Nâng cao trình độ và kỹ năng chơi nhạc của tôi



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Tây Ban Nha

[ChanhKien.org] Tôi đã bắt đầu chơi sáo trong đoàn nhạc diễu hành Thiên Quốc ở Châu Âu từ năm 2013 và tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được gần 10 năm rồi. Hai năm đầu tiên trong đoàn nhạc tôi đã có một giáo viên riêng nhưng không may người ấy đã không dạy tôi bất kỳ kỹ thuật hay kỹ năng âm nhạc nào.

Năm ngoái khi chúng tôi biểu diễn lần cuối ở Luân Đôn, sau khi kết thúc cuộc diễu hành tôi thật sự cảm thấy trong tâm rằng trình độ âm nhạc của tôi không được tốt. Thế là việc đầu tiên tôi làm khi trở về nhà là tìm một giáo viên khác để đặt toàn lực vào việc đạt được trình độ mà Sư phụ yêu cầu chúng ta trong Giảng Pháp Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2014:

Đệ tử Đại Pháp làm gì cũng nhất định phải hết sức thiết thực, để tâm vào đó mà làm, đừng quan tâm thời gian, không cần suy nghĩ nhiều thế, chư vị nhất định phải tận tâm tận lực làm cho tốt những gì chư vị nên cần làm, thì toàn thể việc đó sẽ làm được tốt.

Nhưng ngay khi tôi trở nên quyết tâm làm như thế, bỗng dưng ở đâu các loại can nhiễu xuất hiện. Từ năm 2014, sau khi Shen Yun biểu diễn ở Barcelona, tôi bắt đầu dần dần cảm thấy đau ở đầu gối, nhưng bây giờ nó trở nên càng ngày càng nghiêm trọng hơn và cuối cùng thì nó lan ra khắp cơ thể.

Sau khi chúng tôi kết thúc các sự kiện của đoàn diễu hành vào tháng 10 năm 2015, tôi có thể bắt đầu các lớp học nhạc riêng của mình trong hai đến ba tháng nhưng rồi tôi lại bỏ học vì cái đau làm cho tôi rất khổ sở. Tôi đã sút nhiều ký, không thể ngồi trên sàn nhà, thậm chí tôi còn phải cần người giúp mặc quần áo, hai vai và cơ thể tôi còng queo. Cử động của tôi rất yếu ớt. Tôi tự hỏi: Tại sao lại thế này? Mình đã làm gì sai? Khi nhìn lại con đường tu luyện của mình tôi thấy mình đã chấp trước quá nặng vào sự thoải mái. Thi thoảng tôi bị phân tâm, mải xem TV và không dậy sớm mỗi ngày để phát chính niệm.

Hồi đầu năm nay tôi đã đi Barcelona để quảng bá Shen Yun. Đầu gối chân phải của tôi rất đau đớn, nhưng tôi đã không thoái lùi và tiếp tục công việc của mình mà không phàn nàn gì cả.

Cuối cùng, tôi bắt đầu học được kỹ thuật của Alexander, giúp tôi điều chỉnh lại một số tư thế không tốt của cơ thể và thả lỏng hai vai để tôi có thể lại chơi sáo được.

Vào tháng 02, có một thông báo rằng đoàn nhạc của chúng tôi sẽ có buổi tập dượt với cô Châu ở Luân Đôn, tin đó khiến tôi cảm thấy khẩn trương và thúc giục bản thân bắt đầu đi học lại. Thế là tôi nhanh chóng liên lạc với giáo viên dạy nhạc của mình.

Ngay sau đó, tôi đã học buổi đầu tiên và giáo viên thấy âm thanh của tôi không còn gắt như trước, và hai vai tôi đã thả lỏng hơn và không còn căng thẳng như trước. Tôi cần phải đặc biệt học bản nhạc “Thần Thánh ca” và “Khải Hoàn ca”, vì tôi nghĩ rằng tôi chưa từng chơi được hai bản nhạc này do tiết tấu rất nhanh.

Giáo viên của tôi đã chỉ ra trên bản nhạc những đoạn khó nhất và nhanh nhất của mỗi bài rồi bảo tôi: “Chị cần chơi những đoạn này ít nhất 20 lần mỗi ngày nếu muốn đạt được trình độ cần có”. Chẳng hạn, nếu ô nhịp có tám nốt liên tiếp với tốc độ nhanh thì ông ấy bảo tôi bắt đầu với hai nốt đầu tiên và thổi đi thổi lại càng nhanh càng tốt, rồi tiếp đến ba nốt đầu tiên, rồi lại thêm nốt thứ tư, rồi nốt thứ năm cho đến nốt thứ tám. Vậy nên cứ theo cách này, ngón tay tôi trở nên quen thuộc với vị trí của các nốt và dần dần tôi đã có thể thổi được với tốc độ nhanh.

