[Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc] Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (4): Thuận Thiên ý Đế Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn
[ChanhKien.org]
1. Đế Nghiêu tìm người thừa kế
Đế Nghiêu biết rằng con trai mình là Đan Chu không đủ đức tài để kế thừa ngôi vị, vì vậy ông thường để tâm tìm kiếm người kế thừa ngôi vị của mình.
Lã Thị Xuân Thu ghi lại rằng, Đế Nghiêu đã nhường ngôi cho Tử Châu Chi Phụ (họ Tử tên Châu, tên tự là Chi Phụ), nhưng Tử Châu Chi Phụ đã khéo lời từ chối.
Cao Sĩ Truyện ghi chép rằng, Đế Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do, nhưng ông đã thoái thác, nói mình muốn “tu thân dưỡng tính, không màng thế sự”.
Đế Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Sào Phụ, Sào Phụ cũng không nhận.
Đế Nghiêu lại nhường ngôi vị cho Bồ Y Tử, Bồ Y Tử nói: “Ngài chớ quá lo nghĩ, hiền nhân sớm đã chuyển sinh xuống thế gian, không bao lâu nữa có thể gặp được người đó”.
Đế Nghiêu hỏi Tứ Nhạc rằng ai có thể kế thừa đế vị, Tứ Nhạc tiến cử Thuấn.
2. Tuổi thơ gian khó
Cách huyện Bình Dương ở Ký Châu vài trăm dặm về phía Tây Nam có một ngôi làng nho nhỏ gọi là Diêu Khư, trong đó một gia đình họ Ngu là hậu duệ của Chuyên Húc. Thuấn sinh ra ở gia đình này.
Theo Sử ký, phụ thân của Thuấn là Cổ Tẩu, mẫu thân là Ốc Đăng.
Thuấn tên là Trùng Hoa, truyền thuyết nói rằng vì mắt ông có hai đồng tử nên mới được đặt tên này, còn Thuấn là thụy hiệu. Sách Thụy pháp viết rằng: “Nhân Thánh Thịnh Minh viết Thuấn”, nghĩa là: “Đấng quân vương có bốn đức là Nhân, Thánh, Thịnh, Minh đặt thụy hiệu là Thuấn”.
Cổ Tẩu và Ốc Đăng sinh được hai người con trai, Thuấn là người con thứ hai, sinh tại Diêu Khư, nên lấy họ Diêu. Từ nhỏ thông minh cơ trí, là người con thứ hai, cho nên ông cũng được gọi là Trọng Hoa.
Theo Trúc thư kỷ niên ghi chép: “Mẹ Thuấn là Ốc Đăng, thấy cầu vồng lớn trong lòng rung cảm, rồi sinh Thuấn tại Diêu Khư. Mắt Thuấn có hai đồng tử, nên tên là Trùng Hoa”.
Ngoài ra, trên người Thuấn còn có rất nhiều chỗ khác thường: lòng bàn tay của ông có chữ giống như chữ “bao”, trán nhô ra, xương nhô cao, đầu to mà tròn, mặt đen mà vuông, mặt ngài tựa như rồng, miệng to, miệng to có thể chứa được cả một nắm đấm, mặt rồng mà xương trán gồ lên.
Lúc Thuấn hai tuổi, mẹ đẻ qua đời, cha lấy mẹ kế. Về sau mẹ kế sinh một trai một gái, con trai tên là Tượng, con gái tên là Khoả Thủ. Sau khi sinh con, mẹ kế thường xuyên đánh đập mắng chửi hai anh em Thuấn, còn kích động cha Thuấn vô duyên vô cớ trách phạt hai anh em Thuấn, hai huynh đệ thường xuyên bữa đói bữa no, anh trai Thuấn chịu không nổi sự hành hạ mà sớm qua đời.
Khi Thuấn khoảng mười tuổi, có người tu đạo tên Vụ Thành Tử chủ động dạy Thuấn và những đứa trẻ khác đọc sách. Vụ Thành Tử biết, Thuấn sau khi chịu hết khổ cực thì tương lai tất thành bậc đại khí.
Mẹ kế của Thuấn không muốn để cho Thuấn đi học, nhưng nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, Thuấn đi chăn trâu cho nhà hàng xóm, đồng thời theo Vụ Thành Tử học tập, đọc sách, viết chữ và học các đạo lý làm người, còn cả những đạo lý về thiên văn địa lý và trị quốc bình thiên hạ. Cứ như vậy ba năm Thuấn theo Vụ Thành Tử vừa chăn trâu vừa đi học. Sau đó Thuấn lại theo học Doãn Thọ Tử.
3. Hình mẫu về lòng nhân ái hiếu đễ
Trong lịch sử, Thuấn là hình mẫu về lòng hiếu đễ, năm hai mươi tuổi, ông đã nổi danh khắp thiên hạ bởi lòng hiếu đễ của mình.
