Cổ trấn Pháp duyên (2): Kỳ quan Ấn Sơn



Tác giả: Đường Lý

[ChanhKien.org]

Trong bài “Cổ trấn Pháp duyên” phần một, người viết có đề cập đến: tại thị trấn Hắc Sơn, thuộc Thương Châu, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, nằm sâu trong dãy núi Tần Lĩnh, có ngọn núi “Ấn Sơn”. Theo truyền thuyết dân gian vùng này, nó là một chiếc “Kim ấn” do Ngọc Hoàng Đại Đế bỏ lại mà hoá thành núi Ấn Sơn. Mà hôm nay chúng ta nhìn chỉ thấy một đỉnh núi cô độc nhô lên khỏi mặt đất, đứng sừng sững chẳng khác gì một “phi lai phong (ngọn núi bay)” đến trần gian.

Khi nhắc đến “Phi lai phong”, người ta sẽ nghĩ ngay đến Phi lai phong cạnh chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, bởi vì sự hình thành của nó có liên quan đến thần tích La Hán Tế Công cứu người, cho nên nó nổi tiếng từ bao đời nay. Phi lai phong mà người viết giới thiệu ở đây có lẽ còn thần kỳ hơn Phi lai phong ở Hàng Châu.

Ba năm trước, tôi được một người bạn mời đến thị trấn Hắc Sơn ở Thương Châu, Thương Lạc, tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây không chỉ non xanh nước biếc, người dân thuần phác mà còn từng là danh lam thắng cảnh văn hóa Thần truyền. Ở phía Đông đường núi Hắc Sơn có một ngọn núi đơn độc dài không đến 2 dặm, xung quanh không hề nối với mạch núi, từ xưa tương truyền rằng đây là một chiếc Kim ấn của Ngọc Hoàng Đại Đế bỏ lại, vậy nên nó được gọi là “Ấn Sơn”. Phía Nam chân núi Ấn Sơn người xưa đã cho xây dựng đền Ngọc Hoàng, hùng vĩ uy nghi, khói hương nghi ngút, đền Ngọc Hoàng có thể chính là bằng chứng cho thấy Ấn Sơn là do Ngọc Hoàng ném Kim Ấn mà thành! Vậy thì Ấn Sơn chẳng phải là Phi lai phong tạo nên do thiên ý sao? Đặc biệt là sau khi nghe người bạn kể câu chuyện dưới đây, tôi càng cảm nhận được sự thần kỳ của núi “Ấn Sơn”.

