[Bài viết đặc biệt] Câu chuyện đằng sau khoản tài chính 266 triệu USD của Shen Yun



Phần 1 trong loạt bài phỏng vấn Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công

Tác giả: Phương Vĩ

[ChanhKien.org]

Chiều ngày 03 tháng 01 năm 2025, buổi biểu diễn thứ hai của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun Tân Kỷ Nguyên tại Grand Théâtre de Provence ở Aix-en-Provence, Pháp, đã bán hết vé. (Ảnh: Phó Khiết/The Epoch Times)

Cuối năm 2024, một kênh truyền thông phương Tây đăng một bài viết dài hơn 3.500 từ chỉ trích Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, “Lợi dụng lòng trung thành và sức lao động giá rẻ của những người theo ông để tích lũy khối tài sản trị giá đến 266 triệu USD”, “Tốc độ tích lũy tài sản là không bình thường đối với bất kỳ công ty nào, chứ đừng nói đến Đoàn múa vũ đạo phi lợi nhuận từ Quận Cam, New York”.

Thật như vậy sao? Những lời cáo buộc như vậy có đúng không? Nguồn tài chính 266 triệu USD này đến từ đâu?

Vào ngày 03 tháng 01 năm 2025, một phóng viên của Đài Phát thanh Hy vọng (Sound of Hope) đã đặc biệt phỏng vấn Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công kiêm Giám đốc nghệ thuật của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun ở New York. Cuộc phỏng vấn diễn ra tại văn phòng giảng viên của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên ở Thung lũng Hudson, New York. Sư phụ Lý Hồng Chí, 73 tuổi, vận trang phục giản dị, gọn gàng, gầy hơn nhiều so với những năm trước và trông chỉ như mới 50 tuổi, ánh mắt ấm áp, cương nghị và điềm tĩnh.

Sư phụ Lý vừa cất lời nói, phóng viên đã rất ngạc nhiên.

“Tôi không biết Shen Yun có nhiều tiền đến vậy. Nếu giới truyền thông không đăng tin này thì tôi cũng không biết”.

Vì sao lại như thế? Ngài Lý tiếp tục nói: “Bởi vì điều tôi chịu trách nhiệm ở Shen Yun là về phương diện nghệ thuật và thiết kế trang phục. Về phương diện hành chính, tôi không quản; về tài vụ, tôi hoàn toàn không quản”.

Làm sao có thể như thế? Sư phụ Lý Hồng Chí chẳng phải là nhà sáng lập Pháp Luân Công sao? Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Pháp Luân Công đã truyền rộng khắp thế giới, học viên có mặt ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, họ đã thành lập báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, trang web và các công cụ vượt tường lửa, cũng như các đoàn nghệ thuật biểu diễn như Shen Yun, trường học, và đang phát triển mạnh mẽ, tráng quan khắp nơi trên thế giới.

“Tất cả chuyện này lẽ nào không phải đều xảy ra dưới sự chỉ huy của ngài sao?”, phóng viên hỏi.

Ngài Lý trả lời: “Pháp Luân Công là một pháp môn dạy mọi người tu luyện, đề cao bản thân. Điều tôi dạy mọi người là tu luyện. Các thực thể mà bạn đề cập thực chất là những hạng mục do chính các học viên Pháp Luân Công khởi xướng với tư cách là thành viên của xã hội. Đây là việc riêng của họ, họ phải tự mình đi con đường mà tự họ muốn đi. Họ đi như thế nào, và cách họ giải quyết những vấn đề gặp phải trên đường đi đều là những bài học để họ tu luyện. Vì vậy, các hoạt động cụ thể của họ thì tôi đều không quản, càng không nói đến tài chính của họ”.

Ngài Lý tiếp tục nói rằng, nhiều hạng mục hoặc công ty do các học viên Pháp Luân Công thành lập đều muốn mời ngài đến phát biểu, chỉ đạo, nhưng ngài hiếm khi đi hoặc hoàn toàn không đi. Nếu đi, thì lời ngài giảng cũng chỉ là về tu luyện. Ngài Lý nói: “Là Sư phụ của họ, tôi chỉ nắm phương hướng chung làm chỉ đạo trong tu luyện, còn các việc khác về cơ bản tôi đều không quản, về tài vụ tôi đều không biết”.