Tất nhiên, để đạt được điều này cũng không phải dễ và tôi vẫn phải tập dượt và nâng cao kỹ năng của mình. Nhưng rất may là âm thanh của tôi, kỹ thuật lấy hơi và vị trí các ngón tay của tôi trên cây sáo đã tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Vào tháng 04 chúng tôi đã có đợt tập huấn với cô Châu, nhạc trưởng của Thiên Quốc nhạc đoàn của Mỹ. Cô thực sự muốn truyền đạt cho chúng tôi toàn bộ tri thức và kinh nghiệm mà cô đã có được. Tôi đã toàn tâm toàn ý lắng nghe và không muốn bỏ sót thậm chí một từ mà cô nói trong suốt bốn, năm ngày tập huấn. Cô đã rất từ bi và kiên nhẫn với chúng tôi, vì chúng tôi không được chuyên nghiệp lắm và chúng tôi không có được kỹ năng âm nhạc tốt cũng như không có được phong cách mà cô hướng dẫn. Đối với tôi, đó giống như là Sư phụ đang giảng cho chúng tôi vậy. Tôi có cảm giác này trong hầu hết quá trình đó.

Bởi vì tôi luôn đẩy nhanh nhịp lên trong khi thổi, nên cô Châu đã cho tôi một gợi ý giúp tôi hạ nhịp xuống để không quá vội vã. Cô nói: “Khi thổi thì chị nên xướng âm nốt nhạc một cách chậm rãi trong đầu, không nhanh như nhịp ghi trên bản nhạc. Như thế ngón tay của chị sẽ chú ý đến tốc độ mà chị đọc trong đầu và chị không phải lúc nào cũng vội vàng nữa”.

Ngày cuối của đợt tập huấn có rất nhiều học viên đã về sớm và chúng tôi còn lại không có mấy người, nhưng khi chúng tôi chơi các bản nhạc ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi được nghe ban nhạc của chúng tôi chơi như một chỉnh thể, một âm thanh hài hòa và duy nhất. Điều này đã làm tôi càng kiên định hơn trong quyết tâm đề cao của mình.

Thể hội sâu sắc hơn làm sao để tinh tấn hơn

Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi đi lưu diễn ở các nước Đông Âu. Tôi nóng lòng được tham gia chuyến đi này, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy lo lắng một chút bởi vì cái khớp đau của tôi. Tôi đã mang theo kem thoa chống đau phòng trường hợp cần thiết. Nhưng mong muốn được tham gia với đoàn nhạc diễu hành trong suốt những ngày này đã lớn hơn sự lo lắng của tôi. Tôi biết rằng là một học viên mình không nên lo lắng. Nhưng đôi khi cái chân đau quá và toàn thân đau khắp làm tôi không thể đứng nổi nữa, và cuối cùng tôi đã phải dùng một chút biện pháp y tế.

Tôi luôn cố gắng ghi nhớ những lời giảng này của Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân,

“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”. Thực ra đúng là như vậy. Nếu không ngại gì thì khi về nhà chư vị hãy thử đi. Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’. (Bài giảng thứ Chín)

Chỉ vài ngày trước chuyến đi, khi tôi đang tập dượt thì đột nhiên hai phím của cây sáo đã bị long ra (nốt Si và Si giáng), vì chúng được gắn với nhau bằng một con ốc rất nhỏ. Vào lúc đó tôi đã rất bình tĩnh, và nghĩ xem tôi nên sửa thế nào. Đột nhiên tôi nhớ đến cái sáo cũ của mình, thế là tôi lấy nó ra để xem thứ tự lắp các phím như thế nào, rồi tôi đã lắp được các phím lại giống như thế, cuối cùng dùng một chiếc tua vít nhỏ để lắp được hai phím đó lại với nhau. Sau đó tôi nghĩ tại sao điều này lại xảy ra, chính vì thế tôi đã kiểm tra lại hết một lượt các ốc vít của cây sáo và vặn cho chúng chặt hơn. Nếu sự cố này xảy ra trong chuyến lưu diễn và tôi bị rơi mất phím thì chắc chắn tôi sẽ không thể nào biểu diễn được. Chúng ta cần phải chăm sóc nhạc cụ của mình và đối đãi với chúng đúng mực bởi vì chúng là Pháp khí của chúng ta để cứu độ chúng sinh.

Ở thành phố Đông Âu đầu tiên của chuyến lưu diễn, tôi đã ở cùng phòng với một học viên người Trung Quốc. Khi mới gặp cô, cô đã cho tôi biết rằng cô có vấn đề rất lớn về sức khoẻ nên tôi trả lời cô rằng thế thì chúng ta cùng hội cùng thuyền rồi.

