Ngắm bức tranh nổi tiếng “Bữa tối cuối cùng”, hiểu được lòng từ bi của bậc Giác Giả
Tác giả: Tĩnh Tâm
[ChanhKien.org]
“Bữa tối cuối cùng” (The Last Supper), được vẽ vào khoảng năm 1495-1498 bởi Leonardo da Vinci (1452-1519), được lưu giữ trong phòng tiệc của Tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Ý. (Ảnh: Wikipedia)
“Bữa tối cuối cùng”, tranh sơn dầu trên vải, vẽ khoảng năm 1520, của họa sỹ Giampietrino (1495-1549), hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, London. Đây là bản sao cùng cỡ với tác phẩm gốc của Da Vinci, được dùng để đối chiếu khi phục chế lại bản gốc khi tác phẩm vĩ đại này bị thời gian tàn phá. (Ảnh: Wikipedia)
Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” (The Last Supper) của Leonardo da Vinci thường được coi là điểm khởi đầu của thời kỳ nghệ thuật Phục hưng. Bức bích họa này đã được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1495 đến 1498. Bức tranh lấy chủ đề từ Chương 26 sách Phúc âm Matthew trong Kinh thánh Công giáo, miêu tả cảnh tượng ngắn ngủi Chúa Jesus trong bữa ăn tối cuối cùng với 12 vị môn đệ, đã tiên đoán rằng “Một trong các con sẽ phản bội ta”, các vị môn đệ mỗi người mỗi vẻ trông bối rối, nghi hoặc, đau buồn, bồn chồn và bất an, hỏi Chúa: “Thưa Thầy, liệu đó có phải là con không?”
Để thể hiện hình ảnh của từng môn đệ, Leonardo da Vinci đã bố trí cảnh tượng ấn tượng này trong một sảnh phòng ăn rộng lớn, để Chúa Jesus và các môn đệ tập hợp trên một chiếc bàn dài có thể hướng mặt về phía người xem, đồng thời khắc họa một cách sống động biểu cảm phức tạp của từng môn đệ trong khoảnh khắc kinh động ấy. Bố cục của bức tranh tập trung vào Chúa Jesus ở trung tâm và mở ra hai bên, giống như một hình tam giác đều, sau đó lại tạo thành bốn hình tam giác nhỏ theo từng nhóm ba người dựa trên độ cao thấp của các nhân vật, càng làm cho bức tranh thêm vẻ hài hòa, cân đối và sống động, đồng thời cũng tạo nên phong cách Phục hưng với những nguyên tắc sáng tác và kỹ thuật biểu đạt được lý tưởng hóa cao độ.
Leonardo da Vinci cũng sử dụng kỹ thuật phối cảnh chính xác để thể hiện thành công bố cục không gian ba chiều trong bức tranh “Bữa tối cuối cùng”. Phối cảnh, hay còn được gọi là “Phương pháp chiếu”, là kỹ thuật dùng để mô tả các vật thể hoặc cảnh tượng ba chiều lên trên bề mặt hai chiều. Vì mặt phẳng hai chiều cần phải thể hiện được cảm giác lập thể về cảnh vật ba chiều và sự tương quan về khoảng cách không gian giữa chúng, nó phải giải quyết được vấn đề chuyển đổi góc nhìn để đạt được hiệu ứng hình ảnh chân thực. “Phối cảnh điểm tụ” trong bức tranh “Bữa tối cuối cùng” dựa trên những đường kéo dài giả định trong khung cảnh của trần nhà, các góc tường, gạch lát sàn, đường trụ cột, mép trái và phải của bàn ghế, mép trên và dưới của khung cửa sổ hay các bóng đổ, … chúng đều giao nhau tại một điểm được ẩn sâu trong bức tranh, tạo nên cảm giác về chiều sâu.
