhiều đồ bằng đồng cũng đã được chiết xuất tách ra. Nên biết rằng theo thuyết tiến hóa thì lúc đó đang trong thời kỳ quá độ từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ đồng, vì vậy những di vật văn hóa Tam Tinh Đôi này còn vượt xa sự hiểu biết của con người ngày nay về trình độ công nghệ của thời đó.
Nền văn minh tiền sử liên tục hiển hiện, thuyết tiến hóa đứng trước bờ vực phá sản?
Theo thuyết tiến hóa của Darwin, loài vượn người “tổ tiên” của loài người xuất hiện cách đây khoảng 3 đến 4 triệu năm, liên tục tiến hóa trong một quá trình, mãi đến 10 vạn năm trước ở Nam Phi, loài người với các đặc điểm giải phẫu người hiện đại mới xuất hiện. Nền văn minh của nhân loại thực sự xuất hiện cũng là sự việc của hàng nghìn năm trước, cách ngày nay không quá 1 vạn năm.
Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khảo cổ học trên khắp thế giới đã liên tục khai quật được một số di vật văn hóa thời tiền sử mà trình độ công nghệ cao siêu và niên đại lâu đời của chúng vượt quá xa sự hiểu biết của khoa học hiện đại về lịch sử loài người.
Hàng trăm quả cầu kim loại có rãnh đã được người ta tìm thấy trong địa tầng của sườn núi Kleike ở Nam Phi, và địa tầng này có lịch sử 2,8 tỷ năm (Hình 5, A); Năm 1972, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp và các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra sáu lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn gần mỏ quặng uranium của nước Cộng hòa Gabon ở châu Phi, theo khảo sát, chúng được hình thành 2 tỷ năm trước và vận hành ít nhất 50 vạn năm (Hình 5, B);Năm 1968, một khối hóa thạch tam diệp trùng (động vật chân đốt cổ xưa, sống vào 600-200 triệu năm trước) được khai quật ở Hoa Kỳ đồng thời trên mặt còn có dấu chân của một người đi giày, dấu giày này dài 26 cm và rộng 9 cm, là kích thước phổ biến của giày nam dành cho người lớn (Hình 5, C); Năm 1851, một chiếc bình kim loại bằng hợp kim kẽm-bạc đã được khai quật ở Massachusetts, Hoa Kỳ, theo khảo sát, nó có lịch sử cách ngày nay ít nhất 10 vạn năm (Hình 5, D).
Tại một viện bảo tàng ở Peru có một khối đá, trên khối đá có khắc một hình người đàn ông đang quan sát thiên thể bằng kính viễn vọng. Viện nghiên cứu khoáng sản và dầu khí của Đại học Bonn đã tiến hành trắc định niên đại của lớp ôxít của vết khắc trên đá và phát hiện rằng lớp ôxít này đã có ít nhất hơn 12.000 năm tuổi (Hình 5, E). Nhưng ngày nay người ta thường tin rằng nhà vật lý người Ý Galileo đã phát minh ra kính viễn vọng thời gian mới cách đây hơn 400 năm.
Hình 5: Những di tích của nền văn minh nhân loại thời tiền sử tiếp tục gây chấn động đến thuyết tiến hóa của Darwin.
Có vô số ví dụ tương tự về văn hóa tiền sử. Cuốn sách “Forbidden Archaeology” (Vùng cấm của khảo cổ học) của hai nhà khảo cổ học MichaelA. Cremo và Richard Thompson đã liệt kê 500 di tích được kết luận một cách vô cùng xác thực là nền văn minh nhân loại, có nguồn gốc hàng chục nghìn năm, thậm chí hàng tỷ năm trước. Những bằng chứng khảo cổ này trực tiếp thách thức thuyết tiến hóa, do đó cũng trở thành vùng cấm của những người ủng hộ tiến hóa.
Về nguồn gốc của loài người, trước mắt họ không có gì ngoài hai khả năng, một là thuyết do Thần tạo ra con người và hai là thuyết tiến hóa. Ngày nay, thuyết tiến hóa đầy rẫy sơ hở đang bên bờ vực phá sản trước thách thức của nền văn minh tiền sử, chúng ta tin rằng trong tương lai gần, con người nhất định sẽ tìm thấy nguồn gốc thực sự của mình.
Trên thực tế, năm đó sau khi Darwin giả tưởng ra “Thuyết Tiến hóa”, ông đã không tự tin khi đưa nó ra, bởi vì quả thực thiếu hụt khâu trung gian của quá trình tiến hóa các loài, rất khó có thể biện minh cho điều đó. Tuy nhiên, giả thuyết chưa được chứng minh này đã được coi là chuẩn mực trong xã hội hiện đại, đưa nó vào lâu đài sang trọng của khoa học.
