Nhân dịp Tết Trung Thu, cùng ôn lại câu chuyện “Nàng tiên trong ống tre” của Nhật Bản



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Người Trung Quốc khi đón Tết Trung thu thường chú trọng đến việc đoàn tụ gia đình và xem trọng tình thân của nhân gian. Còn ở Nhật Bản, mặc dù văn hóa đón Tết Trung thu được du nhập từ Trung Quốc vào thời Đường nhưng trọng tâm chính vẫn là lễ cúng trăng và thưởng trăng nhằm bày tỏ lòng cảm ân đối với sự ban phúc của Thần Mặt Trăng và sự yêu thích dành cho Thỏ Ngọc. Trọng điểm của Tết Trung thu Nhật Bản không phải ở nơi con người nên lễ hội này còn được gọi là hội ngắm trăng (Tsukimi). Vào dịp này người Nhật sẽ ăn món bánh dango trắng trắng tròn tròn vốn được xem là tượng trưng cho Mặt Trăng thay vì ăn bánh trung thu.

Ngay cả trong thời hiện đại khi văn hóa Nhật Bản hội nhập vào văn hóa phương Tây nhưng các nhà sản xuất đã tung ra món bánh mì kẹp thịt Tsukimi trước thềm Trung thu, chúng ta vẫn thấy được sự tôn kính và hướng đến Mặt Trăng của con người xứ sở Phù Tang, đồng thời bầu không khí ấy cũng thấm đẫm văn hóa kính Thần. Hình ảnh chú Thỏ Ngọc giã bánh mochi trên cung trăng cùng với cỏ lau và vầng trăng tròn đã trở thành biểu tượng của Tết Trung thu Nhật Bản.

Thế nên cùng là việc ngắm trăng vào đêm rằm tháng tám thì tình cảm nhân văn của dân tộc Nhật Bản vẫn khá khác biệt: trọng tâm của họ là các tiên nữ và chú Thỏ Ngọc trên cung trăng, họ cảm ơn Thần Mặt Trăng đã ban cho họ mùa màng bội thu và ca ngợi đức tính tốt bụng và chăm chỉ của Thỏ Ngọc.

Nếu người Nhật đã thích ngắm trăng, thích chiêm ngưỡng cung trăng, yêu mến Thỏ Ngọc và Tết Trung thu của họ mang đầy tinh thần tín ngưỡng Thần như thế, thì liệu họ cũng có những câu chuyện thần thoại hay truyền thuyết tương tự như Thường Nga bay lên cung trăng của Trung Quốc không? Câu trả lời tất nhiên là có, và không chỉ có mà câu chuyện của họ thậm chí còn siêu phàm thoát tục hơn.

Câu chuyện nàng tiên trong ống tre

“Nàng tiên trong ống tre” (Taketori Monogatari) hay “Nàng tiên phát sáng” là câu chuyện thần thoại cổ xưa nhất của Nhật Bản. Chuyện kể về nàng công chúa xinh đẹp Kaguya từ cung trăng hạ xuống nhân gian rồi lại quay về cung trăng. Điểm khác biệt của “Nàng tiên trong ống tre” so với chuyện Thường Nga bay lên cung trăng là nàng Kaguya không lưu luyến tình yêu nam nữ của nhân gian, nàng dường như đến thế gian để rèn luyện, trải qua khảo nghiệm và viên mãn, quay về cung trăng. Đây thực sự là một việc đáng để chúng ta suy ngẫm.

Kaguya được sinh ra trong ống tre

Thuở xa xưa ở Nhật Bản có một ông lão tên là Taketori no Okina (nghĩa là người chặt tre già) chuyên sống bằng nghề đốn củi tre. Một ngày nọ ông tình cờ tìm thấy trong rừng tre một thân tre phát ra ánh sáng lấp lánh như vàng. Vì tò mò, ông đến gần nhìn kỹ hơn và phát hiện đó là một bé gái xinh đẹp nhưng bé xíu, bé chỉ bằng cỡ ba đốt ngón tay. Vợ chồng Taketori không có con nên quyết định mang cô bé về nhà và nuôi nấng như con của mình. Vì được sinh ra từ cây tre phát sáng nên cô bé được đặt tên là Kaguya, nghĩa là công chúa tỏa sáng.

