“Nghĩa” của người xưa có thủy có chung



Tác giả: Minh Khắc

 

[ChanhKien.org] Nói đến “nghĩa”, rất nhiều người sẽ liên tưởng đến “Tam quốc diễn nghĩa”, những anh hùng hào kiệt được mô tả trong sách đều biểu hiện ra những khía cạnh khác nhau của “nghĩa”. Đây là nhận thức của con người sau khi minh bạch chân tướng, cảnh giới tư tưởng được nâng cao, nhưng người sống trong văn hóa đảng thì không nhìn nhận vấn đề như vậy.

Lúc nhỏ xem phim hoạt hình “Tam quốc diễn nghĩa”, tôi chỉ chú ý đến tình tiết câu chuyện, cảm động trước tình cảm kết nghĩa anh hùng, thích những anh hùng hào kiệt rong ruổi trên chiến trường, xông pha nơi trận mạc. Lên cấp ba, tôi muốn nghiên cứu “Tam quốc diễn nghĩa”, nhưng không biết phải bắt đầu nghiên cứu từ đâu. Tôi liền xem phần “Lời tựa” trong sách, nhưng đó đều là do đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ đạo các nhà văn đứng trên lập trường văn hóa đảng mà viết, nói nào là Tào Tháo gian xảo, dối trá; Lưu Bị cũng dối trá, giả nhân giả nghĩa; sự mưu trí của Gia Cát Lượng dùng lời của Lỗ Tấn mà nói là “gần giống yêu quái”; dùng quan điểm đấu tranh giai cấp để nhìn nhận thì cuộc kết nghĩa vườn đào giữa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi chỉ là lôi bè kết phái… Dùng tư tưởng của giới văn nhân bị ĐCSTQ lợi dụng mà nghiên cứu “Tam quốc diễn nghĩa” thì càng xem càng không có ý nghĩa gì, họ chỉ mô tả những điều đen tối trong tính cách của những nhân vật này, tại sao tác phẩm như vậy lại có thể lưu danh thiên cổ được? Càng đọc càng cảm thấy không bằng truyện “Thủy Hử” có nội dung gần gũi với cuộc sống của người dân hơn và tình tiết ly kỳ, hấp dẫn hơn.

Sau đó khi đọc kinh văn “Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002]” của Sư phụ, tôi đã có được nhận thức mới về “nghĩa”. Sư phụ giảng:

Mọi người đã biết “Tam quốc diễn nghĩa” rồi. “Tam quốc diễn nghĩa” [có] giảng về chữ “nghĩa”. Trải qua một triều đại, ba thế lực cùng nhau ganh sức đã thể hiện đầy đủ được nội hàm của chữ “nghĩa”. Hơn nữa trải qua một triều đại lâu ngần ấy đã biểu hiện được thâm tầng văn hoá của chữ “nghĩa” này; đến hôm nay nhân loại vào thời truyền Pháp mới có được nhận thức sâu sắc về chữ “nghĩa” đó, hiểu được ‘nghĩa’ là gì, quan hệ dẫn dắt giữa bề mặt và nội hàm ra sao cũng như phản ánh ở tầng thâm sâu thế nào. Con người không thể chỉ đơn thuần biết được bề mặt của chữ ấy, [mà còn] phải hiểu cho rõ nội hàm trong đó là gì. Tất nhiên trong “tam quốc diễn nghĩa” cũng biểu hiện nhiều nội hàm như mưu trí con người trong đó.

 

Khi đối chiếu với Pháp của Sư phụ, tôi mới hiểu hóa ra người Trung Quốc đã bị ĐCSTQ dẫn dắt theo con đường sai lầm. Cái tên “Tam quốc diễn nghĩa” đã thể hiện rõ ý nghĩa thực sự của bộ tiểu thuyết này: thông qua các sự việc chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao … của ba nước để biểu đạt nội hàm của “nghĩa” qua các thời kỳ khác nhau. Nếu không bắt đầu nghiên cứu từ “nghĩa” thì không có ý nghĩa gì, chỉ phí công vô ích, cả đời sẽ không đạt được thành tựu gì, càng không thể là tác phẩm nghiên cứu lưu danh thiên cổ.