Thuấn sống trong một gia đình “cha không hiểu đạo nghĩa, mẹ kế ăn nói điêu ngoa, em kế kiêu căng không nghe lời”. Sử sách ghi lại rằng, cha Thuấn là người gàn dở, không phân biệt thị phi, ngoan cố, chẳng đếm xỉa đến đạo lý, hai mắt lại bị mù, nên người ta gọi là Cổ Tẩu (nghĩa là ông mù). Mẹ kế ngu muội, thâm độc tàn nhẫn, miệng nói lời không thật thà đáng tin. Người em cùng cha khác mẹ là Tượng thì hung bạo, khinh người, phóng túng, tính cách cuồng ngạo, cực đoan tự tư, lòng dạ nham hiểm. Cả ba người này đều muốn trừ bỏ Thuấn.
Thuấn nỗ lực hết mình lấy lòng khoan dung, hiếu thuận, nhân ái để xử lý tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. Đối với cha mẹ cung kính tận lễ, hiếu kính cung phụng, mặc dù cha mẹ không thích mình, nhưng từ đầu chí cuối ông vẫn không hề làm trái đạo của người làm con. Khi phụ thân của Thuấn dùng gậy nhỏ đánh ông, ông chỉ đứng bất động, khi phụ thân dùng gậy lớn đánh ông, người trong nhà muốn làm hại ông, ông liền kịp thời lánh đi, khi trong nhà có việc cần giúp đỡ, ông luôn luôn bên cạnh để cha mẹ sai việc.
“Lòng hiếu kính cảm động trời xanh” của vua Thuấn. Ảnh minh họa của “Thánh dụ tượng giải” (nguồn internet)
Sống trong nghịch cảnh, nhưng Thuấn lại có thể biểu hiện ra phẩm đức phi phàm, có thể nhẫn được điều mà người thường không thể nhẫn, đạo đức cao thượng và tấm lòng hiếu đễ trung tín mà Thuấn đã thể hiện chính là tấm gương chói lọi của nền văn hoá truyền thống Á Đông.
Một hôm, có một con chim ba chân màu đỏ xuất hiện ở sân trong nhà Thuấn, Phương Hồi nói, chim đỏ này chính là Chu Điểu, Chu Điểu là chim Thần ba chân ở Mặt Trời. Hễ có người con chí hiếu thì chim ba chân đến đậu ở trong sân. Thuấn thờ cha mẹ chí hiếu, thế nên xuất hiện loài chim này.
Bức tranh trong sách ‘Nhị thập tứ hiếu’
Lòng hiếu thuận của Thuấn cảm động trời xanh, khi ông khai hoang trồng trọt ở Lịch Sơn thì Trời sai voi giúp cày đất, sai chim giúp trừ cỏ dại, vua Nghiêu phái người đi tìm ông.
4. Dùng đức cảm hóa lòng người
Thuấn không được cha mẹ và em trai dung nạp nên phải đi ra ngoài mưu sinh. Vì Thuấn đối xử với mọi người đều khiêm tốn khoan hòa, khoan dung nhẫn nhịn, nên ông đi đến đâu cũng được mọi người hoan nghênh tôn trọng. Mỗi nơi mà ông ở, mọi người đều muốn quần tụ về nơi ông sống.
Khi Thuấn ở Lịch Sơn khai khẩn trồng trọt, liền có voi xuống núi, dùng vòi cuộn cày cuốc giúp Thuấn cày đất trồng trọt, mọi người đều thấy rất thần kỳ. Còn có cả chim bay đến giúp Thuấn trừ cỏ dại. Mọi người nói: “Ngu Trùng Hoa đã gặp nhiều nạn nên tất có hậu phúc. Voi cày bừa chim làm cỏ, chính là dấu hiệu báo trước cho hậu phúc phi phàm”. Lúc đó ở Lịch Sơn thường có hiện tượng vì tranh chấp đất đai mà đánh nhau, Thuấn chủ động lấy đất đai phì nhiêu do tự mình khai khẩn đưa cho người sức yếu lực mỏng rồi lại tự mình đi khai hoang trồng trọt ở những vùng đất cằn cỗi. Bởi sự ảnh hưởng của Thuấn mà người dân ở Lịch Sơn đã hình thành phong tục kính nhường lẫn nhau, chung sống hoà thuận, người đến Lịch Sơn khai hoang trồng trọt càng ngày càng đông, dần dần hình thành một ngôi làng lớn.
Khi Thuấn ở Lôi Trạch đánh cá, cũng có người vì tranh chấp ngư trường phát sinh tranh đấu, Thuấn liền nhường ngư trường tốt có nhiều cá cho người khác, tự mình đến những nơi mà người khác không muốn để đánh cá. Dưới sự thúc đẩy của ông, người dân ở Lôi Trạch đều nhường nhịn lẫn nhau, tranh nhau đem ngư trường tốt nhường cho người khác, không còn tranh đấu nữa.