Trong tranh, các bức tường ở hai bên và trần của nhà ăn lùi dần, tạo ra hiệu ứng độ sâu trường ảnh (Depth of field), cuối cùng tập trung lại và biến mất trong cửa sổ phía sau đầu Chúa Jesus, đây là điểm trung tâm của toàn bộ bức bích họa và cũng là điểm tập trung thị giác. Ánh sáng từ cửa sổ chiếu xuống đầu Chúa Jesus rất tự nhiên, tạo nên hiệu ứng hào quang, thể hiện một cách hoàn hảo Thần tính của Chúa Jesus. Có thể nói đây là cách vận dụng phối cảnh cực kỳ thành công.
Bức tranh cao 4,6 mét và dài 8,8 mét, sử dụng quy tắc phối cảnh khiến người xem có cảm giác như căn phòng được mở rộng một cách tự nhiên theo bức tranh. Họa sỹ đã sắp xếp các môn đệ trong bữa ăn ngồi gần nhau hơn bình thường và chia họ thành bốn nhóm, tạo thành các lớp lượn sóng xung quanh Chúa Jesus. Càng ở gần Chúa Jesus, các môn đệ càng trông có vẻ kích động hơn. Chúa Jesus ngồi ở giữa, điềm tĩnh dang rộng tay, trái ngược hoàn toàn với các môn đệ đang lo lắng xung quanh. Ngoài cửa phía sau Chúa Jesus là khung cảnh yên bình, bầu trời trong sáng như vầng hào quang trên đầu Ngài. Đôi mắt Ngài nhìn chằm chằm ra ngoài bức tranh, như thể đã nhìn thấu mọi điều tốt xấu trên thế gian.
Chúa Jesus và 12 môn đệ đang ngồi bên bàn ăn mừng Lễ Vượt Qua. Có 13 người ở bàn ăn, và đây là bữa tối cuối cùng họ ăn cùng nhau. Chúa Jesus nói với các môn đệ rằng một người trong số họ sẽ phản bội Ngài; nhưng Chúa Jesus không nói rằng đó là Judas, và các môn đệ cũng không biết ai sẽ phản bội Ngài.
“Bữa tối cuối cùng” của họa sỹ vĩ đại người Ý Leonardo da Vinci là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các tác phẩm đã được sáng tác cùng chủ đề này. Bức tranh này được ông vẽ trực tiếp lên tường phòng ăn của một tu viện ở Milan.
12 môn đệ ngồi dọc bàn, chia thành bốn nhóm, trong đó Chúa Jesus ngồi ở giữa bàn. Ngài dang hai tay ra làm một cử chỉ buồn bã, ra hiệu rằng một trong những đệ tử của Ngài đã phản bội Ngài.
Hầu hết các môn đệ đều giật mình sửng sốt và kinh động, nhưng hình ảnh Chúa Jesus lại bình thản đến thế. Chúng ta có thể thấy rõ ràng đường nét hình dáng của Ngài nổi bật trên nền các cửa sổ của bức tường phía sau. Qua ô cửa sổ, chúng ta thấy được khung cảnh yên tĩnh và bầu trời xanh bao quanh đầu Chúa Jesus như thể một vầng hào quang.
Trong nhóm người phía bên phải Chúa Jesus, chúng ta thấy một khuôn mặt tối tăm, ngả người ra sau, trông giống như muốn lùi lại ra xa Chúa Jesus. Khuỷu tay anh ta tựa lên bàn ăn và trong tay đang ôm chặt một túi tiền. Chúng ta biết hắn chính là kẻ phản bội, Judas Iscariot. Túi tiền trong tay Judas là biểu tượng của hắn. Hắn là người làm việc bảo quản tiền cho Chúa Jesus và các môn đệ khác, và trong chiếc túi chứa 30 đồng bạc hắn được thưởng cho việc phản bội Chúa Jesus.
Bên cạnh bóng của Judas là Thánh Peter, với mái tóc bạc như tơ và đôi bàn tay trắng, nghiêng người về phía Thánh John trẻ. Tay phải của Peter đang nắm lấy con dao đeo ở bên hông, và dường như thật tình cờ, mũi dao đã chĩa ngay vào lưng Judas. Đầu Thánh John cúi về bên phía Peter. Trong số tất cả các môn đệ, ông là người được Chúa Jesus yêu mến nhất. John trông cũng bình hòa an tĩnh như dáng vẻ Chúa Jesus, và dường như đã hiểu được những lời mà Ngài nói.
