Văn hóa Thần truyền tạo Đôn Hoàng (Phần 2): Tượng điêu khắc và bích họa trong hang đá
Tác giả: Lâm Khiết Tâm
[ChanhKien.org]
4. Tượng điêu khắc và bích họa trong hang đá
Phần 1. Nghệ thuật kiến trúc
Những bức tượng trong động đá Mạc Cao chủ yếu được làm từ đất sét, vì đa phần chúng đều được sơn màu nên xưa gọi chúng với cái tên là những bức tượng màu. Bột màu được sử dụng là những khoáng chất tự nhiên, màu sắc tươi sáng đẹp đẽ và có thể bảo tồn được trong thời gian rất lâu. Tượng màu là bộ phận chủ đạo của hang động, thông thường được đặt ở vị trí trung tâm chính điện, chủ yếu là những bức tượng Phật hoặc Bồ Tát, bốn bên và trên trần là những bức bích họa. Trong các động ở thời kỳ đầu, những bức bích họa chỉ xuất hiện như vật trang trí và có tác dụng phụ trợ. Tất cả đều được vẽ bằng màu, bất luận là nằm ở thời kỳ lịch sử nào, nội dung của các bức bích họa này đều mang tính thống nhất, phổ biến nhất là các bức tượng Phật, chuyện cổ Phật giáo, trong đó nổi tiếng nhất là các bức bích họa về Phi thiên.
Các dạng thức của động đá thời kỳ đầu (giai đoạn Thập lục quốc, Thời kỳ Bắc Triều, 304-581), chủ yếu là động thiền và động đá với tháp trung tâm, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Động thiền là động cho các tăng nhân đả tọa tu thiền. Ví dụ như gian chính của động 285 có hình vuông, vách chính diện có khám thờ để cho người tu hành quan tượng, hai bên trái phải có hai hoặc bốn khoang nhỏ chỉ vừa đủ cho một người ngồi bên trong. Động tháp trung tâm cũng được gọi là động cột trung tâm hay động chùa tháp. Ở trung tâm động có những cột trụ hình vuông có tác dụng làm trụ đỡ liên kết giữa đỉnh động và mặt đất phía dưới. Trên bốn mặt của cột trụ này có khoét những khoang nhỏ bên trong có chứa tượng, mục đích là để người tu hành đi vòng xung quanh chiêm ngưỡng bái Phật. Càng về sau, kiến trúc hang động Mạc Cao càng bị ảnh hưởng và du nhập rất nhiều phong cách kiến trúc khác của Trung Hoa nhất là vào tại thời kỳ Tùy Đường (581-907). Kiến trúc hang động vốn có dần chuyển sang kiến trúc điện đường truyền thống của người Hoa với gian chính điện hình vuông, vách chính có khoét những khám nhỏ và đặt tượng bên trong, ba vách còn lại được vẽ những bích họa nhiều màu, trần của hang động được thiết kế theo dạng hình cái triện hay hình chữ Nhân được kéo dài. Loại hình kiến trúc này về sau đã trở thành nơi bái lễ chính của tầng lớp bình dân.
Trong kinh Phật có ghi lại rằng: trước khi xuất gia, Thích Ca Mâu Ni là thái tử của Vương quốc Ca-tỳ-la-vệ. Khi Phật đản sinh đến thế gian, trên trời có đoàn tiên nhạc ca hát, trải hoa và rất nhiều các chư thiên thần đến hộ Pháp. Khoảnh khắc huy hoàng đó có vô vàn tia sáng rực rỡ tỏa chiếu trong khắp vũ trụ, vạn vật vui mừng khôn xiết. Trên trời lúc này rơi xuống hai sợi dây bạc như là tịnh thủy, một sợi thì ấm áp, một sợi thì thanh mát, để thái tử tắm rửa (đây cũng là nguồn gốc của nghi thức “Tắm Phật”). Khi thái tử vừa sinh ra, Ngài liền có thể bước đi bảy bước. Sau mỗi bước chân của thái tử dưới mặt đất đều nở ra một bông hoa sen, thái tử tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất mà nói lớn rằng: “Trên trời dưới đất, ta là độc tôn”.
Những người thợ điêu khắc đá tại Đôn Hoàng đã đem sự thành kính vô hạn đối với Phật Thích Ca mà gửi gắm vào các tác phẩm trong hang động. Bởi thế cho nên, nền động được lát bằng những viên gạch hình hoa sen, trụ đá cũng được chạm khắc hoa sen. Tượng Phật được tìm thấy ở vị trí trung tâm trong hầu hết tất cả các hang động. Trên trần động và bốn mặt tường xung quanh được vẽ những cảnh tượng thù thắng của thế giới Cực Lạc.
Phần 2. Nghệ thuật điêu khắc và bích họa
Xét trên phương diện phong cách nghệ thuật, sự phát triển của hang động Đôn Hoàng có thể phân thành ba thời kỳ. Thời kỳ đầu tiên là giai đoạn trước thời kỳ Tùy Đường, bao gồm bốn thời kỳ: Thập lục quốc, Bắc Ngụy, Tây Ngụy, và Bắc Chu, trải dài trong 180 năm. Tiếp theo là thời kỳ đỉnh cao của hai triều đại Tùy Đường trong 300 năm lịch sử. Và cuối cùng là thời kỳ suy tàn sau khi nhà Tùy Đường kết thúc, trải qua các thời kỳ: Ngũ Đại, Tống, Tây Hạ, Duy Ngô Nhĩ, Nguyên, trải dài trong hơn 460 năm lịch sử.
