Trang chủ Right arrow Khoa học Right arrow Nhân thể học

Nghiên cứu: Nghiện điện thoại làm tăng gấp ba lần nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên

18-07-2025

Tác giả: Cara Michelle Miller

[ChanhKien.org]

(Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Khi lên 10 tuổi, trẻ em có thể đã bước vào một con đường khiến nguy cơ tự tử tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Một nghiên cứu theo dõi dài hạn vừa được công bố trên tập san y khoa JAMA Network Open cho thấy những người trẻ tuổi nghiện sử dụng điện thoại, trò chơi điện tử, hay mạng xã hội đối mặt với nguy cơ nảy sinh ý định tự tử và rối loạn cảm xúc cao hơn đáng kể khi bước vào tuổi dậy thì.

“Điều quan trọng nhất rút ra từ nghiên cứu này là không phải lượng thời gian sử dụng thiết bị điện tử khiến giới trẻ gặp rủi ro, mà chính cách các em sử dụng chúng mới là nguyên nhân chính”, bà Yunyu Xiao, tác giả chính của nghiên cứu và là phó giáo sư tại trường Đại học Y Weill Cornell chia sẻ với The Epoch Times trong một email.

Những trẻ em cảm thấy tức giận khi bị tách khỏi điện thoại, vật vã khi phải ngừng sử dụng ứng dụng, hoặc tìm đến thiết bị điện tử khi phải đối mặt với căng thẳng trong cuộc sống, sẽ dễ bị nghiện thiết bị điện tử. Điều đó tiềm ẩn những vấn đề về sức khỏe tâm thần mà các em có thể mắc phải sau này.

“Điều này thay đổi cách chúng ta nhìn nhận vấn đề, từ việc chỉ lo ngại về thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử, sang tập trung nhiều hơn vào hành vi sử dụng mang tính nghiện”, bà Xiao chia sẻ.

Nguy cơ và những dấu hiệu cảnh báo sớm

Nghiên cứu này theo dõi hơn 4.200 trẻ em trong suốt 4 năm, nằm trong khuôn khổ nghiên cứu về Phát triển Nhận thức và Não bộ Thanh thiếu niên (Adolescent Brain Cognitive Development), được xem là nghiên cứu dài hạn quy mô lớn nhất về sự phát triển não bộ trong lịch sử nước Mỹ. Khác với các nghiên cứu trước chỉ tập trung vào tổng thời lượng sử dụng thiết bị điện tử, lần này các nhà khoa học phân tích “quỹ đạo sử dụng gây nghiện”, tức là những xu hướng thể hiện qua mức độ thôi thúc sử dụng ngày càng tăng, sự phụ thuộc về mặt cảm xúc, và khó khăn khi không sử dụng thiết bị điện tử theo thời gian. So với việc dùng thời lượng sử dụng thiết bị điện tử để dự đoán, những mô hình hành vi này lại được chứng minh là có tính dự báo cao hơn về nguy cơ dẫn đến tự tử.

Trong nghiên cứu, trẻ em được hỏi những câu hỏi để có những câu trả lời như “Con cảm thấy khó chịu khi không được sử dụng điện thoại” và “Con lên mạng xã hội để cảm thấy khá hơn mỗi khi buồn”.

Dựa trên những phản hồi đó, các nhà nghiên cứu phân loại trẻ em thành ba kiểu: nguy cơ thấp, nguy cơ tăng dần, và nguy cơ cao, bằng cách theo dõi sự thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện tử và mức độ phụ thuộc về cảm xúc với chúng theo thời gian.

Gần một nửa số trẻ em cho thấy nguy cơ cao hoặc mức độ lệ thuộc gia tăng, thường bắt đầu từ khi các em khoảng 10 tuổi.

Đến năm 14 tuổi, gần như 1 trong 3 trẻ em đã hình thành thói quen sử dụng mạng xã hội ngày càng khó kiểm soát, và khoảng 1 trong 4 em có hành vi tương tự với điện thoại di động. Nhóm trẻ em này có nguy cơ xuất hiện ý nghĩ hoặc hành vi tự tử cao hơn gấp 2,4 lần so với những em có mức độ nghiện sử dụng thiết bị điện tử ở mức thấp.

Hơn 30% trong các em đã chuyển từ nhóm nguy cơ thấp sang nhóm nguy cơ cao trong giai đoạn đầu tuổi vị thành niên, và điều này thường đi kèm với những hệ lụy nghiêm trọng.