Trong vài tuần trước đó tôi đã bị đau đầu và cô ấy bảo tôi rằng hãy phủ nhận cựu thế lực và không thừa nhận cơn đau này. Rồi chúng tôi cùng phát chính niệm và tôi thực sự cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Những ngày sau đó cô luôn đánh thức tôi dậy giữa đêm để phát chính niệm, tôi đã rất ấn tượng về sự tinh tấn của cô ở phương diện này. Mỗi khi có cơ hội là chúng tôi phát chính niệm và mọi việc trở nên tốt hơn rất nhiều. Cơn đau đầu của tôi biến mất và tôi cũng không còn cảm thấy đau ở đầu gối nữa. Tôi thực sự đánh giá cao cơ hội này để hiểu hơn ý nghĩa và hiệu quả của chính niệm.

Sư phụ viết trong bài thơ “Chính niệm”:

Kích phong điện xiết thượng cửu tiêu

Lôi đình vạn quân tỷ thiên cao

Hoành tảo khung vũ vô tận xứ

Bại loại dị vật nhất tính tiêu

 

Diễn nghĩa:

Chính Niệm [2014]

Gió điện [chớp] xung kích tận chín tầng trời

[Lực lượng] nhanh mạnh như sấm sét cao hơn trời

Quét ngang đại khung vũ trụ khắp nơi đến vô tận

Những đồ cặn bã biến dị nhất loạt bị tiêu mất

Cứ mỗi ngày trong chuyến lưu diễn qua đi, tôi lại cảm thấy cơ thể mình hồi phục và cảm nhận được Sư phụ đã giúp tôi tịnh hoá. Vào buổi sáng khi chúng tôi luyện công cùng nhau tôi cảm thấy một dòng năng lượng ấm áp tràn ngập khắp chân phải của tôi và điều này xảy ra khá thường xuyên. Nhờ đó tôi đã quên đi bản thân mình trong suốt thời gian diễu hành và chỉ tập trung vào các bản nhạc, vào việc diễu hành, và vào tiếng trống cái. Mỗi khi tôi thấy mình phân tâm, nhìn xung quanh, tôi bắt đầu phát chính niệm hoặc đọc nhẩm Luận Ngữ.

Những ngày sau đó chúng tôi đã diễu hành ở Budapest và những cơn mưa vào buổi sáng đã làm chúng tôi ngỡ ngàng. Tôi nghĩ rằng chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội chơi nhạc trước văn phòng Quốc hội và đại sứ quán Trung Quốc tại thành phố này. Ngay sau khi các học viên địa phương tìm và mua được áo mưa cho các thành viên đoàn diễu hành, ai đó trong đoàn nói rằng chúng tôi sẽ không mặc áo mưa. Thế là trong tâm tôi nghĩ: “Vậy thì điều duy nhất chúng ta cần làm là bước ra khỏi xe buýt và chơi thôi”. Chỉ năm phút sau cả ban nhạc diễu hành đã đứng trước cửa tòa nhà Quốc hội sẵn sàng biểu diễn. Nước mắt của tôi chỉ chực trào ra và tôi cảm thấy thật tuyệt vời, tôi nghĩ: không gì có thể ngăn nổi chúng ta. Trời tiếp tục mưa nặng hạt trong khi chúng tôi diễn, một số khán giả đã rất ngạc nhiên và đã chụp ảnh chúng tôi. Giày và tất của tôi ướt sũng nước. Tôi không còn cảm giác thấy ngón tay của mình nữa nhưng tôi vẫn tiếp tục chơi. Vào lúc đó tôi nghĩ không biết có bao nhiêu người có thể trông thấy chúng tôi, và khi tôi nhìn quanh thì thấy một số đồng tu vẫn chơi nhạc như thể không có vấn đề gì xảy ra. Điều đó đã khích lệ tôi tiếp tục chơi. Có lúc chúng tôi dừng lại trước đại sứ quán Trung Quốc, cảnh sát đang trú mưa dưới hiên nhưng tất cả chúng tôi lại đứng vững kết nối với nhau như những chiến binh liên tục chơi nhạc ở tuyến đầu. Tôi cảm thấy chúng tôi như những người thắng trận, còn âm nhạc đã làm tâm tôi vô cùng xúc động. Tôi hy vọng những người trong tòa đại sứ cũng đều cảm thấy xúc động như vậy.

