Thầy thuốc không thể tự chữa bệnh cho mình
Tác giả: Đặng Anh Sĩ
[ChanhKien.org]
Thời Trung Quốc cổ đại có lưu truyền một câu nói: “Y bất tự y”, nghĩa là thầy thuốc không thể tự chữa bệnh cho mình, họ thậm chí còn không thể chữa bệnh cho người thân của mình. Tại đây chúng tôi nói về Trung y, hơn nữa các căn bệnh được nói đến không phải là bệnh thông thường, mà là bệnh nan y. Đối với các căn bệnh có triệu chứng rõ ràng thì dễ chăm sóc và điều trị, nhưng bệnh phức tạp và khó chẩn đoán thì thầy thuốc không thể tự mình chữa trị, cho dù y thuật của người đó có cao đến mấy, cũng rất khó tự chữa bệnh.
Vào những năm cuối triều nhà Thanh ở Trung Quốc, có một vị thầy thuốc rất nổi tiếng. Khi con trai yêu của mình mắc trọng bệnh, ông chữa trị mãi mà không khỏi. Thế là ông đi các nơi để tìm thầy thuốc, nhưng cuối cùng đã muộn màng, con trai ông qua đời khi còn rất trẻ. Những người xung quanh cười nhạo ông rằng: “Ông là danh y, sao lại để con trai mình chết như thế?” Nhưng ngược lại, ông từng chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người và là người có tiếng tăm trong nghề.
Trung y có câu “Y bất tự y” (thầy thuốc không thể tự chữa bệnh). Còn Tây y không có cách nói này, chỉ cần y thuật của bản thân đủ cao, tự mình chụp phim, tự chẩn đoán rồi kê đơn uống thuốc là chuyện thường tình, huống hồ là người thân?
Nhưng vì sao Trung y lại giảng “Y bất tự y”? Điều này có liên quan đến nguyên lý cơ bản của Trung y. Trung y chú trọng vào “vọng, văn, vấn, thiết” (gọi là tứ chẩn: nhìn, nghe, hỏi, sờ). Ví dụ khi bắt mạch, các thầy thuốc đều có thể bắt được những mạch tượng cơ bản, nhưng dựa trên những sự khác biệt nhỏ về độ nông sâu, độ nhẹ, độ trơn của mạch thì kết quả phán đoán của mỗi thầy thuốc lại không hoàn toàn giống nhau, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh của mỗi người cũng khác nhau. Các phương pháp “vọng, văn, vấn, thiết” của Trung y đều dựa vào thân thể của chính thầy thuốc làm chuẩn. Còn y học hiện đại lại dựa vào các chỉ số đo lường của máy móc làm chuẩn. Đây là sự khác biệt cơ bản.
Trung y lấy thân thể của người thầy thuốc làm tiêu chuẩn để kiểm tra các trạng thái khác nhau của bệnh nhân. Khi khám bệnh, thầy thuốc cần bình tâm tĩnh khí, trước tiên cần ổn định thân thể của mình lại. Giống như việc kiểm tra độ chính xác của các thiết bị đo lường khi khởi động, trước hết cần đảm bảo rằng tiêu chuẩn kiểm tra là đáng tin cậy. Khi thợ sửa chữa máy móc kiểm tra thiết bị, gặp phải sự cố phức tạp, họ sẽ tìm một thiết bị tốt để so sánh từng bộ phận, từng thông số kỹ thuật chính giữa thiết bị sử dụng tốt và thiết bị đã hỏng, liền có thể biết được nguyên nhân khiến máy hỏng. Nếu tiến hành so sánh trạng thái cơ thể và tinh thần của bệnh nhân với người khỏe mạnh, liền nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Một số thay đổi nhỏ đều có thể được phát hiện, giúp cho việc chẩn đoán dễ dàng và điều trị chính xác. Cơ thể của chính thầy thuốc là thước đo dễ sử dụng nhất và dễ nắm bắt nhất.