(1) Thời kỳ phát triển
Vào thời kỳ đầu, các tác phẩm điêu khắc màu chủ yếu lấy hình tượng Di Lặc làm chủ đạo, mang đặc điểm điêu khắc của Ấn Độ. Tượng cao, trán rộng, mặt vuông, mũi thẳng, hốc mắt sâu, búi tóc gợn sóng, y phục mặc sát thân người. Lấy ví dụ một bức tượng Di Lặc cao 3.4m đang ngồi trong tư thế vắt chân trong động 275 được vẽ vào thời kỳ Bắc Lương (412-460), là tác phẩm điêu khắc màu lớn nhất trong thời kỳ này. Bức tượng có gương mặt tròn trịa, thần sắc trang nghiêm, đầu đội vương miện tam chu bảo (ba viên ngọc quý), thắt lưng được làm từ ruột cừu, cổ đeo vòng ngọc, mình ngồi trên lưng sư tử, phía sau có vẽ một hình tam giác ngược. Tượng Di Lặc có sống mũi cao, mắt hơi lồi, mang những nét đặc trưng của tượng Phật Ấn Độ. Thủ pháp tạo tượng của Ấn Độ có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, được lưu lại từ tín ngưỡng Phật giáo trước thời đại Phật giáo Ấn Độ. Bởi vậy có truyền thuyết cho rằng cái tên “Đôn Hoàng” vốn là có quan hệ với người Hy Lạp cổ đại, điều này cũng không phải không có căn cứ.
Vào năm CN 525, ở Trung Nguyên xuất hiện trường phái nghệ thuật theo lối “Tú Cốt Thanh Tượng”, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật điêu khắc của Đôn Hoàng. Ví dụ như bức tượng hành giả khổ tu thiền định trong hang động thứ 428. Bức tượng có khuôn mặt gầy gò, trang phục rộng mà mỏng, phiêu diêu tự tại, tĩnh tại siêu phàm.
Những bức bích họa trong thời Bắc Triều chủ yếu miêu tả lại những câu chuyện trong kinh Phật. Nổi tiếng nhất là câu chuyện Thi Tì Vương xẻ thịt cứu chim bồ câu, được nhìn thấy lần đầu tiên ở phần giữa của bức tường phía bắc trong hang động số 275 (thời Bắc Lương), vẽ lại hai tình tiết là xẻ thịt và cân thịt. Đây là bức họa thuộc vào loại sớm nhất trong hệ thống tranh liên hoàn của động Mạc Cao. Đặc sắc nhất là bức tượng Thi Tì Vương ở phía trước bức tường phía bắc của động thứ 254 vào thuộc thời Bắc Ngụy. Ngoài ra còn có bức họa về con hươu chín màu ở hang động số 257 vào thời kỳ Bắc Ngụy và bức tranh về câu chuyện 500 tên cướp (Đắc Nhãn Lâm) của thời Tây Ngụy trong động 285.
Những bức bích họa Thiên Cung Kỹ Lạc thời Bắc Ngụy còn mang những nét đặc trưng của văn hóa Tây Vực, như được tìm thấy trong động số 259, 435 là hình các vũ nữ với dải khăn dài vắt ngang vai rất giống những bộ váy sari của phụ nữ Ấn Độ ngày nay, động tác vũ đạo cũng mang nhiều hơi hướng Ấn Độ.
Từ cuối thời kỳ Bắc Ngụy đến Tây Ngụy, do những cải cách của Lý Văn Đế, những tộc người Tiên Ti ở đây bắt đầu học tập và tiếp nhận văn hóa tiên tiến của người Hán. Đặc biệt là sau khi dời đô về Lạc Dương, người Hán càng đẩy mạnh quá trình truyền bá văn hóa của mình ra bên ngoài. Lúc này trong những bức bích họa bắt đầu xuất hiện những truyền thuyết thần thoại của Trung Quốc thời viễn cổ, như Tây Vương Mẫu, Đông Vương Công, Phục Hy, Nữ Oa,v.v. Tuy nhiên, bút pháp hội họa Tây Vực vẫn được giữ lại.
(2) Thời kỳ đỉnh cao
Đến thời kỳ Tùy Đường, nghệ thuật điêu khắc trong hang Mạc Cao có sự chuyển đổi từ phong cách “Tú Cốt Thanh Tượng” từ thời Bắc Ngụy sang phong cách “Ung Dung Hoa Quý”, màu sắc phong phú rực rỡ.
Những bức tượng thời nhà Tùy có thân hình to lớn đầy đặn, mũi thấp tai to, y phục phú lệ. Tư thế phong phú đa dạng, hình dáng cũng mang nhiều hơn phong cách tạc tượng của Trung Hoa. Dung mạo điềm tĩnh của những bức tượng Đôn Hoàng cũng phù hợp với tư tưởng mỹ thuật truyền thống Trung Quốc. Đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của Phật giáo từ tự viện hướng sang đời sống hiện thực.