Khi Thuấn ở Hà Tân (ở phía Bắc huyện Vĩnh Tế) làm đồ gốm, đồ gốm của người Hà Tân làm ra rất thô xấu, Thuấn dụng tâm chế tạo ra đồ gốm vừa đẹp mắt lại vừa bền, chất lượng mặt trong mặt ngoài đều như nhau. Thợ làm gốm đều theo ông học tập, vì thế mà đồ gốm Hà Tân làm ra không còn thô xấu nữa mà đã rất tinh tế.
Ở đâu Thuấn cũng nghĩ vì người khác, khoan dung nhẫn nhịn, dùng đức cảm hoá người đời. Sách Thượng Thư – Đại Truyện kể rằng: “Thuấn không trèo mà cao, không đi mà đến được nơi xa”. Rất nhiều người mộ danh mà chuyển tới nơi Thuấn ở. Thế là, chỗ Thuấn ở sau một năm liền thành một ngôi làng nhỏ, sau hai năm liền thành một thị trấn nhỏ, sau ba năm liền thành một thành thị có rất nhiều cư dân.
5. Được tiến cử là người thừa kế Đế Nghiêu
Khi Thuấn 30 tuổi, Đế Nghiêu đang tìm khắp thiên hạ nhân tài có đủ tài đức để có thể truyền ngôi, Tứ Nhạc tiến cử Thuấn.
Một đêm Thuấn nằm mộng, mơ thấy tóc của mình dài đến tận thiên thể, lông mày cũng dài đến tận thiên thể. Khi ông còn chưa hiểu ý nghĩa là gì thì có người chúc mừng, nói: “Tóc mọc dài tận trời ý chỉ là vương đế đó; lông mày thấp hơn tóc một bậc, mà lông mày dài đến tận trời, là nói dù thấp hơn một bậc, nhưng quyền lực ngang bằng với đế vương. Không chừng Đế Nghiêu muốn dùng ông!” Thuấn nói: “Kẻ thất phu như tôi không dám vọng tưởng.”
Vài ngày sau, Đế Nghiêu phái người đi tìm Thuấn, sau đó Đế Nghiêu triệu kiến Thuấn.
Theo sách Tuân Tử – Nghiêu Vấn ghi chép, vua Nghiêu hỏi Thuấn: “Ta muốn có được thiên hạ, thì phải làm thế nào?”
Thuấn trả lời rằng: “Chuyên tâm chính sự không để sai sót, việc nhỏ cũng không trễ nải, trung tín không suy suyển, thế thì thiên hạ tự đến. Chuyên tâm bền lâu như trời đất, làm việc nhỏ như nhật nguyệt không ngừng vận động, trung thành ở trong nội tâm, biểu hiện ra bên ngoài, hiển hiện ra bốn biển, như thế thì thiên hạ chỉ ở trong một góc của người đó. Thế thì có gì đáng phải giành đâu”.
Đại ý nói, chuyên tâm vào việc chính sự mà không có sơ suất, làm việc nhỏ cũng không giải đãi, trung thành thủ tín mà không chán nản, như thế người trong thiên hạ sẽ tự biết quy thuận, vậy đâu cần biện pháp đặc thù nào để thu hút người dân, khiến dân quy phục?
Sau đó Thuấn đề ra lý niệm trị quốc của mình là phụng Thiên, cai quản đất đai và quan tâm bách tính.
Đế Nghiêu hết sức hài lòng, gả hai con gái cho Thuấn, thông qua hai cô con gái mà quan sát phẩm đức nội tại của Thuấn. Còn để chín người con trai của mình kết giao với Thuấn, để quan sát tài cán và cách xử thế của Thuấn. Đế Nghiêu cấp cho Thuấn một bộ y phục vải mịn, cho ông một cây đàn cầm, còn cấp cho ông trâu và dê.
Sau khi kết hôn Thuấn đưa hai con gái của vua Nghiêu đến ở tại ngôi nhà bên bờ sông Quy. Thuấn vẫn phụng dưỡng phụ mẫu như trước, yêu thương em trai, em gái, thậm chí càng thêm phần kính cẩn. Hai người con gái của vua Nghiêu cũng không có lòng kiêu ngạo, giữ trọn đạo làm vợ.
Nhìn thấy Thuấn hiển vinh như thế, cha mẹ Thuấn lại sinh tâm tật đố, lại giận dữ. Tượng còn muốn chiếm đoạt những tài sản đó. Ba người bọn họ lại muốn hãm hại Thuấn. Thế là họ nghĩ ra một kế, để Thuấn đi sửa mái kho lúa, sau đó ở bên dưới châm lửa đốt kho. Hôm đó Thuấn mang theo hai cái mũ rộng vành, khi lửa cháy, Thuấn hai tay giữ mũ bay xuống khỏi kho lúa, an toàn rời đi.
