Thần Tiên Hán Chung Ly và cuộc đối thoại với đệ tử Lã Động Tân



Tác giả: Sử Phượng

[ChanhKien.org]

Buổi tối nghỉ ở Thương Ngô,
Sáng sớm du ngoạn đảo Bồng Lai,
Ngâm nga sảng khoái bay qua bờ Động Đình.
Say rượu trên lầu Nhạc Dương,
Mượn núi Ngọc làm gối,
Cho ta được ngủ giấc dài.
Ra vào không dấu vết,
Tới lui chẳng cố định,
Nửa là phong cuồng, nửa là điên.
Mang theo bên thân, xách giỏ, đeo kiếm,
Buôn bán khói mây.
Phiêu bạt nhân gian bao năm,
Từng làm chủ đệ nhất yến tiệc Đông Hoa.
Xô đổ lầu ngọc, trồng cây kỳ lạ của ta;
Tát cạn sông Hoàng Hà, trồng sen vàng của ta;
Đập vỡ san hô, lộn mình ra Bắc Hải,
Khấu đầu trước ngai cao của Hư Hoàng.
Không có việc gì khó,
Chỉ cần công thành tám trăm, hạnh đủ ba ngàn.

Bài từ này tên là “Thấm viên xuân”, do một vị Đại La Thần Tiên trên mặt đất sáng tác. Vị Thần Tiên đó là ai? Họ Lã, tên Nham, tự Động Tân, đạo hiệu Thuần Dương Tử. Từ khi ngộ Đạo thông qua giấc mộng Hoàng Lương, ông theo sư phụ là Chung Ly tiên sinh, mỗi ngày học Đạo trên núi Chung Nam.

Một hôm, Động Tân hỏi: “Đệ tử nhờ sư phụ độ thoát, vượt ra khỏi sinh tử, đắc được bí quyết trường sinh, vậy trong Đạo môn của chúng ta, luân hồi còn có chỗ kết thúc không?”

Sư phụ đáp: “Sao lại không có kết thúc! Từ khi hỗn độn sơ khai, một tiểu kiếp là 129600 năm, thế gian hỗn loạn quy về một, thánh hiền đều tận. Một đại số là 259200 năm, Nho giáo sẽ tận. Atula kiếp là 388800 năm, Đạo môn chúng ta sẽ chấm dứt. Tương kiếp là 777700 năm, Thích giáo cũng tận. Đây chính là kiếp số”. (Phần giữa lược bớt)

Động Tân lại hỏi: “Từ ngày sư phụ thành đạo đến nay đã bao nhiêu tuổi thọ rồi?” Sư phụ đáp: “Tính từ đời Hán 407 năm, đời Tấn 157 năm, đời Đường 288 năm, đời Tống 317 năm, cộng lại là 1100 tuổi có lẻ”.

Động Tân nói: “Sư phụ đã sống hơn 1100 tuổi, vậy đã độ được bao nhiêu người?”

Sư phụ đáp: “Chỉ độ được một mình con thôi”.

Động Tân hỏi: “Cớ sao chỉ độ được mỗi mình đệ tử? Chỉ là đạo môn chúng ta không chịu từ bi, độ thoát chúng sinh. Nếu sư phụ cho đệ tử ba năm kỳ hạn, chỉ riêng vùng đất Trung Nguyên thôi, đệ tử có thể độ hơn ba ngàn người, chấn hưng Đạo gia chúng ta”.

Sư phụ nghe vậy, cười ha hả nói: “Con im miệng cho ta! Chúng sinh trên đời, kẻ bất trung thì nhiều, kẻ bất hiếu cũng không ít. Chúng sinh bất nhân bất nghĩa, làm sao có thể trở thành Thần Tiên? Ta cho con đi ba năm, chỉ cần tìm được một người thôi, đó cũng là công đức của con rồi”. Động Tân nói: “Vậy hôm nay đệ tử xin bái biệt sư phụ, bắt đầu đi vân du”. (Phần giữa lược bớt)

Ba năm sau, Lã Động Tân trở về tay trắng, có thể thấy lòng người không còn như xưa, thế nhân thật khó hóa độ. Lã Động Tân đi thẳng lên núi Chung Nam tìm gặp sư phụ, hai gối quỳ xuống, phủ phục sát đất. Sư phụ Chung Ly cười ha hả, lòng đã hiểu rõ, nói: “Đệ tử dẫn đồ đệ đến đây rồi sao? Không biết độ được mấy người?” Lã Động Tân hổ thẹn thưa rằng không độ được một ai.

Từ xưa đến nay, Đạo gia đều là sư phụ tìm đệ tử, mà người tìm được nhất định phải có đức cao, căn cơ tốt mới có thể truyền Đạo. Vì vậy, câu chuyện này chỉ ra rằng Đạo giáo đã sớm không còn là tu Đạo chân chính, mà chỉ là hình thức tôn giáo ở tầng thứ xã hội người thường. Nó cũng cho thấy rằng giáo pháp của Nho, Đạo, Phật vào thời mạt pháp đều có định số, nên mới nói: thánh hiền đều tận.

(Theo tư liệu: “Tỉnh thế hằng ngôn”, quyển thứ 22, “Lã Động Tân phi kiếm trảm Hoàng Long”)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/6425



Ngày đăng: 10-05-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.