Văn hóa Thần truyền tạo Đôn Hoàng (Phần 1)
Tác giả: Lâm Khiết Tâm
[ChanhKien.org]
Dẫn nhập: Các hang đá ở Đôn Hoàng được tạo ra theo dự ngôn của Thần, là một bảo tàng văn hóa Thần truyền, mang đầy ắp những điều thần kỳ và huyền bí. Trong lịch sử đã từng hấp dẫn vô số người tu đạo và các tín chúng thành kính, lưu lại nghệ thuật Phật giáo siêu phàm thoát tục và văn hóa tín ngưỡng ngưng đọng. Vốn là các ngôi chùa Phật giáo ngày trước, các hang đá tại Đôn Hoàng hôm nay đã trở thành một bảo tàng nghệ thuật, vùng trời của du lịch. Trong loạt bài viết này, chúng ta hãy cùng giải đáp cho thắc mắc của không ít người: Rốt cuộc sứ mệnh chân chính của Đôn Hoàng là gì?
Đôn Hoàng nằm ở điểm giao nhau giữa các tỉnh: Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương, phía Nam lên đến Kỳ Liên Sơn, phía Tây nối tới sa mạc Taklamakan, phía Bắc giáp Bắc Tái Sơn, phía Đông giáp Tam Nguy Sơn. Đôn Hoàng từng là một vị trí yết hầu trọng yếu của Con Đường Tơ Lụa, ở phía cực Tây của hành lang Hà Tây là một ốc đảo có diện tích không lớn, bốn bề là sa mạc Gobi. Trong Ngụy Thư, Thích Lão Chí nói: “Đôn Hoàng nối liền với Tây Vực, [như vậy khiến] Đạo và phàm tục liên kết. Theo kiểu xưa, thôn xóm và các pháo đài nhỏ cũng có sự liên kết với nhau, ở khu vực như vậy cũng có nhiều chùa tháp”. Có thể thấy văn hóa Tây Vực có ảnh hưởng lớn đến Đôn Hoàng. Hơn 1.000 năm trước, Phật giáo rất thịnh hành ở các nước Tây Vực, các nghệ thuật Phật giáo như: xây tháp tạo chùa, tạo hang đúc tượng cũng theo đó mà truyền nhập vào Đôn Hoàng, giao thoa, dung hợp với văn hóa bán Thần cổ xưa của Trung Nguyên, sản sinh ra nghệ thuật điêu khắc hang đá huy hoàng tại Đôn Hoàng.
Hang đá Đôn Hoàng là một quần thể hang đá, bao gồm Hang Mạc Cao, động Thiên Phật Tây, khu Du Lâm, động Thiên Phật Đông và năm chùa hang đá ở huyện tự trị Tô Bắc của dân tộc Mông Cổ. Trong đó, Hang Mạc Cao ở cách Đôn Hoàng 25 km về phía Đông Nam, là một ốc đảo diện tích chưa đến 1 km2. Hang Mạc Cao được đào ở vách đá đứt gãy ở đoạn phía Đông chân núi Thiếu Sơn, trên dưới có năm tầng, từ Nam tới Bắc dài 1.680m, là hang đá được đào sớm nhất, quy mô lớn nhất, nội dung phong phú nhất. Theo ghi chép, Hang Mạc Cao bắt đầu được xây dựng vào năm Kiến Nguyên thứ hai, nhà Tiền Tần thời kỳ thập lục quốc (Năm công nguyên 366), vào thời Đường thì đạt đến cực thịnh, trải qua mười mấy triều đại như: tiền Tần, Bắc Lương, Tây Ngụy, Bắc Châu, Tùy, Đường, Ngũ Đại, Tống, Tây Hạ, Nguyên, Thanh, tổng cộng hơn 1.600 năm. Mạc Cao phân thành khu Bắc và khu Nam, khu Bắc chủ yếu là các phòng ở của tăng lữ và phòng thiền, là nơi mà người tu hành trong quá khứ ăn ở, đả tọa tu luyện hàng ngày. Khu phía Nam bảo lưu 492 động, bức bích họa rộng 45.000 m2, có đến hơn 2.400 bức tượng màu. Đây là kho tàng nghệ thuật văn hóa quý báu của nhân loại, tụ hội các nhân tố hội họa, điêu khắc, kiến trúc và các loại nhân tố văn hóa của Đông–Tây phương.
