Tu bỏ chấp trước vào dung mạo



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Minh Tư

[ChanhKien.org]

Tôi có một chấp trước đặc biệt, chính là chấp trước vào dung mạo. Tuy mọi người dù ít hay nhiều đều có chấp trước này, nhưng mức độ chấp trước của tôi lại vượt xa hết thảy.

Ngay từ khi còn rất nhỏ tôi đã ghen tị với các bạn nữ xinh đẹp cùng lớp và thấy hối tiếc vì mình không phải là mỹ nhân. Cùng theo năm tháng tôi lớn lên thì cái chủng chấp trước này chỉ tăng chứ không giảm, dù ngoại hình của bản thân cũng rất khá nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy không hài lòng và ao ước có được một gương mặt thật xinh đẹp yêu kiều. Vì điều này thậm chí tôi còn đến bệnh viện thẩm mỹ nhiều lần để làm phẫu thuật thẩm mỹ, kết quả là tôi không thấy bản thân có thay đổi gì lớn lắm.

Lúc còn là người thường, khi nhìn thấy những phụ nữ xinh đẹp tôi đã ghen tị với họ; khi nhìn thấy những phụ nữ xấu xí tôi đã rất cảm thông với họ, cảm thấy với ngoại hình như vậy họ vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường thì tố chất tâm lý ắt thực sự rất tốt, cảm thấy nếu tôi có dung mạo như vậy thì sẽ đau khổ đến mức sống không bằng chết, nói không chừng tôi sẽ tự sát, điều đó cho thấy chấp trước vào vẻ ngoài của tôi đã lớn đến mức không thể nghĩ bàn. Sở thích của tôi lúc đó không gì ngoài xoay quanh vấn đề này: đọc sách về làm đẹp, đi thẩm mỹ viện, nghiên cứu các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ, nghiên cứu làm sao để giữ làn da được trẻ lâu…

Căn nguyên lớn nhất của chấp trước vào dung mạo chính là sắc tâm, từ nhỏ tôi đã rất xem trọng tình cảm nam nữ, với những chuyện tình trong các tác phẩm văn học, điện ảnh hay truyền hình tôi đồng cảm như thể chính mình đang ở trong đó, vậy nên hình mẫu “trai tài gái sắc” đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Tôi cho rằng giá trị của phụ nữ nằm ở dung mạo, dung mạo không chỉ là vốn liếng cho một “tình yêu” đẹp mà các giá trị quan xã hội cũng được dựa vào dung mạo mà phán đoán. Do vậy tôi vẫn cảm thấy suy nghĩ và hành vi theo đuổi cái đẹp bằng mọi giá của mình là chuyện thiên kinh địa nghĩa, là một chuyện hết sức bình thường, việc theo đuổi một nhan sắc xinh đẹp đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống của tôi.

Sau khi tu luyện, chấp trước này dần dần phai nhạt đi và thuận theo thời gian trôi qua, tôi cũng đã lập gia đình, đã qua cái thời thanh xuân chăm chăm để tâm vào dung mạo; bước sang tuổi trung niên tôi cũng dần dần trở nên ít nhạy cảm hơn với ngoại hình. Sau này tôi càng bận rộn hơn với các việc tu luyện, công việc, rồi những chuyện vụn vặt trong gia đình, v.v…, trong tư tưởng cũng không khởi lên những chuyện này nữa. Nhưng trong hơn 10 năm hôn nhân, tuy rằng tình cảm giữa tôi và chồng rất tốt, thế nhưng bản thân tôi đã có vài lần ngoại tình trong tư tưởng. Tôi biết rằng đây là biểu hiện của việc tình và tâm sắc dục chưa được tu bỏ đến kiền tịnh, đặc biệt là chấp trước vào các loại cảm thụ như “được yêu”, “tình yêu song phương”, “tâm đầu ý hợp” v.v…, mặc dù tôi có thể kiểm soát tốt lời nói và hành động của mình nhưng lại để cho đầu não dưới sự cám dỗ của loại cảm thụ trên mà bị nghiệp tư tưởng dẫn động đi tưởng tượng một cách điên cuồng và cảm thụ cái gọi là mỹ hảo của tình cảm ấy. Tôi cũng biết rằng chấp trước vào dung mạo có liên quan trực tiếp với sắc tâm.

Tuy nhiên mấy năm gần đây chấp trước tột độ về ngoại hình lại xuất hiện trở lại. Khác với thời thanh xuân, lần này mối quan tâm của tôi không nằm ở dung mạo kiều diễm mà là ở sự trẻ trung. Do nhiều năm qua tôi không chú trọng thực tu và rất ít luyện công, tôi phát hiện ra mấy năm gần đây khuôn mặt của mình đã dần già đi. Đặc biệt là những trải nghiệm của mấy năm trước, biểu hiện là khi gặp phải đối đãi bất công giữa người với người, vốn dĩ nên xem là cơ hội tốt để đề cao tâm tính nhưng tôi lại bị hãm vào trong đó, cũng lục đục tranh đấu y hệt như một người thường. Tôi ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí cảm thấy bất công đến mức không thể sống nổi, loại trạng thái này kéo dài mấy năm khiến tôi kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, về sau tôi mới chợt nhận ra rõ ràng mình đã già đi rất nhiều.

Khi phát hiện ra điểm này tôi đã vô cùng đau khổ, đồng thời tôi cũng thấy kỳ lạ là vì sao trước giờ mình không phát hiện ra, lão hóa khẳng định không phải là chuyện một sớm một chiều; kỳ thực là khi đó tôi bị tâm tranh đấu dẫn động quá ghê gớm, đến mức chẳng còn chú ý đến cái gì khác. Về sau dưới sự nỗ lực của bản thân tôi, tranh chấp lợi ích cuối cùng cũng được giải quyết thỏa đáng, nhưng không ngờ rằng cùng lúc đó trên thân thể tôi đã xuất hiện nghiệp bệnh nghiêm trọng. Thực ra trước đây vẫn có một số nghiệp bệnh nhỏ, nhưng từ khi tôi dùng biện pháp của con người để giành được thứ dường như gọi là lợi ích của mình thì nghiệp bệnh đột nhiên tăng lên gấp mấy lần, nỗi đau về thể xác và tinh thần hầu như bám theo tôi mỗi ngày. Khi này tôi mới minh bạch được tính nghiêm túc của tu luyện. Có lẽ kiếp trước tôi đã mắc nợ người khác nhưng bây giờ lại không muốn hoàn trả, không những không dùng cái thiện và nhẫn của người tu luyện để đối đãi mà còn dùng cách của người thường để giành lại được. Hơn nữa tôi còn đánh mất một thứ quý giá hơn – đức, tự tôi lại tạo thêm rất nhiều nghiệp lực cho mình. Sư phụ đã từng giảng:

“Trong vũ trụ này có một [Pháp] lý, gọi là ‘bất thất giả bất đắc, đắc tựu đắc thất’, chư vị chẳng mất, [nó] cưỡng chế chư vị phải mất. Ai có tác dụng ấy? Chính là đặc tính vũ trụ có tác dụng ấy; vậy nên chư vị muốn chỉ có được [mà không mất] thì không thể được”. (Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã đọc qua đoạn Pháp này không biết bao nhiêu lần, nhưng chỉ khi qua trải nghiệm này tôi mới tự thân nhận thức được tính nghiêm túc và chân thực bất hư của Pháp Lý: tranh được lợi ích nhưng đổi lại là tạo thêm nghiệp lực, thật sự là cái được chẳng bõ cho cái mất.

Trong tu luyện sau này tôi đã dần dần buông bỏ được rất nhiều chấp trước, chẳng hạn như tâm tranh đấu, tật đố, chấp trước vào danh lợi, v.v…, và cũng bắt đầu xem trọng việc luyện công và học Pháp hơn. Quay đầu nhìn lại chấp trước tranh đấu năm xưa tôi thấy mình thực sự quá ngốc, những thứ đó đều là vật ngoại thân, có gì hay để tranh chấp cơ chứ? Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng công, khiến thân thể bị lão hóa và mắc nghiệp bệnh, thật không đáng chút nào mà! Lại nhìn các đồng tu xung quanh tôi, tôi thật ngưỡng mộ một số nữ đồng tu có ngoại hình hầu như không thay đổi trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên có một số đồng tu đã thay đổi rất nhiều và thậm chí còn bị lão hóa nghiêm trọng hơn người thường. Điều này khiến tôi có cảm nhận sâu sắc về tính nghiêm túc của tu luyện, đặc biệt công pháp của chúng ta là tính mệnh song tu, nếu không xem trọng việc luyện công thì cũng không được. Tôi cảm thấy hối hận vì sao mình không nhận thức ra điều này sớm hơn một chút?

Sau khi nhận thức ra, việc tu luyện của tôi đã tiến sang một giai đoạn mới, và tôi trở nên tinh tấn hơn trước. Tôi luyện công và học Pháp rất chăm chỉ, nhiều chấp trước mà tôi không thể buông bỏ thì bây giờ đã buông bỏ được khá nhiều. Nhìn lại con đường tu luyện đã đi trong mấy năm qua tôi cảm thấy mình đã lãng phí ngần ấy thời gian, tôi chỉ chăm chăm làm các việc Đại Pháp mà không biết đường trân quý việc học Pháp và luyện công, lại còn đi tranh lui đấu tới nơi con người, chọn ngọn bỏ gốc. Muộn màng như thế tôi mới nhận ra tính trân quý của tu luyện, thật quá đáng tiếc! Cũng thật quá ngốc nghếch rồi!

Nhưng đồng thời tôi phát hiện rằng việc luyện công của mình là có mục đích, một mặt, tôi hy vọng sẽ loại bỏ được nghiệp bệnh ra khỏi thân thể, mặt khác tôi cũng hy vọng thông qua luyện công có thể khiến khuôn mặt tôi trẻ trung trở lại như thời thanh xuân. Khi tham gia các hoạt động tập thể tôi rất chú tâm vào vẻ ngoài của các đồng tu, chẳng hạn như đồng tu nào trông trẻ và đồng tu nào trông già và dùng điều này để đánh giá xem ai tu tốt ai tu không tốt. Ngoài ra tôi còn cố gắng tránh tiếp xúc với một số đồng tu nữ, rất nhiều năm trước, tôi cũng trông giống như họ, thậm chí trông còn trẻ hơn họ; tuy vậy khuôn mặt của họ đã không thay đổi trong nhiều năm trong khi tôi đã già đi rất nhiều, điều này khiến tôi rất đau lòng, khi tiếp xúc với họ cảm giác đau lòng này sẽ nổi lên mà tôi không cách nào đối diện nổi. Nghĩ về việc tôi từng trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thật của mình, có lần mẹ của một nữ đồng tu bảo cháu ngoại bà (tức con trai của đồng tu) gọi tôi bằng chị. Tuy nhiên, giờ đây sau vài năm, tôi trông già hơn cả vị đồng tu đó. Tôi đau đớn vì trùng trùng nguyên nhân xuất phát từ việc không tu tâm và không luyện công trong nhiều năm đã biến tôi thành thế này. Tôi chỉ hy vọng bản thân nỗ lực luyện công, học Pháp và tu tâm tốt hơn, thông qua lực lượng thần kỳ của Đại Pháp sẽ thay đổi được diện mạo của mình.

Nhưng bởi vì động cơ này là bất thuần nên qua mấy năm nỗ lực nghiệp bệnh của tôi vẫn kéo dài mãi không dứt, và tôi cũng đã quen với sự tồn tại của loại nghiệp bệnh này nên tôi cảm thấy bất lực, bó tay không biết làm sao. Không những ngoại hình của tôi không hề thay đổi theo hướng trẻ hóa mà với chấp trước vào dung mạo tôi vẫn chưa buông bỏ được một chút nào. Không chỉ truy cầu mạnh mẽ mà tôi còn không cam tâm rằng mình sẽ già đi, vẫn hy vọng bản thân sẽ có được trạng thái “đóng băng” giống như một số đồng tu tu tốt, dù thế nào tôi vẫn không thể chấp nhận được sự thật rằng mình sẽ ngày càng già đi.

Chính vào ngày hôm qua, lần đầu tiên tôi đột nhiên nghiêm túc nhận ra rằng phải tu bỏ chấp trước vào dung mạo, đã đến lúc cần đánh một dấu chấm hết cho cái tâm chấp trước vào bề ngoài nhiều năm của tôi. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra mức độ nghiêm trọng nặng nề của chấp trước này, với những chấp trước khác, dù tôi có loại bỏ được chúng hay không thì tôi vẫn là đang trong quá trình cố gắng tu bỏ, ít nhất tôi cũng hy vọng mình có thể bỏ được, hoặc biết rằng nhất định tôi phải loại bỏ chúng. Nhưng với chấp trước vào ngoại hình thì tôi lại thấy đó là chuyện bình thường, là giá trị tồn tại của tôi trên thế giới này, thậm chí còn cảm thấy rằng nếu sống mà không có dung mạo xinh đẹp thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa, cứ ôm chặt lấy cái tâm này mà không buông, ngay cả nghĩ cũng không nghĩ sẽ bỏ nó đi. Bởi vì từ khi còn nhỏ tôi đã sống vì dung mạo nên cứ mãi dùi sừng bò trong vấn đề này, dưới ảnh hưởng của gia đình và xã hội tôi đã hình thành nên một nhân sinh quan mà đừng nói đến là người tu luyện, ngay cả người thường còn thấy là kỳ quái và không lành mạnh.

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998]” Sư phụ đã giảng:

“Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự”.

Chấp trước vào vẻ bề ngoài đã theo tôi từ rất lâu, thậm chí từ khi bắt đầu biết ghi nhớ sự việc đã khởi lên cái “lợi ích bản chất nhất” này. Hôm qua tôi phát hiện ra bản thân bị chấp trước mạnh mẽ vào dung mạo khống chế quá ghê gớm, hơn nữa đã chấp rất lâu và chấp một cách hết sức khổ sở rồi, đã đến lúc phải buông bỏ nó rồi, nếu không tôi sẽ là “tu luyện giả” chứ không phải là đệ tử chân tu của Sư phụ.

Vậy thì nguồn gốc của chấp trước vào ngoại hình của tôi là từ đâu? Nó được hình thành từ thuở nhỏ, khi tôi nhìn thấy những đứa trẻ xinh xắn giữa họ hàng, bạn bè hay trong lớp, chúng không chỉ nhận được nhiều tình cảm từ người lớn mà các bạn cùng lớp cũng thích tiếp xúc với chúng hơn, khi chúng phạm lỗi thì sẽ được cảm thông nhiều hơn, sẽ luôn có một phương diện mà chúng được đãi ngộ đặc biệt hơn. Vì thế lúc đó trong tôi đã hình thành tâm đố kỵ và khao khát sự xinh đẹp, mong rằng người khác sẽ thích tôi và nói những lời tốt đẹp về tôi. Khi còn nhỏ chấp trước vào dung mạo của tôi xuất phát từ chấp trước vào danh và tình, lớn lên thì nó lại kết hợp thêm sắc tâm, mong rằng vẻ ngoài xinh đẹp của mình sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm từ người khác giới, từ đó thỏa mãn cái khao khát gọi là “tình yêu”. Sau này tuy có được cuộc hôn nhân hạnh phúc, trên bề mặt từ lâu tôi đã không còn truy cầu sự yêu thích từ người khác giới nhưng về gốc rễ thì cái tâm này vẫn chưa bỏ đi, nó chỉ bị đè nén thật sâu xuống trong tâm thôi. Nhưng cựu thế lực lại thấy tâm sắc dục và tâm tham của tôi vẫn còn tồn tại, nên chúng đã an bài những quan và nạn tương ứng để động chạm đến chấp trước này và khiến nó bị bộc lộ ra.

Tôi viết bài giao lưu tâm đắc này là để phơi bày cái tâm chấp trước mà tôi không muốn đối mặt nhất, quyết tâm tu bỏ nó, đồng thời cũng là tổng kết lại con đường tu luyện quanh co mà tôi đã đi trong mấy năm qua, cũng hy vọng nó sẽ là thông tin tham khảo cho các đồng tu có tâm chấp trước tương tự. Tôi biết rằng một số đồng tu trong tâm cũng có những chấp trước mà họ không muốn đối mặt nhất, hy vọng mọi người xem trải nghiệm của tôi như một thông tin tham khảo và buông bỏ những chấp trước ấy càng sớm càng tốt. Hai năm trước có một đồng tu trung niên ở địa phương tôi đã qua đời vì nghiệp bệnh. Trước đó chú ấy từng nói rằng bản thân có một chấp trước mà làm sao cũng không bỏ được, vậy nên chú mới mắc nghiệp bệnh này.

Hy vọng được cùng mọi người ôn lại đoạn giảng của Sư phụ trong phần hỏi đáp của kinh văn “Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003”:

“Đệ tử: Hiện nay có đệ tử biểu hiện ra trạng thái bệnh, rất nghiêm trọng, hầu như không cách nào đọc sách, luyện công, và phát chính niệm.

Sư phụ: Tôi nói rằng đó là thật sự có vấn đề. Về chấp trước, có học viên biểu hiện ra, có học viên không biểu hiện ra, cất ở trong tâm là chấp trước quá mức, đến cuối cùng họ cũng không giải khai nổi. Tà ác bèn khiến chư vị càng ngày càng không đúng đắn nữa, khiến chư vị trượt ngã, khiến chư vị ngã đến mức suốt đời không quên. Chúng là làm như thế, cho nên không được chấp trước tới mức độ nặng như vậy”.

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Manhattan năm 2005” Sư phụ cũng có giảng:

“Người tu luyện lấy việc thoát ly thế gian và viên mãn sinh mệnh làm mục đích; chấp trước vào bất kể những được-mất và lợi ích gì nơi thế gian đều không viên mãn được; bởi vì người tu luyện trong khi tu luyện tại thế gian chính là phải vứt bỏ tất cả các chủng loại tâm chấp trước của người thường thì mới có thể thành Thần. Nếu không, bất kể một cái tâm nào, bất kể một nhân tố vướng mắc nào, đều sẽ là một cái khóa khoá chắc người ta không ly khai [được]”.

Trên đây là một chút thể ngộ cá nhân xin được giao lưu cùng các đồng tu, nếu có điều chi không đúng xin được từ bi chỉ chính.

Hợp thập!

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/147381



Ngày đăng: 14-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.