Kế này không thành họ lại bày kế khác, họ bảo Thuấn thau rửa giếng nước, đợi khi Thuấn xuống đáy giếng, họ lập tức đổ lấp đất đá vào giếng, con gái thứ hai của Đế Nghiêu đưa cho Thuấn áo bách long, Thuấn mặc áo bách long đào một cái lỗ nằm ngang mà chui ra, thoát khỏi được nạn này.
Sau sự việc đó, Thuấn vẫn phụng dưỡng cha mẹ, yêu thương các em giống như trước. Vì lòng hiếu thảo thành tâm của Thuấn, mà cuối cùng đã khiến cho phụ mẫu tỉnh ngộ, Tượng cũng dần dần cải tà quy chính.
6. Trải qua khảo nghiệm chính trị
Thông qua khảo sát, Đế Nghiêu thấy Thuấn sống với người nhà cũng như xử thế hết thảy đều biểu hiện là một vị hiền giả, thế rồi Đế Nghiêu bổ nhiệm Thuấn nhận chức Tư đồ để khảo nghiệm năng lực xử lý đại sự trong thiên hạ của ông.
Ban hành và thực thi Ngũ điển: Đế Nghiêu giao Thuấn đảm nhiệm chức vụ Tư đồ, việc đầu tiên phải thực hiện chính là phổ biến Ngũ điển giáo hóa, cẩn thận chỉnh lý năm loại luân lý đạo đức đó là: cha nghĩa, mẹ từ, huynh hữu, đệ cung, con hiếu. Thuấn phổ biến Ngũ điển giáo hóa, có hiệu quả rõ ràng, dân chúng đều có thể tự giác tuân thủ, thiên hạ an bình, bách tính hòa thuận.
Việc thứ hai, Đế Nghiêu bổ nhiệm Thuấn làm Tư không, điều hành các sự vụ trọng yếu trong thiên hạ, quản lý bá quan. Các loại sự tình phức tạp khó xử Thuấn đều xử lý rất trật tự rõ ràng, bá quan vui mừng thuận theo.
Việc thứ ba là để Thuấn tiếp đãi chư hầu bốn phương, tứ môn trang nghiêm. Việc này cũng được Thuấn thực thi rất trang trọng, tôn nghiêm, tuân theo lễ nghĩa.
Việc thứ tư là phái Thuấn đến các nơi xem xét, khảo sát tình hình lũ lụt. Ở nơi rừng hoang nước độc, sông sâu đầm lầy, khí hậu dị thường, cuồng phong bạo vũ bất chợt, một chút bất cẩn có thể mất đi phương hướng, còn có mối nguy độc xà mãnh thú tấn công. Một hôm, Thuấn cùng một nhóm người đến khu rừng già ít người lui tới, đầu tiên họ gặp một đàn sói, ai nấy đều hoảng sợ. Khi Thuấn bước lên trước thì cả đàn sói đều quay đầu trốn vào trong rừng. Sau đó lại gặp ba con mãnh hổ, hổ đực trông thấy đám người liền gầm lên một tiếng khiến mọi người càng kinh hãi, Thuấn đi về phía trước nói với mãnh hổ: “Chúng ta phụng mệnh Thiên tử, tới nơi này khảo sát hồng thủy, muốn cứu nguy cho muôn dân, không ngờ lại gặp ngươi. Ngươi hãy nhanh trở về động, không được ở đây cản trở đường đi, đe dọa người đi đường.” Hổ đực dẫn hổ cái, ngậm hổ con, quay mình rời đi. Về sau, Đế Nghiêu nghe kể lại sự tình này, nói: “Đây không phải là Thiên Thần che chở, thì chính là thành tâm cảm hoá vạn vật”. Trong lúc giông bão sấm sét, Thuấn không mất đi phong thái, không lạc lối, ở trong các loại tình huống phức tạp khôn lường vẫn có thể giữ được điềm tĩnh, thong dong trấn định, xử lý thích đáng hết thảy vấn đề.
Hình vẽ vua Thuấn trên gạch nung thời Hán.
7. Công trạng thành lập giáo dục truyền đến vạn đời sau
Theo ghi chép, thời Nghiêu, Thuấn đã có cơ cấu giáo dục chuyên môn, có thể nói là hình thức sơ khai nhất của trường học.
Sách Lễ ký – Vương Chế viết rằng: “Ngu Thuấn nuôi dưỡng quốc lão tại Thượng Tường, nuôi dưỡng thứ lão tại Hạ Tường”. Sách Lễ ký – Minh Đường Vị viết: “Kho gạo, là Tường của Ngu thị”. Tường là chỉ nơi dưỡng lão. Thời Nghiêu, Thuấn lấy kho lúa dùng làm nơi dưỡng lão.