Hang Mạc Cao của Đôn Hoàng vốn dĩ là một chùa lớn, trong thời kỳ cực thịnh của Phật giáo thời Tùy Đường từng quy tụ hơn 1.000 người tu hành và các tín chúng. Thời Trung Quốc cổ đại, có rất nhiều người tin Thần tin Phật, bao gồm những người thống trị qua các đời ở Đôn Hoàng. Những người cúng dường để đào hang ở Mạc Cao (người bỏ tiền) chủ yếu là các quan chức và người quyền quý ở địa phương, tăng nhân và người dân trăm họ phổ thông cùng những thương nhân lui tới nơi đây. Những người đào hang chủ yếu là các tăng nhân ẩn danh và các họa sĩ vẽ trên đá, người đào hang sớm nhất là một hòa thượng. Do hoàng gia không trực tiếp đào hang, nên trong chính sử có ghi chép rất ít về các động đá ở Đôn Hoàng, trong các văn tự ở Tàng Kinh động của Hang Mạc Cao, có lưu giữ được tư liệu lịch sử nhưng cũng không hoàn chỉnh và không quy phạm. Nghệ thuật hang đá Đôn Hoàng được tiếp nối hơn 1.000 năm, mang đầy màu sắc thần bí và mang theo hơi thở của vùng đất quê nơi biên thùy xa xôi, lưu lại cho hậu thế vô số chỗ mê và vô số truyền kỳ. Những điều chân thực mà nghệ thuật hang đá huy hoàng triển hiện cho con người, chính là sự sùng kính vô hạn từ tận đáy lòng của những người đào hang và những người cúng dường đối với Thần Phật, là thể hiện của Phật tính thật sự và cả văn hóa tín ngưỡng có nội hàm thâm sâu sản sinh từ đó. Do vậy, tranh tượng Phật là chủ đề vĩnh hằng ở Mạc Cao — Đôn Hoàng.
Thời kỳ Tùy Đường, Phật giáo thịnh hành ở Trung Nguyên, ở Hang Mạc Cao xuất hiện những bức bích họa kinh Phật kích cỡ lớn, dùng hình thức vẽ liên hoàn đầu đuôi nối nhau ghi lại cả một bộ kinh Phật lên bức vách, trong đó có thế giới Tây phương Tịnh Độ, thế giới Đông phương của Phật Dược Sư, thế giới của Phật tương lai — Phật Di Lặc v.v. Cảnh tượng hồng đại, khí thế hùng vĩ khiến người xem không khỏi thốt lên. Trong bức bích họa còn có một số Thần Thánh, chim hoa, động vật, tranh sơn thủy, tranh kiến trúc, chân dung của người đào hang tạo tượng, người góp tiền, thợ vẽ tranh trên đá và các hình vẽ cuộc sống xã hội, áo mũ phục sức của các đế vương, tể tướng, tướng quân, cho đến người dân trăm họ. Nhiều vô số kể, toàn diện đầy đủ. Cho dù là bức họa đơn hay là bức họa lớn đều tinh mỹ tuyệt luân, hình tượng sinh động, sống động như thật, không hổ danh là nghệ thuật Phật giáo hoàn chỉnh nhất trong lịch sử nhân loại.
Một bộ lịch sử nghệ thuật như vậy, ngưng tụ tấm lòng hướng về Thần vĩnh viễn của con người, đã siêu việt cảm thụ thẩm mỹ của con người đối với nghệ thuật, làm chấn động đối với tâm linh của con người rất to lớn. Sau khi con người xem xong thì trong tư tưởng tăng thêm thiện niệm, tấm lòng sẽ rộng mở, sẽ được tịnh hóa tâm linh. Nội dung phong phú và nội hàm sâu sắc, bác đại tinh thâm, thế giới Phật quốc xa xôi và hiện thực xã hội nhân loại giao thoa với nhau, khiến cho con người cảm thấy mình nhỏ bé và rất thiếu thốn. Hơn 1.000 năm qua, những người khấn bái ở đây dường như được bước vào nơi chân thực của thần thoại, bước vào một thời-không vũ trụ thần bí xa xôi, lưu luyến không muốn về. Cái chân thực của thần thoại ấy, vừa huyền bí sâu xa kỳ diệu, vừa mỹ lệ siêu nhiên. Ở đây, sự xung kích mạnh mẽ về tâm linh, Thiên–Địa–Nhân tụ hội ở một chỗ, khiến người ta quên đi sự ồn ào của trần thế, buông bỏ tự ngã, vật chất và tinh thần hợp lại làm một, Thần và Nhân dung hợp với nhau, Thiên–Nhân hợp nhất. Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh. Tạo hóa của Thần, tiếng gọi từ Thiên quốc có thể khiến những người ở trong hiện thực lĩnh ngộ được ý nghĩa vĩ đại của sự tồn tại của sinh mệnh.
