Tại sao chúng ta nên học các nghề và kỹ năng truyền thống



[ChanhKien.org]

Chế tác đồ thủ công mỹ nghệ có thể rèn luyện tính kiên nhẫn và trau dồi tính khiêm tốn của bạn. (Ảnh: Shutterstock)

Thông qua việc hoàn thiện kỹ năng, chúng ta cũng hoàn thiện chính mình.

Socrates cho rằng cội nguồn của việc làm người là năng lực và sứ mệnh “giải quyết mọi việc”. Cách biểu đạt sứ mệnh này của chúng ta chính là thực hiện các nghề thủ công truyền thống như: nghề mộc, nghề chăn nuôi, nghề dệt vải, nghề làm bánh mì, nghề đồ gốm, nghề đóng sách, nghề làm mồi câu cá. Tất cả những nghề thủ công truyền thống này đều yêu cầu chúng ta phải phối hợp chặt chẽ với các đối tượng vật chất để đưa chúng đến trạng thái hoàn hảo, hữu ích và đẹp đẽ hơn. Chúng ta “xử lý” những chất liệu này, theo một nghĩa nào đó, là khai thác những gì tốt nhất ẩn giấu bên trong chúng. Quá trình này mang lại những điều tốt nhất cho chúng ta.

Thợ thủ công hoàn thiện tay nghề

Việc hoàn thiện tay nghề dễ nhìn thấy nhất là trong ngành chăn nuôi, nơi chúng ta chăm sóc một sinh mệnh khác và giữ cho nó khỏe mạnh. Nhưng nó cũng đúng với một mảnh gỗ có tiềm năng mang lại vẻ đẹp và ý nghĩa to lớn hơn. Với con mắt tinh tường, trực giác của một nghệ thuật gia và đôi tay thận trọng vững chắc, một người thợ mộc bậc thầy có thể phát huy được tiềm năng này.

Giáo sư triết học và tự canh nông John Cuddeback nói: “Muốn trở thành một nghệ nhân nổi tiếng… bạn cần nắm bắt được những vấn đề lớn của cuộc sống như: Chúng ta có phải là kiểu người sử dụng lý trí của mình để giải quyết mọi việc dựa trên sự tồn tại khách quan nào đó không? Chúng ta phát hiện điều gì đó đẹp đẽ và nhận ra chân tướng của sự vật, và chúng ta cần hợp tác làm thế nào mới có thể đem chúng thể hiện ra bên ngoài. Hơn nữa, khi làm như vậy sẽ bộc lộ con người thật của chúng ta. Đó cũng là cách cuối cùng chúng ta có thể cống hiến vì người khác”.

Như giáo sư Cuddeback đã chỉ ra, việc đáp ứng nhu cầu của người khác là cách quan trọng nhất mà chúng ta có thể “chăm sóc người khác”. Đây là một mục đích khác của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chiếc ghế mà người thợ mộc chế tác ra có thể đáp ứng nhu cầu vật chất của ai đó (một chỗ để ngồi) và nhu cầu thẩm mỹ của họ (bản thiết kế và vẻ đẹp của nó). Bánh mì do người thợ làm ra để lấp đầy bụng của những người đang đói cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Chủ trang trại chăn nuôi cung cấp thực phẩm và quần áo cho mọi người. Mặt khác, chất liệu, thợ thủ công và người sử dụng khi chế tác ra sản phẩm lại chính là đang hoàn thiện chính mình.

Có thể dễ dàng thấy rằng nghề thủ công truyền thống cho phép chúng ta phục vụ người khác và hoàn thiện bản thân như thế nào. Nhưng để xác định cách thức làm cho tay nghề của người thợ trở nên hoàn hảo thì vẫn cần phải suy ngẫm sâu hơn.

Nghề thủ công làm cho người thợ trở nên hoàn hảo

Trước tiên, việc tham gia vào các nghề thủ công truyền thống sẽ kết nối chúng ta với truyền thống và với cội nguồn của chính mình. Hãy nghĩ xem, người ta đã làm đồ gốm từ trước khi đại kim tự tháp Giza được xây dựng. Các tính chất cơ bản của nhiều nghề thủ công truyền thống ít có sự thay đổi qua các thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ, là vì các tính chất cơ bản của vật liệu không thay đổi.