Hình ảnh: Tranh tả ý cảnh núi Ấn Sơn và đền Ngọc Hoàng

Người bạn kể lại: Vào mùa hè năm 1955, lúc đó anh ấy đang học trung học về nhà nghỉ hè, anh theo người dân trong làng lên đỉnh núi Cao Sơn tại phía nam chùa Ngọc Hoàng để thu hoạch lúa mì. Lúc nghỉ ngơi ngồi trên đỉnh núi, toàn cảnh núi “Ấn Sơn” và đền Ngọc Hoàng tất cả đều thu vào tầm mắt. Chú Lưu, đội trưởng nhóm sản xuất ngồi bên cạnh hỏi anh: “Cháu chưa đến đây bao giờ à?” Người bạn trả lời: “Vâng ạ”. Chú Lưu chỉ về hướng đối diện núi Ấn Sơn và nói: “Cháu hãy nhìn xem núi Ấn Sơn này trông thật kỳ lạ!” Người bạn nhìn thật kỹ theo hướng mà chú Lưu chỉ. Dãy núi xuôi theo hai bên bờ sông Hậu núi Hắc Sơn vốn dĩ kéo dài song song từ Tây sang Đông, đột nhiên đến đầu phía đông đường Hắc Sơn lại ngoặt sang hai hướng Nam và Bắc, sau đó lại quay lại chạy song song, tạo nên một khoảnh đất trống hình hồ lô ở giữa hai ngọn núi này và núi Ấn Sơn tọa lạc trên khoảnh đất trống này. Chú Lưu cho biết: “Núi Ấn Sơn không thông với các ngọn núi xung quanh, nó là một ngọn núi độc lập trơ trọi, vì vậy, trước nay dưới chân núi không có ai xây dựng nhà cửa, hay lăng mộ”. Người bạn hỏi: “Làm thế nào có thể chứng minh rằng núi Ấn Sơn được tạo nên là do Kim ấn của Ngọc Hoàng để lại?” Chú Lưu cười nói: “Tất nhiên đây chỉ là truyền thuyết truyền qua nhiều đời từ xa xưa, không ai nhìn thấy nó cả. Tuy nhiên, người thời xưa có thể xây dựng đền Ngọc Hoàng tại chân núi không phải là ngẫu nhiên”. Lúc này, chú Lưu nói tiếp:” Cháu nhìn xem đền Ngọc Hoàng dưới chân núi có hình gì?” Người bạn hướng tầm mắt đến nơi xa, cúi đầu nhìn xuống một lúc rồi ngạc nhiên thốt lên: “Hình Thái Cực đồ!” “Đúng, chính là đồ hình Thái Cực Bát Quái!” Chú Lưu nói: “Cháu nhìn ở giữa vòng tròn lớn có một con đường uốn cong hình vòng cung!” Người bạn trả lời: “Là hình chữ S ngược!” Chú Lưu nói tiếp: “Con đường hình chữ S ngược này chia vòng tròn lớn Thái Cực thành hai phần Âm Dương, đền Ngọc Hoàng trên cao và đền Thần Tài bên bờ sông là hai con mắt của Thái Cực đồ”.

Người bạn bị chấn động bởi cảnh quan tuyệt diệu này! Vòng tròn lớn của đồ hình Thái Cực này, nửa vòng tròn phía Nam là dòng sông uốn khúc được hình thành tự nhiên, nửa vòng tròn phía Bắc hoàn toàn do con người đào dưới chân núi mà thành, từ trên cao nhìn xuống, hai nửa vòng tròn hợp thành một hình tròn thật tinh xảo. Để tạo nên con đường cong hình chữ S ngược ở giữa vòng tròn, người xưa còn xây hai con đường bậc thang bằng đá đi lên xuống, đây quả thật là công trình nghệ thuật độc đáo! Tại đó lại xây thêm các ngôi đền chùa, đây hẳn là một công trình rất lớn! Người bạn trầm tư ngẫm nghĩ một lúc rồi nói với chú Lưu: “Nếu là đồ hình Thái Cực thì toà hí lâu đối diện đền Ngọc Hoàng có vẻ hơi thừa”. Chú Lưu nói: “Đúng là nó bị thừa. Ban đầu không có toà hí lâu đó, nó mới được xây dựng vào thời Trung Hoa Dân Quốc”. Người bạn hỏi: “Đây là tòa hí lâu nhưng sao cháu không thấy nó biểu diễn kịch vậy?” Chú Lưu thở dài một tiếng nói: “Cháu đừng đề cập đến ca kịch nữa!” Người bạn liền hỏi: “Sao vậy chú?” Chú Lưu cho biết: “Sau khi tòa hí lâu được xây xong và biểu diễn lần đầu tiên, vở diễn là “Sét đánh Trương Kế Bảo” (tức “Thanh Phong Đình”). Ngay khi buổi biểu diễn bắt đầu, sấm sét, mưa lớn và lũ quét ầm ầm nổi lên, xém chút là cuốn trôi cả đường Hắc Sơn. Mọi người hiểu ra rằng đây là cơn thịnh nộ của Ngọc Hoàng, nên từ đó về sau không ai dám biểu diễn nữa!” Người bạn nhìn chú Lưu vô cùng kinh ngạc.