1. Cái tên Đôn Hoàng từ đâu mà có
Từ xưa đến nay, các địa danh thường ẩn chứa nội hàm văn hóa phong phú.
Từ “Đôn Hoàng” lần đầu xuất hiện trong Sử ký – Đại Uyên liệt truyện, trong đó Trương Khiêm báo cáo cho Hán Vũ Đế, nói: “Người Nguyệt Thị ban đầu cư trú ở Đôn Hoàng, trong Kỳ Liên”.
Năm 111 TCN, Hán Vũ Đế Lưu Triệt lập quận huyện ở Đôn Hoàng và còn cho di dân số lượng lớn từ Trung Nguyên, văn hóa Trung Nguyên thâm nhập vào Đôn Hoàng. Sau đó, vào các thời kỳ khác nhau, Trung Nguyên nhiều lần đại loạn, khiến cho rất nhiều văn nhân nho sĩ lưu lạc tới Đôn Hoàng tránh nạn, rồi định cư ở đây, viết sách vở truyền bá văn minh, phát triển văn hóa Trung Nguyên, từ đó khiến Đôn Hoàng có cơ sở văn hóa Trung Nguyên thâm hậu.
Năm 119 TCN, Hán Vũ Đế phái Trương Khiên thông Tây Vực, từ đó, Đôn Hoàng trở thành trung tâm giao thông giữa Đông và Tây phương, là yết hầu trọng yếu của Con Đường Tơ Lụa, là điểm tụ hội giữa văn hóa Trung Nguyên và văn minh phương Tây.
Còn cái tên “Đôn Hoàng” từ đâu tới thì trong lịch sử vẫn luôn có nhiều cách nói khác nhau, có người cho rằng từ “Đôn Hoàng” này là dịch giản lược của cách người dân bản địa dân tộc thiểu số gọi địa danh. Còn có học giả cho rằng “Đôn Hoàng” vừa không phải là từ Hán ngữ, vừa không phải là từ của dân tộc thiểu số, mà có thể là có liên quan tới người Hy Lạp cổ thời kỳ đầu. Ứng Thiệu thời Đông Hán giải thích về “Đôn Hoàng” như sau: “Đôn, nghĩa là to lớn. Hoàng, nghĩa là hưng thịnh”. Thời nhà Đường, trong Nguyên hòa Quận huyện Đồ chí, Lý Cát Phủ cũng nói: “Đôn, nghĩa là to lớn. Vì dựa vào đó mà mở rộng Tây Vực, nên lấy tên hưng thịnh đặt cho nó”. Như vậy, vì cho rằng nơi này có tác dụng trọng yếu cho việc mở rộng ra Tây Vực, nên người ta đặt tên là “Đôn Hoàng”.
Cho dù cái tên “Đôn Hoàng” không có nghiên cứu nào kiểm chứng thì cách giải thích “to lớn”, “hưng thịnh” cũng phản ánh sự phồn vinh của Đôn Hoàng trong lịch sử.
2. Truyền kỳ về núi Minh Sa, suối Nguyệt Nha
Sơn dựa vào thủy mà tươi tốt, thủy dựa vào sơn mà mỹ lệ. Các ngôi chùa ở Trung Quốc thường hay được xây ở những khu vực dựa vào núi, ở gần nước. Hang Mạc Cao là một ngôi chùa lớn trong sa mạc, cũng có núi Minh Sa, suối Nguyệt Nha làm bạn, nhưng quả là có phong cách riêng, độc nhất thế giới.