Sau đó, phóng viên đã phỏng vấn bà Joanne Liu, Giám đốc tài chính của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun (Shen Yun Performing Arts), và hỏi bà các vấn đề như ai là người đang quản lý tài chính của Shen Yun và cách thức nhận tiền quyên góp. Bà Liu cho biết, Công ty Nghệ thuật biểu diễn Shen Yun có Tổng giám đốc và Ban giám đốc. “Chúng tôi thực hiện theo quy trình của chúng tôi, khi gặp vấn đề cụ thể, chúng tôi sẽ xin chỉ thị của Tổng giám đốc. Các quyết định mua sắm lớn và kiểm tra hoạt động đều do ban giám đốc làm”, ngài Lý và phu nhân không nằm trong số đó.

“Bà có cần báo cáo tình hình tài chính cho Sư phụ không? Ví dụ như báo cáo hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm?”, phóng viên hỏi. Bà Liu đáp: “Chưa bao giờ, Sư phụ không quản tài chính”.

Phóng viên lại phỏng vấn hai hạng mục khác, một người là giám đốc tài chính của Shen Yun Zuo Pin (Shen Yun Creations), một nền tảng video nghệ thuật; người còn lại là tổng giám đốc Công ty Trang phục Shen Yun (Shen Yun Dancer). Họ đều nói rằng họ tự mình quản lý việc kinh doanh và tài chính của mình, “Sư phụ đều không xem, chúng tôi cũng không báo cáo”.

Phóng viên cũng đã phỏng vấn ông William Chueng, giám đốc tài chính của The Epoch Times, và ông Frank Lee, giám đốc điều hành của Đài Phát thanh Hy vọng. Các câu trả lời đều giống nhau.

Ông Frank Lee nói: “Đã 22 năm kể từ khi thành lập Đài Phát thanh Hy Vọng, chúng tôi chưa bao giờ báo cáo tình hình tài chính của mình với Sư phụ. Sư phụ cũng chưa bao giờ yêu cầu được xem, ngài cũng không hỏi. Sư phụ chỉ hướng dẫn chúng tôi khi chúng tôi gặp lúng túng trong tu luyện, với lại ngài cũng không muốn chúng tôi hỏi nhiều. Bởi vì Sư phụ giảng rằng là người tu luyện, rất nhiều sự việc là cần tự mình ngộ, tự mình nắm bắt, như thế chúng tôi mới có thể rèn luyện thành thục. Do đó về cơ bản chúng tôi đều đang tự mình vận hành Đài”.

Vậy bản thân Sư phụ Lý Hồng Chí nhìn nhận vấn đề tiền bạc như thế nào? Số tiền Shen Yun kiếm được và ngài Lý có mối quan hệ gì?

Ngài Lý nói: “Tôi dẫn dắt mọi người tu luyện, tất nhiên phải làm gương. Lịch sử có quá nhiều bài học giáo huấn về việc đụng đến tiền bạc, nên tôi không lấy đồng nào cả”.

Sư phụ Lý cho biết ngài là giám đốc nghệ thuật của Shen Yun, bao gồm cả việc thiết kế trang phục cho các buổi biểu diễn. Khối lượng công việc và ý tưởng sáng tạo mà ngài bỏ ra là rất lớn nhưng ngài không nhận một đồng tiền nào, hoàn toàn là công việc tình nguyện. Tất cả các “hạng mục Pháp Luân Công” khác, bao gồm Minh Huệ, The Epoch Times, Tân Đường Nhân (NTDTV), Đài Phát thanh Hy Vọng, v.v., không ai trong số họ trả bất kỳ tiền lương nào cho ngài. Bao gồm cả nền tảng “Shen Yun Zuo Pin” được đăng ký dưới danh nghĩa của ngài, ngài cũng không nhận một đồng tiền lương hay bất kỳ khoản cổ tức nào, tất cả thu nhập kiếm được sẽ được tái đầu tư vào việc phát triển và vận hành nền tảng.

Vậy ngài Lý nói gì về cáo buộc của kênh truyền thông phương Tây nào đó rằng ông Lý Hồng Chí “đã lợi dụng Shen Yun để kiếm tiền”?

Sư phụ Lý nói: “Họ nói rằng tôi dùng số tiền kiếm được từ Shen Yun để chi tiêu cho gia đình mình, điều đó hoàn toàn là bịa đặt. Nếu tôi thực sự muốn tiền, mỗi đệ tử sẽ cho tôi một đô la, với hàng chục triệu đệ tử, tôi sẽ có hàng chục triệu [đô la]. Nếu tôi hỏi mỗi người 10 đô la, tôi nghĩ họ sẽ đưa cho tôi, chẳng phải tôi sẽ có hàng trăm triệu [đô la] hay sao? Tôi có cần phải nỗ lực rất nhiều để thành lập một đoàn nghệ thuật và lưu diễn vòng quanh thế giới để kiếm được số tiền khó kiếm được này không?”