Một số nhà khoa học dám đối mặt với hiện thực đã đưa ra học thuyết về nền văn minh thời tiền sử, cho rằng sự phát triển của loài người không giống như thuyết tiến hóa đã nói, mà đang phát triển có tính chu kỳ, đó là các đại thảm họa của Trái Đất trong các thời kỳ khác nhau đã phá hủy nền văn minh thời đó, những người còn sống sót bắt đầu sinh sôi và phát triển từ trạng thái nguyên thủy, lại bước sang nền văn minh tiếp theo, rồi lại trải qua những thảm họa thảm khốc, và chu kỳ lại lặp lại …
Các ghi chép liên quan đến trận Đại hồng thủy thời tiền sử gần nhất với con người đã được tìm thấy ở hơn 250 dân tộc chủ yếu và hơn 80 khu vực ngôn ngữ trên thế giới. Hàng nghìn năm trước, khi giao thông và thông tin liên lạc chưa phát triển, những ghi chép tương tự từ khắp nơi trên thế giới này không thể là thần thoại bịa đặt, các nghiên cứu địa chất học và khảo cổ học ngày nay liên tục xác nhận rằng trận Đại hồng thủy thời tiền sử không phải là thần thoại mà là tồn tại có thật.
Vậy tại sao nhân loại lại trải qua những thảm họa có tính hủy diệt hết lần này đến lần khác trong lịch sử? Theo mô tả của “Kinh thánh”, thảm họa Đại hồng thủy là do đạo đức của con người thay đổi, không phù hợp với tiêu chuẩn làm người, tội ác càng ngày càng lớn, cuối cùng dẫn đến sự trừng phạt của Đức Jehovah. Trong chuyện thần thoại được lưu truyền ở Hy Lạp cũng cho thấy điều tương tự là lúc bấy giờ lòng người hiểm ác, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, và cuối cùng phải gánh chịu sự trừng phạt của Thần Zeus.
Trong trận Đại hồng thủy thời tiền sử ở Trung Quốc, Nữ Oa đã vá trời, cứu vớt muôn dân khỏi thảm họa, cuối cùng những người sống sót sau kiếp nạn cũng là người giữ được thiện lương.
Theo ghi chép của bộ “Khải Huyền” trong Kinh Thánh, những người thuộc thế hệ sau khi Israel phục quốc sẽ nhìn thấy Chúa cứu thế Messiah, sẽ có sự trở lại của Thần, cuối cùng sẽ có một cuộc Đại Thẩm Phán, nhưng trong quá trình này cũng sẽ đi kèm với sự suy thoái của đạo đức con người và sự xuất hiện của bệnh dịch; Trong Kinh Phật ghi lại rằng khi hoa Ưu Đàm Bà La ba nghìn năm nở một lần (Hình 6), thì Chuyển Luân Thánh Vương sẽ hạ thế truyền Pháp để độ nhân; Ngoài ra, nhiều dân tộc khác cũng lưu lại những truyền thuyết rằng cuối cùng Thần sẽ trở lại và nhân loại thời mạt kiếp sẽ gặp thảm họa.
Hình 6: Bên trái: tháng 7 năm 1997, trụ trì một tu viện ở huyện Quảng Châu, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, đã phát hiện ra hoa Ưu Đàm Bà La nở rộ trên một bức tượng Phật Như Lai bằng đồng mạ vàng, trong hơn 20 năm tiếp theo, hoa Ưu Đàm đã nở rộ khắp nơi trên thế giới. Bên phải: Hoa Ưu Đàm Bà La dưới kính hiển vi điện tử phóng 400 lần, cuống hoa hiện lên trong suốt.
Nếu những “chuyện thần thoại” này là lời có thật của các vị Thần, thì chúng ta nên nhìn nhận thế nào về thời đại mà loài người đang sống ngày nay?
Làm thế nào chúng ta có thể tránh giẫm lên vết xe đổ một lần nữa?
Kết luận
Trong dòng sông dài của lịch sử, nhân loại đã trải qua quá nhiều nền văn minh và thần tích cổ xưa, chúng đã bị lịch sử phủ bụi phong trần và dòng chảy thời gian xóa nhòa, dần dần được thế hệ sau coi là thần thoại và truyền thuyết, thuyết tiến hóa giống như gông thêm một chiếc cùm nặng nề lên lịch sử phong trần, ngăn cản con người nhìn rõ lịch sử chân thực và chân tướng của sinh mệnh.
Điều đáng mừng là, một phần của chiếc chìa khóa bí mật để mở chiếc gông cùm lịch sử được giấu trong những di tích của nền văn minh thời tiền sử, trong đó bao gồm cả di chỉ Tam Tinh Đôi. Theo giới thiệu của viện trưởng Viện nghiên cứu khảo cổ Tam Tinh Đôi, tổng diện tích phân bố của di chỉ lên tới 12 triệu mét vuông, tuy nhiên hiện tại diện tích của tất cả các cuộc khai quật chỉ dưới 2 vạn mét vuông. Mặc dù vậy, phần nổi của tảng băng di tích Tam Tinh Đôi này đã đủ để thay đổi sự hiểu biết cứng nhắc của con người ngày nay về lịch sử.
Hiện tại, công việc khai quật khảo cổ ở Tam Tinh Đôi vẫn đang được tiếp tục, chúng ta tin rằng trong tương lai gần nhất định sẽ phát hiện thêm nhiều chiếc chìa khóa bí mật mới, mở ra nhiều ổ khóa lịch sử bị phong trần, giúp mọi người nhìn lại lịch sử và tín ngưỡng của chính mình và nhận thức về ý nghĩa của sinh mệnh.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/26700
Ngày đăng: 14-06-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.