Núi Minh Sa do cát năm màu tích tụ mà thành, vì nó thường hay phát ra âm thanh khi gió thổi nên có tên gọi như vậy (‘Minh’ ở đây nghĩa là tiếng vang). Trong bài thơ Dị Uyển, Lưu Kính Thúc của Nam Triều có viết: “Lương Châu Tây có núi Sa, tích xưa nói có quân đội bị chôn vùi nơi đây, thây chất hàng vạn, rồi có gió lớn thổi cát vùi lên, sau trở thành núi, nên gọi là núi Sa, có lúc nghe thấy tiếng trống trận”. Có thể thấy núi Minh Sa mang đầy linh khí và thần kỳ.
Trong lòng núi Minh Sa cao cao, ở giữa có một vùng bồn địa hết sức ngoạn mục, là suối Nguyệt Nha nước bích có dáng uốn cong như hình trăng khuyết.
Núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha thần kỳ ở chỗ khi có gió thổi thì cát không chạy xuống suối, mà là từ dưới bay lên trên, do vậy suối Nguyệt Nha vĩnh viễn không bị cát lấp đi, cứ mãi sóng biếc dập dờn, trong veo thanh tú, phong cảnh hết sức ưu nhã, núi Minh Sa cũng sẽ không bị giảm bớt độ cao vì cát chảy xuống.
Núi cát và suối nước, vốn dĩ là tương khắc chứ không tương sinh, là oan gia đối đầu, suối nước ở trong sa mạc quả thực là hiếm có. Vậy nên, suối mà có thể ở cùng một chỗ với núi cát, có cát bay mà không bị nhiễm một hạt cát nào, hơn nữa tồn tại trên nghìn năm không khô cạn, thì quả thực khiến người ta phải cảm thán không thôi.
Núi Minh Sa gồm hai ngọn núi cát có hình thế khác nhau hợp thành, mà suối Nguyệt Nha lại nằm ở giữa hai ngọn núi cát đó. Có một vị đại sư nào đó về Dịch học ở Đài Loan, căn cứ theo kết quả khảo sát một lượng lớn sách vở kinh điển, đã suy đoán ra đây chính là Giao Trì (hồ ngọc) của Tây Vương Mẫu. Theo lời của ông thì núi Minh Sa là hai quả bàn đào có cuống nối nhau, còn suối Nguyệt Nha là cái lá xanh ở giữa hai quả đào. Đúng là “Thiên đường thánh cảnh lạc nhân gian, Sơn sa tuyền thủy y thiên niên (Thánh cảnh thiên đường rơi xuống nhân gian, núi cát suối nước dựa vào nhau cả nghìn năm)”. Đây quả là kiệt tác của ông Trời, quả là thần kỳ, tuyệt diệu!
Nghe nói sau khi ngành du lịch phát triển, du khách không ngừng tăng lên, môn trượt cát trở thành một trò chơi được tổ chức bởi ngành du lịch. Do người ta trượt cát nên độ cao của núi cát có phần hạ xuống. Cơ quan quản lý địa phương vì để đề phòng núi cát tiếp tục hạ xuống, đã từng trồng cây ở vùng phụ cận, một là phòng độ cao của núi cát hạ xuống, hai là phòng cát trượt xuống suối, sẽ lấp nó đi mất. Nhưng hiệu quả ngược lại, những cây được trồng ấy đã làm đổi hướng gió vốn có, lại làm giảm lực gió, phá hoại quy luật ban đầu vốn có lợi cho việc cùng tồn tại của núi cát và suối nước. Quy luật này nghĩa là có lúc gió mạnh sẽ từ giữa hai ngọn núi mà thổi cát lên, lực tác dụng không ngừng như vậy khiến cho cát được đẩy lên trên, không bị trượt xuống suối nước. Sau này, người ta nhận thức ra điểm này mà khôi phục lại trạng thái ban đầu.
Có thể thấy núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha dựa vào nhau mà sinh tồn, dựa vào quy luật tự nhiên vượt qua nhân loại, đúng là tạo hóa của Thần, kiệt tác hoàn hảo của Trời, không cho phép con người khinh nhờn rồi tự ý cải tạo.
Con người chỉ có thể thuận theo sự an bài xảo diệu của Thần, mới có thể lĩnh ngộ được huyền cơ kỳ bí trong tuyệt tác của Thiên Địa.