Sư phụ Lý cho biết ngài không cần tiền và cuộc sống của ngài rất đơn giản. Hàng ngày, ngài không ăn sáng, bữa trưa dùng cơm tại căng-tin của chùa Long Tuyền và bữa tối là một bát “súp viên bột” (một loại súp ở miền bắc Trung Quốc, chủ yếu được làm từ mì, với rau, trứng và nước súp) hoặc một bát cơm chan nước sôi và thêm một ít dưa chua. “Tôi cần tiền để làm gì? Cả đời này tôi đi đến đâu, có lẽ sẽ có người cho tôi miếng ăn”, ngài Lý mỉm cười nói.

Sư phụ Lý cũng nói với các phóng viên: “Tôi không có tiền, không có bất động sản, không có xe hơi. Tôi lái xe của công ty nhưng tôi tự trả tiền xăng. Tất cả thu nhập của tôi chỉ là một ít tiền bản quyền từ sách của tôi, tức là chỉ vài chục ngàn đô la một năm, điều này có thể được tra bên thuế. Tôi ở trong ký túc xá trong khu chùa (Chùa Long Tuyền). Phòng của tôi có giường, giá sách, không có bất kỳ đồ nội thất cao cấp nào”.

Ngài Lý dừng lại một chút, sau đó nói: “Tôi muốn mang đến cho tụi nhỏ (các nghệ sỹ trẻ của Shen Yun và học sinh trường Phi Thiên) ở đây một ngôi trường tốt nhất và hoàn cảnh tốt nhất trên thế giới. Tôi đã nói với cha mẹ chúng rằng: Tôi muốn trao lại cho các vị đứa con tốt nhất! Đây là điều tôi muốn làm”.

Phóng viên hỏi: “Kênh truyền thông đó nói ngài dùng tiền của đệ tử để mua đồ hiệu. Ngài trả lời thế nào?” Sư phụ Lý nói: “Không có chuyện đó, tôi hoàn toàn không dùng hàng hiệu nào cả, quần áo tôi mặc đều là do tôi tự thiết kế. Trước đây, họ (các đệ tử) đã đặt mua quần áo từ Đài Loan, tay áo khá ngắn, vì nó tương đối phù hợp với vóc dáng người châu Á, không phù hợp với người Mỹ, nên tôi đã đặc biệt thiết kế một chiếc, bởi vì tôi biết cách thiết kế mà, chính là trang phục mới mà tôi đang mặc hiện tại. Sau đó, Công ty Trang phục Shen Yun (Shen Yun Dancer) lấy nó để may đồng phục “Pháp Luân Đại Pháp” để bán, nhưng tôi không để họ bán quá đắt vì tôi sợ học viên không đủ tiền mua”.

Vậy “khoản tiền lớn 266 triệu (USD)” được truyền thông phương Tây tuyên bố đến từ đâu? Phóng viên đã phỏng vấn chi tiết ông Chu Dự, Tổng giám đốc (CEO) Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.

Ông Chu cho biết: Hàng năm, Shen Yun sáng tác rất nhiều các tiết mục biểu diễn. Các công ty đứng ra tổ chức ở các nơi mời [Shen Yun] đến địa phương đó biểu diễn và ký hợp đồng với Shen Yun để trả phí biểu diễn cho Shen Yun; mà các công ty ở các nơi là đơn vị tổ chức, chịu trách nhiệm tổ chức các rạp biểu diễn, quảng bá, bán vé, lễ tân và hậu cần v.v…

Về phí biểu diễn mà Shen Yun thu, là tùy thuộc vào rạp hát và quốc gia. Shen Yun thường tính phí từ 30.000 đến 80.000 USD cho mỗi buổi biểu diễn, trung bình khoảng 50.000 USD cho mỗi buổi biểu diễn. Đối với một chương trình biểu diễn quy mô lớn như Shen Yun bao gồm các loại biểu diễn vũ đạo vũ kịch, dàn nhạc sống, phông nền sống động, đại chế tác các tác phẩm mới và trang phục mới hàng năm, thì phí biểu diễn của Shen Yun là thấp hơn giá thị trường. Các buổi biểu diễn tương tự của phương Tây có giá từ 80.000 USD đến 160.000 USD mỗi buổi.

Shen Yun đã được thành lập 18 năm và đã biểu diễn tổng cộng hơn 10.000 buổi biểu diễn. 10.000 buổi biểu diễn này nhân với 50.000 USD thì chính là bằng khoảng 500 triệu USD.

