Tu khứ tình
Tác giả: Mỹ Hảo
[ChanhKien.org]
Người thường hay nói: “Hỏi thế gian, tình là thứ chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết”. Từ góc độ của người tu luyện mà xét, tình chính là một đống rác, là vật chất bại hoại, là chướng ngại quấn quanh khiến con người không thể tu luyện lên trên.
Sư phụ giảng:
“Tình là gốc rễ sinh ra tâm chấp trước” (Chuyển Pháp Luân Pháp Giải)
Có bao nhiêu người tu luyện bị cái tình này cản trở khiến không thể quyết chí tu đến cùng, không thể bước ra chứng thực Pháp, giảng chân tướng, cứu độ chúng sinh? Tình là tử quan, không bỏ đi không được. Có một câu chuyện đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc: một người đã tu được lên trên, chuẩn bị cùng với Sư phụ lên trên trời. Sư phụ dặn dò cô ấy không được quay đầu. Khi chuẩn bị bay đi, cô nghe thấy tiếng khóc của mẹ mình đang đuổi theo phía sau, lúc đầu cô ghi nhớ lời của Sư phụ, không hề lay động. Nhưng tiếng khóc đó càng lúc càng thảm thương, càng lúc càng đau xé ruột gan, âm thanh kêu gọi cô hãy quay đầu lại nhìn một lần. Cô ấy đã động tình, không kìm lòng được quay đầu nhìn mẹ một lần cuối. Thế nhưng vừa quay đầu một cái, liền bị rớt xuống. Người mẹ mà cô nhìn thấy hóa ra là một con ma lớn, nó vỗ tay cười lớn: “Ta đã đi theo ngươi năm trăm năm, cuối cùng cũng đợi được đến ngày hôm nay”. Bao năm tu luyện của người tu hành này đã bị hủy hoại trong phút chốc, hối hận cũng đã muộn. Trong tuần báo kỳ trước, có một đồng tu lớn tuổi đã viết một bài viết, trong đó cũng đã nói rằng ban đầu bà không tới Bắc Kinh chứng thực Pháp là vì nghĩ cho những đứa con của mình. Con trai mắng chửi bà giống hệt như những lời vu khống trên truyền hình, sợ bà giết cháu trai, đã đánh và đá bà ấy, con trai đã đánh cho bà tỉnh ngộ. Vì chấp trước vào tình mà không chứng thực Pháp là không đúng, bà không chút do dự đi tới Bắc Kinh chứng thực Pháp, kết quả là khi trở về, con trai cũng thay đổi, còn giúp bà làm tư liệu.
Sư phụ giảng:
“Con người hiện nay, rất là xem trọng tình cảm, nhưng tình cảm lại là cái mà không thể tin cậy được. Khi đối xử tốt với mình thì vui, khi đối với mình không tốt thì tình cũng không còn, như vậy cái tình đó có tin cậy được không?” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương [2004]).
Chúng ta trong quá trình tu luyện, càng ngày càng nhìn thấu cái tình của con người, càng ngày càng xem nhẹ cái tình của con người. Cái tình của người thường chính là như vậy. Cho dù là tình thân hay tình bạn, nhất là trong xã hội băng hoại đạo đức ngày nay, thực chất của việc giao thiệp giữa người với nhau hoàn toàn là lợi ích vật chất. Nếu bạn sống tốt, hoặc là có giá trị lợi dụng, có thể làm được việc, có quyền lực, vậy thì người đến người đi tấp nập, ngựa xe như nước, tay bắt mặt mừng, lễ độ khách khí; khi bạn bị ngã ngựa, túng quẫn lao đao, vậy thì người người khinh thường, vội vàng tránh xa, cửa nhà vắng tanh, lòng người thay đổi, thậm chí dậu đổ bìm leo, trở mặt vô tình. Tình chính là như vậy đó. Con người ở trong mê, chính là vì tình mà sống. Có người không coi trọng kim tiền, không coi trọng danh dự, địa vị, nhưng vẫn xem trọng cái tình này, cho rằng tình là thứ ngàn vàng khó mua. Chúng ta là người tu luyện, tất cả các loại danh, lợi, tình đều là thứ mà chúng ta cần phải tu bỏ, là những vật chất bại hoại cần phải vứt bỏ. Những thứ của người thường thì chúng ta không muốn, những thứ mà chúng ta muốn thì người thường có muốn cũng không được. Người thường coi danh, lợi, tình là toàn bộ ý nghĩa của sinh mệnh, chúng ta coi danh, lợi, tình là những thứ dơ bẩn.
