Giải thích bằng hình ảnh về lời tiên tri ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” thời Trung Hoa Dân Quốc



Tác giả: Bạch Vân Phong Ẩn

[ChanhKien.org]

“Cứu Kiếp Bi” của Lưu Bá Ôn là một lời tiên tri phổ biến trong dân gian vào thời kỳ Dân Quốc, tương tự như các lời tiên tri khác như “Thôi Bi Đồ”, những lời tiên tri này được cho là do những cao nhân tài giỏi của thời Minh, Thanh, và Dân Quốc sau khi biết trước thiên cơ đã truyền lại cho thế nhân. Các tôn giáo dân gian đã mượn danh Lưu Bá Ôn để biên soạn và lan truyền dưới hình thức sao chép tay, trải qua những năm tháng chiến tranh loạn lạc, thiên tai, cách mạng hủy hoại để lưu truyền đến ngày nay, có thể nói là vô cùng trân quý. Nội dung của tiên tri này tương đồng với những lời dự ngôn “Cứu thế thời mạt Pháp mạt kiếp” đã được lưu truyền ở Trung Quốc hàng ngàn năm qua và niềm tin vào “Phật tương lai phổ độ” trong Phật giáo Đại thừa giai đoạn đầu. Do trình độ văn hóa của dân chúng thời đó không đồng đều, trong quá trình sao chép nhiều lần đã xuất hiện những sai sót và sửa đổi câu từ, nên hiện nay có nhiều phiên bản khác nhau được lưu truyền, nhưng nội dung chính vẫn nhất quán. Đặc biệt, bốn câu cuối cùng dưới dạng “câu đố chữ” là phần then chốt của dự ngôn, tiết lộ thiên cơ căn bản về việc cứu thế và độ kiếp.

Thất nhân nhất lộ tẩu, dẫn dụ tiến liễu khẩu.
Tam điểm gia nhất câu, bát vương nhị thập khẩu.

Hình 1: Mọi người đang suy đoán ý nghĩa thực sự của bốn câu đố này.

Chúng ta có thể thấy rằng từ xưa đến nay, nhiều người đã cố gắng đoán xem bốn câu đố này rốt cuộc ám chỉ điều gì. Có người đoán được chữ “Thiện” (善), có người cho rằng “ba chấm thêm một móc” là chữ “Tâm” (心) nhưng ý nghĩa thực sự của nó là gì vẫn luôn là điều khó có thể lý giải.

Truyền thống Trung Quốc cho rằng, lời tiên tri là những lời khải thị mà các bậc Thánh nhân cao minh sau khi xuyên qua thời không và hiểu rõ tương lai để lại cho thế gian. Những tiên tri này không bao giờ tiết lộ thiên cơ một cách rõ ràng, mà được lưu truyền dưới hình thức câu đố bí ẩn. Đặc điểm của chúng là buộc phải đợi khi thời điểm đó đến, sự thật và huyền cơ của tiên tri mới được con người hiểu ra, nhờ đó nắm bắt được Thiên ý, nghe theo lẽ phải thuận theo ý trời, vượt qua kiếp nạn để được bình an lâu dài.

Hiện nay, đã có cao nhân chỉ ra rằng đáp án của bốn câu thơ này chính là ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn”, ám chỉ Pháp Luân Đại Pháp – môn tu luyện do ngài Lý Hồng Chí truyền giảng tại Trường Xuân, Trung Quốc vào cuối năm 1992 và đến nay đã lan truyền khắp thế giới. “Chân, Thiện, Nhẫn” chính là đặc tính căn bản của vũ trụ hoặc có thể gọi là tinh thần, Đạo Pháp và quy luật của vũ trụ, được tiết lộ trong tác phẩm của Pháp Luân Đại Pháp.

Để giúp mọi người dễ hiểu hơn, tôi sẽ giải thích bằng hình ảnh minh họa để trình bày một cách ngắn gọn và rõ ràng về bí ẩn của thuật đoán chữ truyền thống của Trung Quốc.

Hình 2: Giải thích bằng hình ảnh về bốn câu đố trong lời tiên tri: Chân, Thiện

Như hình minh họa, hai câu “Thất nhân nhất lộ tẩu, dẫn dụ tiến liễu khẩu” ám chỉ chữ “Chân”. Cách viết cổ của chữ này, phần trên cùng là chữ “Thất” (七), nét ngang (一) trong chữ cổ thường được viết theo dạng nét gập, giống phần dưới của chữ “Tẩu” (走). Còn câu “bát vương nhị thập khẩu”, nhị thập cũng chính là “Chấp” (廿) có nghĩa là hai mươi, sắp xếp từ trên xuống dưới chính là chữ “Thiện” (善).

Hình 3: Giải thích bằng hình ảnh về bốn câu đố trong lời tiên tri: Nhẫn

Câu “Tam điểm gia nhất câu” theo cách đoán chữ của Trung Quốc cổ đại, chữ “câu” (勾) được tạo thành từ “bao” (勹) bao quanh “tư” (厶). Câu “Tam điểm gia nhất câu” trong lời tiên tri chính là ba chấm cộng với “bao” và “tư”. Ba chấm cộng với “tư” chính là chữ “Tâm” (心); nhất bao (一勹) là nhất đao (一刀), tức là chữ “Nhận” (刃), trên là “Nhận”, dưới là “Tâm”, hợp lại chính là chữ “Nhẫn” (忍).

Vì vậy, lời tiên tri dân gian từng lan truyền khắp Trung Quốc vào thế kỷ trước, dù không được mọi người chú ý rộng rãi vì nhiều lý do, nhưng nó đã vượt qua muôn vàn khó khăn mà được lưu truyền đến ngày nay, truyền cảm hứng cho con người hiện đại. Pháp Luân Đại Pháp đã truyền rộng ra thế giới hơn 20 năm, giúp người tu luyện thăng hoa cả về thể chất lẫn tinh thần, bệnh tật tiêu tan, đạo đức hồi thăng, đi đến đâu cũng tạo ra vô số kỳ tích khiến thế nhân kinh ngạc. Dù đối mặt với sự vu khống và bức hại khắc nghiệt nhất tại Trung Quốc vẫn kiên cường đứng vững. Ngày càng nhiều người nhận ra rằng “Chân, Thiện, Nhẫn” là những giá trị phổ quát xuyên suốt nền văn minh và đạo đức của nhân loại. Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp tu luyện chân chính. Những lời tiên tri trong Phật giáo, Đạo giáo của Trung Quốc, cũng như những lời tiên tri cuối cùng được lưu lại trong lịch sử của nhiều dân tộc trên thế giới, rất nhiều đáp án đều chỉ về Pháp Luân Đại Pháp ngày nay.

Điểm mấu chốt mà các bậc tiền bối để lại trong lời tiên tri “Cứu Kiếp Bi” này chính là ở phần cuối đã tiết lộ bí quyết để vượt qua đại dịch và kiếp nạn của trời đất đó là: “Chân, Thiện, Nhẫn”. Những ai quan tâm có thể tìm gặp các học viên Pháp Luân Công để thực sự tìm hiểu và xem xem rốt cuộc Pháp Luân Đại Pháp là gì.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/257658



Ngày đăng: 16-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.