Trong sa mạc rộng lớn, núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha cũng giống như một bức họa ba chiều to lớn được vẽ ra giữa Trời Đất bởi cánh tay của Thần. Đường cong từ đỉnh núi tới thung lũng giống như một dải băng dài thanh lịch múa bay giữa trời, nối liền Thiên Địa. Những hạt cát mịn trên sườn núi, nhìn gần thì trong suốt óng ánh, lấp lánh ánh quang, nhìn xa thì như gấm vóc mượt mà, mềm mại, sắc màu vàng óng tinh khiết dường như phản ánh sự huy hoàng giàu có mỹ lệ của Phật quốc, khiến người ta phải say mê.
Núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha lại làm cho Hang Mạc Cao thêm sắc thái thần bí.
3. Hang Mạc Cao, truyền thuyết về Tam Nguy Sơn
Hang Mạc Cao là một khu ốc đảo hình lá cây, lưng dựa vào núi Minh Sa, đối diện với Tam Nguy Phong, vị trí nằm ở trong sa mạc Gobi ở phía Tây Bắc Trung Quốc, dân cư thưa thớt, gió cát đầy trời. Tam Nguy Phong vì đối diện với Tam Nguy Sơn nên mới được lấy tên như vậy. Theo truyền thuyết, sứ giả của Tam Thánh Mẫu là Tam Thanh Điểu đã dừng chân ở đây. Hang Mạc Cao được xây nhờ Phật quang của Tam Nguy Sơn.
Theo Trùng tu bàn thờ Phật ở Hang Mạc Cao của Lý Hoài Nhượng, người ta thấy được lý do ban đầu của việc đào Hang Mạc Cao. Là nói vào năm 366, một hòa thượng vân du là Nhạc Tôn, giới hành thanh hư, giữ tâm điềm tĩnh, tay nắm một cái tích trượng, Tây du đến Tam Nguy Sơn, đột nhiên nhìn thấy lấp lánh ánh vàng kim, hình dáng như hào quang của cả nghìn vị Phật. Nhạc Tôn lập tức ngộ ra đây là Phật quang điểm hóa, nên ở đây đào hang tạo tượng, quảng truyền Phật Pháp. Thế là hòa thượng Nhạc Tôn đào động thứ nhất. Sau đó không lâu, lại có một vị gọi là thiền sư Pháp Lương từ phương Đông đến, ở bên cạnh động của Nhạc Tôn lại đào một cái nữa. Từ đó về sau, trải qua nhiều năm, đến thời Đường thì đã có hơn 1.000 nơi thờ cúng.
Cho dù hòa thượng Nhạc Tôn có thấy ánh Phật quang hay không, rồi phát nguyện như thế nào, thì đã không thể nghiên cứu được nữa, thậm chí người ta tin rằng đây chỉ là một truyền thuyết. Nhưng hơn 1.000 năm nay, 492 hang động được đào qua các thời đại khác nhau tại Hang Mạc Cao là thật.
Danh từ ‘Hang Mạc Cao’ này xuất hiện sớm nhất ở trong lời đề tựa ở hang động số 423 thời nhà Tùy, người ta cũng không thống nhất được nguồn gốc của danh xưng này là từ đâu, đại để có ba cách nói: Thứ nhất là, Hang Mạc Cao được đào ở một nơi cao trong sa mạc, trong Hán ngữ cổ, chữ ‘mạc’ (漠) trong ‘sa mạc’ và chữ ‘mạc’ (莫) trong ‘Hang Mạc Cao’ là có thể dùng hoán đổi. Thứ hai là, từ trong động Tàng Kinh đào được một số văn thư và văn bản thời nhà Đường ghi lại, thời nhà Đường ở huyện Đôn Hoàng, Sa Châu có “Núi Mạc (漠) Cao”, và “thôn Mạc (漠) Cao”, theo khảo sát này, núi Minh Sa thời Tùy Đường cũng được gọi là núi Mạc Cao, do vậy lấy tên của thôn gần Hang Mạc Cao làm tên cho nó. Thứ ba là trong tiếng Phạn, âm “Mạc Cao” (Mo Cao) có nghĩa là giải thoát, nên “Mạc Cao” là dịch âm từ tiếng Phạn.
Còn có một cách nói nữa, cổ nhân tin rằng Thần Phật là chí cao vô thượng, để kỷ niệm công đức “không gì cao bằng” của hòa thượng Nhạc Tôn, nên đặt tên quần thể hang đá này thành ‘Hang Mạc Cao’ (‘Mạc Cao’ có thể hiểu là không gì cao bằng).