Lúc nhỏ đọc “Tam quốc diễn nghĩa”, tôi rất không hiểu chi tiết Lưu Bị nghe nói Quan Vũ bị Đông Ngô xử chết liền lập tức đem quân sang chinh phạt nước Ngô, kết quả thất bại và chết ở thành Bạch Đế. Càng khó hiểu hơn là Gia Cát Lượng theo tính toán biết rõ rằng Lưu Bị đi lần này sẽ thất bại, tại sao vẫn đưa quân đi chinh phạt?

Đứng từ góc độ “nghĩa” mà lý giải, suy ngẫm thì rất dễ hiểu. Lưu Bị thà bị bại trận cũng phải đem quân đi chinh phạt nước Ngô, cũng là cái kết tốt đẹp cho lời thề kết nghĩa huynh đệ ở vườn đào, người xưa thể hiện “nghĩa” có thủy có chung, hành động vì nghĩa lần này của Lưu Bị đã thể hiện ra nội hàm mới này. Gia Cát Lượng không ngăn cản, đứng từ góc độ con người mà nói, Lưu Bị trong cơn thịnh nộ sẽ không nghe theo ý kiến của bất cứ ai; đứng từ góc độ khác mà nói, Gia Cát Lượng hiểu rõ hơn ai hết rằng Lưu Bị đến nhân gian không phải để làm Hoàng đế, mà để diễn giải về biểu hiện và nội hàm khác nhau của “nghĩa” trong các thời kỳ khác nhau, để đặt nền móng cho tương lai của nhân loại, để con người tương lai khi gặp vấn đề sẽ có hình tượng để tham khảo, đối chiếu. Gia Cát Lượng không theo quân chinh phạt, cũng để thành tựu văn hóa “nghĩa” có thủy có chung mà Lưu Bị lưu lại. Tại sao Gia Cát Lượng biết rõ tam quốc thế chân vạc là thiên ý, nước Thục không thể tiêu diệt được nước Ngụy, vậy mà vẫn lao tâm khổ tứ sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn, chính là vì Gia Cát Lượng muốn tạ ơn Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời, về “nghĩa” là có thủy có chung, tận tụy đến cùng, cuối cùng ông mắc bệnh chết ở Ngũ Trượng Nguyên, cũng là hoàn thành tốt đẹp ân nghĩa với Lưu Bị ba lần thăm lều cỏ, đồng thời lưu lại văn hóa “nghĩa” có thủy có chung.

Đây chính là nguyên nhân tại sao “Tam quốc diễn nghĩa” có thể lưu danh thiên cổ, đứng từ góc độ “nghĩa” mà nghiên cứu thì có viết ra bao nhiêu cuốn sách cũng không hết. Khi viết những điều này, người viết cũng cảm thấy vô cùng tôn kính và nể phục người xưa, đặc biệt là Gia Cát Lượng, trong khi diễn giải biểu hiện và nội hàm của Nhân, Lễ, Trí, Tín, cũng đồng thời triển hiện một cách tinh tế nội hàm của “Nghĩa”, dốc hết tâm sức, tận tụy đến cùng. Văn hóa đảng của ĐCSTQ thực sự đã giết hại người dân Trung Quốc, hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của con người, đồng thời cũng hạ thấp trí huệ của con người, khiến người ta nhìn hiện tượng mà không nhìn rõ bản chất thật sự.

