Khải thị từ “sao neutron”



Tác giả: Sơn Vũ

[ChanhKien.org]

Khi Sư phụ giảng về vấn đề “Không trong ngũ hành, ra ngoài tam giới”, Ngài đã nhắc đến “neutron”:

“Neutron mạnh mẽ đến nhường ấy, thật quả là khó mà tin nổi! Người ta sao lại phát ra được neutron mạnh mẽ đến thế? Điều đó chứng minh rằng những khí công sư chúng tôi có tồn tại công, có tồn tại năng lượng; điểm này trong giới khoa học kỹ thuật đã chứng thực được”. (Bài giảng thứ hai – Chuyển Pháp Luân)

Tuy nhận thức của khoa học hiện đại về vật chất và vũ trụ còn rất hạn chế, nhưng cũng đã phát hiện ra trong vũ trụ có một loại tinh cầu rất thú vị: sao neutron. Những ngôi sao này thông thường chỉ to bằng một thành phố cỡ trung (đường kính khoảng 20km), nhưng lại nặng hơn cả Mặt Trời. Nguyên nhân đúng như tên gọi của nó, sao neutron được cấu thành từ các neutron, mật độ của nó xấp xỉ với hạt nhân nguyên tử, gấp 100 nghìn tỷ lần mật độ của phân tử nước. Mật độ này lớn đến mức thật khó tưởng tượng: chỉ một hạt vật chất nhỏ bằng hạt cát thôi cũng đã nặng hàng trăm tấn. Nó còn nặng hơn cây Kim Cô Bổng của Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký” mấy trăm lần.

Nếu có thể mang loại vật chất này đến không gian của chúng ta và chế tạo thành một con dao nhỏ, dùng nó để cắt những kim loại cứng nhất thì cũng dễ hơn chúng ta dùng dao thường để cắt đậu hũ. Thời cổ có những thanh bảo đao có thể “chém sắt như chém bùn”, nhiều người hiện đại không tin. Có điều, sự tồn tại của sao neutron lại được khoa học hiện đại công nhận: loại vật chất được cấu thành từ neutron với mật độ cực lớn, vật chất có mức tinh tế vi quan hơn vật chất trên Trái Đất của chúng ta hàng nghìn tỷ lần, thực sự tồn tại trong vũ trụ của chúng ta.

Xét từ góc độ khoa học hiện đại, “Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” đối ứng với các nguyên tố hóa học khác nhau. Những nguyên tố hóa học này tạo thành các phân tử khác nhau, cũng tức là vạn vật trong không gian của chúng ta. Mà nguyên nhân sản sinh các nguyên tố hóa học khác nhau là do sự sắp xếp khác nhau của proton, neutron và electron. Proton mang điện tích dương, electron mang điện tích âm, còn neutron (trung tử) như tên gọi của nó là trung tính, không mang điện. Trong điều kiện đặc định, một neutron có thể chuyển hóa thành một proton và một electron; một proton và một electron cũng có thể chuyển hóa thành một neutron. Vì hạt nhân nguyên tử được cấu tạo từ proton và neutron nên nó mang điện tích dương; còn electron mang điện tích âm, quay quanh hạt nhân nguyên tử với tốc độ rất cao.

Xét từ góc độ điện tích, từ nguyên tử đến phân tử, hay nói cách khác là vạn vật do “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” cấu thành, đều đang ở trong trạng thái vận động điện tích không ổn định. Nếu ta gọi electron mang điện âm trong tầng vật chất này là “âm”, gọi proton mang điện dương là “dương”, vậy thì cũng có thể nói rằng hạt neutron ổn định là vật chất tầng cao hơn đã đạt được sự cân bằng âm dương. Nhìn theo một góc độ khác, cũng có thể nói rằng loại vật chất đơn nhất là neutron này đã phân hóa thành hai loại vật chất khác nhau (proton và electron), rồi cùng với hai loại vật chất khác nhau ấy cấu thành vạn sự vạn vật trong không gian này. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý luận của Đạo gia: “Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi”.

Sự tương tác giữa âm và dương sinh ra vạn sự vạn vật. Trong tầng thứ này, bất kỳ vật chất nào cũng đều không đạt được trạng thái cân bằng âm dương, bởi vì cấu thành vi quan của chúng vẫn còn tồn tại tính không ổn định do sự tương tác giữa proton và electron tạo thành. Nếu có thể thông qua một phương pháp nào đó để hợp nhất tất cả proton và electron trong một vật thể (hoặc cơ thể con người) thành neutron, vậy thì tất cả lực hút và lực đẩy phát sinh từ sự đối lập âm dương ở tầng thứ này sẽ không còn tồn tại, đạt được trạng thái cân bằng âm dương, và sự sắp xếp của vật chất có thể đạt đến mức độ tinh tế và vi quan như của sao neutron, với mật độ năng lượng tăng lên hàng nghìn tỷ lần.

Vật chất hoàn toàn được cấu thành từ neutron không chỉ có mật độ và năng lượng cực lớn, do không còn sự tồn tại và tương tác của proton và electron, nó cũng không còn là bất kỳ loại vật chất nào trong “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” nữa. Đồng thời, vật chất do neutron cấu thành này cũng sẽ có tính ổn định tăng lên cực đại.

Nếu trên sao neutron cũng có sinh mệnh, cũng tồn tại sự sống, vậy thì khi họ nhìn vào hết thảy mọi sự vật bao gồm cả con người ở địa cầu do phân tử cấu thành, sẽ cảm thấy chúng còn không ổn định và hư ảo hơn hàng vạn lần so với cảm giác của con người khi nhìn vào mây khói.

Trí huệ cổ nhân có lẽ không phải là điều mà con người hiện đại chúng ta có thể tưởng tượng được. Tô Thức (Tô Đông Pha) thời Tống từng ví hết thảy được mất của con người thế gian như mây khói lướt qua, nhìn theo cách này thì quả thật rất xác đáng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/291500



Ngày đăng: 21-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.