Câu chuyện về những tảng đá tiên tri (1): Rượu chưa chín, gà chưa mập
Tác giả: Vũ Văn Long chỉnh lý
Bìa sách Tuyên Thất Chí (Nguồn: Internet)
[ChanhKien.org] Tảng đá trời “Tàng Tự Thạch” tiên đoán trước Đảng Cộng Sản Trung Quốc diệt vong ứng với thiên tượng “Trời Diệt Trung Cộng” đang lan truyền rộng rãi khắp nhân gian, mọi người đều cảm thấy hết sức kinh ngạc, một tảng đá rốt cuộc là từ đâu đến[*], sao mà lại có được khả năng bất khả tư nghị đến như vậy. Vì vậy chúng tôi đã sưu tầm một số câu chuyện về những tảng đá tiên tri được ghi chép trong sách cổ, hy vọng có thể giúp cho mọi người có được cái nhìn sâu sắc.
Mùa Thu tháng 9 năm Nguyên Hòa dưới thời vua Đường Hiến Tông, tiết độ sứ Hoài Tây là Ngô Thiếu Thành qua đời, con trai ông ta là Ngô Nguyên Tế tạo phản. Hoàng đế Hiến Tông lệnh cho quân đội đóng trú ở gần khu vực Hoài Tây vây đánh quân phản loạn từ bốn phía, trải qua gần mấy năm cũng không công hạ được Hoài Tây. Năm Nguyên Hòa thứ 13, hoàng đế lại lệnh cho thừa tướng Tấn quốc công là Bùi Độ dẫn quân đi đánh phản tặc. Bùi Độ sau khi đến Hoài Tây liền ra lệnh cho Phong Nhân (tên một chức quan) dẫn quân đi đào hào lũy. Trong lúc đào mương, có người đào được một tảng đá, phía trên có khắc chữ. Phong Nhân đem tảng đá đó dâng lên Bùi Độ. Bùi Độ xem thấy trên tảng đá khắc: “Tỉnh để nhất can trúc, trúc sắc thâm lục lục. Kê vị phì, tửu vị thục, chướng xa nhi lãng thả tu thúc”. Tạm dịch là: “Đáy giếng một cành tre, màu tre xanh đậm đậm. Gà chưa mập, rượu chua chín, xe chắn binh mã tạm thời rút lui”. Sau khi Bùi Độ có được tảng đá này liền đưa ra cho thuộc hạ xem để cho họ giải thích ý nghĩa của những chữ này, nhưng chẳng ai biết cả.
Trong lúc Bùi Độ đang suy nghĩ, bỗng nhiên có một người lính từ trong hàng ngũ bước ra, rồi lên tiếng chúc mừng Bùi Độ rằng: “Ngô Nguyên Tế dám trái lệnh Thiên tử, dẫn đầu đám cuồng binh mưu phản. Nay có thánh đức của Thiên tử, kết hợp với hiền đức của thừa tướng, trong nay mai nhất định sẽ bắt được tên nghịch tặc này, vậy nên thuộc hạ xin chúc mừng thừa tướng!” Bùi Độ ngạc nhiên hỏi y tại sao, y đáp: “Phong Nhân nhặt được tảng đá khắc chữ, đây chính là điềm lành. Hơn nữa hãy xem ‘đáy giếng một cành tre, màu tre xanh đậm đậm’, là nói Ngô Thiếu Thành từ một người vô danh tiểu tốt, sau này có được mười vạn binh mã, trở thành thống soái một phương, là ví von sự vinh quang của ông ta. ‘Gà chưa mập’ là nói không có thịt. Nếu đem chữ ‘phì’ (肥 – mập) bỏ chữ ‘nhục’ (肉– thịt) đi, thì chính là chữ ‘Kỷ’ (己). ‘Rượu chưa chín’ ý là nói không có nước. Nếu đem chữ ‘tửu’ (酒 – rượu) bỏ đi chữ ‘thủy’ (水 – nước), thì chính là chữ ‘Dậu’ (酉). ‘Xe chắn binh mã’ là nói quân sĩ tham gia trận chiến, ‘tạm thời rút lui’ là nói nên rút về trấn giữ vùng đất của mình. Từ đây suy ra là vào ngày Kỷ Dậu mới công phá được Hoài Tây. Nếu như vẫn còn chưa đến lúc thì hãy quay về chờ đợi.” Bùi Độ nghe xong vô cùng mừng rỡ, nói với tả hữu rằng: “Cậu lính này thật khéo suy luận.” Cảm thấy rất đỗi kinh ngạc.
Vào tháng 10 năm ấy, tướng quốc Lý Tố dẫn quân công phá Hoài Tây, bắt sống Ngô Nguyên Tế, diệt sạch quân phản loạn. Thế là Bùi Độ liền đem ngày thắng trận ra đối chiếu với những gì được khắc trên đá, quả nhiên đúng là ngày Kỷ Dậu. Bùi Độ càng thêm kinh ngạc trước tài suy luận của anh lính nọ, liền thăng y lên làm phó tướng.
Xem tiếp Phần 2
Theo Tuyên Thất Chí
Chú thích:
[*] Xem thêm: Cao nhân tiết lộ lai lịch chân thực của “tàng tự thạch” (1)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2007/05/27/44101.石头记:鸡未肥-酒未熟.html
Ngày đăng: 13-04-2015
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.