Như bức tượng tôn giả A Nan – một đệ tử của Đức Phật trong động số 427. A Nan là người có trí nhớ phi thường, được mệnh danh là “đa văn đệ nhất”. Tượng A Nan được tạc trong tư thế hợp thập, cung kính đứng bên Đức Phật. A Nan được tạo hình với thân hình đầy đặn, y phục đơn giản. Mặt phía nam của trụ trung tâm là bức tượng Đại Ca Diếp, tri túc thiểu dục, tu hạnh đầu đà. Hai tay hợp thập, đứng sang một bên của Phật. Hình tượng Đại Ca Diếp được khắc họa với thân hình khô héo, người nổi gân xanh, gương mặt góc cạnh, ánh mắt sắc lạnh và đang khẽ mỉm cười. Mặc dù tôn giả A Nan và Đại Ca Diếp đều là người Ấn Độ, nhưng trong trang phục và tạo hình đã thể hiện rõ những đặc trưng của Trung Hoa.
Những bức bích họa thời nhà Tùy cũng từng bước khắc họa những câu chuyện trong kinh Phật, như Phật thuyết “Pháp Hoa Kinh”, “Niết bàn kinh” trong động số 419, 420, v.v.
Vào thời nhà Đường (618-907), “Trinh Quán chi trị” (Trinh Quán là chỉ thời kỳ trị vì của Đường Thái Tông từ năm 626 đến năm 649), toàn quốc thống nhất, kinh tế ổn định, đặc biệt đến năm Khai Nguyên Thiên Bảo, sử sách gọi đây là thời “thịnh Đường”. Cuộc sống của bách tính trăm họ đều sung túc, văn hóa Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ, Phật giáo được lưu truyền phổ biến trên vùng đất Trung Nguyên. Thời điểm đó đã có không ít cao tăng, đem Phật pháp hồng truyền về vùng Tây Vực, kinh sách từ Trường An, Lạc Dương không ngừng được truyền tới, nghệ thuật điêu khắc đá Mạc Cao sau khi tiếp thụ những ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trên các phương diện như phong cách kiến trúc, hình thức quy mô, tạo hình, nội dung bích họa đều đã phát sinh những biến đổi to lớn.
Bắt đầu từ thời nhà Đường, các tác phẩm điêu khắc đã hoàn toàn rời xa khỏi những bức tường, giờ đây trong động xuất hiện ngày càng nhiều những tổ hợp điêu khắc độc lập và có cảm giác lập thể rõ nét. Như vị thiên vương uy nghiêm trong động số 332, lực sĩ dũng mãnh trong động số 55, hai vị Bồ Tát ngực trần ở hai phía nam bắc trên bức vách phía tây của hang động số 45, có lông mày xanh và cặp mắt thanh tú, hai bên má đầy đặn và sáng bóng, vẻ mặt cười như không cười, thần sắc điềm tĩnh từ bi.
Thời nhà Đường là thời kỳ mà những tượng Phật lớn được xây dựng. Vào những năm đầu của thời đại nhà Đường, nhằm thay thế thiên hạ của Lý Đường, Võ Tắc Thiên đã hạ lệnh cho tăng nhân viết ra “Đại vân kinh sơ”, bộ kinh này đã gọi Võ Tắc Thiên là Di Lặc hạ phàm khiến cho toàn quốc khởi lên phong trào tạo tượng Di Lặc. Bức tượng lớn nhất của động Mạc Cao đã được tạo ra trong thời kỳ này, đó là Bắc Đại Tượng ở động số 96, cao 35.5m, khí thế hùng vĩ, trang nghiêm trầm định, được dựng vào những năm Khai Nguyên. Còn có Nam Đại Tượng ở động số 130 cao 26m. Cùng với bức đại tượng ở động thứ sáu trong động Du Lâm, chính là ba động Phật lớn của Mạc Cao được tạo ra vào thời nhà Đường, tất cả đều thờ phụng đức Phật Di Lặc trong tư thế ngồi. Xây tượng Phật lớn rất hao tài tốn của, lại nhọc sức dân, sự đầu tư nhân lực là không thể tính đếm được, như bức Nam Đại Tượng phải dùng thời gian đến 30 năm mới xây xong, và cũng chỉ có một quốc lực hùng hậu như Đại Đường mới có thể làm được việc này.
Bắt đầu từ thời nhà Tùy, tín ngưỡng thờ Phật Di Lặc được phổ biến ở Trung Nguyên, theo ghi chép thì đã có rất nhiều kinh điển liên quan đến vị Phật này, điều đó phản ánh sự sùng bái của người dân đương thời với Đức Di Lặc, tin rằng vị Phật này trong tương lai sẽ hạn sinh, phổ độ chúng sinh và thành tựu quả vị Phật.
Ngoài ra, còn có bức tượng Phật Thích Ca trong tư thế nằm (nghiêng về phía bên phải) dài 15.8m trong hang động số 158 được xây dựng vào giữa thời nhà Đường. Bốn bên xung quanh bức tượng còn có nhiều bức bích họa vẽ hình Bồ Tát, đệ tử, hộ pháp, quốc vương, đại thần. Dưới sự kết hợp của điêu khắc và bích họa, cảnh tượng Đức Phật nhập niết bàn được miêu tả hết sức tráng lệ và bi ai thể hiện được sự sùng bái và kính ngưỡng cao độ từ nội tâm của con người đối với Phật.
Bích họa thời nhà Đường có màu sắc vô cùng phong phú, phúc lệ mà lại rất đỗi huy hoàng, thể hiện được cảnh tượng tươi vui trong các đền đài lầu các, các điệu múa uyển chuyển nhẹ nhàng. Điều đó đã phần nào thể hiện được đời sống sung túc của người dân và sự ổn định của xã hội thời Đường. Nội dung của các tác phẩm bích họa có thể phân thành năm loại: tranh tượng Phật; tranh kinh Phật khổ lớn; tranh lịch sử Phật giáo; tranh chân dung người cúng dường; tranh hoa văn trang trí.