Việc sử dụng các công cụ cơ bản giống như những công cụ mà tổ tiên chúng ta từng sử dụng để chạm khắc gỗ, hoặc đan giỏ giúp chúng ta kết nối với kinh nghiệm của tổ tiên và với một khía cạnh không thay đổi của cuộc sống con người. Nghề thủ công truyền thống tiết lộ sự thật về bản thân chúng ta: là một phần bản tính của con người, con người là người chế tạo, là thợ thủ công, là nhà phát minh và là nhà nghệ thuật. Chúng ta đang miêu tả thế giới xung quanh. Hơn nữa, những nghề thủ công mà chúng ta ngày nay coi như một sở thích mà tận hưởng đều đã từng là nhu cầu cần thiết cho sự sinh tồn của tổ tiên chúng ta. Trong khi làm ra những thứ này, chúng ta được nhắc nhở về việc họ đã nỗ lực làm việc như thế nào, những khó khăn của họ, và cũng nghĩ về bản thân chúng ta. Các cửa hàng tạp hóa dự trữ đồ rất phong phú, ánh sáng rực rỡ, nhưng có thể khiến cho sự thật này rời xa tâm trí chúng ta.

Làm việc bằng tay có thể cải thiện tâm trí và cơ thể của chúng ta. Làm đồ thủ công giúp chúng ta có nền tảng vững chắc trong thực tế, nhắc nhở chúng ta về những giới hạn của mình và cho phép chúng ta nhìn thấy bản chất của thế giới xung quanh.

Nhà điêu khắc và nhà văn người Pháp Henri Charlier nhận xét rằng: “Mỗi cú đập… chiếc búa chạm vào bản chất của sự vật, điều này không chỉ trau dồi trí tuệ rất tốt về mặt thực tế mà còn giúp chúng ta hình thành những suy ngẫm về tự nhiên và tinh thần của sự vật”.

Nhờ công việc của mình, người thợ thủ công bậc thầy có một trí thông minh nhất định, một kiến ​​thức trực giác sâu sắc nhất định về cách vận hành của thế giới. Điều này vượt xa kiến thức về thủ công chuyên nghiệp của cá nhân anh ấy. Nó thậm chí có thể theo phương thức lành mạnh hình thành cách thức mà theo đó anh ấy sẽ suy xét sự thật trừu tượng hoặc triết học.

Một nghề thủ công tốt có thể cải thiện sự khéo léo, khả năng phối hợp tay và mắt, v.v. Một người bạn nói với tôi rằng khái niệm lịch sử về một công cụ là nó sẽ trở thành một phần mở rộng của cơ thể bạn chứ không phải là vật thay thế nó.

Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta có được cảm giác hài lòng sâu sắc như thế từ việc làm thủ công. Nó là một phần mở rộng của chính chúng ta. Cảm giác hào hứng khi câu cá hồi bằng mồi tự chế vượt xa trải nghiệm câu cá hồi bằng mồi mua ở cửa hàng.

Nhược điểm của việc hiệu suất cao

Sự hài lòng đến cùng với việc chế tác ra sản phẩm và có mối quan hệ đến thời gian sử dụng cũng như sự kiên trì. Nghề thủ công rèn luyện tính kiên nhẫn và trau dồi tính khiêm tốn của chúng ta. Vật liệu có thể đối kháng lại những nỗ lực của chúng ta. Một cái gì đó bị làm hỏng. Chúng ta đã phạm sai lầm. Chúng ta bắt đầu lại từ đầu. Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể bằng cách nhất quán, kiên trì nỗ lực không ngừng, vã mồ hôi trên trán và từng chút từng chút định hình thế giới của chúng ta.