Bên trái Chúa Jesus là cậu James trẻ, anh ấy dang rộng tay ra và hét lên, cố gắng lý giải những lời khủng khiếp mà anh vừa nghe thấy. Nhìn qua vai của James trẻ, chúng ta thấy St. Thomas, Thomas đang bối rối khó giải, thể hiện vẻ mặt ngờ vực qua việc trỏ ngón tay lên. Còn ở phía bên kia của James trẻ, Thánh Philip nghiêng về phía Chúa Jesus, đặt hai tay lên ngực mình như muốn nói rằng: “Ngài biết tâm con, và Ngài biết rằng con vĩnh viễn sẽ không bao giờ phản bội Ngài”. Khuôn mặt ông tỏ ra khổ não bởi tình yêu thương và lòng trung thành.
Thân thể của Bartholomew và James lớn nghiêng về phía họ, Andrew lớn bên cạnh họ không đứng dậy nhưng ông muốn nghe thấy nên giơ tay lên như muốn yêu cầu giữ im lặng. Bên phải vẫn còn ba môn đệ cuối cùng. Họ đang thảo luận về những gì Chúa Jesus đã nói và ngón tay của họ cũng chỉ về hướng giữa bàn ăn.
Tĩnh lặng ngắm nhìn bức tranh bất hủ này, tôi cảm nhận được lòng từ bi của đấng Giác Ngộ từ vầng hào quang mờ nhạt phía sau Chúa Jesus trong bức tranh và từ vẻ mặt điềm tĩnh của Ngài. Đôi tay của Ngài dang rộng bày tỏ sự bất lực trước việc bị Judas phản bội và kết cục sắp sửa bị hành hình. Chúa Jesus chịu nạn vì chúng sinh, rất nhiều tội nghiệp và các chủng loại tư tưởng niệm đầu tà ác đang bủa vây Ngài, cùng với nhiều nút thắt không thể nào tháo gỡ được, cũng như những mối oán hận không thể giải khai, Chúa Jesus chỉ có thể giải thoát khỏi nhục thân này mới có thể thay chúng sinh chuộc tội. Hy sinh xả bỏ hết thảy để chúng sinh có thể được cứu, đây chẳng phải là từ bi của bậc Giác Giả sao?
Từ bi là năng lượng của chính Thần. Lòng từ bi càng lớn thì năng lượng càng mạnh mẽ, tất cả mọi thứ bất hảo đều có thể bị tiêu tan giải thể. Lòng từ bi này không cần điều kiện, cũng không có giá cả, không cần ghi danh kể thưởng hay cầu hồi báo điều gì, không có chút tư tâm nào ở trong đó mà tất cả đều vì chúng sinh. Nó là vĩnh hằng và sẽ không thay đổi theo thời gian hay hoàn cảnh, đây là biểu hiện trạng thái tự nhiên của Thần, chứ không phải được cố tình tạo ra để người khác nhìn thấy. Lòng từ bi của một bậc Giác Giả sẽ làm hết thảy tà ác run sợ, tiêu tan biến mất. Từ bi thăng hoa lên từ việc loại bỏ đi những tư tình và sẽ mãi luôn đẹp đẽ, cao thượng.