Văn hóa đảng của ĐCSTQ mô tả nữ giới là “đầu để tóc dài, kiến thức hạn hẹp”, chỉ nhìn được cái lợi nhỏ trước mắt. Thực ra căn bản không phải vậy, dưới sự hun đúc của văn hóa truyền thống, người phụ nữ thời xưa cũng rất giỏi giang, cũng có tinh thần đại nghĩa của mình. Mọi người đều biết rõ về mẫu thân của Nhạc Phi và câu chuyện nhạc mẫu xăm chữ. Khi Nhạc Phi còn rất nhỏ, nhạc mẫu đã giáo dục ông kiến thức về văn hóa truyền thống, sợ ông lớn lên sẽ quên mất những lời dạy bảo truyền thống, liền khắc lên lưng ông bốn chữ “tận trung báo quốc”, hi vọng Nhạc Phi có thể sống có thủy có chung. Khi Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại, trên công đường ông đã cởi bỏ áo để lộ ra bốn chữ trên thân, biểu lộ sự trong sạch của mình. Đại thần Chu Tam Úy được lệnh xử án, biết rằng Nhạc Phi bị oan uổng nhưng bản thân lực bất tòng tâm, đành phải từ quan để thể hiện tâm ý của mình. Khi Nhạc Phi bị ép phải viết lời cung, ông đã viết lên giấy tám chữ lớn: “Mặt trời sáng tỏ, mặt trời sáng tỏ”, nhờ trời xanh chứng giám cho tấm lòng trung nghĩa của ông. Cuối cùng Nhạc Phi bị Tần Cối khép vào tội “có lẽ có” phải chết oan ở Phong Ba đình, cũng đặt định ra văn hóa “nghĩa” có thủy có chung.

Trên trang web Chánh Kiến có đăng một bài viết tìm hiểu về lòng đại nghĩa của người xưa, đã trích một câu chuyện trong “Thế Thuyết Tân Ngữ”: Nam quận công Hoàn Huyền đánh bại thích sứ Kinh Châu Ân Trọng Kham, sau đó bắt giữ mười mấy tướng sỹ của Ân Trọng Kham, La Xí Sinh cũng nằm trong số đó. Hoàn Huyền trước nay đối đãi với Xí Sinh rất tốt, khi có ý định giết một số người, ông đã phái người đến nói trước với Xí Sinh: “Nếu anh có thể nhận tội, ta nhất định sẽ miễn tội chết cho anh”. Xí Sinh trả lời: “Ta là quan sử của Kinh Châu, hiện nay Kinh Châu còn chưa biết ra sao, ta còn mặt mũi nào mà xin tạ tội với Hoàn Công!” Lúc ra pháp trường, Hoàn Huyền lại sai người đến hỏi anh còn lời nào muốn nói không. Xí Sinh nói: “Trước kia Phổ Văn Vương giết Kê Khang, con trai ông là Kê Thiệu lại là trung thần của nước Tấn, vì vậy ta muốn xin Hoàn Công để cho một người em của ta được sống để phụng dưỡng mẹ ta”. Hoàn Công liền làm theo yêu cầu của anh tha chết cho em trai anh. Hoàn công từng tặng cho mẹ của La Xí Sinh là Hồ Thị một cái áo choàng bằng da dê, khi biết tin Xí Sinh bị hại, Hồ Thị lập tức mang tấm áo choàng đó ra đốt.

Nghĩa của Xí Sinh thể hiện ở chỗ ông thà chết chứ không từ bỏ quân vương của mình, nghĩa của Hoàn Huyền ở chỗ đáp ứng lời thỉnh cầu của Xí Sinh trước khi chết, hoàn thành tâm nguyện của Xí Sinh tha chết cho người em ông để phụng dưỡng mẹ già, thay Xí Sinh hoàn thành nguyện vọng báo hiếu với cha mẹ, nghĩa của mẹ Xí Sinh thể hiện ở chỗ không dùng đồ của người đã sát hại con trai mình. Một câu chuyện ngắn ngủi đã thể hiện được nghĩa của người xưa trong các hoàn cảnh khác nhau.

Biểu hiện của “nghĩa” đều có một điểm chung, đó là làm việc gì, gặp vấn đề gì, đầu tiên đều nghĩ cho người khác. Nếu con người chỉ nghĩ cho bản thân mình, xuất phát từ suy nghĩ ích kỷ cá nhân thì không thể thực hiện được “nghĩa”, không thể biểu hiện đầy đủ nội hàm của “nghĩa”.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/252311

 



Ngày đăng: 16-10-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.