Nhưng khi thầy thuốc tự chữa bệnh cho mình, vấn đề nằm ở chỗ là cơ thể của thầy thuốc ở vị trí ấy đã bị bệnh rồi, thì thước đo kia cũng bị lỗi. Lấy tiêu chuẩn của một người bệnh để kiểm tra thì không cách nào kiểm tra ra được sự khác biệt giữa cơ thể khỏe mạnh và triệu chứng của bệnh là gì. Nếu thiết bị kiểm tra của bệnh viện hỏng rồi thì còn kiểm tra được nữa không? Độ chính xác của kết quả kiểm tra cũng không đáp ứng được yêu cầu, kết quả thu được có thể có hiệu quả không?
Nếu bác sĩ và bệnh nhân là người thân, giữa người thân với nhau có vấn đề mạch tượng tương đồng. Do có quan hệ huyết thống, những người thân sống cùng nhau trong thời gian dài, thói quen sinh hoạt của họ sẽ giống nhau. Y học hiện đại phát hiện ra rằng, giữa những người có cùng huyết thống mắc các loại bệnh di truyền một cách kỳ lạ, còn giữa những người có quan hệ thân thiết không cùng huyết thống sẽ mắc bệnh truyền nhiễm. Nếu tướng mạo, mạch tượng của thầy thuốc và bệnh nhân có nhiều điểm tương đồng, thì rất khó phát hiện ra những thay đổi nhỏ trên cơ thể bệnh nhân. Không thể chẩn đoán bệnh, làm sao để bốc thuốc chữa bệnh đây? Vì vậy, thầy thuốc Trung y rất khó chữa một số bệnh cho người thân.
Lấy thân thể của thầy thuốc làm tiêu chuẩn thì có lợi ích gì?
Thứ nhất là tiện lợi. Thầy thuốc có thể chẩn đoán bệnh ở bất cứ nơi đâu, hễ đi đến đâu thì nơi đó là bệnh viện. Thầy thuốc có thể làm việc độc lập, một người thầy thuốc có thể đảm đương một bệnh viện. Tây Y cần phải có địa điểm cụ thể, thiết bị của Tây y cồng kềnh như thế, làm sao di chuyển được? Không có điện thì không thể hoạt động. Hơn nữa, còn cần rất nhiều nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp thạo nghề cùng phối hợp chữa trị, mới có thể chữa được bệnh.
Thứ hai là chi phí thấp. Lấy thân thể người làm chuẩn, vị trí nào bất thường, kinh mạch nào bất thường, đối chiếu là biết ngay, dễ dàng tìm ra căn nguyên của bệnh, có thể bốc thuốc đúng bệnh. Có một số bệnh, chỉ cần khai thông vị trí mấu chốt nhất là được, không cần dùng quá nhiều thuốc. Ngoài ra, phản ứng của thuốc ở các vị trí khác nhau trên thân thể cũng có thể cảm nhận và quan sát được. Thuốc Bắc cũng rất rẻ, châm cứu lại miễn phí. Bệnh viện Tây y cần nhiều bác sĩ chuyên nghiệp cao cấp cùng phối hợp như thế, chi phí có thể rẻ được sao? Ít nhất thì Trung y không cần thiết bị đắt tiền và chi phí kiểm tra đắt đỏ.
Thứ ba là tính thích nghi với hoàn cảnh. Bệnh nhân và bác sĩ cùng ở trong một môi trường địa lý giống nhau, cùng trải qua sự thay đổi bốn mùa xuân hạ thu đông giống nhau, cùng một môi trường tự nhiên, sự khác biệt về trạng thái cơ thể giữa hai người tạo thành sự đối chiếu rõ ràng, dễ chẩn đoán. Các thiết bị y tế hiện đại đa số nằm trong phòng điều hòa, dù là mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, nhiệt độ phòng luôn duy trì ở khoảng 25 độ C. Một người từ bên ngoài trời nóng nực bước vào bệnh viện, không bệnh cũng có thể bị kiểm tra là nhiệt độ cơ thể cao. Đi đường xa, vội vội vàng vàng, mệt mỏi vì di chuyển, vội chạy đến bệnh viện thì các chỉ số có thể đã thay đổi từ lâu rồi.