Từ chối lời cầu hôn của các vương tôn quý tộc

Sau khi được đưa về nhà, Kaguya lớn lên nhanh như thổi và trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp. Cũng kể từ khi mang Kaguya về, Taketori bắt đầu phát hiện vàng và châu báu không ngừng tuôn ra từ những cây tre mà ông đốn hạ, điều này đã khiến gia đình ông trở nên giàu có sung túc. Tiếng đồn về sắc đẹp của Kaguya ngày càng lan xa, nhiều người theo đó đã tìm đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng. Nhan sắc tuyệt mỹ khó có ai bì của Kaguya đã thu hút rất nhiều vương tôn quý tộc đến cầu hôn.

Đương nhiên cha mẹ Kaguya rất vui mừng, cuối cùng họ đã chọn được năm người cầu hôn cao quý nhất. Nhưng Kaguya biết rõ lai lịch của mình, nàng không có hứng thú với nhân duyên vợ chồng của thế gian nên không muốn gả cho ai. Kaguya bèn giao cho mỗi người cầu hôn một nhiệm vụ gần như bất khả thi, yêu cầu họ đi tìm một số bảo vật quý hiếm trong truyền thuyết.

Người cầu hôn đầu tiên là vương tử Ishitsukuri được yêu cầu đi tìm chiếc bát hóa duyên bằng đá của Đức Phật. Anh ta nói dối rằng mình đã tìm được nhưng đã bị Kaguya vạch trần và thất bại trước thử thách.

Người thứ hai là vương tử Kuramochi được yêu cầu đi lấy cành ngọc từ núi Bồng Lai. Anh ta đã chế ra một cành ngọc giả, bị Kaguya nhìn thấu và cũng thất bại.

Người cầu hôn thứ ba là đại thần Abe, anh được yêu cầu đi lấy chiếc áo choàng làm từ da chuột lửa vốn có thể chống lửa. Anh ta đã mua một chiếc áo giả, kết quả chiếc áo bị lửa thiêu và anh đương nhiên bị loại.

Người cầu hôn thứ tư là quốc sư Otomo no Miyuki được yêu cầu đi lấy viên châu ngũ sắc trên đầu một con rồng. Anh ra khơi tìm kiếm nhưng giữa đường gặp phải một cơn bão và suýt chết, cuối cùng đành bỏ cuộc.

Người thứ năm thậm chí đã chết khi đi tìm bảo vật. Vì vậy mọi người đều không vượt qua thử thách và từ bỏ việc cầu hôn.

Khảo nghiệm lớn hơn: lời cầu thân từ Thiên hoàng

Thiên hoàng Nhật Bản cũng nghe về sắc đẹp của Kaguya và bị nàng làm khuynh đảo. Ngài triệu Kaguya đến và bày tỏ tình cảm của mình. Tuy nhiên Kaguya vẫn không lay chuyển trước quyền lực tối cao và từ chối lời cầu hôn ấy, xuất phát từ sự tôn trọng nàng vẫn liên lạc với Thiên hoàng qua thư. Cuối cùng Thiên hoàng đã từ bỏ việc ép nàng phải gả cho mình, dù vẫn yêu nàng sâu sắc nhưng ngài chọn cách tôn trọng quyết định của nàng.

Kaguya tiết lộ thân phận thực sự của mình

Thời gian trôi qua, Kaguya biết mình sắp phải từ biệt cha mẹ, do không cầm lòng được mà trở nên u sầu. Vợ chồng ông lão Taketori rất lo lắng, hỏi nàng đã xảy ra chuyện gì. Cuối cùng Kaguya nói với họ rằng nàng không phải là người phàm mà là tiên nữ trên cung trăng. Nàng được sứ giả của cung trăng đưa đến nhân gian sống một thời gian và bây giờ kỳ hạn sắp kết thúc, nàng sẽ được đưa trở lại thiên cung vào một đêm trăng tròn. Những lời này khiến vợ chồng ông lão Taketori vô cùng buồn bã.