Ông Chu Dự nói, quý vị nghĩ 500 triệu (USD) này là nhiều, nhưng nó là kiếm được từ 10.000 buổi diễn, nhiều gấp đôi số buổi diễn của chương trình nổi tiếng nhất thế giới của phương Tây! Thu nhập này hoàn toàn có được nhờ sự làm việc chăm chỉ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun và các đơn vị tổ chức. Nhưng đồng thời thì sao? Chi phí bồi dưỡng và duy trì Đoàn nghệ thuật rất cao, cuối cùng chỉ còn lại 266 triệu USD.

Ở đây chi phí cao bao nhiêu? Ông Chu Dự nói: “Nó rất cao. Việc đào tạo rất nhiều nhân tài Shen Yun như thế, trả lương cho nhân viên, mua sắm thiết bị đắt đỏ, mua sắm bổ sung trang phục và vật liệu. Ngoài ra còn có hỗ trợ tài chính cho các tổ chức giáo dục đào tạo nhân tài trong tương lai. Đây đều là những gánh nặng rất lớn. Tất cả điều này đều cần tiền”.

Ông Chu cho biết: “Thực ra số tiền ấy là Shen Yun sau gần 20 năm hoạt động và tiết kiệm mới dành dụm được. Một công ty quy mô lớn như vậy trải qua 20 năm mới có được số tiền tiết kiệm nhỏ như vậy, cũng không phải là quá nhiều, mà là quá ít”.

Ông Chu nói thêm: “Các học viên Pháp Luân Công chúng tôi thực ra là những người tị nạn ở Hoa Kỳ, chúng tôi không có bất kỳ cơ sở nền tảng nào. Các đoàn nghệ thuật khác đều dựa vào các doanh nghiệp và chính phủ, nhưng chính phủ lại không cho chúng tôi một đồng nào. Các công ty lớn ở Hoa Kỳ thì không bao giờ dám tài trợ cho chúng tôi vì họ sợ ĐCSTQ. Chúng tôi dựa vào sức mình để giải quyết vấn đề sinh tồn của chính mình”.

“Nếu chúng tôi không có nền tảng kinh tế nhất định, hễ mà xuất hiện tình huống khẩn cấp, ví dụ như dịch bệnh, thì làm sao chúng tôi có thể giữ được nhiều nhân tài và duy trì sinh kế của rất nhiều người như vậy? Làm sao Shen Yun có thể vượt qua khó khăn này? Đây đều là những gì chúng tôi phải tự giải quyết. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề mà không gây phiền phức gì cho chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi sử dụng phương thức vận hành riêng của mình”, ông Chu nói.

Phóng viên đã hỏi ông Chu rằng kênh truyền thông kia chất vấn rằng các tổ chức phi lợi nhuận thông thường nếu có tiền sẽ đầu tư và không nắm giữ một lượng lớn tiền mặt; nói chung, tiền mặt chỉ có phạm vi sử dụng ngắn hạn, nhưng Shen Yun dường như không làm như vậy. Ông trả lời chất vấn này như thế nào?”

Về việc “đầu tư tiền vào thị trường chứng khoán để kiếm lợi nhuận”, ông Chu Dự nói: “Chúng tôi không làm điều này. Bởi vì, thứ nhất, chúng tôi bảo lưu quan điểm quản lý tài chính của mình; thứ hai, chúng tôi không kiếm tiền trên thị trường chứng khoán. Là người tu luyện, chúng tôi có nguyên tắc của mình”.

“Nhưng còn có một công dụng quan trọng khác đối với quỹ của chúng tôi”, ông Chu nói. “Đó là chuẩn bị sẵn sàng cho việc Shen Yun sẽ quay trở về Trung Quốc biểu diễn khi ở Trung Quốc phát sinh biến hóa. Chúng tôi hiện đang chuẩn bị cho các buổi biểu diễn ở Trung Quốc, bồi dưỡng nhân tài và dự trữ tài chính”.

Sau khi hiểu được tình hình tài chính hiện tại của Shen Yun, phóng viên còn có một câu hỏi khác, đó là Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, đã quản lý cuộc sống cá nhân của mình trong những năm từ năm 1992 khi Sư phụ rời Trường Xuân, Trung Quốc cho đến ngày nay như thế nào?

Nếu quý vị cũng quan tâm, vui lòng đón đọc bài viết tiếp theo “Câu chuyện truyền công và cuộc sống của nhà sáng lập Pháp Luân Công”.

(Theo Epoch Times)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/294384



Ngày đăng: 08-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.