Thứ tư là yếu tố kiểm tra nhiều hơn. Các chỉ số được đo bằng thiết bị trong Tây y gồm có: huyết áp, đường huyết, nhiệt độ cơ thể, v.v. Mặc dù bệnh viện hiện nay rất hiện đại, thiết bị công nghệ rất tiên tiến, nhưng các chỉ số kiểm tra cơ bản vẫn còn rất hạn chế, chưa đến con số 100.
Cơ thể người có bao nhiêu trạng thái? Trạng thái cơ thể người có những biểu hiện thật vi diệu ở mọi phương diện, từ tinh khí thần, lục phủ ngũ tạng, tứ chi ngũ quan cho đến ngôn hành cử chỉ. Do đó, chỉ số của Trung y nhiều vô kể. Bệnh viện Trung y hiện nay cũng nói đến huyết áp, trên thực tế là Trung y hiện nay hầu như đã bị thất truyền, ngay cả tiêu chuẩn cũng bị đồng hóa với Tây y. Lấy cơ thể người làm tiêu chuẩn, mới có thể kiểm tra toàn diện tất cả trạng thái bên trong thân thể người. Mặc dù các chỉ số của Tây y cũng dựa trên thống kê nhóm người, nhưng những chỉ số này là ở trạng thái tĩnh, phạm vi rất rộng, thiếu tính biến động, thiếu sự thích nghi với môi trường và tính nhắm thẳng đối với từng bệnh lý. Lấy ví dụ về việc vận chuyển máu trong thân thể, Tây y cho rằng máu ở tất cả vị trí trong cơ thể là như nhau, đều bình đẳng, đều là chất dinh dưỡng, protein. Còn Trung y cho rằng máu ở lục phủ ngũ tạng là có sự khác biệt, ngũ hành tương sinh tương khắc, bổ trợ cho nhau, là biến động. Từ máu, cơ quan, tế bào có thể nhìn thấy được, cho đến vi quan, vi quan hơn, thăng hoa lên mọi phương diện của tinh, khí, thần. Các yếu tố kiểm tra của Trung y nhiều vượt xa so với Tây y.
Thứ năm là nói về Đạo. Trung y dựa trên học thuyết ngũ hành, mà ngũ hành có liên quan mật thiết với Đạo gia. Họ chú trọng tu dưỡng và đạo hạnh của người thầy thuốc. Mặc dù kiến thức và kinh nghiệm thực tế có thể giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nhưng gốc rễ vẫn là đạo hạnh của người thầy thuốc.
Đạo hạnh của từng người là khác nhau nên kết quả chẩn đoán của từng thầy thuốc cũng rất khác nhau. Tây y dựa vào thiết bị, thuận theo việc các thiết bị kỹ thuật ngày càng tiên tiến, các chỉ số kiểm tra của Tây y cũng ngày càng cao. Có nhiều thầy thuốc Trung y hiện nay vốn không tin vào “Đạo” và “đức”, bản thân họ còn bị thất tình lục dục làm tổn hại nghiêm trọng, cũng không có đạo hạnh gì. Cuộc sống của con người hiện nay rất phức tạp và hỗn loạn, không thể tự nghiêm khắc yêu cầu bản thân, tiêu chuẩn của bản thân họ còn không bằng cả Tây y. Ít nhất thì các chỉ số kỹ thuật mà thiết bị Tây y kiểm tra còn có độ chính xác cao và rất đáng tin cậy.
Thầy thuốc có đạo hạnh cao thì sức khỏe của họ sẽ tốt hơn người bình thường, tiêu chuẩn kiểm tra cũng cao hơn, chẩn đoán cũng rất tỉ mỉ. Nếu chiểu theo khoa học để giải thích thì độ nhạy bén của việc kiểm tra là cao hơn, độ phân tích cao hơn, độ chính xác cao hơn, chỉ số kiểm tra cũng toàn diện hơn.