Tác phẩm điêu khắc tranh Kinh Di Đà trong động số 220 là tác phẩm đại biểu cho dòng tranh cố sự kinh Phật nhà Đường. Dưới thủ pháp nghệ thuật tạo hình tinh xảo, thế giới Cực Lạc trong tranh được khắc họa vô cùng sống động. Bức tranh Phật Di Đà thuyết pháp trong động số 148 còn khắc họa được cảnh tượng mỹ diệu nơi thế giới của Phật Di Đà.
Tranh lịch sử Phật giáo, dòng tranh này đã khắc họa quá trình Phật pháp truyền về phương Đông. Trong gian chính của động số 323, trên hai bức tường nam bắc có tổng cộng tám bức tranh về các câu chuyện sử ký Phật giáo, đây cũng là hang động có nhiều bức tranh kể về lịch sử Phật giáo nhất tại Mạc Cao. Tranh Ngũ Đài trong động 61 chính là miêu tả về núi Ngũ Đài, đây là một trong tứ đại linh sơn của Phật giáo Trung Quốc. Ngoài ra còn có bức họa vẽ về thánh tích của Văn Thù Bồ Tát, đây cũng là bức họa lớn nhất của thắng tích Phật giáo trong hang Mạc Cao.
Những bức họa trang trí dạng hoa văn trong hang Mạc Cao có muôn vạn hình thù, màu sắc sặc sỡ, nó vừa đóng vai trò là hành lang dẫn đi giữa các động vừa mang tính độc lập về nội dung trong từng tác phẩm. Lấy bức “Tảo Tĩnh” được vẽ vào thời Tùy Đường làm đại biểu, đây là đỉnh cao trong nghệ thuật vẽ tranh trang trí của hang Mạc Cao. Như bức họa trên trần hang 329 và trên mặt tường phía tây của trần hang 159 có hoa văn rất phức tạp. Dạng thức hoa văn này thường xuất hiện trên nóc hang, ngụ ý là diễn đạt sự to lớn hồng đại và không thể đoán biết của vũ trụ bao la.
Nằm tại vị trí kinh tế huyết mạch và văn hóa trọng yếu nên Đôn Hoàng đã trở thành trung tâm thương mại trên “Con đường tơ lụa” của nhà Đường, duy trì sự thịnh vượng trong một thời gian dài. Nơi đây đã tiếp đón vô số những tăng nhân từ phía Đông đến truyền đạo và từ phía Tây trở về sau quá trình tìm pháp, những thương gia qua lại giữa Đại Lục và Tây Vực. Điều này đã đem lại cho nghệ thuật điêu khắc đá Đôn Hoàng rất nhiều tinh hoa của các nền văn hóa Phật giáo Trung Nguyên, Tây Vực cho tới Ấn Độ. Đôn Hoàng cũng vì đó mà bước vào thời kỳ phát triển toàn thịnh. Ví như các động 217, 103, 45, 85, v.v. Ở phía tây của bức tường phía nam hang 103 có một bức tranh truyện kể Phật giáo được vẽ dựa theo bộ “Pháp Hoa kinh biến – hóa thành dụ phẩm”. Trên bức bình phong là cảnh núi non trùng điệp, cây cối rợp bóng, thương nhân mặc trang phục sặc sỡ, một số cưỡi voi chở tơ lụa, một số dắt theo lừa ngựa… tất cả đều đang tất bật mua bán giao thương. Những thương nhân này ngoài những người Tây Vực và Trung Nguyên, còn có những người từ Nam Á, Ấn Độ và các nước khác đến.
Năm 755, nhà Đường phát sinh biến loạn An Sử. Nhà Đường điều động quân đội tinh nhuệ từ Hà Tây tiến vào Trung Nguyên, quân đội Thổ Phiến nhận cơ hội đó mà tiến vào Hà Bắc, sau đó trở thành chủ nhân mới của Đôn Hoàng, thống trị khu vực này trong hơn 60 năm. Người Thổ Phiến chính là tiền thân của người Tây Tạng, họ tín ngưỡng Phật, sùng bái thần linh. Trong thời kỳ Thổ Phiến thống trị nơi đây, họ đã tiếp nối phong cách kiến trúc của nhà Đường, đẩy mạnh phát triển nghệ thuật điêu khắc đá của Đôn Hoàng, đồng thời còn bảo vệ Đôn Hoàng trước kiếp nạn thời Hội Xương diệt Phật. Sự an bài tưởng chừng ngẫu nhiên này của lịch sử, dường như là Thần Phật đang lặng lẽ bảo hộ cho Đôn Hoàng.
Trong những bức bích họa được vẽ vào thời Thổ Phiến, đã xuất hiện những bức tượng thần trong Phật giáo Mật tông mà trước nay chưa từng được thấy, như bức Như Ý Luân Quan Âm, Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, v.v. Còn có những bức họa kể lại những câu chuyện thần tích và linh dị của Phật giáo, cho đến những bức tượng của những bậc cao tăng đại đức và người cúng dường, tất cả đều được thể hiện một cách chân thực và sống động trên từng nét vẽ.