Và giờ đây, để chúng sinh được cứu độ, Sáng Thế Chủ từ bi vĩ đại đã gánh chịu tội nghiệp cự đại của chúng sinh, Ngài đã gánh chịu trên vai những khó nạn to lớn, gây ra “Thanh ty ban bạch nhân thể thương” (Tạm dịch: Tóc đã ngả sương thân tổn thương) (“Hồng Ngâm 3” – Hoàn Nguyên). Ngài không cần báo đáp điều gì, luôn tận tâm bảo hộ người của Ngài, liên tục khuyên răn và dẫn dắt vô số chúng sinh đi trên con đường Đại Đạo hồi thiên phản bổn quy chân. Thần lực vô biên của Ngài quét sạch mọi âm ám trong vũ trụ, khơi dậy những thiện niệm tốt đẹp của nhân tính, chuyển động Pháp Luân để chính lại vũ trụ và cứu độ thương khung khỏi thời khắc hủy diệt. Những phó xuất ấy làm sao có thể diễn tả được bằng lời? Thật khó có thể hồi báo được ân Sư hồng ân hạo đãng! Điều này sao có thể thực hiện được nếu không có sự từ bi vô biên của bậc Giác Giả? Sư phụ có bài thơ rằng:
“Thao tận nhân gian sự
Lao tâm thiên thượng khổ
Hữu ngôn tố vu thuỳ
Cánh hàn tại cao xứ”Diễn nghĩa:
Làm (thao lược) hết nỗi việc nhân gian
Nhọc nhằn tâm trí về thứ khổ trên trời
Có lời giãi bày được với ai đây
Ở chỗ cao lạnh lẽo lắm lắm
(Hồng Ngâm – Cao xứ bất thắng hàn)
Sư phụ không đòi hỏi các đệ tử hồi báo bất cứ điều gì, điều duy nhất mà Ngài mong muốn là tâm kiên định, hướng thiện của chúng ta. Chúng ta nhất định phải ghi nhớ lời Sư phụ, một mực đề cao, vượt qua mọi khó khăn và nhanh chân tiến bước trên con đường hồi thiên trở về nhà, hoàn thành sứ mệnh của mình, mới không cô phụ sự khổ tâm cứu độ của Sư phụ cùng sự kỳ vọng của vô lượng chúng sinh.
Là người tu luyện Đại Pháp, là người đã thức tỉnh trong nhân thế và là niềm hy vọng duy nhất cho sự đắc cứu của chúng sinh, dùng nhục thân tu luyện trong cõi nhân thế hồng trần thập ác này, chỉ có xả bỏ mọi chấp trước tự ngã và vọng niệm, buông bỏ hết thảy những tư tình và đồng hóa với Đại Pháp “Chân-Thiện-Nhẫn” của vũ trụ, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi phản lý của tam giới này. Chúng ta là tu Thiện, chính là phải tu xuất được đại từ bi, để cuối cùng thực sự khôi phục lại Thần tính, trở về bản tính tiên thiên, trở về nơi sinh ra chân chính của sinh mệnh, quay về Thiên quốc.
Quá trình tôi luyện trong gió mưa nơi trần thế này, chính là quá trình bước ra khỏi con người, bước ra khỏi tình và những sự việc rắc rối mà tu xuất ra được sự thuần khiết chân thật, tìm về chân ngã và phủ nhận sự an bài của cựu thế lực, đó cũng là quá trình thăng hoa thành sinh mệnh cao tầng và tu xuất tâm từ bi. Nếu không thể thoát khỏi tình thì vĩnh viễn là người. Tâm từ bi lớn nhỏ và nội hàm của nó được quyết định bởi tầng thứ tu luyện. Một học viên tu luyện Đại Pháp chân chính, thuận theo việc tâm tính đề cao và thân thể thăng hoa, sẽ thể ngộ được những Pháp lý tương quan tại các tầng thứ khác nhau, và sự hiểu biết về lòng từ bi sẽ càng trở nên sâu sắc hơn. Hãy buông bỏ sinh tử, giữ chính niệm, chính ngôn, chính hành, thì bạn sẽ có thể vượt qua mọi quan nạn khó khăn, đối mặt với gió mưa với nụ cười bình thản và không ngừng bồi đắp tâm từ bi của mình, cuối cùng tu thành vô lậu, vô ngã, vô tư, thành bậc Chính Pháp Chính Giác tiên tha hậu ngã, trợ Sư cứu chúng sinh, hoàn thành sứ mệnh vì Pháp mà đến trong đời này, hướng đến đại viên mãn và trở về với gia viên Phật quốc thánh khiết, mỹ hảo vô hạn.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/130548
Ngày đăng: 30-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.