Hang Mạc Cao còn gọi là ‘Động Thiên Phật’, là vì trong hang động có rất nhiều tượng Phật và bích họa. Có thể nói, nhiều tượng Phật trong hang động và các bức bích họa, cho đến hàng trăm hang động, đều là vì hòa thượng Nhạc Tôn năm đó nhìn thấy ánh Phật quang như nghìn Phật hiển hiện, do vậy mà đắc được gợi ý của Thần rồi bắt đầu xây nên.
Tam Nguy Sơn, từ lúc có ánh kim quang tráng lệ như nghìn vị Phật ấy, mà được coi là một ngọn linh sơn Thần Thánh. Để cầu phúc thọ bình an, người dân địa phương xây dựng chùa miếu trên núi, khiến Tam Nguy Sơn trở thành một thánh địa Phật quốc. Còn Hang Mạc Cao thì được đào và xây lên tại vị trí lòng sông, phía bờ sông Tây của Đại Tuyền Hà (sông này đã khô cạn, ngay bên cạnh Tam Nguy Sơn), lối vào Hang Mạc Cao đối diện với Tam Nguy Sơn — một ngọn núi hùng vĩ như Thần sơn, trông như một phông nền tự nhiên khiến phong cảnh càng thêm nổi bật, khí thế hào hùng, sức con người là không thể tạo ra, chỉ có thể là an bài của Thần.
Mặc dù Tam Nguy Sơn điểm hóa cho hòa thượng Nhạc Tôn, khiến cho vùng hoang mạc rộng mênh mông ngút tầm mắt ở Tây Bắc Trung Quốc từ đó có Thánh điện Hang Mạc Cao, nhưng từ vị trí địa lý và khí hậu của Hang Mạc Cao mà xét, thì huyền cơ trong việc Thần lựa chọn nơi này không chỉ như vậy.
Khí hậu của Đôn Hoàng khô hanh, khiến cho những bức bích họa tinh mỹ trong Hang Mạc Cao có thể được bảo lưu trường tồn. Xét theo sự huy hoàng của Hang Mạc Cao hiện nay, thì có thể thấy văn hóa nghệ thuật ở Trung Nguyên từng xán lạn cỡ nào.
Hang Mạc Cao ước chừng cách thành cổ Đôn Hoàng 30 km, vào thời cổ đại thì khoảng cách này là không gần, lại là vùng sa mạc, nên đúng là đường đi khó, khó như lên trời xanh vậy! Dường như đang cho người ta thấy từ phàm trần tục thế mà đến thế giới thiên quốc thì xa xôi cỡ nào. Từ bất kỳ một đô thị phồn hoa nào tới Đôn Hoàng cũng phải đi qua sa mạc Gobi nóng như thiêu, chịu đựng gió cát thê lương đầy trời, khí hậu khô nóng khốc liệt. Thần dường như đang nhắc nhở một người hành hương cầu Thánh rằng cần phải phó xuất rất gian khổ, mới có thể gặp được thế giới Thiên quốc trang nghiêm thần thánh. Đại mạc rộng lớn mênh mông, hoang vu không người ở, cuộc sống đơn điệu gian khổ, nếu không phải là có tinh thần tín ngưỡng kiên định, thì những người đào hang và người tu hành khó mà có thể ở lại nơi đây, chịu đựng sự tịch mịch vô biên nơi sa mạc.
Hang Mạc Cao nằm ở nơi sa mạc hoang vắng, cách xa các cố đô của lịch sử Trung Quốc, cũng chính là thích hợp với hình thức tu luyện của những người tu hành muốn thoát ly thế tục, xuất gia làm tăng, ẩn dật nơi núi rừng hoang dã, hơn nữa còn tránh được những chiến loạn thay đổi triều đại trong lịch sử, sự thiên biến của tôn giáo, văn hóa và cả kiếp nạn diệt Phật trong những năm Hội Xương của nhà Đường. Bởi vì từ cổ đến nay, từ các quan lại địa phương, các quý tộc giàu có, thiện nam tín nữ, cho đến người dân nghèo khổ, đều tin tưởng vững chắc vào Thần Phật, cho nên vùng đất này được Thần Phật bảo hộ.
(Còn nữa)
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/node/258594
http://www.zhengjian.org/node/53058
Ngày đăng: 15-06-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.