Thiển đàm về việc người tu luyện mượn và trả tiền



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[ChanhKien.org] Hơn mười năm không gặp đồng tu A, tôi nghe nói anh bị tà ác bức hại phi pháp rất nặng. Lúc gặp mặt anh, tôi thấy anh thay đổi rất nhiều, gần như không nhận ra. Anh nói: “Anh có thể giúp tôi tìm đồng tu X không?”. Tôi trả lời: “Anh có việc gì à?” Anh nói: “Mười năm trước tôi mượn X vài ngàn tệ, luôn nghĩ đến việc trả tiền, nhưng X chuyển nhà rồi nên tìm không được”. Tôi nói: “Điều kiện sống của X tốt hơn anh rất nhiều, nghe nói anh rất khó khăn, mọi người đều là người tu luyện, sao anh phải lo vội trả tiền làm gì?”

Khuôn mặt anh lộ vẻ kinh ngạc: “Sao có thể nhận thức như vậy được? Sư phụ trong giảng Pháp đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề này, đây là Thiên lý. Đệ tử Đại Pháp sao có thể mang cái tâm mượn tiền mà không trả được, vậy chúng ta chẳng phải người thường sao? Người thường mượn tiền rồi có thể tìm mọi lý do để không trả tiền, còn chúng ta có thể như vậy sao? Hành vi của chúng ta cần phải chính”.

Tôi thấy lời đồng tu thật có lý, do vậy tôi lại đưa ra một vấn đề khác: “Vài năm gần đây, việc các đồng tu hỗ trợ nhau cho nhau mượn tiền cũng không ít, có người thậm chí mượn rất nhiều tiền, không có khả năng trả, vậy thì làm thế nào?”. Đồng tu A nói: “Sư phụ không có giảng Pháp lý rằng mượn rất nhiều tiền thì có thể không trả phải không? Mấu chốt là tâm chúng ta nghĩ thế nào. Một niệm đó rất then chốt. Đó là tiêu chuẩn tâm tính của người tu luyện, hơn nữa, nợ tiền thì phải trả là Thiên lý, cái lý này chúng ta phải tuân theo”. Tôi hỏi: “Còn có đồng tu bị bức hại kinh tế rất nghiêm trọng, cuộc sống rất khó khăn, đâu còn khả năng trả tiền cho người khác nữa?”. Anh nói: “Bức hại là an bài của cựu thế lực, không phải là an bài của Sư phụ, những năm nay, mỗi người đều đang bị bức hại. Then chốt là chúng ta trong khi phủ định an bài của cựu thế lực, bản thân từ trong Pháp nhận thức được bao nhiêu? Phủ định được bao nhiêu? Đột phá được bao nhiêu? Nếu như niệm rất chính thì Sư phụ sẽ giúp, kỳ tích gì cũng sẽ xuất hiện. Không thể việc gì cũng đổ cho cựu thế lực, coi nhẹ tu luyện bản thân được”.

Nhận thức của đồng tu khiến tôi chấn động, nhất là chính Pháp đã đến cuối cùng rồi, tôi cho rằng chúng ta cũng nên có một nhận thức rõ ràng về vấn đề mượn và trả tiền này.

Sư phụ giảng:

 Có học viên trong đầu đang nghĩ: ‘Mình vay tiền cũng không cần trả, hễ rời đi thì chúng ta đều mọi việc xong hết’. (mọi người cười) Xuất phát điểm đó là không được, xuất phát điểm là không đúng thì thảy đều không được đâu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế miền Tây Mỹ quốc [2005])

Nợ gì phải trả nấy, đó là Lý của vũ trụ” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010)

Đối chiếu với Pháp Sư phụ giảng, tôi cảm thấy nhận thức của bản thân, bao gồm cả nhận thức của các đồng tu xung quanh thực sự vẫn còn thiếu sót. Ví dụ: vài năm trước, tôi cho vài đồng tu mượn tiền nhưng chưa bao giờ mở miệng đòi, sợ làm tổn thương đối phương, trong đầu nghĩ một chút này có đáng kể gì, nhưng ẩn đằng sau là tâm vị tư. Chẳng phải là tôi còn có lậu sao? Trong Pháp cũng không nói người tu luyện cho người khác mượn tiền thì có thể không cần nữa. Nếu chúng ta không mang bất cứ niệm đầu bất hảo nào mà bằng thiện ý, hòa ái nhắc nhở đối phương trả tiền, thì đây cũng là duy hộ một tầng lý của con người. Nhất là khi người thường nợ tiền chúng ta, nếu chúng ta không đòi vậy thì chẳng phải chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm cho nghiệp mà họ đã tạo ra hay sao? Chẳng phải nhân tâm chúng ta đã khiến cho họ phải mắc nợ nghiệp này hay sao?