“Điều làm chúng tôi bất ngờ là không tìm thấy sự liên hệ rõ ràng giữa tổng thời gian sử dụng thiết bị điện tử với ý nghĩ tự tử hay vấn đề sức khỏe về tâm thần”, bà Xiao cho biết. “Ngược lại, xu hướng nghiện sử dụng thiết bị điện tử, đặc trưng bởi mức độ thôi thúc cao và ngày càng tăng, cảm giác căng thẳng, khó buông rời thiết bị, lại có liên quan đến nguy cơ nảy sinh các hành vi và ý định tự tử cao gấp 2 đến 3 lần”.

Các bé gái có xu hướng hình thành thói quen sử dụng mạng xã hội một cách khó giải quyết hơn bé trai. Ngược lại, bé trai có xu hướng dễ nghiện chơi trò chơi điện tử hơn.

Ngoài nguy cơ tự tử, việc nghiện dùng thiết bị điện tử còn liên quan đến nhiều vấn đề về cảm xúc và hành vi. Nghiện mạng xã hội thường đi kèm với lo âu và trầm cảm, cũng như tính khí hung hăng và cáu gắt. Trong khi đó, nghiện chơi trò chơi điện tử lại gắn liền với cảm giác buồn bã, thu mình, và tâm trạng u ám kéo dài.

Mặc dù nghiên cứu không đi sâu vào các cơ chế đằng sau những mối liên hệ này, nhưng dữ liệu cho thấy trẻ em gặp khó khăn về mặt cảm xúc có thể tìm đến thiết bị điện tử như một cách để đối phó với vấn đề của mình, song việc sử dụng một cách cưỡng ép có thể khiến tình trạng cảm xúc trở nên tệ hơn do cản trở các em giải quyết những cảm xúc tiêu cực theo cách lành mạnh hơn.

Chuyên gia tâm lý trị liệu được cấp phép hành nghề Thomas Kersting, người không tham gia vào nghiên cứu này, chia sẻ với The Epoch Times rằng những triệu chứng trên thường biểu hiện tại nhà dưới dạng các vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với những thay đổi tâm trạng thông thường. Ông Kersting hiện làm việc với nhiều thanh thiếu niên gặp tình trạng lệ thuộc vào thiết bị điện tử và là tác giả cuốn sách: “Mất liên kết: Làm thế nào để bảo vệ con bạn khỏi những tác hại của việc phụ thuộc vào thiết bị công nghệ” (“Disconnected: How to Protect Your Kids From the Harmful Effects of Device Dependency”).

“Nếu con của quý vị trở nên hung hăng, thậm chí nổi khùng lên khi quý vị lấy thiết bị khỏi tay chúng, thì đó không đơn thuần là vấn đề về thái độ, mà là dấu hiệu của hội chứng cai nghiện”, ông nói. “Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất cho thấy mối quan hệ của các cháu với thiết bị điện tử đang trở nên không lành mạnh về mặt cảm xúc”.

Không phải tất cả thời gian sử dụng thiết bị đều như nhau

Nghiên cứu cho rằng cách trẻ em sử dụng thiết bị điện tử quan trọng hơn rất nhiều so với việc các em dành bao nhiêu thời gian trước màn hình. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là thời lượng sử dụng thiết bị điện tử là vô hại. Việc sử dụng quá mức vẫn có thể làm xáo trộn các hoạt động thiết yếu như ngủ, vận động, và giao tiếp trực tiếp. Nhiều nền tảng còn được thiết kế để tối đa hóa sự tương tác, khiến người dùng rất khó dừng lại.

Bác sĩ tâm thần trẻ em Victoria Dunckley viết trong một email gửi The Epoch Times rằng việc dành nhiều thời gian trước màn hình điện tử và sử dụng thiết bị một cách thiếu kiểm soát thường đi liền với nhau, và cả hai đều có thể làm gia tăng mức độ dễ tổn thương về mặt cảm xúc ở trẻ em.

“Những trẻ bị cuốn vào thiết bị điện tử, như con thiêu thân lao vào ánh sáng, và gặp khó khăn khi dừng lại, thường có nguy cơ cao hơn”, bà Dunckley cho biết. “Ngay cả với mức độ sử dụng được xem là ‘bình thường’, các vấn đề về tâm trạng và hành vi liên quan đến thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Và nhìn chung, chúng tôi nhận thấy tình trạng được cải thiện khi thời gian sử dụng màn hình điện tử được giảm bớt”.

Bà Dunckley cũng cho biết rằng việc dành nhiều thời gian tiếp xúc với màn hình, đặc biệt là mạng xã hội và trò chơi điện tử, có thể gây kích thích quá mức và rối loạn hệ thần kinh, thông qua việc làm mất nhạy cảm cơ chế tưởng thưởng, phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, và kích hoạt phản ứng chống trả hay bỏ chạy mang tính thói quen.