Trong các bậc lão niên có người là bề tôi trong triều, có người là dân thường, người già là bậc bề tôi trong triều được nuôi dưỡng ở Thượng Tường, người già là dân thường được nuôi dưỡng Hạ Tường. Những người già đều là những người trải qua sự đời, rất có kinh nghiệm. Thế nên, trẻ nhỏ được tập trung về đây, rồi mời các bậc trưởng giả ở đây truyền thụ tri thức và kinh nghiệm cho chúng. Kể từ đó, kho gạo vừa mang thêm chức năng trường học, một công đôi việc, vừa giữ được tác dụng dưỡng lão, lại tăng cường chức năng truyền thụ tri thức, trường học chuyên môn thời cổ đại chính là được ra đời như vậy.
Đến thời Tây Chu về cơ bản vẫn noi theo phương thức kết hợp giáo dục và dưỡng lão thời Nghiêu, Thuấn.
Thông qua phổ biến Ngũ điển giáo hóa, khởi xướng “Cửu đức”, thành lập giáo dục, Thuấn đã đặt định ra văn hoá truyền thống với đạo đức làm trung tâm. Sử ký viết: Thiên hạ hiểu rõ tác dụng của đức, đều bắt đầu từ Ngu Thuấn”. Hiếu với phụ mẫu, trung với quân chủ, làm lợi cho dân, thiên hạ là của chung, Thuấn đã dựng nên một tấm bia sáng ngời về đạo đức truyền thống cho các dân tộc Trung Hoa và khu vực Á Đông.
8. Ngu Thuấn nhiếp chính
Trải qua tôi luyện và khảo nghiệm, Đế Nghiêu cho rằng Thuấn nhân từ, có đức, có trí huệ, có tài năng, có thể truyền lại thiên hạ cho Thuấn.
Thuấn thoái thác nói rằng ông đức hạnh còn chưa đủ, nhất định không chịu. Lúc bấy giờ, Đế Nghiêu tuổi tác đã cao, cũng cần có người hiệp trợ, Đại Tư Nông kiến nghị Thuấn tạm thời làm Thái úy nhiếp chính. Ý tứ của từ “uý” trong từ “Thái úy” tức là yên ổn từ trên xuống dưới, hi vọng ông có thể an định muôn dân.
9. Xuất hiện Hà đồ, Ngu Thuấn nhận ngôi
Theo Trúc thư kỷ niên ghi chép: “Đế Nghiêu tại vị bảy mươi năm, phượng hoàng đậu ở trong sân, cỏ chu mọc, mạ nhiều đòng tươi tốt, nước cam lộ tưới đất, suối rượu ngọt vọt ra, Mặt Trời Mặt Trăng tựa như hợp lại, ngũ tinh xếp liền thành dải như chuỗi hạt châu. Trong nhà bếp lại tự sinh ra thịt, thịt ấy mỏng như cái quạt nan, lay động thì có gió sinh ra, khiến thức ăn lạnh đi mà không hôi thối, người ta gọi thứ thịt ấy là “sáp phủ” (tức thịt quạt)”. Đế Nghiêu cho rằng đó là công lao của Thuấn, chuẩn bị đem thiên hạ truyền cho. Thế rồi Đế Nghiêu tắm rửa trai giới, lập đàn bên dòng sông Hà, sông Lạc, thành kính cầu nguyện Thượng Thiên, lựa chọn ngày tốt, dẫn Thuấn cùng lên núi Thú Sơn, để cầu được sự khai thị của Thần.
Đế Nghiêu và Thuấn cùng nhau lên núi Thú Sơn tại bờ sông Lạc, đoàn của Đế Nghiêu trông thấy năm vị lão niên đang du ngoạn. Các lão ông ai cũng mày to đầu lớn, y phục khác hẳn với thường nhân, thần thái cử chỉ phi phàm. Họ rất vui mừng, vừa nhảy múa vừa ca hát. Có một vị lão niên cao giọng hát: “Hà đồ sẽ đến, nên đến đây báo cho vua chờ đợi”. Vị lão niên thứ hai hát tiếp: “Hà đồ sẽ đến, nên đến đây báo cho vua mưu tính”. Vị lão niên thứ ba hát tiếp: “Hà đồ sẽ đến, nên đến đây báo cho vua nhận”. Vị lão niên thứ tư cao giọng hát tiếp: “Hà Đồ sẽ đến, nên đến đây báo cho vua dấu hiệu”. Vị lão niên thứ năm cao giọng hát tiếp: “Long mã ngậm giáp, rùa cõng Lạc thư, ngọc trắng làm dấu, bùn đỏ niêm phong”. Họ nói với nhau rằng: “Hà đồ sẽ nói cho vua thời gian, người biết chúng tôi là Trùng Đồng Hoàng Diêu”. Ngũ lão hát xong, phút chốc hóa thành năm Sao Băng, hào quang rực rỡ, bay về phía chân trời, phương vị nằm ở cung Sao Mão. Hiện nay phía Tây Nam huyện Ngu Thành, thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam có núi Ngũ Lão.