Trong thời kỳ thái bình thịnh trị nhà Đường, đời sống người dân rất đầy đủ, nhà nhà người người đều tín ngưỡng Phật, hơn nữa là văn hóa đa Phật. Mọi người mong mỏi “mùa màng bội thu” và thế giới của Phật Di Lặc “y phục tự nhiên” có trên cây, họ tin rằng mọi khổ đau đều có thể được giải trừ miễn là kiên trì niệm danh hiệu của Đức Phật Dược Sư. Vô luận phú quý sang bần, nếu một lòng niệm Phật thì kẻ phàm phu cũng đều được thoát tục mà sinh về Tây Phương. Năng lực sáng tạo của những họa sĩ có thành tín với Phật đã được phát huy cao độ. Họ đã đem những phú quý vinh hoa nơi thế gian mà gửi gắm lên những bức tranh tường, lại đem sự mỹ hảo của thế giới thiên quốc mà triển hiện nơi nhân gian. Thiên thượng cõi nhân gian, nhân gian nơi thiên tượng, đúng là là một thời kỳ thiên nhân hợp nhất, thể hiện được đầy đủ văn hóa bán thần của Trung Hoa.
(3) Thời kỳ suy thoái
Sau thời đại Tùy Đường, nghệ thuật Đôn Hoàng bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái.
Năm CN 1036, nhà Tây Hạ thống trị Đôn Hoàng, Phật giáo trở thành quốc giáo của Tây Hạ. Nhà vua Tây Hạ bấy giờ là Nguyên Hạ đã cho mời về từ Tây Tạng một đại sư theo Tạng truyền Phật giáo thuộc phái Cát Cử. Từ đây nghệ thuật điêu khắc trên đá của Đôn Hoàng bắt đầu hòa nhập cùng văn hóa Tây Tạng.
Năm 1227, vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn tiến vào Sa Châu, những người Mông Cổ tín ngưỡng Tạng truyền Phật giáo đã đưa văn hóa Mật tông Tây Tạng phát triển lên đến đỉnh cao. Hang số 465 trong quần thể hang động Mạc Cao là hang động đại biểu cho phong cách kiến trúc và hội họa của Tạng truyền Phật giáo Mật tông thời nhà Nguyên. Gian chính trong hang 465 được thiết kế theo hình vuông với đỉnh trần dạng dấu triện phẳng, ở giữa có một đàn thờ hình tròn, trên trần có vẽ ngũ phương Phật với hình Đại Nhật Như Lai ở trung tâm, trên tường bốn phía còn vẽ rất nhiều các chủng loại kim cang. Trong số đó có bức họa “Hoan hỉ kim cang” thể hiện cho phương pháp tu luyện nam nữ song tu và bức họa “Hận nộ kim cương” là thể hiện cho sự chế át ma tính và còn nhiều bức họa đặc biệt khác. Gương mặt các nhân vật trong tranh phần nhiều được vẽ màu xanh hoặc màu âm dương hồng lục. Tạo hình của các bức tượng rất có đường nét, chuẩn xác và sinh động, tạo cho người xem cảm giác lập thể rõ nét. Tất cả điều này đã thể hiện sự độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Phật giáo Tây Tạng, góp phần làm nên sự huy hoàng của hang Mạc Cao trong thời kỳ phát triển thịnh vượng cuối cùng.
Phần 3. Nội dung của các tác phẩm điêu khắc và bích họa
Cổ nhân Trung Quốc rất tôn trọng Trời Phật Thần linh. Từ xưa đến nay, người Trung Quốc đều lưu truyền rất nhiều những câu chuyện thần thoại như Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Nữ Oa sáng tạo ra loài người, Khoa Phụ đuổi theo Mặt Trời, Đại Vũ trị thủy, v.v. Người Trung Quốc là một dân tộc tín Thần, bao gồm các đế vương trong lịch sử trải qua các triều đại cũng đều như vậy. Sau khi Phật giáo truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, dân tộc Hoa Hạ đã nhanh chóng tiếp nhận và hồng dương Phật pháp. Trong Phật giáo có rất nhiều câu chuyện hành thiện cứu người, nhân quả báo ứng, luân hồi chuyển sinh, làm việc tốt, bố thí đắc được thiện quả, làm việc xấu bị trừng phạt, con người tin vào Thần Phật thì sẽ nhận được sự bảo hộ của Thần, người tu luyện đắc đạo sẽ thăng lên thiên đường. Những ý niệm này gần như đều được tìm thấy trong các tác phẩm điêu khắc và tranh tường trong hang Mạc Cao. Còn có rất nhiều những bức tượng điêu khắc lớn và bích họa tôn vinh Thần Phật. Tất cả đều phản ánh niềm tin và sự mong cầu của con người thời bấy giờ.
Nghệ thuật điêu khắc tượng phân thành bốn nhóm chủ yếu sau:
(1) Nhóm tượng Phật, bao gồm: Tượng Thích Ca, Di Lặc, Dược Sư, A Di Đà cho tới Tam thế Phật, Thất thế Phật;
(2) Nhóm tượng Bồ Tát, bao gồm: Tượng Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền cho tới người cúng dường Bồ Tát, v.v.;
(3) Nhóm đệ tử, bao gồm: Tượng Đại Ca Diếp, A Nan;
(4) Nhóm tượng tôn thần, bao gồm: Thiên vương, lực sĩ, La Hán, v.v. Ngoài ra còn có một số quỷ thần, thiện thần và tượng động vật;
Tượng điêu khắc là chủ thể trong những hang động. Mặc dù trên bề mặt, những bức bích họa trong hang chỉ như có tác dụng bổ sung, trang trí, tuy nhiên số lượng và quy mô của chúng cũng lại là lớn nhất. Hơn nữa nghệ thuật hội họa cũng vô cùng tinh xảo, nội hàm phong phú, bao hàm mọi mặt của đời sống xã hội và gia đình, từ sinh lão bệnh tử cho tới trang phục, ẩm thực, nhà ở, phương tiện đi lại… Dường như là vô sở bất bao, thể hiện đầy đủ sinh hoạt văn hóa, phương thức sinh tồn của Thần cho tới thiên địa nhân, muông thú và môi trường trong các thời kỳ khác nhau của người xưa. Ngoài ra còn có tình hữu nghị và lòng biết ơn. Tất cả đều vô cùng phong phú và sinh động, lại hết sức tự nhiên và có trật tự.
