Tác giả: Tiêm Tiêm
[ChanhKien.org]
Tại Trung Quốc, bài thơ “Tĩnh Dạ Tứ” dường như ngay cả trẻ em ba tuổi cũng có thể đọc thuộc lòng, đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Lý Bạch. Có lẽ vì mọi người đã quá quen thuộc với giai điệu của bài thơ nên ngược lại rất ít người có thể lý giải nội hàm trong đó. Toàn bài thơ có 20 chữ:
“Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương”.
Tạm dịch:
Trước giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Đầu tiên là hai câu thơ:
“Trước giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương”.
Cho thấy thi nhân nhìn thấy ánh trăng sáng rọi qua cửa sổ, lầm tưởng đó là sương đang phủ trên mặt đất. Mà cái lạnh lẽo của “sương” khiến người ta cảm nhận được một nỗi cô đơn khó diễn tả thành lời. “Sương” là hiện tượng xuất hiện vào cuối mùa thu, khi mùa đông sắp đến, mang lại cho người ta cảm giác se lạnh, lại cộng thêm nét tiêu điều vốn có của mùa thu khi vạn vật héo úa, càng khiến con người dễ sinh cảm giác cô đơn. Đặc biệt là khi một người đang ở nơi đất khách quê người, sẽ rất dễ khiến người ta nhớ đến những người thân nơi quê nhà. Chỉ vỏn vẹn hai câu thơ lại hé lộ ra biết bao nỗi bi thương và cảm giác bất lực.
Tiếp đến là hai câu thơ:
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương”.
Vầng trăng sáng tròn thường gợi lên hình ảnh đoàn viên của mọi người, từ đó việc cúi đầu nhớ về quê hương cũng là dòng suy nghĩ tự nhiên tuôn chảy. Tuy nhiên, văn hóa Trung Quốc kỳ thực là văn hóa Thần truyền, đương nhiên cơ điểm vẫn là tín Thần. Vì sao ngẩng đầu nhìn trăng sáng lại khiến người ta nhớ đến cố hương? Bởi khi chúng ta ngẩng đầu lên, có lẽ thứ ta nhìn thấy không chỉ là vầng trăng sáng, mà còn có cung điện nơi thiên giới xa xăm. Thiên cung trên trời ấy mới chính là ngôi nhà đích thực của chúng ta. Cha mẹ nơi quê nhà đang mong ngóng chúng ta trở về. Những vì sao rải khắp bầu trời như những con mắt của chư Thần, đang dõi theo chúng ta, đang chờ đợi một ngày nào đó chúng ta tỉnh ngộ quay về, trở về gia viên chân chính của chính mình.
Ngày nay, chúng ta xem các câu chuyện như “Ngưu Lang Chức Nữ”, “Thất Tiên Nữ”, dường như đều mô tả là Thần Tiên ngưỡng mộ nhân gian. Kỳ thực, đó đều là những tình tiết đã bị hậu nhân bóp méo. Lý thực sự là: Thần đang mượn những câu chuyện ấy để nói với chúng ta rằng ngôi nhà thực sự của con người là ở trên thiên thượng.
Bài thơ này của Lý Bạch có mạch tư tưởng tiền nhân hậu quả rõ ràng, lại hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Đọc kỹ từng câu thơ, sẽ gợi mở ra vô hạn suy tưởng, dòng suy nghĩ vượt qua ngàn núi vạn sông, qua tầng tầng hoàn vũ, để rồi trở về với chốn quê nhà thực sự ở nơi xa xăm của chính mình.