Nghề thủ công và cuộc sống chậm rãi bổ trợ cho nhau, không có “lối tắt”. Nhịp độ của công việc này nhắc nhở chúng ta bước chân chậm lại, tập trung tâm trí, trân quý khoảnh khắc này và nhận ra rằng những việc có giá trị nhất đều cần có thời gian và sẽ không thể giải quyết trong chốc lát.

Lấy cảm hứng từ nhà triết học cổ đại Xenephon, giáo sư Cuddeback suy ngẫm về chân lý này khi nó liên quan đến việc làm vườn: “Xenephon tin rằng ‘người ta nhận được ân huệ tương ứng với mức độ phục vụ của họ đối với đất đai’. Cứ như thể mảnh đất được thiết kế để tiếp thu một tính cách tốt từ chúng ta, mà loại tính cách này chính là chúng ta thực hiện … Mảnh đất đòi hỏi sự kiên trì và sẵn sàng quan sát và học hỏi, điều chỉnh và bắt đầu lại. Nó đòi hỏi chúng ta phải có thái độ quan tâm… một thái độ luôn được hồi báo và mọi việc diễn ra đúng lúc”.

Cuối cùng, làm đồ thủ công có thể là một cách thể hiện nghệ thuật, bởi vì bạn cụ thể hóa ý tưởng của mình và tạo ra thứ gì đó có ý nghĩa và có vẻ đẹp riêng. Nó không chỉ hữu dụng. Đây là một hành vi nhân cách hóa và nhân tính hóa rõ rệt. Con heo có thể sống trong bất kỳ nơi trú ẩn nào. Một người cần những gì phù hợp với bản tính của anh ta. Vì anh ta có thể phân biệt chân, thiện, mỹ nên anh ta cần một tổ ấm tốt đẹp.

Các vật phẩm sản xuất hàng loạt thiếu hụt sự truyền tải phong cách cá nhân, ý nghĩa và cá tính mà các mặt hàng thủ công có. Đôi khi sự không hoàn hảo của một món đồ thủ công mang lại cho nó những đặc tính mà một sản phẩm sản xuất tại nhà máy không bao giờ có thể có được. Một chiếc thuyền độc mộc sản xuất hàng loạt ở bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào, đều giống nhau, trong khi một chiếc thuyền độc mộc đục bằng tay thì không thể sao chép. Điều này phản ánh rõ hơn tính chất độc đáo của mỗi cá nhân và mỗi nền văn hóa trên thế giới, không có gì có thể sao chép được.

Tất nhiên, quảng bá những sở thích truyền thống không phải là quay ngược thời gian hay tỏ ra rằng chúng ta đang sống ở một thời kỳ khác. Có nhiều cách nhanh hơn để hoàn thành những gì nghề thủ công truyền thống có thể làm được, và chúng ta thường cần những phương pháp nhanh hơn này. Dầu vậy, các nghề thủ công truyền thống vẫn có rất nhiều thứ để cung cấp cho chúng ta, và chúng vẫn chưa được thay thế hoàn toàn bằng các phương pháp hiệu quả hơn. Một trong những lý do là thủ công mỹ nghệ không liên quan gì đến hiệu quả. Vô số thế hệ đã cống hiến lý trí và sức lực thể chất của con người để tạo ra những sản phẩm đẹp và bền vững. Họ hiểu rằng lợi ích của nghề thủ công không chỉ là tính thực dụng.

Những nghề thủ công truyền thống và kỹ năng kế thừa chúng sẽ như thế nào trong thế giới ngày nay? Vai trò của chúng sẽ như thế nào? Đây là một triển vọng thú vị. Làm thế nào để điều chỉnh chúng nhằm cải thiện cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ XXI? Nghề thủ công có thể và phải thay đổi, phát triển theo thời gian, mặc dù tôi cảm thấy rằng nghề thủ công tốt nhất luôn luôn nên trung thành với cội nguồn của chúng. Hiểu chúng giúp chúng ta làm được các việc tương tự.

(Bài viết gốc “Why We Should Learn Traditional Crafts and Skills” đã được đăng trên The Epoch Times).

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292580



Ngày đăng: 04-02-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.