Quân thần Đế Nghiêu thảy đều giật mình, Đế Nghiêu hỏi Thuấn: “Năm vị cao niên này nói khanh biết họ, họ rốt cuộc là Thần linh nào?”
Thuấn đáp: “Tối hôm qua thần quan sát sao trời, phát hiện ngũ tinh Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ trên trời đột nhiên không còn, quả là kỳ lạ, hoá ra họ cùng nhau hạ phàm tới đây du ngoạn. Theo thần thấy thì, năm vị lão niên này nhất định là tinh phách ngũ tinh biến thành”.
Đế Nghiêu nói: “Họ nói Hà đồ sẽ tới, chắc hẳn ở sông này sẽ xảy ra điều thần kỳ”. Thế là Đế Nghiêu dẫn dắt quần thần trai giới tắm rửa, lệnh cho Thái sử chọn ngày lập đàn tại bờ sông Thúy Quy, và chọn được thời gian hành lễ là vào rạng sáng ngày Tân Sửu tháng Hai.
Hoa văn trên hành lang ở Di Hoà Viên tại Bắc Kinh: “Ngũ lão xem Hà đồ”
Đến rạng sáng ngày Tân Sửu, sau mấy ngày trai giới tắm rửa, Đế Nghiêu cùng quần thần đi lên đàn tế lễ, cảnh tượng long trọng trang nghiêm. Đế Nghiêu đem một khối bạch ngọc thả xuống dòng sông, để làm lễ đối với thiên địa Thần linh. Hành lễ xong, mọi người xuống đàn nghỉ ngơi một lúc, rồi lại lên đàn chờ Hà đồ đến. Vào thời khắc đó, bầu trời sáng lên, dõi mắt nhìn về nơi xa thấy nước sông cuồn cuộn không thôi. Sau khi Mặt Trời lên cao được ba sào, chợt thấy dưới sông phát ra một quầng sáng ngũ quang thập sắc, sáng chói cả mắt. Không lâu sau, mọi người thấy trong sông lộ ra một làn khí trong mịt mù, như khói như mây, như tơ như bông, như xa như gần, hoà lẫn cùng quầng sáng lấp lánh kia, trong chớp mắt, ngập tràn khắp trời đất. Qua một lúc sau, một làn mây trắng bao quanh trên núi dâng lên rồi bay thẳng lên bầu trời, che phủ vạn dặm trời xanh. Tiếp đó cuồng phong nổi lên, cây cối lay động, lập tức thiên hôn địa ám. Rồi chợt thấy nước sông cuộn trào mãnh liệt, một con rồng dài ngẩng đầu lên nhô khỏi mặt nước, mọi người tập trung nhìn vào, thì ra là một con Long mã.
Long mã trong miệng ngậm một vật màu xanh biếc, leo lên đàn tế, nhả vật trong miệng xuống, rồi lập tức quay mình nhảy xuống sông, thoáng chốc gió tan mây tạnh, trời cao xanh biếc, ánh sáng đẹp tươi sáng trong lành trở về như trước. Đế Nghiêu dẫn quần thần tiến lên quan sát, thì ra đó là một hộp ngọc, hình dạng rất giống mai rùa, lưng rộng chín thước, trên thân hộp có màu vàng kim, được buộc lại bằng dây ngọc màu xanh. Đế Nghiêu sai người mở ra, quả nhiên là bức Hà đồ, phía trên ghi chép rõ ràng vị trí của tinh tú nhật nguyệt trên trời, mạch lạc của núi sông ở dưới đất, đại số về thay đổi đế vương ở thế gian, cuối cùng còn viết “Khải sắc thụ Đế Thuấn, Ngu đương thụ thiên mệnh” (Trao đế mệnh cho Thuấn, Ngu nhận mệnh Trời).
Theo Thượng thư – Trung hậu ác hà kỷ ghi chép: “Đế Nghiêu tại vị bảy mươi năm, ngày Giáp tháng Trọng Hạ, đến nơi của Hậu Tắc để tế lễ. Tế phẩm chìm vào trong nước, lập tức, ánh sáng ngũ sắc từ sông toả ra, khí đẹp bay bốn cõi, rực rỡ lấp lánh. Mây trắng theo gió bay dần lên, Long mã ngậm hộp vào miệng, bay vọt lên trên đàn. Hình dạng hộp giống như mai rùa, dài rộng chín thước, trên có chữ viết là sau Nghiêu là Ngu, Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán nhận Thiên mệnh. Đế Nghiêu ghi chép lại, cất giữ bí mật.”