Ngừng lại một hồi, người bạn hỏi: “Chú Lưu, chú nghĩ xem Kim ấn của Ngọc Hoàng trân quý như vậy, tại sao lại bị ném đến vùng núi Hắc Sơn hoang vắng và hẻo lánh này?” Chú Lưu nói: “Cháu bé, cháu không biết đấy, Hắc Sơn bây giờ trông có phần vắng vẻ; nhưng vào trước thời kỳ Dân Quốc, Hắc Sơn là nơi trấn giữ quan trọng trên con đường chính nối từ Tây An đến Vũ Hán. Nghe nói rằng từ thời nhà Tống đã có rất nhiều thương nhân giao dịch buôn bán qua lại nơi đây, xe lừa và xe ngựa nối đuôi nhau đi thành từng nhóm, tiếng chuông lạc đà ngày đêm vang lên không dứt. Trước đây nó quả thật vô cùng nhộn nhịp và tấp nập!” Chú Lưu lặng một lúc rồi nói tiếp: “Cháu đừng xem nhẹ thị trấn Hắc Sơn của chúng ta, đây chính là vùng đất phong thủy “Ngũ Long triều thánh”. Người bạn biết rằng “Ngũ long triều thánh” chỉ năm sườn núi xung quanh đường núi Hắc Sơn trông giống như những con rồng đang nằm, và “đầu rồng” là những “Long Đàm (đầm rồng)” từ các hướng khác nhau tập trung vào sông Hậu núi Hắc Sơn. Chú Lưu nói tiếp: “Chính bởi vì phong thủy của vùng này như vậy, người thời xưa đã xây dựng nên hai ngôi đền, năm ngôi chùa lớn và hai toà hí lâu tại các địa điểm trong vòng bốn trăm dặm từ cây cầu treo trên cao đến phía đông đường núi Hắc Sơn. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi nói Ngọc Hoàng đem Kim ấn bỏ tại nơi phong thủy bảo địa này.”

Chú Lưu chỉ tay về hướng Tây và nói: “Cháu nhìn tiếp ba ghềnh đá màu nâu đỏ ở phía đằng kia xem”. Người bạn nhìn theo hướng ngón tay của chú chỉ, thấy có ba tảng đá màu nâu đỏ nằm song song từ dưới lên, rời rạc mà có trật tự, nằm vắt ngang qua sông. Người bạn nói: “Ý chú là nói ba cái “Thiết môn giám” ạ? Hồi nhỏ cháu thường hay đến nơi đó nghịch nước!” Chú Lưu nói: “Chính là “Thiết môn giám” đó, chính là “Thái Cực đồ” đó, chúng ta đều thấy nó trông thật bình thường, nhưng người ngoài lại rất thích thú kinh ngạc về những truyền thuyết này!” Người bạn hỏi: “Vì sao vậy ạ?” “Đến Ngũ Long triều thánh tại thị trấn Hắc Sơn, đi bộ khoảng nửa dặm về phía đông đường núi, đến chân núi Ấn Sơn, vượt qua ba ngưỡng cửa sắt “Thiết môn giám”, đi vào đồ hình Bát Quái Thái Cực, bước lên bậc thang lên trời (đi lên bậc thềm của đền Ngọc Hoàng), tiến vào Lăng Tiêu bảo điện, bái kiến Ngọc Hoàng đại đế”. Lối kể chuyện hài hước như thuyết sách của chú Lưu khiến cho người bạn bị cuốn hút theo.

Người bạn cho biết anh ấy vốn rất hiếu kỳ về đền Ngọc Hoàng. Nghe chú Lưu kể xong liền muốn đi thăm đền Ngọc Hoàng. Điện đường trong đền Ngọc Hoàng uy nghi, hùng vĩ với những pho tượng cao lớn, một quả chuông lớn và nhiều bia đá bên trong đền đều ghi chép lại lịch sử của ngôi đền. Trong mắt anh, đền Ngọc Hoàng từ trước đến nay luôn tràn đầy vẻ trang nghiêm và thần thánh. Anh nuối tiếc sâu sắc rằng, bởi sự vô tri thời niên thiếu mà anh đã không đọc và ghi chép cẩn thận những văn tự trên bia đá. Hiện nay tấm bia đá và chiếc chuông lớn đều đã bị hư hỏng và thất lạc, cho nên triều đại nào đã xây dựng nên đền Ngọc Hoàng và đồ hình “Thái Cực đồ” này vẫn là một bí ẩn. Trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, khi nghe tin đền Ngọc Hoàng bị phá bỏ và “Thái cực đồ” bị phá hủy, anh vô cùng nuối tiếc. Trong tâm nghĩ tội nghiệp này thật to lớn! Không lâu sau có tin nói rằng cha con bí thư chi bộ họ Trần, người đã chỉ đạo việc phá hủy ngôi đền đã bị nước sông cuốn trôi, anh hiểu rằng đây chính là quả báo!