Hơn 50,000m² tranh tường của Đôn Hoàng có thể phân thành những loại lớn dưới đây:
(1) Tranh về Phật. Đề cập đến hình tượng của Phật Đà, Bồ Tát, Hộ pháp cùng các chủng Thần linh khác nhau được người đương thời thờ tự. Tranh về Phật là bộ phận chủ yếu trong dòng tranh tường, Những bức tượng Phật này phần nhiều được vẽ trong khung cảnh Phật đang thuyết Pháp. Chỉ riêng các bức tượng loại này đã có 933 bức với tổng số lượng 12208 hình Phật với muôn vàn thần thái khác nhau. Trong đó bao gồm các dạng tượng Phật như Tam thế Phật, Thất thế Phật, Thích Ca, Đa Bảo Phật, Hiền Kiếp Thiên Phật, v.v; các chủng Bồ Tát có Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, v.v. Thiên Long Bát Bộ có Thiên Vương, Long Vương, Dạ Xoa, Phi Thiên, A Tu La, Ca Hầu La (Kim Xí Điểu Vương), Khẩn Na La (Lạc Thiên), Đại Mãng Thần, v.v.
(2) Các bức họa theo đề tài thần thoại truyền thống dân tộc. Đề cập đến các nhân vật thần thoại xuất hiện trong các bức tranh cuối thời Bắc Ngụy như Đông Vương Công, Tây Vương Mẫu, Phục Hy, Nữ Oa, Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ cho đến các vị thần gió, thần mưa, thần sấm chớp trong Đạo gia. Trên nhiều bức tường còn tìm thấy hình các bức họa miêu tả những chiếc xe có lọng cao che chắn, phía sau xe có cờ bay phấp phới, phía trước có các nhà giả kim dương cao cờ phướn để mở đường, theo sau cùng là các thần thú đầu người thân rồng đi theo tùy hành. Chu Tước, Huyền Vũ, Thanh Long, Bạch Hổ được phân bố trên các bức tường. Phi Liêm vỗ cánh mà gió nổi, Lôi Công vung tay đánh trống, tia chớp lóe lên như sắt khoan vào kim cương, thần mưa phun sương mù mà làm mưa xối xả.
(3) Những bức tranh kinh biến. Đây là những bức tranh được sử dụng thủ pháp vẽ liên hoàn, dùng cách thức biểu đạt thông tục dễ hiểu nhất để kể lại cả một bộ kinh Phật. Rất nhiều các khía cạnh của đời sống sinh hoạt của con người cũng đều được thể hiện qua những bức tranh kinh biến này. Những tác phẩm tranh kinh biến nổi tiếng của Đôn Hoàng có “Phúc Điền Kinh biến”, “A Di Đà Kinh biến”, “Di Lặc kinh biến”, “Pháp Hoa Kinh biến”, v.v.
(4) Những câu chuyện Phật truyền. Dòng tranh này chủ yếu nói về những câu chuyện khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Thông thường những bức vẽ về “Thượng tượng nhân thai” hay “Nửa đêm vượt thành” xuất hiện tương đối nhiều. Điển hình là bức họa trong hang số 290 (thời Bắc Chu) gồm sáu bức hoành phi, với 87 bức tranh ghép lại theo cách liên hoàn, đã khắc họa lại quá trình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi ra đời cho tới lúc xuất gia. Một dải truyện tranh khổng lồ có kích thước lớn như vậy là rất hiếm gặp trong dòng tranh Phật giáo ở Trung Quốc.
(5) Tranh về cuộc đời Đức Phật. Đây là dòng tranh miêu tả lại những câu chuyện luân hồi báo ứng, hành thiện tích đức trong các đời chuyển sinh của Phật Thích Ca. Đây cũng là đề tài được khai thác rộng rãi từ thời kỳ đầu trong nghệ thuật tranh tường của Đôn Hoàng. Có thể lấy ví dụ như là “Tát Chủy Na hiến thân cho hổ đói”, “Thi Tì Vương xẻ thịt cứu bồ câu”, “Hươu cửu sắc xả thân cứu người”, “Tu Cát Đề dóc thịt hiến (cho) cha”, “Sư tử Kim Mao”, v.v.
(6) Những bức tranh về câu chuyện nhân quả. Đây là những câu chuyện về đệ tử Phật môn, thiện nam tín nữ và những chúng sinh được Phật Thích Ca độ hóa. Những câu chuyện này có sự khác biệt với các câu chuyện về cuộc đời Đức Phật ở chỗ: nếu như các bức họa trên chỉ kể về cuộc đời trong những tiền kiếp của Phật Thích Ca, thì ở đây lại kể về cả chuyện kiếp trước lẫn kiếp này của các đệ tử Phật môn và các thiện nam tín nữ. Những đề tài chính trong đó là “Chuyện năm trăm tên cướp thành Phật”, “Sa Di giữ giới mà tự sát”, “Thiện Hữu thái tử xuống biển lấy bảo ngọc” v.v. Những bức họa này được miêu tả rất sinh động, nhằm hướng con người tránh xa điều ác, hành thiện cứu người. Nhân quả báo ứng không hề sai lệch.