Ngày Trọng Tân tháng Hai năm sau, Đế Nghiêu lại dẫn dắt quần thần đi đến sông Lạc, lập đàn tế Thần, thả ngọc xuống sông Lạc. Tế lễ xong, lui xuống tế đàn, đến khi Mặt Trời lặn ở phía Tây, bỗng nhiên trông thấy dưới sông Lạc lộ ra một tia sáng đỏ, rồi thấy một con rùa lớn mang cuốn sách đi ra, dừng ở đàn tế, nghiêng thân một bên, vật ở trên lưng rơi vào trong đàn. Rồi con rùa lớn vẫn như cũ nhảy xuống sông Lạc mà đi. Hoá ra đó là cuốn sách làm từ mai rùa, văn tự màu đỏ, sách đó nói cần phải nhường ngôi cho Thuấn.
Đế Nghiêu nói: “Rồng ngậm Hà đồ, rùa mang Lạc thư, biểu thị thiên tượng, Thiên mệnh không thể trái!” Ý chỉ của Thần triển hiện trên Hà đồ và Lạc thư đều nói cần nhường ngôi lại cho Thuấn, cho nên Đế Nghiêu không còn do dự nữa, quyết định chọn ngày tốt nhường ngôi cho Thuấn.
Vào ngày mồng một tháng Giêng tại miếu Văn Tổ, Đế Nghiêu long trọng cử hành nghi thức nhường ngôi cho Thuấn, thay ông thi hành chính sách của Thiên tử. Đế Nghiêu vì để Thuấn toàn quyền hành sự, quyết sách độc lập, không phải việc gì cũng xin ý chỉ và cũng là để bản thân ông có thể rời khỏi chính sự, an dưỡng tuổi già, nên đã sai người xây dựng một cung điện tại Thành Dương ở phía Bắc Đào Ấp (nay là phía Đông Nam huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam) làm nơi tu dưỡng.
Thuấn sau khi tiếp nhận ngôi vị đã liệt ra bảy hạng mục chính sự (Thất chính) gồm: tế tự, ban thụy (ban ngọc phân thứ bậc tước phẩm), Đông tuần, Nam tuần, Tây tuần, Bắc tuần, quy cách nghệ tổ (tuần thú ngũ nhạc rồi về báo cáo với tổ tiên ở miếu Tổ nghệ).
10. Minh tỏ thiên tượng để trị sửa Thất chính
Thượng thư – Thuấn điển chép rằng: “Đế Thuấn xét lại cái máy toàn cơ và máy ngọc hành để cho bảy chính đi được đều hòa”. Chính là nói vua Thuấn thông qua quan sát thiên tượng để xem xét bảy hạng chính sự có phù hợp với Thiên ý không. Máy toàn cơ và máy ngọc hành là công cụ quan trắc thiên văn thời kỳ thượng cổ. Vào thời thượng cổ, đều xem việc quan trắc thiên văn, thiên tượng là chuyện quan trọng nhất, thông qua quan sát thiên tượng và sự vận hành của Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao để xem xét việc thi hành chính sự đúng hay sai, có phù hợp với Thiên đạo không. Lấy Thiên đạo soi xét sự việc của con người, đạt đến “Hợp với đức của trời đất, hợp với thứ tự bốn mùa”, khiến hành vi của bản thân không lệch khỏi Thiên đạo. Đây chính là lý niệm “Thiên nhân hợp nhất” của văn hóa truyền thống Á Đông.
11. Thái Sơn phong thiện
Thuấn sau khi tiếp nhận ngôi vị thi hành chính sách của Thiên tử và tuần sát bốn phương, việc đầu tiên cần làm chính là cúng tế thiên địa, nhật nguyệt tinh tú và Thần các phương. Tháng Hai, vua Thuấn tuần sát phương Đông, đến Thái Sơn, sau khi trai giới tắm gội liền cử hành Thái Sơn phong thiện, tức cử hành nghi thức quy mô lớn cúng tế thiên địa, báo cáo lên Trời. “Phong”, chính là tế Trời, “thiện”, chính là tế Đất.
Nghi thức cúng tế trang nghiêm long trọng, đầu tiên là tế bái thiên địa, thành kính cảm ân Hoàng Thiên Hậu Thổ, cáo lên Sáng Thế Chủ rằng đã nhận mệnh Trời. Sau đó cúng tế nhật nguyệt tinh tú. Tiếp theo đốt củi lửa, ánh lửa bừng bừng chiếu sáng khắp cả trời đất, đồng thời chuông trống vang rền, có vũ công nhảy múa theo âm nhạc, ngợi ca Thiên đế, khẩn cầu Thượng thiên phù hộ. Toàn bộ nghi thức cúng tế rất trang nghiêm thần thánh.