Khi nghe người bạn kể lại câu chuyện này, tôi cũng vô cùng xúc động! Dường như Phi lai phong Ấn Sơn không chỉ có chiều dài lịch sử xa xưa hơn cả Phi lai phong tại Hàng Châu, mà ý nghĩa của nó còn sâu xa hơn. Là một vị Thần cai quản Tam giới, Ngọc Hoàng đại đế lại có thể ném bỏ Kim ấn tại nơi này, chắc hẳn Ngài đã ban cho chúng sinh Tam giới một “chỉ dụ” quan trọng nào đó! Vậy thì, ban đầu khi đền Ngọc Hoàng được xây dựng dưới chân núi Ấn Sơn, tạo nên đồ hình “Thái Cực”, cùng với “Thiết môn giám” dung hòa thành một thể, thì đó nhất định là thành tựu của một cao nhân có công năng sau khi lĩnh ngộ được thiên cơ của “chỉ dụ” của Ngọc Hoàng đại đế ban ra. Do ĐCSTQ nhiều lần phát động các cuộc vận động chính trị, đặc biệt là cuộc Cách mạng Văn hóa 10 năm phá hoại, tiêu hủy các văn vật di tích cổ được truyền thừa của nền văn hóa truyền thống, mà hôm nay cảnh quan đền Ngọc Hoàng tại khúc cong núi Ấn sơn đã bị thay đổi hoàn toàn, vì vậy chúng ta cũng không cách nào đoán được bí ẩn thiên cổ việc Ngọc Hoàng ném Kim ấn tại nơi đây!

Về sau, người bạn của tôi đã nhờ một họa sĩ già ở địa phương dựa trên trí nhớ vẽ một bức tranh phong cảnh ban đầu của đền Ngọc Hoàng. Gần đây, tôi xem bức tranh hoạ ý này (hình kèm theo), và chợt hiểu ra ý nghĩa của nó: “Thái Cực đồ” không được xây dựng trên một mặt phẳng, mà được chia thành ba lớp: thượng, trung, hạ. Đền Ngọc Hoàng ở tầng cao nhất tượng trưng cho “Thiên thượng”; đường núi vòng cung hình chữ S ở giữa tượng trưng cho “trên mặt đất”; và đền Thần Tài được xây dựng ở tầng thấp nhất bên bờ sông, tượng trưng cho “dưới mặt đất”. Điều này không phải tượng trưng cho “Tam giới” sao? Đến giờ phút này, tôi mới hiểu tại sao Ngọc Hoàng lại nổi cơn thịnh nộ khi tòa hí lâu trên bờ sông được xây dựng đã phá hỏng bố cục của “Thái Cực đồ”, lại còn diễn tuồng hát trên lầu, đây chẳng phải là hành vi đi ngược lại với Thiên thượng sao?

Nhìn xuống đồ hình “Thái Cực”, ngắm kỹ “Tam giới”, thật là cảnh quan đặc biệt! Chúng ta hãy gọi nó là “Kỳ quan Ấn sơn”! “Tam giới” là thuật ngữ của giới tu luyện, “Thái Cực” là biểu tượng của “Đạo”, như vậy Ngọc Hoàng dùng Kim ấn “kỳ quan Ấn sơn” này để chỉ dụ thiên cơ gì? Tôi cho rằng lời tiên tri của Lưu Bá Ôn, quốc sư thời nhà Minh, chính là lời giải thích rõ nhất về thiên cơ này: “Lúc sắp kết thúc, vạn Tổ hạ giới, nghìn Phật lâm phàm, phổ thiên Tinh Đẩu, La Hán quần Chân, mãn thiên Bồ Tát, khó thoát kiếp này. Chính là vị Phật tương lai hạ thế truyền đạo, thiên thượng thiên hạ chư Phật chư Tổ, nếu không gặp con đường vàng kim này thì khó tránh kiếp nạn này, bị tước quả vị, sau cùng Di Lặc phong bế hết 81 kiếp”. Ý nghĩa là: Vào thời kỳ mạt kiếp, khắp trên Trời dưới đất nghìn Phật vạn Tổ, các vị Thần tiên đầy trời vì để tránh khỏi kiếp nạn, đều phải hạ xuống “Tam giới”, đến phàm giới này, để lắng nghe “Đạo” mà vị Phật tương lai truyền, nếu không đều sẽ bị kiếp nạn đào thải.