(7) Những bức tranh về di tích lịch sử của Phật giáo. Những bức họa này được căn cứ theo những ghi chép sử ký mà vẽ thành câu chuyện, bao gồm: thánh tích Phật giáo, câu chuyện luân hồi cảm ứng, sự tích cao tăng, tranh thụy tượng, tranh giới luật, v.v. Những bức họa này có thể được xem như một cuốn “lịch sử viết bằng tranh” về các nhân vật và sự kiện trong lịch sử Phật giáo. Loại tranh này chủ yếu được vẽ ở trong các hốc hang, đầu hàng lang và các vị trí phụ ở các góc. Tuy nhiên cũng có những bức được vẽ ở bức tường chính diện, như bức họa “Trương Khiên xuất sứ Tây Vực” trong hang số 323 , “Phật Đồ Đăng” và bức “Lưu Tát Ha” trong hang số 72, v.v.
(8) Những bức tranh về người cúng dường. Những người cúng dường chính là những nhân công và thợ điêu khắc đá vì tín ngưỡng Phật giáo mà bỏ công sức tài vật kiến tạo nên hang đá Đôn Hoàng. Để biểu thị sự tín ngưỡng chân thành với Phật và cũng để lưu danh với hậu thế. Khi bắt đầu khởi công xây dựng các động Phật này, những người cúng dường đã vẽ lại chân dung của bản thân, gia tộc, họ hàng và nô lệ của mình lên các bức họa. Những bức chân dung này được gọi là bức tranh về người cúng dường.
Bài viết này có sưu tầm một số câu chuyện Phật giáo trong các bức tượng và tranh tường trong hang động, xem phần phụ lục.
Ngoài những điều kể trên, một điều cũng đáng để nhắc tới là, trong những bức bích họa của Đôn Hoàng còn lưu giữ được một lượng lớn những hình ảnh về phi thiên, lạc vũ cho đến những công cụ tiên tiến được dùng trong sản xuất nông nghiệp và giao thông thời cổ đại.
(1) Phi thiên
Phi thiên hay còn được gọi là Hương Âm Thần, là thiên thần trong Phật giáo. Phi thiên trong những bức họa đều được vẽ ở khu vực phía trên của các bức tường hoặc ở trên trần hang nơi vốn được dùng để biểu thị cho bầu trời trong thế giới Cực Lạc.
Mỗi lần khi Phật giảng Pháp, các Phi thiên này đều bay lượn và trải hoa giữa không trung, điệu múa uyển chuyển, thanh thoát, vạt áo và tấm khăn vải mang theo khẽ khàng lướt đi mềm mại. Đại thi hào Lý Bạch có viết rằng: “Tố thủ bá phù dung, hư bộ nhiếp thái không; Nghê thường duệ quảng đới, phiêu phù thăng thiên hành.”
Dịch nghĩa: “Tay mềm nâng hoa sen, hư bộ bước (trên) hư không; Trong điệu khúc nghê thường (tay) kéo dải lụa, nhẹ bay lên trời cao.”
Hình tượng của Phi thiên là đến từ thiên đường, vốn không xuất hiện tại nhân gian. Hiện nay, rất nhiều vũ điệu múa Phi thiên là được học tập và mô phỏng từ những bức bích họa trong hang Đôn Hoàng. Hàm nghĩa của Phi thiên trong truyền thuyết dân gian là để dẫn khởi con người có tín tâm về thế giới Cực Lạc. Những họa sĩ thời cổ đại có thể vẽ nên những bức hình Phi thiên với tư thế mềm mại và uyển chuyển lại sống động đến vậy, hơn nữa lại còn xuất hiện trong rất nhiều hang động, điều đó quả thực phải khiến cho con người hôm nay thán phục bội phần.
Quần thể hang Mạc cao hiện nay có hơn 270 bức bích họa có hình Phi thiên với số lượng lên đến hơn 4500 hình. Chỉ riêng trong hang số 290 đã có hơn 154 hình Phi thiên với đủ loại tư thế, hình Phi thiên lớn nhất có chiều dài cơ thể lên đến 25m, nhỏ nhất là 5cm. Những bức hình Phi thiên là hình tượng nghệ thuật mang tính đại biểu nhất trong quần thể hang động Đôn Hoàng.
(2) Lạc vũ
Lạc vũ tức là âm nhạc và vũ đạo. Những bức họa theo đề tài âm nhạc tại hang Đôn Hoàng có trên hai trăm bức, trong đó vẽ rất nhiều đội nhạc, nhạc sĩ, nhạc khí. Theo như thống kê, có hơn 500 đội nhạc khác nhau, có các động tác thổi, kéo, đánh, gẩy với hơn 40 chủng loại nhạc khí, tổng số hơn 4500 hình. Trong các bức bích họa đại đa số đều có tượng khiêu vũ.