Sau đó dùng nghi thức dao tế để bái vọng cúng tế danh sơn đại xuyên các nơi.
Thái Sơn phong thiện từ xưa đến nay, Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… đều từng lên núi Thái Sơn cử hành lễ phong thiện, cáo lên Trời, đáp tạ ơn được “nhận mệnh Trời”.
Tiếp theo, Đế Thuấn triệu kiến các chư hầu phương Đông.
Ngu Thuấn sau khi trở thành Thiên tử, sửa đổi và hoàn thiện các chế độ ở các phương diện. Quy định thụy ngọc cùng các vật phẩm khác cho cấp bậc chư hầu là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam cầm theo khi yết kiến Thiên tử. Tức là 5 loại tín phù yết kiến Thiên tử: tước Công cầm ấn ngọc hoàn khuê, tước Hầu cầm ấn ngọc thư khuê, tước Bá cầm ấn ngọc cung khuê, tước Tử cầm ấn ngọc cốc bích, tước Nam cầm ấn ngọc bồ bích. Ông còn định ra các biện pháp thưởng phạt và định ra y phục của quan theo các tước vị, cấp bậc.
Tháng Năm, Đế Thuấn tuần sát phương Nam, đến Hành Sơn, cử hành nghi lễ tế thiên địa giống như ở núi Thái Sơn.
Tháng Tám, Đế Thuấn tuần sát phương Tây, đến Hoa Sơn, cử hành nghi lễ tế thiên địa giống như ở núi Thái Sơn.
Tháng Mười Một, Đế Thuấn tuần sát phương Bắc, đến Hằng Sơn, cử hành nghi lễ tế thiên địa giống như ở núi Thái Sơn.
Về sau cách mỗi 5 năm Ngu Thuấn tuần sát cả nước một lần. Trong bốn năm không tuần sát, các chư hầu đến hạn lại đến đế đô triều kiến, tâu bày tóm tắt những việc cai trị trong hạt để vua thử xét công trạng. Thuấn áp dụng 3 năm một lần khảo sát, 5 năm một lần tuần sát, xác định rõ quan hệ phụ thuộc giữa triều đình và chư hầu các địa phương, đặt định cấu trúc cho một thiên hạ thống nhất.
12. Thiết lập hình pháp
Thuấn để Cao Dao phụ trách tư pháp, ông cho rằng chỉ khi vạn bất đắc dĩ mới dùng đến hình phạt. Trước tiên là dùng biện pháp giáo hóa, khiến mọi người biết làm điều thiện, không làm điều ác. Khiến họ xấu hổ trước hình phạt hơn là khiến họ thấy sợ hãi trước hình phạt.
Hình luật chế định lúc ấy là: tượng dĩ điển hình, lưu hựu ngũ hình, tiên tác quan hình, bốc tác giáo hình, kim tác thục hình. Nghĩa là: lấy hình phạt vẽ làm hình phạt thông thường, hình phạt vẽ chính là hình phạt thường dùng, tức là vẽ hình lên quần áo và đồ dùng để cảnh cáo, khiến họ biết xấu hổ mà sửa đổi. Dùng hình phạt lưu đày thay thế cho ngũ hình là cắt mũi, chặt chân, xăm hình, thiến, chặt đầu, thể hiện sự khoan hồng. Đối với người trong quan phủ phạm tội thông thường chỉ đánh bằng gậy, bằng roi da, hay roi to. Đối với học trò trong học phủ không theo quản giáo chỉ đánh bằng roi mây, hay roi nhỏ. Người không có động cơ phạm tội nhưng thực tế lại phạm tội thì thuộc về phạm tội không có chủ ý, có thể thông qua hình phạt nộp tiền vào quốc khố để chuộc tội, điều này trong pháp chế sau này vẫn được sử dụng theo.
Vào thời Đế Thuấn, đã có tương đối nhiều quy định hơn về quản lý nhân sự. Sách Văn hiến thông khảo – Chức quan khảo nhất có viết: “Thời Đào Đường thị (tức Đế Nghiêu) trở về trước, việc trị sửa bá quan là việc của Trời. Từ thời Đế Ngu (tức vua Thuấn) và nhà Hạ trở về sau, việc trị sửa bá quan là việc dân sự. Đế Thuấn lấy đạo đức làm căn bản giáo hóa vạn dân, khai sáng giáo dục, thiết lập hình pháp, định kỳ tuần sát tứ phương. Hình pháp là phương thức cưỡng chế trong quản lý nhà nước, việc tăng cường hình pháp cho thấy có chức năng quản lý nhà nước trong giai đoạn này. Thời kỳ này, hệ thống quản lý giáo dục, thưởng phạt được tăng cường.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/16/3/29/n7471624.htm
Ngày đăng: 23-09-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.