Vì vậy, Ngọc Hoàng Đại Đế tại dãy núi Tần Lĩnh thâm sâu được gọi là “Long Mạch” này, vị trí quan trọng phát sinh ra nền văn minh dân tộc Trung Hoa, mà ném xuống “Kim ấn”, dùng “Kỳ quan Ấn Sơn” này để truyền dụ cho các truyền nhân của rồng – con cháu hậu duệ của Diêm Hoàng và chúng sinh trong Tam giới rằng: “Tam giới” được tạo ra để Sáng Thế Chủ truyền đạo, cứu độ chúng sinh!

“Thiết môn giám” cũng là một bộ phận của “Kỳ quan Ấn Sơn”. Vậy thì nó ẩn dụ điều gì? Đương nhiên có nhiều cách giải thích xoay quanh thiên cơ này, tôi cho rằng có thể giải thích rõ qua bài thơ của Đường Tăng trong “Mộc tiên am Tam Tạng đàm thơ” – hồi thứ 64 sách “Tây Du Ký”: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp, Được cả ba điều, May mắn lắm thay!” Vì vậy, đắc được thân người, sinh ra tại Trung Thổ (Trung Quốc), gặp được Chính Pháp, “tam nạn” này chính là ba ngưỡng cửa “Thiết môn giám” mà một sinh mệnh tiến nhập vào Tam giới muốn phản bổn quy chân, thoát khỏi Tam giới, trở về Thiên quốc cần phải bước qua!

Hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ tin rằng người Trung Quốc hôm nay hầu hết đều từng là vạn Tổ, nghìn Phật, Bồ Tát, La Hán hạ xuống Tam giới đầu thai chuyển sinh thành thân người; khi thảm hoạ đại kiếp nạn của nhân loại đến gần, nếu như có thể đi trên con đường tu luyện Đại Pháp vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn”, thì thực sự trở thành người may mắn vượt qua được “tam nạn”, thì có thể thoát khỏi kiếp nạn, bước tới tương lai tốt đẹp vô cùng!

“Kỳ quan Ấn Sơn” ý nghĩa phi phàm, có bài thơ như sau:

Ngọc Đế trịch ấn cổ trấn Đông,
Hắc Sơn đột hiển phi lai phong,
Nhất loan thanh lưu nhiễu phong quá,
Tam điều giả thạch xuyên thủy hoành.
Phong trắc kì họa thái cực hiện,
Miếu loan xảo bài tam giới trình.
Hiểu dụ chúng sinh thức thiên ý,
Vật phụ đắc Pháp Trung Thổ thân.
Khóa việt tam đạo Thiết môn hạm,
Khiêu xuất hồng trần thượng thiên đình.

Diễn nghĩa:

Ngọc Đế ném bỏ Kim ấn tại cổ trấn phía Đông,
Hắc Sơn nổi bật với đỉnh núi bay,
Một dòng suối trong vắt đi quanh đỉnh núi,
Ba viên đá đỏ thẫm xuyên qua dòng nước.
Bức tranh kỳ quan hình Thái Cực triển hiện bên triền núi,
Đền thờ khéo léo đặt định Tam giới.
Để chỉ dụ cho chúng sinh biết ý Trời,
Đừng phụ (trách nhiệm) khi thân người đắc Pháp tại Trung Thổ.
Vượt qua ba cửa Thiết môn giám,
Thoát khỏi hồng trần lên thiên đình.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259950



Ngày đăng: 22-03-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.