Gần chỗ tôi có một đồng tu làm lãnh đạo một xí nghiệp, một người bạn người thường nhờ anh bảo lãnh giao hàng, kết quả người bạn này đã nợ xí nghiệp hơn 30 vạn tệ tiền hàng. Sau đó, người bạn này còn muốn anh tiếp tục giao hàng. Nhưng anh đã không đường đường chính chính thúc giục người bạn thanh toán xong rồi mới lấy hàng tiếp, mà lại dùng tiền lương và tiền tiết kiệm của mình để trả tiền hàng thay cho bạn. Người nhà và họ hàng không lý giải được hành động của đồng tu. Khi chia sẻ, tôi phát hiện đồng tu có một quan niệm, anh nói: “Mấy năm nay, người khác nợ tiền của tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đòi lại. Họ đều là bạn bè của tôi, họ cũng đã minh bạch chân tướng rồi, tôi sao còn mặt mũi nào mà đòi họ chứ? Chẳng phải là còn ôm giữ chút lợi ích sao? Phải buông bỏ đi, tôi trả tiền thay cho họ là được rồi”. Nhưng anh thay họ trả một món nợ lớn như vậy, thì ở không gian khác ai gánh khối “nghiệp” khổng lồ này đây? “Bất thất bất đắc” là Thiên lý, chẳng phải anh đã hại người ta rồi sao? Người bạn này kiếp sau làm thế nào đây? Hơn nữa, có phải họ không có khả năng trả tiền hay không? Một người thường cho dù vì lý do gì, nếu nợ tiền đệ tử Đại Pháp thì chính là nợ Thần, đây không hề là chuyện nhỏ. Chúng ta không thể dùng nhân tâm để khiến chúng sinh tạo nghiệp không nên tạo nữa. Hơn nữa, cựu thế lực cũng dễ dàng dùi vào sơ hở. Buông bỏ tâm lợi ích không có nghĩa là không cần đòi những món nợ nữa, chúng ta thiện chí nhắc nhở đối phương trả tiền, đây cũng là duy hộ một tầng Lý của con người.

Mặt khác, đối với đồng tu vay nợ, tôi nghĩ nhất định phải giữ tâm cho chính, ít nhất cũng phải có mong muốn trả nợ, hễ có tiền là nhanh chóng trả lại cho đồng tu. Giống như đồng tu kể trên, mặc dù món nợ đã mười năm trước nhưng ông luôn nhớ đến việc trả tiền, mặc dù gia cảnh rất khốn khó, lại chịu bức hại, ông vẫn nhiều lần đi khắp nơi tìm đồng tu để trả tiền. Ông cảm kích nói: “Chỉ cần chúng ta có mong muốn trả tiền thì Sư phụ sẽ giúp chúng ta”. Nếu bạn cho rằng bản thân mình còn đang khó khăn, chẳng có tâm trạng đâu mà lo trả tiền nữa, vậy có lẽ đang cố thủ một trạng thái, thậm chí đang cầu khó nạn, cựu thế lực sẽ gia tăng bức hại lên bạn, khiến tình hình kinh tế của bạn càng khó khăn, càng không trả được tiền cho đồng tu. Chúng tóm lấy cái lý ấy rồi còn chế giễu bạn: “Ngươi xem những người tu luyện kia, giúp đỡ lẫn nhau cho nhau mượn tiền xong đều không trả, còn nói bản thân là đệ tử Đại Pháp sao?”.

Một lần, một đồng tu nói đùa: “Ôi, trả tiền gì chứ? Cũng có thể đời trước họ nợ anh ta, đời này huề nhau”. Chúng ta không thể nào không bằng được cả người thường như thế được? Động niệm này còn không chiêu mời tà sao? Cựu thế lực không bức hại chúng ta mới lạ. Tu luyện đến giờ, nhiều đồng tu vẫn còn có thể ngộ rằng: quan trước chưa qua được, trong tâm chỉ cần nghĩ ‘chưa qua được thì lần sau qua’. Hiện giờ không qua được, trong tâm chịu áp lực, thậm chí cảm thấy rất nguy hiểm, vậy sẽ cảm giác giống như vị La Hán kia, cao hứng hay sợ hãi đều rớt xuống như nhau.

Còn có đồng tu, một nhóm mấy người rất tốt, có tiền thì mọi người cùng tiêu. Anh không đủ tiền thì mượn người này mấy ngàn tệ, người này không đủ thì mượn người kia vài trăm tệ, mượn xong cũng rất ít khi trả lại. Vài năm qua đi, ai mượn ai bao nhiêu cũng không nhớ rõ nữa. Đây không phải là tác phong của người tu luyện. Sư phụ không dạy chúng ta làm như thế. Tôi nghĩ, người tu luyện bất kể làm việc gì cũng phải nghĩ cho người khác, không thể hành xử một cách không có nguyên tắc gì, khiến người nhà hay người thường không lý giải như vậy được. Chúng ta không chú trọng tiền tài, nhưng nhận thức phải rõ ràng, con đường đi phải chính.

Ngày xưa, mọi người rất chú trọng việc nợ thì phải trả. Ví như có người mượn tiền của bạn bè, về sau người bạn qua đời, lúc mượn tiền lại không viết giấy nợ, người nhà cũng không biết. Nhưng người bạn kia vẫn trả tiền cho người nhà của bạn mình không thiếu một xu, những ví dụ như thế rất nhiều. Dù cho đạo đức nhân loại hôm nay đã trượt xuống tận cùng, nhưng Thiên lý “nợ thì phải trả” và “bất thất bất đắc” vĩnh viễn bất biến. Khi chúng ta quy chính, làm tốt việc này thì chính là đang khôi phục đạo đức truyền thống của nhân loại, chính là lưu lại con đường quy chính cho nhân loại tương lai.

Một chút thiển kiến xin chia sẻ với mọi người, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/116527



Ngày đăng: 19-07-2018

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.