Ở Krakow tôi lại ở cùng phòng với một đồng tu Trung Quốc khác. Chúng tôi hầu như không thể hiểu nhau bởi vì rào cản ngôn ngữ. Trước khi chúng tôi đi ngủ, cô ấy thường dùng phần mềm dịch trực tuyến của Google để hỏi liệu tôi có thể đánh thức cô dậy lúc 4:50 sáng để luyện bài công pháp số năm cùng nhau không. Lúc đó tôi không chắc lắm liệu tôi có thể dậy được không nhưng tôi vẫn nhanh chóng giơ ngón tay cái lên biểu thị rằng tôi sẽ gọi cô. Sáng hôm sau cô ấy đánh thức tôi dậy và tôi ngồi trên giường còn cô thì ngồi trên sàn nhà sẵn sàng luyện công. Tôi cố gắng tỉnh táo và khó khăn lắm mới đả tọa được nửa giờ, rồi tôi ngủ thiếp đi cho tới tận giờ phát chính niệm. Tôi luôn thấy rằng các học viên Trung Quốc mà tôi gặp đều rất tinh tấn luyện công vào lúc 4:00 hoặc 5:00 sáng, bất kể thời gian đi ngủ là mấy giờ. Tôi cần phải loại bỏ quan niệm này trong tư tưởng “nếu mình không ngủ đủ thì hôm sau mình sẽ rất mệt”. Nhưng trong suốt 10 ngày lưu diễn, hiển nhiên là chúng tôi có thể chịu đựng được việc không ngủ hoặc ngủ rất ít. Vậy nên tôi vẫn cần phải loại trừ tư tưởng đó một cách rất nghiêm túc.

Ngày cuối của chuyến lưu diễn ở Vacsava, khi chúng tôi trở lại khách sạn, chúng tôi đã tập trung ở khuôn viên khách sạn để nghe hai đồng tu chơi sáo. Âm thanh đó sao mà mềm mại và xúc động thế. Sau khi chơi một lúc vào buổi tối, bỗng nhiên ở đâu một cô gái trẻ tới lắng nghe. Cô đã rất ngạc nhiên, và nói rằng cô đã nghe thấy tiếng nhạc từ phòng của mình và đã xuống dưới để xem tiếng nhạc phát ra từ đâu. Rồi cô hỏi tôi chúng tôi từ đâu đến và cô có thể tìm nghe nhạc ở đâu. Tôi nói rằng chúng tôi đang trong chuyến lưu diễn các nước Đông Âu và đó là ngày cuối của chuyến đi. Cô rất lấy làm tiếc, nhưng tôi đã đưa cho cô trang web của chúng tôi và viết xuống tên Thiên Quốc nhạc đoàn. Rồi tôi giải thích cho cô ý nghĩa của những cuộc diễu hành và giảng chân tướng về Pháp Luân Công. Một số đồng tu liền đưa cho tôi một tờ giới thiệu và hoa sen, cô trông thật hạnh phúc sau khi gặp chúng tôi. Tôi chợt nghĩ cô ấy thật có duyên và được cứu độ theo một cách tuyệt vời.

Khi ấy tôi chợt nhớ đến bài thơ “Thiên Quốc Nhạc Đoàn” mà Sư phụ Lý viết:

Pháp cổ Pháp hiệu hiển thiên uy

Khứ tà trừ ác hoán hồi quy

Mạt thế cứu nhân kinh thiên địa

Pháp chính càn khôn phóng quang huy

 

Diễn nghĩa:

Đoàn nhạc Thiên Quốc

Trống Pháp kèn Pháp thể hiện ra cái uy của Trời

Đuổi tà trừ ác gọi [chúng sinh] trở về

Thời mạt thế cứu người chấn kinh cả trời đất

Pháp Chính Càn Khôn phóng ánh sáng rực rỡ

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những học viên mới và những học viên trẻ đã chơi nhạc rất hay mà tôi phải lấy đó làm gương để noi theo, đặc biệt là trong nhóm sáo của chúng tôi. Mặc dù họ đã chịu đựng trời mưa và nắng nóng trong suốt chuyến đi dài nhưng họ vẫn luôn mỉm cười. Tôi thực sự trân quý tất cả những chia sẻ của các đồng tu xung quanh tôi, những âm thanh tuyệt đẹp do các đồng tu hát trong các giờ nghỉ, niềm hân hoan được bước đi cùng nhau trong khi diễu hành, được học Pháp luyện công cùng nhau, cả quãng thời gian chúng tôi ở cùng nhau. Đó là chuyến đi tuyệt vời nhất của Thiên Quốc nhạc đoàn mà tôi từng tham gia.

Con xin cảm tạ Sư tôn đã cho con cơ hội tuyệt vời này để cứu chúng sinh, giúp chúng con nâng cao thể ngộ trong tu luyện, và đã luôn từ bi bảo hộ chúng con.

Xin các bạn đồng tu vui lòng chỉ ra những gì chưa phù hợp với Pháp.

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7228



Ngày đăng: 09-11-2017

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.