Đồ hình Thái Cực cũng là một dự ngôn
Tác giả: Thần Quang
[Chanhkien.org] Khi tôi trông thấy đồ hình Thái Cực lần đầu tiên, tôi cảm thấy rằng có một điều gì đó rất thâm sâu ở trong đó. Ngoài ra, mỗi lần nhìn nó, tôi đều cảm thấy như là tôi đã hiểu thêm được điều gì. Sau vài lần khảo sát, tôi đã phát hiện ra rằng Thái Cực là một biểu tượng của Đạo gia, và đại biểu cho nguyên lý Âm – Dương. Âm và Dương là căn bản cho sự biến hóa của vạn vật. Và rồi tôi hiểu ra rằng Đạo gia thực ra là một đường lối tu luyện, với phương pháp “phản bổn quy chân.” Tuy nhiên, đó là tất cả những gì tôi biết. Mặc dù tôi cảm thấy rằng đồ hình Thái Cực phải có một ý nghĩa nào đó quan trọng hơn, tôi vẫn không thể nói được nó là gì.
Sau này, tôi đã vô cùng may mắn khi được giới thiệu cho cuốn sách Chuyển Pháp Luân (*). Sau khi đọc nó, tôi đã hiểu được những nguyên lý cao hơn của vũ trụ. Trong Bài giảng thứ Nhất của cuốn Chuyển Pháp Luân có nói: “Vậy Phật Pháp là gì? Đặc tính căn bản nhất trong vũ trụ này là Chân Thiện Nhẫn, Nó chính là thể hiện tối cao của Phật Pháp, Nó chính là Phật Pháp tối căn bản.”
Trong bài giảng thứ Ba có nói:
“Không phải vì đặc tính của vũ trụ chúng ta phù hợp với phương pháp tu luyện của Phật gia và Đạo gia, mà là vì phương pháp tu luyện của Phật gia và Đạo gia phù hợp với đặc tính của vũ trụ, nên mới [trở] thành chính Pháp. Tu luyện của Kỳ Môn công pháp nếu phù hợp với đặc tính của vũ trụ này, thì họ không phải tà pháp, mà cũng lại là chính Pháp; bởi vì tiêu chuẩn nhận định tốt-xấu thiện-ác là đặc tính của vũ trụ.”
Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân, tôi nhìn lại đồ hình Thái Cực và cảm thấy rằng những điều mù mờ trước kia nay đã sáng tỏ. Theo hiểu biết của tôi, đồ hình Thái Cực cũng là một biểu hiện của đặc tính vũ trụ – “Chân Thiện Nhẫn”. Hình chữ S ngăn giữa phần Âm và phần Dương trong đồ hình Thái Cực cho người ta một cảm giác ‘hoãn, mạn, viên’ (ung dung, chậm rãi và tròn trịa). Nếu chúng ta nhìn kỹ vào hình Âm và Dương trên đồ hình, chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa chúng được biểu hiện qua sự viên dung, tương hỗ và kiên trì. Chúng viên dung lẫn nhau và giúp bên kia tự tiết chế lấy chính mình. Chẳng phải đây cũng là một biểu hiện của “Thiện” và “Nhẫn”? Nếu người ta có thể khoan dung và nhẫn nại trước người khác từ tận đáy lòng, chẳng phải đây là một biểu hiện của “Chân” hay sao?
Đột nhiên, tôi đã hiểu ra. Đồ hình Thái Cực (cũng như những dự ngôn khác) thực sự báo trước thời kỳ mà Đại Pháp của vũ trụ, “Chân Thiện Nhẫn” được phổ truyền nơi cõi người.
(*) Chuyển Pháp Luân: Cuốn sách chính của môn tập luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bản tiếng Việt có thể được tìm thấy tại trang http://phapluan.org/book/zfl_html/index.html
Dịch từ:
http://zhengjian.org/zj/articles/2008/9/15/54868.html
http://www.pureinsight.org/node/5591
Ngày đăng: 28-08-2009
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.