Bà cho biết, rất nhiều nền tảng lợi dụng những điểm dễ tổn thương trong quá trình phát triển và các bản năng tiến hóa của con người.

“Vì vậy, thật vô lý khi kỳ vọng trẻ thanh thiếu niên có thể ‘tự điều chỉnh việc sử dụng’ trong khi các ứng dụng này được thiết kế nhằm chiếm quyền kiểm soát não bộ của các em”, bà nói.

Những dấu hiệu cha mẹ cần lưu ý

Bà Xiao khuyến khích các bậc cha mẹ và người chăm sóc cần tự hỏi: Liệu con mình có đang tách biệt khỏi những hoạt động và mối quan hệ đời thực? Con có trở nên u buồn khi không được sử dụng thiết bị? Con có gặp khó khăn trong việc dừng lại, ngay cả khi bản thân muốn dừng lại?

Ông Kersting cũng lưu ý rằng sự cáu bẳn đột ngột hoặc bất ổn về cảm xúc khi sử dụng các thiết bị điện tử cũng được xem là dấu hiệu cảnh báo.

“Nếu đứa con vốn luôn điềm tĩnh của bạn bỗng dưng biến thành anh chàng Hulk (siêu nhân trong truyện tranh) chỉ vì bạn lấy điện thoại hoặc tắt game, đó thực sự là một tín hiệu cảnh báo”, ông nói. “Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ gào thét, chửi thề, hay thậm chí trở nên thô bạo”.

Dấu hiệu cũng có thể thể hiện qua việc con bạn thu mình, xa cách với gia đình, hoặc thể hiện cảm xúc buồn bã, cô lập. Ông Kersting cho rằng khi những biểu hiện này xuất hiện, đó chính là lúc cần hành động.

“Hãy dạy dỗ con cái — đặt ra các quy tắc, không cho dùng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ vào ban đêm, đưa các con trở lại không gian sinh hoạt chung của gia đình”, ông nói.

Thiết lập lại nhịp sinh hoạt

Bà Dunckley cho rằng việc lạm dụng thiết bị điện tử thường làm trầm trọng hơn các vấn đề về cảm xúc và không thể xem đây là một vấn đề giải quyết riêng biệt.

“Theo kinh nghiệm của tôi, việc điều trị hiệu quả các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần sẽ là một trận chiến nan giải nếu không bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen sử dụng thiết bị điện tử”, bà nói.

Bà khuyến khích các bậc cha mẹ tự tìm hiểu về cách mà màn hình điện tử ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới tâm trạng, giấc ngủ, và khả năng tập trung. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bà Duckley đề xuất các bậc cha mẹ nên thiết lập từ 3 đến 4 tuần “cai nghiện thiết bị điện tử” nhằm đặt lại khả năng điều tiết cảm xúc và hành vi.

“Chỉ đơn thuần cắt giảm thời lượng sử dụng thiết bị thường không có hiệu quả với một đứa trẻ đã bị nghiện”, bà nói.

Hoàn toàn không tiếp xúc với thiết bị điện tử giúp hệ thần kinh có thời gian tự điều chỉnh lại, từ đó tạo điều kiện cho các con tham gia vào các hoạt động vui chơi mang tính sáng tạo, giao tiếp xã hội, và vận động nhiều hơn.

Các chuyên gia đồng ý rằng, mục tiêu không phải là loại bỏ hoàn toàn thiết bị điện tử, mà là giúp các con xây dựng những thói quen lành mạnh hơn.

Gợi ý dành cho các gia đình

Tránh sử dụng thiết bị điện tử trong giờ ăn và giờ đi ngủ. Tạo điều kiện cho các hoạt động ngoài đời thực diễn ra hàng ngày. Thường xuyên trò chuyện với con về những trải nghiệm trực tuyến. Cha mẹ nên lấy mình làm gương cho con bằng cách duy trì lối sống cân bằng và biết kiểm soát giới hạn.

“Đừng chỉ chăm chăm vào việc con bạn dùng điện thoại bao lâu”, bà Xiao nói. “Hãy để ý xem cách chúng sử dụng thiết bị đang ảnh hưởng tới sức khỏe, các mối quan hệ, và sinh hoạt hằng ngày của chúng như thế nào”.

Dịch từ: Compulsive Phone Use Triples Suicide Risk in Teens: Study

https://www.zhengjian.org/node/297434

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài