Vứt bỏ tâm khoa trương, nghiêm túc suy xét lại nội tâm



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Nhiều năm qua tôi luôn có chủng tâm khoa trương khá nghiêm trọng, đây thực chất là biểu hiện của văn hóa đảng. Sự cường điệu khiến lý giải của bản thân đối với người, với bản thân và với sự việc đều ở trên bề mặt, suy nghĩ và cảm xúc dễ bị phóng đại, cực đoan, quá khích hoặc hẹp hòi.

Tôi nhận ra rằng, tâm khoa trương giống như quả bom khói, nó bao phủ bề mặt nông cạn nhất của sự vật, cản trở con người quan sát một cách sâu sắc, kỹ lưỡng cũng như hiểu được toàn bộ diện mạo của người và sự việc. Vì vậy trước đây hiểu biết của tôi đối với các sự việc thường là kiểu nhận thức rất đơn giản và hời hợt, tự thị nhi phi (như đúng mà là sai), bản thân không thể độc lập suy xét một cách lý trí mà chỉ “nghe thấy gió thì phải là mưa” và dễ bị kích động bởi một số quan điểm.

Trước đây, sự hiểu biết của tôi về tu luyện và tâm tính cũng rất nông cạn và hạn hẹp, còn có phần cực đoan và cố chấp, không lý trí mà rất cảm tính. Cách đây vài tháng tôi mới nghiêm túc phân rõ ra một số yếu tố liên quan đến tâm tính:

Bình tĩnh

Đọc bài viết của các đồng tu trên trang web Đại Pháp, tôi thấy rất nhiều người phương Tây thường nói rằng các hoạt động Đại Pháp khiến họ cảm thấy yên bình, ôn hoà. Nhiều học viên mới phương Tây khi nói về cảm xúc của họ trong tu luyện, họ cũng thường nói rằng họ cảm thấy nội tâm yên bình.

Còn cá nhân tôi, chỉ trong mấy tháng gần đây tôi mới thực sự thể hội được giá trị của sự yên bình. Trước đây tôi không thể nhận ra điều đó là vì nội tâm của tôi cách quá xa với yên bình. Ngày trước khi nói đến tu luyện, tôi có đủ loại cảm xúc thăng trầm của văn hóa đảng, nào là cảm thấy mãnh liệt về việc nào đó, hoặc là hận thù sôi sục trước sự bất công, hoặc căm ghét cái ác, cái xấu. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là đủ loại “liều” như dậy sớm, cống hiến hết mình, tuyệt thực trong tù và học thuộc lòng rất nhiều Pháp. Dù sao thì cũng đều là kiểu tư duy này, nhưng tôi lại hoàn toàn không có được sự bình yên trong nội tâm.

Nhiều năm trước tôi đã tham dự Pháp hội và nghe đồng tu chia sẻ, tôi cảm thấy những người nói về tuyệt thực trong tù để phản đối cuộc bức hại hoặc những người làm các việc lớn thì mới là có bản sự. Khi đó tôi nghe thấy một vị đồng tu nhắc đến việc tu tâm từng chút một, cô nói hy vọng bản thân có thể cách “Chân Thiện Nhẫn” gần hơn. Mặc dù rất nhiều đồng tu cảm thấy bài chia sẻ này rất tốt, xúc động nội tâm, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy, tôi cho rằng cô ấy chưa thể hiện được “bản sự” của người tu luyện.

Nhiều năm trước, có hai vị đồng tu, đều là những người phản bức hại bước ra từ nhà tù. Đồng tu A tuyệt thực phản bức hại, trải qua thập tử nhất sinh, khiến tôi vô cùng bội phục. Đồng tu B ở trong tù không tuyệt thực và bị buộc lao động khổ sai, v.v., tôi cảm thấy anh ấy phản bức hại không triệt để, chưa vứt bỏ được sinh tử và thua kém xa so với đồng tu A. Đây là tiêu chuẩn đo lường của tôi trước đây. Trải qua nhiều năm, đồng tu A có trạng thái đáng lo ngại, còn đồng tu B lại có biểu hiện tu luyện tốt trong nhiều phương diện. Tôi nhớ lại rất nhiều chi tiết về đồng tu B, anh ấy không bao giờ nói chuyện với giọng điệu hùng hồn, mà là rất bình hoà, luôn dùng thái độ ôn hoà đối đãi với người khác, bình thường cũng không gấp gáp, càng không nói đến chuyện nóng nảy, có thể thấy nội tâm của anh ấy luôn rất ôn hoà.

Từ trong Pháp tôi hiểu rằng, tâm tính cao hay thấp là then chốt của tu luyện, còn tâm có tĩnh hay không cũng như tâm có định lại được hay không mới là nhân tố then chốt của đo lường tâm tính.

Sư phụ giảng:

“Nếu chư vị muốn đề cao bản thân, thì chư vị phải hướng nội mà tìm, đặt công phu vào cái tâm ấy. Chư vị mới có thể thật sự đề cao lên trên. Khi ngồi đả toạ chư vị mới có thể tĩnh lại được; có thể tĩnh lại được chính là công; định lực thâm sâu ngần nào [cũng] là thể hiện của tầng”. (Chuyển Pháp Luân)

Nhiều năm trước, có vị đồng tu nói rằng khi đả toạ cô cảm thấy một loại vui vẻ phát ra từ nội tâm. Vị đồng tu này cũng có trạng thái tu luyện khá bình ổn, về cơ bản là không có văn hoá đảng. Đáng tiếc là những phát biểu thế này khi đó đều bị tôi xem thường, những thứ mà tôi thích nghe thường là những thứ kích động nhân tâm. Quay đầu nhìn lại tôi mới phát hiện, thực ra có một số chia sẻ là quá khích mà bước sang cực đoan, sau khi sự việc xảy ra thì mọi người cũng mới minh bạch.

Sau hơn 20 năm, mọi người đã có cái nhìn rõ ràng hơn về trạng thái tu luyện của các đồng tu, tôi phát hiện, những đồng tu có trạng thái tốt quả thực đều có nội tâm khá bình ổn. Đằng sau sự bình ổn này kỳ thực có rất nhiều tâm tính tốt. Ví dụ, đối với danh lợi tình thường xem khá nhẹ, do đó có thể không so đo được mất; dục vọng tham lam ít thì tự nhiên cũng điềm tĩnh hơn. Văn hoá đảng dễ khiến cảm xúc của con người thất thường lúc lên lúc xuống, nội tâm rất dằn vặt. Tôi hiểu rằng, đằng sau nó chính là dục vọng tham lam quá nhiều nên cũng nhiều suy nghĩ, luôn muốn làm sao để chiếm được nhiều lợi ích hơn, muốn đi đường tắt, đi sang cực đoan, làm nhanh thắng nhanh, cạnh tranh với người, đấu với người, v.v.

Cảm giác hạnh phúc

Có vị đồng tu nói rằng, cô ấy thường cảm thấy niềm hạnh phúc mà tu luyện đem lại, khi đó nội tâm tôi bị xúc động, kỳ thực là loại cảm giác có tội, cảm thấy tại sao tôi rất khó cảm nhận được niềm hạnh phúc mà tu luyện đem lại? Điều này thực sự rất có lỗi với Sư phụ và Đại Pháp.

Sau đó tôi đã suy xét một cách cẩn thận, tôi phát hiện vấn đề của bản thân nằm ở chỗ, trong cuộc sống tôi cũng rất khó cảm nhận được niềm hạnh phúc, những điều tôi cảm thấy là sự phấn khích khi giành được lợi ích về phương diện danh lợi tình đem lại. Điều này hoàn toàn khác với cách cảm nhận hạnh phúc của người trong xã hội truyền thống. Sau khi tu luyện, tôi cảm thấy vui mừng, cũng là bởi vì xuất hiện “hảo sự”, nào là đồng tu công nhận tôi, nào là hạng mục tôi làm có tiến triển, v.v. Suy cho cùng thì vẫn là “đắc được lợi ích” về phương diện danh lợi tình. Thực ra loại cảm giác này vẫn không phải là hạnh phúc, mà là một chủng phấn khích của nhân tâm sau khi được kích thích bởi “hảo sự”, nó hơi giống với phản ứng của con người đối với thuốc lá, rượu, ma tuý, v.v., đó là sự phấn khích sau khi được kích thích.

Từ trong Pháp tôi hiểu rằng, người tu luyện khi sắp tu thành La Hán thì không thể cao hứng, cũng chính là không thể hưng phấn khi bị kích thích bởi bất kỳ “hảo sự” nào đem lại, mà nên là bất động tâm, cũng chính là bình tĩnh.

Gần đây tôi hiểu cảm giác hạnh phúc có được không phải vì đắc được điều tốt gì đó, mà là một loại cảm giác quên mình vì người khác, do đó người vị tư sẽ rất khó cảm nhận được hạnh phúc thực sự, mà chỉ cảm nhận được sự hưng phấn do được kích thích đem lại.

Từ trong Pháp tôi nhận thức rằng, đặc tính “Chân Thiện Nhẫn” của vũ trụ đang ức chế tất cả. Người vô tư thì tâm tính của họ khá phù hợp với đặc tính của vũ trụ, do đó sẽ được ban cho “hạnh phúc”, còn người tự tư thì tâm tính của họ xa rời đặc tính vũ trụ, do đó sẽ rất khó cảm nhận được “hạnh phúc”. Đây có thể chính là lý do tại sao rất nhiều người hiện đại vô cùng thành công, danh lợi đều có nhưng lại không vui vẻ, thậm chí còn phiền muộn. Thực ra niềm hạnh phúc là cần dựa vào một trái tim vô tư, quên mình vì người khác, thiện lương.

Nhớ lại nhiều năm trước, khi tôi cảm thấy đắc ý vì bản thân mạnh ở phương diện nào đó, cảm giác đó không phải là hạnh phúc mà là một chủng tự đại, kèm theo tự mãn, thậm chí trong tâm xem thường người khác, đây là những tâm không tốt, mà tâm không tốt thì không thể đem lại cảm giác hạnh phúc. Còn nữa, khi tôi cảm thấy cao hứng vì trong công việc đạt được thành tựu, đó cũng là bởi vì đắc được “lợi ích” trong tu luyện mà cao hứng, đằng sau loại cảm giác này là nhân tâm mạnh mẽ, đắc được liền cao hứng, không đắc được liền thất vọng, đó là tâm suy tính thiệt hơn, đó cũng không phải là cảm giác hạnh phúc.

Vị đồng tu nói rằng thường cảm thấy “hạnh phúc” trong tu luyện, nội tâm của cô ấy thường yên bình, tường hoà, tư tưởng đơn giản, rất thiện lương, được yêu quý hoặc bị sỉ nhục cũng không động tâm, không tự tư cũng không tự ngã. Còn tôi thì tự ngã rất mạnh, rất tự tư, tôi nghĩ đây chính là điểm khác biệt giữa tôi và cô ấy, đó cũng chính là lý do khiến cô ấy dễ dàng cảm thấy hạnh phúc.

Lạp tử nhỏ

Hôm qua tôi đã xem một bộ phim Giáng sinh, trong phim có một tình tiết là hàng trăm chú lùn sống vui vẻ cùng vợ chồng Ông già Noel trong ngôi làng Giáng Sinh. Trong đó có một chú lùn tự ngã ngày càng bành trướng, từ trò đùa quái đản ban đầu đến sau này muốn cạnh tranh với Ông già Noel và ghen tị trước sự quan tâm của ông già Noel dành cho những chú lùn khác, cuối cùng cậu ta trở nên tà ác muốn huỷ diệt tất cả, khơi mào các trận đấu tranh nhằm đánh bại Ông già Noel. Sau khi cậu ta hoàn toàn thất bại, vợ chồng Ông già Noel không nhớ đến những chuyện cũ, vẫn gọi cậu ta quay trở lại, trước sau đều coi cậu ta như con của mình, cuối cùng lương tâm của cậu khởi lên và lại trở thành một thành viên trong vô số chú lùn với khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc.

Tôi có rất nhiều cảm xúc sau khi xem xong bộ phim. Hạnh phúc không phải là đề cao bản thân, tự cao tự đại và một trái tim ma biến thì sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là bằng lòng làm một lạp tử nhỏ, khiêm nhường, cùng phụ trợ lẫn nhau trong hàng ngàn ngàn lạp tử khác, từ đó cảm nhận được niềm hạnh phúc mà vũ trụ vĩ đại đã ban cho mỗi một lạp tử nhỏ nên được có. Khi nội tâm người đó trở nên xấu xí, cho dù từng cảm thấy bản thân mạnh mẽ ra sao, quyền uy ra sao hay kiêu ngạo đến đâu, nó đều là đi ngược lại với hạnh phúc, bởi vì nó đi ngược lại với đặc tính của vũ trụ; sau khi cậu ta thực tâm quay trở lại, nhìn thì giống như một hạt bụi nhỏ, nhưng đây mới chính là hạnh phúc, cũng giống như một giọt nước cần dung hoà vào đại dương thì mới là hạnh phúc, chứ không phải là đề cao bản thân, tự cao tự đại.

Sư phụ giảng:

“Chư vị đều là một lạp tử, trong mắt của tôi, không ai giỏi hơn ai, vì chư vị đều là được tôi đồng thời vớt lên”. (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Tôi nhớ đến trong Pháp nói về “Tự tâm sinh ma”, cái tâm này một khi xuất hiện thì muốn quay lại cũng không hề dễ dàng, vì vậy trong bộ phim kia, vợ chồng Ông già Noel cũng nhiều lần cảm hoá mới có thể thức tỉnh được trái tim bị ma biến kia. Và cho dù trái tim ma biến kia có tàn ác đến đâu thì Ông già Noel từ đầu đến cuối vẫn yêu thương cậu ta như con của mình, luôn chờ đợi cậu ta hồi quy.

Tôi nghĩ đến cách Sư phụ đối xử với các đệ tử Đại pháp, dù là đối với đệ tử nào thì Ngài vẫn luôn từ bi trước sau như một. Nhưng có một số đồng tu do tự ngã bành trướng nên đã đi đến bờ vực nguy hiểm, đối lập với Đại Pháp, tôi muốn nói với những đồng tu như vậy rằng: Hãy mau chóng vứt bỏ trái tim ma biến, quay lại trở về thành trong vô số những lạp tử, làm một lạp tử nhỏ bé mới có thể thực sự cảm nhận được hạnh phúc, và nhất định phải tin rằng Sư phụ vẫn luôn không ngừng chờ đợi bạn, từ bi của Sư phụ là hồng đại, không nên dùng nhân tâm để suy đoán Sư phụ.

Trong phim, sinh mệnh bị ma biến kia tật đố với tình yêu mà Ông già Noel dành cho những chú lùn khác, cậu ta cảm thấy mình không giống với những người khác và nên được đối đãi một cách đặc biệt.

Tôi nhớ đến Sư phụ giảng trong Kinh văn “Đối đãi chính xác với người nhà Sư phụ” rằng:

“Nhưng đã làm một thành viên của nhân loại hôm nay, đặc biệt là một thành viên trong đệ tử Đại Pháp, [thì] có hai điểm là tuyệt đối không thể làm: Một là dối gạt Sư phụ! Hai là can nhiễu cứu độ chúng sinh! Bởi vì đó là giới hạn căn bản của [việc] sinh mệnh ở hay đi. Dù hơi phạm một chút cũng không được!”

Tôi hiểu rằng, Sư phụ đối với tất cả các lạp tử là đều như nhau, đều là từ bi, là một lạp tử nhỏ bé, nếu can nhiễu đến việc được đắc cứu của những lạp tử khác thì đã phạm phải tội lớn, đã làm ra việc tuyệt đối không thể làm, hơn nữa xuất phát điểm chính là đề cao bản thân, coi mình cao hơn những lạp tử khác.

Sư phụ giảng:

Vạn cổ sự
Vi Pháp lai

Tạm dịch:

Vạn cổ sự
Vì Pháp đến.

(Hồng Ngâm II)

Tôi hiểu rằng rất nhiều thứ trong người thường thực ra cũng đều vì Pháp mà đến, có thể được thiện dùng để chứng thực Đại Pháp. Nội hàm của bộ phim này cũng có thể là như vậy.

Tự tin

Trước đây, lý giải của tôi về tự tin cũng là sai lầm, nó hình thành dựa trên việc từ nhỏ bị giáo dục bởi cha mẹ có văn hoá đảng mạnh, cho rằng tự tin chính là niềm tin do mạnh hơn người khác đem lại, ví dụ thành tích tốt hơn người khác, tài giỏi hơn người khác, tài ăn nói tốt, nhiều mối quan hệ, thông minh hơn, v.v. Cho rằng tự tin chính là cảm giác tốt về bản thân do “vốn” “vượt trội hơn người khác” đem lại, nhưng thực ra đó là một loại cảm giác giả dối và hư vinh.

Sau này tôi nhận ra rằng đây là cách hiểu sai lầm về “tự tin”, đằng sau nó là chủ nghĩa của thuyết vô thần, thuyết tiến hoá, quan niệm hiện đại, văn hoá đảng, văn hoá ma quỷ, v.v. Kết quả là khi một người cảm thấy mạnh hơn người khác thì họ sẽ đề cao bản thân, không coi ai ra gì; còn khi cảm thấy yếu đuối hơn người khác thì họ liền cảm thấy tự ti, tật đố, oán hận. Kiểu tư duy này thiếu sự kính sợ với sinh mệnh và sự tín ngưỡng đối với Thần.

Cách nghĩ đúng đắn nên là: Tự tin là bởi vì bản thân có được phẩm đức và tu dưỡng tốt, hoặc có sự đề cao ở những phương diện này mà mang lại sự tự tin, ví dụ tự kỷ luật, tự quản lý, chiến thắng dục vọng của bản thân, v.v. Lý do để tự tin không nên vì phương diện nào đó mạnh hơn người khác, mà nên vì bản thân đã làm điều đúng đắn.

Một số người thường có trí huệ khi giáo dục con cái đều biết rằng không nên khen đứa trẻ thông minh, xinh đẹp, tài năng, v.v. mà nên chỉ khen ngợi và khích lệ trẻ một số đức tính như biết chia sẻ, đối xử tốt với người khác, biết chịu đựng đau đớn, v.v. Đối xử như vậy với trẻ thì sau này chúng lớn lên mới có thể có một trái tim lương thiện.

Trước đây tôi từng cảm thấy rất tự tin, nhưng thực sự cơ điểm đều là sai, là vì lúc đó tôi cảm thấy mình giỏi hơn người khác ở một khía cạnh nào đó, còn khi cảm thấy không bằng người khác thì liền ghen tị. Sau khi nhận ra và buông bỏ nhận thức sai lầm này, tôi mới phát hiện bản thân thật sự rất thiếu tự tin, nguyên nhân là do tôi thiếu hụt rất nhiều đức tính tốt bên trong, như tính tự kỷ luật, sự tập trung, bình tĩnh, nhẫn nại, kiên cường, cần cù, v.v. Sau đó tôi phát hiện khi tôi đề cao từng chút một về những phương diện này, thì sự tự tin mới dần dần tăng lên. Ví dụ, sự tự tin tăng lên vì không còn nóng giận hoặc sự tự tin tăng lên vì làm việc cẩn thận và tập trung hơn, v.v. Tôi cho rằng đây mới là nhận thức đúng đắn về “tự tin”. Theo hiểu biết của tôi, tự tin là do đạt được sự tiến bộ trên con đường phấn đấu để trở thành một người tốt hơn, đối với người tu luyện thì nó chính là đề cao tâm tính mang lại.

Khả năng chú ý

Tâm khoa trương còn dẫn đến thiếu tập trung, làm việc qua loa, cũng là kiểu làm việc hời hợt của văn hoá đảng, đi theo hình thức. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa đằng sau điều này còn do dục vọng tham lam quá mức, ví như một mực muốn đạt được những mục tiêu lớn nhưng không thực tế, thích việc lớn hám công to, chỉ dán mắt vào những chuyện lớn cùng những thành quả khiến bản thân phấn khích và xem thường những việc nhỏ bé bình thường, tiểu tiết, từ đó dễ dẫn đến làm việc loa qua đại khái hoặc làm bừa.

Trước đây, khi sự việc gặp bất lợi hoặc rắc rối, niệm đầu tiên của tôi là bực bội, nghĩ rằng lại phải mất thêm thời gian, vì vậy khi xử lý luôn mang theo tâm thái ứng phó, thay vì để rèn luyện những thói quen tốt như chăm chỉ, nhẫn nại, cẩn thận, v.v. Vì tôi làm việc cẩu thả, không dụng tâm nên thường xuyên khiến người thân tức giận.

Từ nhỏ tôi học tập cũng qua loa đại khái, chỉ muốn ghi nhớ các câu hỏi của đề ôn thi và trả lời sao cho đúng, chứ không thực sự hiểu bài hay học được kiến thức. Đây chính là chủng tâm khoa trương làm việc hời hợt dẫn đến.

Rất nhiều đồng tu đều nói rằng, khi học Pháp họ có loại tâm hoàn thành nhiệm vụ, đi theo hình thức, kỳ thực đằng sau nó cũng là loại tâm khoa trương này. Tôi phát hiện sau khi hình thành thói quen khoa trương, muốn thay đổi cũng không thể thành công trong một sớm một chiều, có lẽ khoa trương cũng là một chủng vật chất. Ngay cả khi đối với học Pháp – việc mà tôi coi trọng nhất, tôi cũng thường bị phân tâm và chạy theo hình thức. Hiện tại về phương diện này tôi đã coi trọng và đề cao hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn cần rất chú ý nếu không vẫn sẽ phân tâm.

Biểu hiện trong các đồng tu

Trong các đồng tu xung quanh tôi cũng có một số người không biết hướng nội tìm vì tâm khoa trương, tôi muốn đưa ra một vài ví dụ, hy vọng mọi người xem nó như đôi điều nhắc nhở. Điển hình của tâm khoa trương là không hiểu người khác và cũng không hiểu chính bản thân mình.

Có đồng tu luôn nói rằng cô ấy hướng nội tìm nhưng tìm không ra vấn đề, cũng không biết tìm thế nào, nói rằng bản thân thật ngu ngốc. Đồng tu này khi giao tiếp với người khác thường không hiểu suy nghĩ của người khác, những lời nói ra có chút giống như thuyết giáo, thường không liên quan với tâm lý thực tế của đối phương, khiến người ta không muốn nghe, một số quan niệm biểu hiện cho thấy sự cố chấp, hạn hẹp và không viên dung. Kỳ thực đồng tu này đến bản thân mình cũng không hiểu, càng không nói đến việc hiểu người khác. Tôi cho rằng, cũng là bị tâm khoa trương cản trở, không cảm nhận được một cách chi tiết, sâu xa cũng như động cơ của những hoạt động trong nội tâm, v.v, mà chỉ cảm nhận được một cách hời hợt trên bề mặt và khá nông cạn. Tuy nhiên, những ưu điểm về phương diện tâm tính của đồng tu này cũng rất nhiều, cô ấy chịu khổ rất giỏi, rất cần cù, không có quan niệm hiện đại, chỉ là không giỏi trong việc hiểu rõ bản thân và người khác. Cá nhân tôi cũng có vấn đề này, người nhà thường nói tôi hoàn toàn không hiểu bản thân, thực ra hiện tại cũng chỉ là tiến bộ hơn trước đây chứ tôi vẫn cần đề cao rất nhiều.

Tôi nhận ra, hiểu được bản thân cũng không phải là điều dễ dàng, mà còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự quan sát kỹ càng và tự suy ngẫm. Đôi khi nó còn đòi hỏi cần làm việc một cách chậm rãi và tỉ mỉ, cũng giống như làm bất kỳ việc gì khác, cũng cần dụng tâm, nếu mang tâm thái làm qua loa đại khái thì làm cũng không được tốt.

Có vị đồng tu khi giao tiếp với người khác, đôi khi thường hiểu sai ý của người khác vì không kiên nhẫn lắng nghe, bản thân thao thao bất tuyệt chứ không nghe đối phương nói. Khi nói cũng cao giọng, nghe rất hùng hồn, mặc dù đôi khi cũng làm khích động lòng người nhưng lại thiếu sự bình hoà và điềm tĩnh, tôi cảm thấy trong đó có sự khoa trương của văn hoá đảng. Đồng tu này thực ra rất tinh tấn và cũng có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là tâm cứu người khiến người khác phải cảm động. Trước đây tôi cũng thường hiểu lầm ý người khác, kỳ thực là do tôi quá hấp tấp, không biết chậm lại để quan sát và lắng nghe, tâm mục đích mạnh, không có thói quen kiên nhẫn. Hiện tại sau khi dần dần tu sửa, tôi đã càng ngày càng ít hiểu lầm người khác hơn.

Ngoài ra còn có đồng tu trong nhiều năm rất dễ nổi nóng, luôn nói bản thân vốn nóng tính, rất coi trọng điều này nhưng lại không sửa được. Tôi cho rằng, thực ra đồng tu này có một số vấn đề cụ thể về phương diện tâm tính, nhưng lại bị chủng tâm khoa trương cản trở, không tiếp tục suy xét sâu hơn, dẫn đến nóng nảy và gấp gáp, nói đi nói lại thì cũng chỉ tìm ra là do nóng tính, hấp tấp, chính là dừng lại ở đây.

Bên trên là một số thể hội gần đây của tôi sau khi nghiêm túc suy xét lại nội tâm, cùng chia sẻ với các đồng tu. Nếu có chỗ chưa thích đáng mong được từ bi chỉ chính.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/287424



Ngày đăng: 31-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.