Không được động ác niệm



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh có một câu chuyện thế này: Có một vị quan ngự sử nọ vì phạm trọng tội đã bị xử tử theo vương pháp. Vị quan phụ trách xét xử vụ án này vào lúc ban ngày mặc nguyên bộ y phục mà nằm, bất giác trong lúc vô ý đã ngủ quên.

Trong lúc mơ màng, ông thấy vị ngự sử vừa bị xử tử, ông giật mình hỏi: “Ngài có oan khuất gì không?” Vị ngự sử đáp: “Tôi thân làm ngự sử lại nhận hối lộ, mua bán tấu chương, chiểu theo vương pháp tôi đáng bị chết, còn oan khuất gì nữa đây?” Người này lại hỏi: “Nếu không có oan khuất gì, tại sao lại tìm tôi?” Vị ngự sử đáp: “Vì tôi cảm thấy oán giận ngài”. Vị quan xét xử vụ án nói: “Phụ trách xử vụ án này có đến bảy tám người, bạn cũ qua lại với ông giống như tôi cũng có hai ba người, vì sao lại chỉ thấy oán giận tôi?” Vị ngự sử nói: “Tôi và ngài quá khứ từng có khoảng cách, đó chẳng qua cũng chỉ là sự ganh đua trên con đường tiến thủ công danh thôi, chứ cũng không đến mức thâm thù đại hận không đội trời chung. Khi tôi thụ án, ngài vì để tránh hiềm nghi nên không hỏi cung, nhưng lại có thần sắc dương dương đắc ý; khi tôi chịu án, ngài biểu hiện bề ngoài đồng cảm, nói lời trấn an, nhưng tâm tư ẩn sâu trong đó bộc lộ ra sự vui mừng trên nỗi đau của người khác. Chuyện này thực tế là do người khác theo vương pháp mà xử tử tôi, nhưng ngài lại vì thù cũ mà muốn tôi mau chết. Trong lúc hoạn nạn, điều này thật khiến cho người ta thương tâm, làm sao tôi có thể không thấy ai oán đây?”

Vị này hoảng hốt lo lắng tạ tội với vị ngự sử, lại hỏi: “Nói như vậy, là ngài muốn báo thù tôi sao?” Vị ngự sử đáp: “Tôi chết là do sự trừng trị của pháp luật, làm sao có thể báo thù ngài? Ngài có cái tâm như vậy, tự nhiên không phải là người có đạo, cũng chẳng thể đắc phúc, nhưng cũng không đến mức để tôi phải báo thù. Chỉ là trong tâm tôi có chút bất bình, nên nói cho ngài biết thôi!”

Vị ngự sử nói xong, thì vị quan xử án mơ màng tỉnh giấc, mở mắt ra thì không nhìn thấy vị ngự sử đâu nữa, tách trà dở trên thư án vẫn còn chưa nguội. Sau đó, bạn bè thân hữu thấy ông tinh thần hoảng hốt thất thường liền đến hỏi nhỏ, ông mới tường thuật lại câu chuyện trong giấc mơ, ông thở dài nói rằng: “May mà ta thấy người gặp nguy nhưng không thừa cơ hãm hại, vậy mà ông ấy đã hận ta như vậy, Tăng Tử từng nói rằng ‘ai căng vật hỉ’ (ý nói trong lúc bi ai đau buồn thì không nên tỏ ra vui mừng) lời này thật vô cùng chính xác”. Bạn bè thân hữu của ông khi kể lại câu chuyện đó, cũng thở dài mà nói rằng: “Quan phụ trách xử án hễ động tư tâm, cho dù tội nhân phạm tội đáng bị kết án thì anh ta cũng không phục, huống là với những người không đáng bị kết tội!”

Những suy nghĩ tinh tế của vị ngự sử trong câu chuyện xử án này, nếu như không được tiết lộ ra, thì có lẽ rất khó để nhận biết được. “Ngài có cái tâm như vậy, tự nhiên không phải là người có đạo, cũng chẳng thể đắc phúc, nhưng cũng không đến mức để tôi phải báo thù”. Cho dù là đối với người phạm tội, vui mừng trên tai họa của người khác thì cũng là ác ý. Một người có cái tâm ấy, tuy không phải là cách hành xử của người có đạo, và vẫn chưa hành ác, ấy thế mà đã bị như vậy. Điều này cho thấy rằng những gì chứa đựng trong tâm mỗi con người quan trọng như thế nào. Do vậy từng ý từng niệm của người tu luyện khởi lên thì càng phải hết sức cẩn thận.

Tôi có một lần mơ thấy một vị từng là đồng tu, trong giấc mơ, tôi nhìn anh ấy từ xa, trong ánh mắt mang theo sự oán hận. Nguyên nhân là anh ấy vì lợi ích của bản thân mà đã làm rất nhiều chuyện có lỗi với đệ tử Đại Pháp, còn lừa tiền tài của những đồng tu xung quanh, thậm chí vì không đạt được thỏa mãn lợi ích của bản thân mà sinh tâm oán hận, khinh thường trách mắng đồng tu, cuối cùng thì anh ấy đã buông bỏ tu luyện. Nhưng khi tôi nhìn thấy anh ấy, tiếng nói của Sư phụ vang lên trong đầu não tôi: “Không được động ác niệm!” Tôi đột nhiên giật mình. Trước đây tôi chưa từng ý thức được rằng đó là một chủng ác niệm. Nhưng thật sự rõ ràng đó là một chủng ác niệm, đó là ma tính của con người.

Những thứ này tồn tại trên thân thể tôi đã rất lâu rồi, tôi đã phóng túng mượn cớ để làm tăng trưởng nó. Mà ma tính thì luôn là ma tính, bất luận là phát xuất ra dưới tình huống nào, phát xuất ra đối với loại người nào.

Sư phụ giảng:

“Người tu luyện mà không tu bỏ ma tính đi, thì công ắt sẽ đại loạn và chẳng đắc được gì, hoặc nhập sang ma đạo” (“Phật tính và ma tính” – Tinh tấn yếu chỉ).

Từng ý từng niệm của người tu luyện, làm sao có thể không xem xét một cách thận trọng đây?!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/276379



Ngày đăng: 24-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.