Điều gì ẩn giấu sau chấp trước vào tiền bạc?
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp Trung Quốc
[ChanhKien.org] Hôm nay, con gái tôi đọc tin nhắn WeChat từ con rể của tôi và nói: “Anh Hầu thật sướng. Anh ấy đang ở trong một khách sạn năm sao!” Tôi đáp lại ngay lập tức: “Có gì sướng? Ai có tiền thì đều được ở trong khách sạn năm sao mà!” Con gái tôi nghe không thuận tai liền nói: “Tại sao cha suốt ngày cứ nói về tiền? Cha bị chấp trước vào tiền rồi. Ngày mai chúng ta hãy thảo luận với mọi người về vấn đề này!” Nghe thế, trong lòng tôi cảm thấy không thoải mái. Con rể của tôi tiêu cả đống tiền để ở trong khách sạn năm sao, còn tôi thì lại bị cho là chấp trước vào tiền!?
Sau đó tôi ngồi ở công viên và bắt đầu hướng nội. Thật sự có rất nhiều sự việc đã phơi bày chấp trước vào tiền của tôi. Trước khi tôi bắt đầu tu luyện, chúng tôi sống ở nông thôn cùng cha mẹ tôi. Vào thời điểm đó, thu nhập của cả hai vợ chồng tôi chưa tới 100 nhân dân tệ một tháng. Cha tôi bị bệnh phổi và mỗi lần nằm viện phải tốn hàng trăm ngàn nhân dân tệ. Tôi còn phải nuôi ba người anh em khác. Chúng tôi phải vay mượn rất nhiều tiền để chi trả viện phí. Sau đó chúng tôi sẽ dùng tiền lương tháng kế tiếp để trả nợ. Khi những khoản nợ cũ được trả hết, thì lại phát sinh những khoản nợ mới. Mọi chuyện cứ như thế tiếp diễn hàng năm trời.
Vào thời điểm cải cách nhà ở, ngôi nhà ba gian của chúng tôi quy ra tiền bị khấu hao 13.000 nhân dân tệ. Vào lúc đó, trong nhà chưa có đủ 1.000 nhân dân tệ. Tôi định vay chút tiền từ nhà ngoại. Nhưng vợ phản đối, nói rằng tôi có thể hỏi bất cứ ai ngoại trừ người nhà cô. Tôi hiểu tâm cô ấy, bởi vì khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, gia đình tôi là nhà làm nông nghèo. Người nhà vợ không đồng ý cuộc hôn nhân của chúng tôi, vì cho rằng chúng tôi sẽ sống cuộc sống nghèo khó. Tuy nhiên, cô đã quyết tâm kết hôn với tôi. Vào thời điểm đó, chúng tôi mượn được 10.000 nhân dân tệ để mua nhà. Bạn có thể tưởng tượng được nó khó khăn đến mức nào. Tôi thực sự hiểu được cảm giác “một phân tiền có thể làm ngã anh hùng hảo hán”.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi bị giam giữ bất hợp pháp vào một trại lao động và tiền lương của tôi bị tước đoạt. Vợ tôi cũng bị kết án bất công và mất việc. Học phí đại học của con trai dựa vào tiền làm công ít ỏi của con gái. Khi tôi thoát khỏi trại lao động, tôi sống dựa vào vài đồng lương tối thiểu để duy trì sinh hoạt, còn phải trả nợ, thường xuyên phải ăn màn thầu với dưa muối. Tôi đã phải trải qua những gian khổ của việc không có tiền. Tôi sợ phải nghèo, nên thường dặn dò người thân phải tích lũy tiền, muốn sống yên ổn phải biết nghĩ tới ngày gian khó, những câu này đã thành lời cửa miệng. Các con không muốn nghe, nhưng tôi vẫn luôn lặp lại không ngừng.
Gần đây tôi suy nghĩ về việc con trai phải ngủ trong phòng khách. Khi các con lớn lên, ngủ trong phòng khách cũng bất tiện. Tôi cũng đang tính đến việc tiết kiệm tiền để mua cho chúng căn hộ hai phòng ngủ. Tôi cũng đã tiết kiệm tiền mừng tuổi của cháu gái tôi để đóng học phí cho cháu. Khi chia sẻ với các đồng tu, họ nói rằng chấp trước vào tình của tôi khá mạnh và tôi nên nhanh chóng nghiêm túc nỗ lực để loại bỏ nó. Khi suy nghĩ về những sự việc đã xảy ra ấy, cái nào cũng đều liên quan đến tình. Chấp trước vào tình cũng ẩn nấp đằng sau chấp trước vào tiền.
