Đồng hóa với Đại Pháp một cách vô điều kiện
Tác giả: Hư Vân
[Chanhkien.org] Mỗi một đệ tử chúng ta đều đã chờ đợi và tìm kiếm [chân lý] từ đời này qua đời khác. Có thể thoạt trông thì thật đơn giản để chúng ta có cơ hội tu luyện Pháp Luân Công hôm nay, nhưng trên thực tế thì trong quá khứ chúng ta đã phải hy sinh và chịu thống khổ to lớn để đắc được điều này. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng, bởi vì thật không dễ dàng để tìm ra chân lý, chúng ta nên quý trọng cơ hội này và luôn tinh tấn. Tuy nhiên, một số đệ tử, trong đó có cả tôi, đã thiếu cố gắng, không sẵn lòng chịu khổ, hay thậm chí trở nên dửng dưng.
Biết về Pháp nhưng không tuân theo Nó, hay chỉ chọn lựa ra một số lời dạy và bỏ qua những phần còn lại, đây có phải là tu luyện chân chính không? Không tuân theo nghĩa là không tin tưởng, chứ đừng nói là giác ngộ. Nếu một người chỉ muốn làm những việc này nọ theo ý muốn của bản thân mình và thậm chí còn tìm lý do bào chữa không phù hợp với Pháp, thì đó không phải là một thái độ nghiêm túc.
Mọi thứ thực ra không khó khăn đến như vậy. Chúng ta đơn giản là cần làm những gì mà Sư Phụ bảo chúng ta phải làm. Sư Phụ đã giảng nhiều điều khá rõ ràng rồi, đặc biệt là về việc học Pháp, tu luyện tâm tính, luyện những bài công pháp, Phát Chính Niệm, và cứu độ chúng sinh. Đôi khi chúng ta không muốn vứt bỏ những quan niệm của bản thân mình, và kết quả là, chúng ta không muốn nghe theo lời dạy của Sư Phụ. Dưới đây là vài ví dụ:
Ví dụ như một đệ tử ngồi ở tư thế bình thường hoặc mang tâm thái bất tịnh khi học Pháp. Khi một người ngồi ở tư thế bình thường, thì đó có phải là tôn trọng Sư Phụ hay không? Khi tâm không thanh tịnh, thì làm sao mà anh ta hay cô ta có thể đủ tiêu chuẩn để nhìn thấy sự hiển lộ của Pháp?
Một ví dụ khác là một người có thể ít luyện các bài công pháp hay chỉ tập những bài nhất định. Lấy lý do là không có thời gian, nhưng làm thế nào mà người ấy có thời gian để ngủ mà lại không có thời gian để luyện công? Từ trong Pháp, chúng ta đã học được rằng luyện công chính là hình thức nghỉ ngơi tốt nhất. Nhưng chúng ta lại có xu hướng truy tìm sự thoải mái và tránh phải chịu khổ, và kết quả là không thể hoàn thành tất cả các bài tập.
Trong “Giảng Pháp tại Pháp Hội Quốc tế Washington DC năm 2009”, Sư Phụ đã giảng: “Hãy nghĩ đến người khác khi làm điều gì và xét bản thân mình khi chư vị bất đồng ý kiến. Có thể chư vị đều biết nói về điều này như thế nào và chư vị cũng biết những lời này nghĩa là gì rồi, nhưng vào thời điểm then chốt thì chư vị không đem nó ra mà thực hành.” Đôi khi thực tế chúng ta lại xử lý mọi việc theo cách khác hẳn, đó là: chấp trước vào cảm giác của bản thân và không màng đến cảm nhận của những người khác. Khi gặp mâu thuẫn, chúng ta thường hay than phiền về người khác vì đã không quan tâm đến chúng ta.
Trong “Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia, Mỹ quốc, năm 2002”, Sư Phụ đã giảng rằng: “Đó là lý do tại sao việc một sinh mệnh phù hợp với tiêu chuẩn dành cho các sinh mệnh của vũ trụ tại các tầng thứ đặc định được xem là vô cùng trọng yếu. Vì vậy, nói cách khác, chúng ta không thể thừa nhận các an bài mà thế lực cũ đã an bài cho chúng ta, bất kể là chúng đã an bài những gì, bởi vì chính bản thân chúng cũng là đối tượng được cứu độ, chỉ có là chúng chọn bị đào thải. Làm sao kẻ được cứu độ có thể chọn bản thân mình sẽ được cứu độ như thế nào? Giống như là một người rơi xuống nước và người ta cố gắng cứu anh ta, nhưng anh ta lại nói: “Ông không được dùng tay trực tiếp cứu tôi. Ông phải cứu tôi với chiếc thuyền mà tôi thích.” Làm sao có thể như thế được chứ?”
Theo thể ngộ của tôi, sau khi một sinh mệnh được tạo ra, việc người ấy phù hợp với những yêu cầu của tầng đó là rất trọng yếu. Người ấy có thể không cần phải phát minh hay sáng tạo ra cái gì đó, nhưng đồng thời, người ấy cũng không thể khăng khăng làm điều gì đó bằng mọi giá. Trong xã hội người thường, một người có thể tự xem mình lanh lợi và giỏi giang hơn những người khác. Thực ra, trong khi tu luyện Đại Pháp thì điều này là sai. Mọi thứ đã có sẵn ở trong Pháp rồi, và bạn không cần phải tạo ra cái gì. Điều quan trọng nhất là chiểu theo những yêu cầu của tầng thứ đó. Không được phép mang theo những thứ trệch khỏi Pháp. Nói một cách khác, người đó phải đồng hóa với Pháp một cách vô điều kiện.
Trong Chuyển Pháp Luân, Sư Phụ đã dạy rằng: “Như mọi người đã biết pháp luật ngày nay đang dần dần kiện toàn, dần dần hoàn thiện, nhưng có người vì sao vẫn làm điều xấu? Có pháp luật mà không tuân theo là sao? Chính là vì chư vị không quản được tâm của họ; lúc không nhìn thấy, họ vẫn làm điều xấu.”
Trước đây khi đọc đến đoạn này, tôi nghĩ rằng nó đang nói đến những người thường, không tuân theo luật pháp. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu được rằng vũ trụ cũ là không hoàn hảo, vì vậy giờ đây đã có Pháp chân chính nhất thay thế, nếu chúng ta vẫn hành xử theo những suy nghĩ của cá nhân, thì chẳng phải là không phù hợp hay sao?
Chúng ta phải đồng hóa với Đại Pháp một cách vô điều kiện và làm điều đó không hạn chế. Cách tốt nhất để chúng ta làm được điều này là hãy làm theo lời Sư Phụ dạy với tâm thanh tịnh.
Trên đây là một vài hiểu biết của tôi về phương diện này. Xin từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2010/3/3/64666.html
http://pureinsight.org/node/5932
Ngày đăng: 18-05-2010
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.