Tranh lạc vũ xuất hiện chủ yếu trong các bức họa kinh biến. Ví dụ như bức A Di Đà Kinh biến trong hang số 220. Trong tranh Phật A Di Đà ngồi xếp bằng đả tọa trên đài sen ở trung tâm hồ báu, Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát đứng ở hai bên trái phải. Bốn xung quanh có rất nhiều Bồ Tát vây quanh. Trong hồ gợn sóng xanh như ngọc, hoa sen nở rộ, đồng tử vui vẻ nô đùa. Đội nhạc có 16 người chia làm hai khoang với tiếng trống và giai điệu du dương. Có một đội múa tay cầm khăn dài, vừa vẫy khăn vừa múa theo nhạc, rất giống với điệu múa “Hồ huyền” của Tây Vực. Bức Vô Lượng Thọ kinh biến trong hang thứ 217 và 172 lại có sự tương đồng đến thú vị với bức bích họa trong hang số 220. Trên nền trời rộng lớn, Phi thiên cưỡi trên mây trắng, thiên nhạc không đánh mà vang dội. Cảnh tượng thế giới Cực Lạc thật là mỹ diệu vô cùng!
Trong những bức họa tại hang Đôn Hoàng còn có những hình lạc vũ thể hiện cuộc sống thường nhật và phong tục tập quán của dân gian. Như doanh kỹ xuất hành trong bức tranh thời Trương Nghị; thanh thương kỹ (phương thức buôn bán kinh doanh của thương nhân) và bách hý (trò chơi dân gian) trong bức tranh phu nhân đời Tống hay điệu múa Lục Công trong tranh đám cưới v.v.
Tương truyền, điệu múa nổi tiếng “Nghê thường vũ y vũ” thời Đường, vốn là được học tập từ những tư thế vũ đạo trong những bức bích họa của hang Đôn Hoàng. Còn có điệu múa “Tỳ bà phản đàn” trong vũ đạo Trung Quốc, cũng có liên hệ với vũ lạc của Đôn Hoàng. Có khoảng 700 chiếc đàn tỳ bà với hơn 50 dạng tư thế cầm đàn khác nhau đã được phát hiện.
Trong các bức bích họa còn có rất nhiều những tư thế múa đẹp mắt, những điệu nhạc vũ này lẽ nào chỉ là sự tưởng tượng của con người hay sao? Điều này muốn nói cho chúng ta điều gì?
Lạc vũ xuất hiện sớm nhất trong thế giới Phật quốc để tôn vinh Đức Phật, vì vậy nó rất thần thánh và không thể bị xúc phạm. Một lượng lớn những hình ảnh lạc vũ trong các bức bích họa đều thể hiện sự mong mỏi của người dân về một thế giới tốt đẹp, sự kính ngưỡng vô hạn với Thần Phật, điều đó đã thể hiện một cách đầy đủ cảnh giới của Thiên Nhân hợp nhất trong văn hóa Trung Quốc.
Loại hình nghệ thuật như vậy đương nhiên là mang những ý nghĩa phi phàm, có thể khiến tâm linh của con người chấn động sâu sắc, để lại rất nhiều dư vị.
(3) Khoa học kỹ thuật thời cổ đại
Những bức bích họa tại Đôn Hoàng thể hiện một trình độ khoa học kỹ thuật cao của thời cổ đại trên nhiều phương diện. Ví dụ như trong phong cách kiến trúc, độ bền màu của vật liệu, v.v. Đôn Hoàng có thể xem như một bộ “tư liệu sống” của lịch sử.
Sự chuẩn xác trong bức Ngũ Đài Sơn trong hang 61 khiến cho con người hôm nay không khỏi bàng hoàng thán phục. Kiến trúc sư nổi tiếng Lương Tư Thành sau khi xem xong bức họa này đã tự mình tìm đến núi Ngũ Đài ở Sơn Tây và tìm ra được Minh Tự viện thời Đường được miêu tả chính xác trong bức tranh.
Ngoài ra, những thành tựu lớn trên phương diện sản xuất và giao thông của người xưa được tìm thấy ở Đôn Hoàng càng khiến thế giới phải chú ý. Như xe một bánh, bộ cương ngựa, bàn đạp ngựa, đinh đóng móng ngựa, tất cả đều là sáng tạo của người Trung Quốc.
Trong các bức bích họa có hơn 80 bức “Nông tác đồ” (bức tranh canh tác nông nghiệp) đã phản ánh tình hình sản xuất nông nghiệp hơn một ngàn năm từ thời Bắc triều cho tới thời nhà Nguyên. Quá trình sản xuất nông nghiệp được miêu tả trong hơn mười công đoạn từ gieo hạt cho tới thu hoạch với hơn hai mươi công cụ sản xuất khác nhau. Ví dụ như bức tranh canh tác trong hang số 445 đã vẽ nên cảnh gieo hạt, thu hoạch, vận chuyển, lên đồng, nghỉ giữa vụ cho đến cảnh tượng nhập kho thóc. Trong bức tranh này còn có sự xuất hiện của chiếc cày Khuất Nguyên – là công cụ canh tác nông nghiệp tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Trên những bức bích họa còn lưu lại những hình ảnh rất quý giá về phương tiện giao thông thời bấy giờ. Ví dụ như: trâu, ngựa, lạc đà, la, lừa, voi, thuyền, xe, xe ngựa kéo, v.v. Những loại phương tiện với mục đích sử dụng và hình dạng khác nhau đã phản ánh sự phát triển thịnh vượng của phương tiện giao thông và vận tải trên “Con đường tơ lụa” cả trên biển và đất liền, đồng thời điều này cũng thể hiện kỹ thuật chế tác tiên tiến của người Trung Quốc cổ đại.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53059
Ngày đăng: 24-01-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.