Các đồng tu cũng nhắc nhở tôi đang chấp vào tình quá nặng và càng phải hạ quyết tâm loại bỏ nó, vậy mà tôi vẫn không coi trọng.
Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:
Có người nói: ‘Tôi kiếm thêm chút tiền, thu xếp gia đình ổn thỏa, thì tôi không lo lắng gì nữa, [rồi] tôi sẽ lại tu Đạo’. Tôi nói rằng chư vị đang vọng tưởng; chư vị không thể chi phối cuộc đời người khác được, không thể thao túng vận mệnh người khác được, kể cả vận mệnh của vợ, cha mẹ, anh em; chư vị có quyết định được [những việc ấy] không?
Sư phụ cũng giảng trong Chuyển Pháp Luân:
Tu luyện cần phải tu luyện trong ma nạn, [để] xem [đối với] thất tình lục dục chư vị có thể dứt bỏ hay không, có thể coi nhẹ hay không. Chư vị chấp trước chính vào những thứ ấy, thì chư vị không tu xuất lai được.
Sư phụ đã giảng về vấn đề này rất rõ ràng, tuy tôi đọc hàng ngày nhưng vẫn không minh bạch, không đối chiếu làm theo mà toàn làm theo cách của mình. Làm sao gọi là thực tu? Thực tế là không có tín Sư tín Pháp.
Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân rằng:
Tâm không chính là gì? Đó là [người mà] họ cứ mãi không tự coi mình là người luyện công.
Bao nhiêu năm qua tôi đã coi mình là người luyện công chưa? Tu luyện là vấn đề nghiêm túc, mà tôi lại đối đãi như trò đùa. Tự hỏi mình, đó chẳng phải là tâm bất chính hay sao?
Vài năm qua, trạng thái thân thể tôi không được tốt, mỗi lần hướng nội đều tìm thấy rất nhiều chấp trước gồm danh, lợi, tình. Ôm giữ nhiều tâm mà không buông như vậy, liệu cựu thế lực còn không bức hại tôi? Thông qua học Pháp tôi hiểu rằng nguyên nhân gốc rễ là vì tôi đã không coi trọng việc tu luyện tâm tính.
Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân rằng:
Vậy cũng nói, chư vị phải coi trọng việc tu luyện tâm tính, chiểu theo đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ mà tu luyện; vứt bỏ [hết] những dục vọng, tâm không tốt, ý định hành động xấu ở người thường. Chỉ một chút đề cao cảnh giới tư tưởng, [thì] đã có những thứ xấu trong thân chư vị được loại bỏ bớt rồi.
Sư phụ cũng giảng trong Chuyển Pháp Luân rằng:
Hễ tâm tính chư vị đề cao, thì thân thể chư vị sẽ phát sinh biến đổi to lớn; hễ tâm tính chư vị đề cao lên; thì vật chất của thân thể chư vị bảo đảm sẽ biến đổi. Biến đổi gì? Những truy cầu chấp trước những thứ xấu của mình, chư vị sẽ quẳng chúng đi.
Chứng kiến các đồng tu lớn tuổi, khuôn mặt trắng trẻo hồng hào, tràn đầy năng lượng làm ba việc, trong khi tôi vẫn còn nghiệp bệnh. Tôi không chỉ không chứng thực được Pháp mà còn làm xấu hình ảnh Đại Pháp, gây ảnh hưởng đến cứu độ chúng sinh. Căn nguyên là do học Pháp mà không thực tu.
Tôi viết những dòng này không chỉ để thúc đẩy bản thân tinh tấn và tu luyện vững chắc hơn mà cũng hy vọng các đồng tu nào còn chấp vào danh lợi tình sẽ không giống như tôi. Hãy nhanh chóng nhảy ra khỏi và tinh tấn tu luyện!
Xin chỉ ra những điều còn thiếu sót!
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7287
Ngày đăng: 02-03-2018
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.