Kaguya quay trở về, hoàn thành quá trình tôi luyện

Khi Thiên hoàng hay tin Kaguya sắp trở về thiên cung đã phái rất nhiều võ sĩ đến trước nhà Taketori để ngăn sứ giả mang nàng đi. Tuy nhiên khi sứ giả từ cung trăng xuất hiện những võ sĩ của Thiên hoàng bỗng nhiên bị mất năng lực phản kháng. Kaguya đã viết thư từ biệt vợ chồng ông lão Taketori và Thiên hoàng, đồng thời để lại một viên thuốc trường sinh làm kỷ niệm. Cuối cùng nàng khoác lên mình bộ thiên y, xóa hết mọi ký ức về nhân gian, rũ bỏ trần duyên và theo sứ giả trở về cung trăng.

Nỗi hối tiếc của Thiên hoàng

Sau khi nhận được thư từ biệt và viên thuốc trường sinh của Kaguya, Thiên hoàng đã rất đau buồn. Ông không uống viên thuốc mà sai người mang nó lên ngọn núi cao nhất của Nhật Bản đốt đi. Ngọn núi này được cho là núi Phú Sĩ và khói sinh ra khi đốt thuốc hóa thành sương khói phủ quanh núi Phú Sĩ.

Câu chuyện này rất giống với chuyện thần thoại cổ xưa Thường Nga bay lên cung trăng của Trung Quốc. Nhưng nàng tiên Nhật Bản ở đây không thực sự bị trần thế mê hoặc, nàng biết rằng mình hạ phàm là để tôi luyện và dám cắt đứt tình duyên quay về Thiên thượng, không dính dáng gì đến nhân gian nữa. Còn sau khi Thường Nga bay lên cung trăng, người chồng ở nhân gian của nàng là Hậu Nghệ hằng năm vào dịp Trung thu vì thương nhớ nàng mà bày lễ cúng tế Mặt Trăng, bày tỏ ước mong được phu thê đoàn tụ. Tục lệ bày cỗ Trung thu cũng bắt đầu từ đây.

Rõ ràng là truyền thuyết của Nhật Bản không có nội hàm về sự đoàn viên mà thông qua câu chuyện này người xưa muốn nhắn nhủ chúng ta chớ lưu luyến những chuyện vô thường của trần thế và để tình vây khốn, ngôi nhà thực sự không phải ở nhân gian, trở về Thiên quốc mới là mục đích thật sự của đời người.

Vì sao Thỏ Ngọc lại giã bánh mochi?

Người ta cho rằng nguồn gốc cách nói Thỏ Ngọc giã bánh mochi trên cung trăng có liên quan đến truyền thuyết về Thường Nga thời Trung Quốc cổ đại. Tương truyền rằng ban đầu con thỏ trên mặt trăng dùng chày và cối chế tạo thuốc trường sinh, khi truyền thuyết này lan truyền đến Nhật Bản thì trở thành Thỏ Ngọc giã bánh mochi. Về lý do tại sao thuốc lại biến thành bánh mochi thì có nhiều giả thuyết, có lẽ là do “nhập gia tùy tục” vì người Nhật thích bánh mochi, cũng có thể là do từ ngắm trăng với ngụ ý trăng tròn (望月) đọc gần giống từ bánh trung thu (餅月) hay mochi dzuki.

Lời kết

Cho dù cốt truyện có diễn biến thế nào hay văn hóa Trung Quốc và văn hóa Nhật Bản khác nhau ra sao thì vào mỗi dịp Trung thu, khi nhìn lên Mặt Trăng chúng ta đều sẽ nghĩ đến chú thỏ và những tiên nữ sống trên đó. Vậy những chuyện thần thoại này có thật hay không? Tại sao khi thám hiểm Mặt Trăng chúng ta không thấy ai ở trên đó? Rất có thể cung trăng không nằm trong không gian trên bề mặt Mặt Trăng mà mắt người nhìn thấy, giống như long cung không nằm dưới đáy biển của bề mặt Trái Đất vậy, chúng tồn tại ở các không gian khác.

Những chuyện thần thoại xa xưa là khởi nguồn của những lễ tiết truyền thống cổ xưa, mà các lễ tiết này lại giúp bao thế hệ con người từ ngàn đời nay ôn lại thần thoại, mục đích là để không ngừng nhắc nhở con người về mối liên hệ với Thần. Và văn hóa Thần truyền cũng có vai trò tương tự thế.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/292477



Ngày đăng: 17-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.