Nếu như chúng ta vì gánh nặng tình thân, vì sợ rằng người thân phải chịu tổn thương mà bỏ lỡ cơ duyên chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh, đâu chỉ là hối hận đã muộn của riêng bản thân chúng ta? Sư phụ sẽ đau lòng, chúng sinh sẽ thất vọng, và từ một ý nghĩa thực sự còn làm hại người thân. Bởi vì họ đã khởi tác dụng của ma, trở ngại việc chúng sinh được cứu độ, trở ngại đệ tử Đại Pháp chứng thực Pháp. Bạn nói xem không phải là bạn đã hại họ sao?
Sư phụ giảng:
“Chư vị trong lục đạo luân hồi, mẹ của chư vị là người, không là người, [số ấy] không đếm được. Con cái của bao đời chư vị hỏi có bao nhiêu; cũng không đếm được. Ai là mẹ chư vị, ai là con chư vị, một khi hai mắt kia khép lại [tạ thế] thì ai còn nhận ra ai nữa; nghiệp mà chư vị nợ vẫn theo đó mà hoàn trả. Nhân tại mê trung, không vứt bỏ được những thứ này. Có người không vứt bỏ được [tâm về] con của họ, nói [nó] tốt ra sao, nó chết rồi; mẹ họ tốt ra sao, cũng chết rồi; họ thống thiết muốn chết [theo], quả thật bỏ nửa cuộc đời còn lại để theo những người kia. Chư vị không nghĩ ư, đó chẳng phải đến giày vò chư vị? Dùng hình thức ấy để chư vị chẳng có ngày nào yên”.
“Cha mẹ chư vị đã qua đời, họ bảo chư vị làm điều gì đó… đều là những việc không thể làm; nếu chư vị làm thì hỏng rồi; người luyện công khó như thế đó”. (Chuyển Pháp Luân)
Đệ tử Đại Pháp tu là thiện, đối với ai cũng đều phải tốt, đối với người thân cũng là như vậy. Đương nhiên không thể cực đoan, đối xử không tốt với người thân, không quan tâm, không ngó ngàng. Hễ cực đoan thì chính là xấu, bất kể lúc nào chúng ta đều cần lý trí, thanh tỉnh, trí huệ, từ bi. Chúng ta đối với ai cũng đều phải tốt, nhưng ai cũng không thể trở thành nhân tố trở ngại chúng ta làm tốt ba việc, chính là quan hệ này.
Thanh trừ hết thảy sinh mệnh và nhân tố tà ác ngăn trở đệ tử Đại Pháp chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh. Cho dù là can nhiễu hình thức nào cũng đều không cho phép. Can nhiễu của người thân đã qua đời đương nhiên càng không cho phép, bởi vì trần duyên đã hết, nếu tiếp tục can nhiễu thì đó chính là ma, xuất tâm từ bi có thể nói rõ với họ, nếu tiếp tục tới can nhiễu, tất bị thanh trừ. Năm lần bảy lượt tới can nhiễu thì cho dù là ai, đều lập tức tiêu hủy, giải thể.
Sư phụ giảng:
“Chấp trước vào tình thân quyến, ắt sẽ vì thế mà lụy, mà giày vò, mà ma, tơ vương tình cảm mà nhiễu cả một đời, tuổi đời qua đi, thì hối hận đã muộn rồi (Tinh tấn yếu chỉ – Người tu cần tránh).
Chúng ta hôm nay là đồ đệ Đại Pháp, trách nhiệm gánh vác trên vai quá lớn, không thể bị can nhiễu bởi bất kể hình thức nào của ma tình, nhất định phải dùng huệ nhãn cắt đứt tơ tình, mới có thể viên mãn theo Sư phụ trở về.
Có chỗ nào không thỏa đáng, mong đồng tu từ bi chỉ rõ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/69814
Ngày đăng: 19-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.