Trong quá khứ, các thầy thuốc Trung y đều có yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân trong mọi vấn đề của cuộc sống, rất ít người có cuộc sống xa hoa trụy lạc, ham mê tửu sắc tài vận. Phần lớn họ đều có phong thái tiên phong đạo cốt, lịch sự nho nhã. Một số danh y có đạo hạnh rất cao, thân thể họ cũng rất kiền tịnh, thoát tục. Lấy một thân thể như vậy làm tiêu chuẩn thì những bất thường ở các bộ phận, cơ quan, kinh lạc của người bệnh đều có thể kiểm tra ra được. Những bệnh tật ở lục phủ ngũ tạng đều có thể phát hiện ra, cũng như những thay đổi của môi trường, sự luân chuyển của tứ thời bát tiết (1) trên cơ thể bệnh nhân đều có biểu hiện tương ứng. Thậm chí có thể dự cảm được dược tính của thuốc trong cơ thể ở những trạng thái hoạt động khác nhau.
Những danh y như Biển Thước, Hoa Đà, Đổng Phụng… đều có thần thông, họ không chỉ có thể nhận biết được các loại bệnh mà còn có thể trực tiếp nhìn xuyên thấu. Mỗi cơ quan, mỗi tế bào bất thường của bệnh nhân đều có thể được phát hiện. Có người nói, những người xung quanh chỗ nào bị đau thì họ cũng bị đau ở chỗ đó, rất mẫn cảm. Khi thân thể thầy thuốc đạt đến mức này, cũng sẽ có thể có năng lực như vậy. Hai người vừa gặp mặt, không cần thăm khám, đã biết được thân thể người bệnh có vấn đề ở đâu. Một khi chạm mặt, giữa hai thân thể sẽ tự động tiến hành so sánh. Trung y lấy tiêu chuẩn cao như vậy để khám và chữa bệnh, tiêu chuẩn thực sự rất cao, hiệu quả trị bệnh thần kỳ đã vượt xa y học hiện đại của phương Tây.
Đạo hạnh có thể thông qua tu hành mà có được sự đề cao, Trung y có nguồn gốc từ Đạo, trong Trung y bao hàm rất nhiều kiến thức tu luyện. Tôn Ngộ Không và Tế Công đều chưa từng học y thuật, vì sao lại có thể trị bệnh? Rất nhiều cao nhân đắc đạo đều có thể chữa bệnh. Họ đều trải qua tu luyện, đạt được một thân thể thuần tịnh vô lậu, không bệnh không tai họa. Lấy thân thể như vậy làm tiêu chuẩn để tiến hành kiểm tra bệnh nhân, trạng thái vận hành của mỗi phân tử, mỗi nguyên tử trong cơ thể bệnh nhân đều có thể kiểm tra được, những yếu tố gây bệnh cực nhỏ cũng có thể được phát hiện. Thậm chí còn vượt thời không, ở xa ngàn dặm cũng có thể chữa, có thể chẩn đoán tội nghiệp và khổ nạn kiếp trước kiếp này của bệnh nhân. Phương pháp điều trị cũng không đi theo con đường thông thường, hơn nữa còn chữa được bách bệnh.
Đạo gia giảng thân thể người chính là tiểu vũ trụ. Thân thể của những giác giả tu hành chân chính có phải là vũ trụ không? Dùng vũ trụ làm tiêu chuẩn để chữa bệnh cho người, đó chẳng phải là tiêu chuẩn cao nhất sao? Chiểu theo tiêu chuẩn của vũ trụ có thể giúp vô số Thần Phật vượt qua khổ nạn.
“Thầy thuốc không thể tự chữa bệnh”, thực ra đó chính là tiêu chuẩn trị bệnh của Trung y. Trung y lấy thân thể người làm tiêu chuẩn là vô cùng cao thâm, cũng rất thần kỳ, tuyệt diệu không ngôn ngữ nào diễn tả được.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/287163
Ghi chú: (1): Tứ thời là bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bát tiết là tám tiết khí hậu đặc biệt trong một năm: Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí, Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông.
Ngày đăng: 18-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.