Thành Cát Tư Hãn (Phần cuối): Chinh phục Tây Hạ – Lưu di sách diệt Kim – Trở về Trời trường sinh



[ChanhKien.org]

Một số người nói rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn cất trong một thung lũng tuyệt đẹp ở Sơn Dương thuộc vùng núi Burkhan Khaldun (nay là núi Kent), ngọn núi linh thiêng trong lòng ông – Thung lũng Khởi Liên (Qilian). Bức tranh núi Lang Cư Tư trong dãy núi Kent. (Tranh do Epoch Times chế tác)

Khi Thành Cát Tư Hãn dẫn theo từng xe từng xe chiến lợi phẩm và rất nhiều tù binh trở về thảo nguyên Mông Cổ, thì nơi đây sôi động hẳn lên, mọi người thâu đêm suốt sáng vừa ca vừa múa, uống rượu chúc mừng.

Thế nhưng, Thành Cát Tư Hãn ngược lại không hề lãng phí thời gian vào nghỉ ngơi, sự hùng tâm tráng chí thúc đẩy ông đi đến một cuộc viễn chinh mới. Mục tiêu đầu tiên ông chọn sau khi Tây chinh trở về là nước đã phản bội mình – Tây Hạ.

Cuộc chiến diệt Hạ

Từ khi Thành Cát Tư Hãn phát động cuộc chiến trừng phạt nhằm vào nước Kim, tuy có điều ước hòa bình giữa Tây Hạ và nước Đại Mông Cổ, nhưng cũng không cách nào che đậy được sự mê muội của vua Tây Hạ, sự hủ bại của quan trường, và khí số sắp tận của Vương triều Tây Hạ. Năm 1211, Tề Vương Lý Tuân Húc phát động chính biến đoạt chính quyền, chính là Tây Hạ Thần Tông. Mặc dù ông ta muốn xoay chuyển tình hình, cũng từng muốn liên minh với nước Kim chống lại Mông Cổ, nhưng lại bị nước Kim cự tuyệt. Ông ta cũng không dám quyết đoán tự mình khai chiến với Thành Cát Tư Hãn, đành phải tiếp tục kéo dài chính sách “Phụ Mông phạt Kim”, điều này khiến trong nội bộ càng thêm bất ổn.

Năm 1217, Thành Cát Tư Hãn phái sứ giả đến, yêu cầu Quốc quân Tây Hạ đưa quân cùng Tây chinh. Hạ Thần Tông khi đó còn chưa tỏ thái độ, đại thần dưới trướng A Sa Cảm Bất đã nói: “Binh lực không đủ, làm Đại Hãn cái gì!” rồi đuổi sứ giả về. Thành Cát Tư Hãn nghe giọng điệu cuồng vọng, mỉa mai đã rất tức giận, ông thân chinh dẫn đại quân lần thứ tư phát binh tiến đánh Tây Hạ, bao vây tấn công Trung Hưng Phủ. Quân thần Tây Hạ ra sức cố thủ, nhưng trải qua hai mươi mấy ngày mà đại quân Mông Cổ cũng không chịu rời đi. Hạ Thần Tông rời thành trốn đến Linh Châu (là thành cổ nổi tiếng ở Tây Bắc, Ninh Hạ ngày nay), lệnh cho Thái tử Lý Đức Vượng cố thủ. Lý Đức Vượng chỉ còn cách sai sứ giả đi cầu hòa. Thành Cát Tư Hãn có ý định tây chinh Trung Á và Âu Châu, đồng ý buông tha Tây Hạ, dự định lúc trở về sẽ lại chinh phạt Tây Hạ.

Bởi vì Thành Cát Tư Hãn không rảnh để bận tâm đến Tây Hạ, nên chính quyền Tây Hạ vẫn tiếp tục kéo dài hơi tàn. Năm 1223, do không muốn trở thành vị vua mất nước, Hạ Thần Tông đem ngôi vị truyền cho con trai Lý Đức Vượng, là Hạ Hiến Tông. Hạ Hiến Tông quyết định sử dụng chính sách “Liên Kim kháng Mông” một lần nữa, là lần thứ hai liên minh với nước Kim, đồng thời nhân lúc đại quân Mông Cổ Tây chinh, đã liên hợp với các bộ lạc xung quanh Mông Cổ tấn công người Mông Cổ.

Sau khi Thành Cát Tư Hãn biết tin, ông đã ra lệnh cho Bột Lỗ là tướng am hiểu Hán địa Trung nguyên, tấn công Tây Hạ từ phía đông và phía tây, chiếm được Ngân Châu của Tây Hạ (thuộc Thiểm Tây ngày nay), bắt sống tướng Tháp Hải của Tây Hạ, và giết mấy vạn quân Tây Hạ, giành được hàng ngàn vạn gia súc.

Năm 1225, Thành Cát Tư Hãn tây chinh trở về đến Mạc Bắc, quyết ý triệt để chinh phục Tây Hạ. Trước khi chinh phạt, Thành Cát Tư Hãn phái sứ giả đi gặp Hạ Hiến Tông, chất vấn chuyện ngày xưa chế giễu. Hạ Hiến Tông biết đại nạn đã đến và không thể trốn tránh, liền buông lời thà rằng đánh với Mông Cổ một trận.

Vào tháng 02/1226, Thành Cát Tư Hãn phát động cuộc chiến đại quy mô, thời gian kéo dài tới một năm rưỡi. Lúc ấy Thành Cát Tư Hãn bị thương ở bắp chân do con ngựa đột nhiên hoảng sợ khiến ông bị ngã ngựa, và sau đó bị sốt, nhưng ông cũng quyết không từ bỏ.

Quân Mông Cổ chia làm hai lộ, một lộ mười vạn quân chủ lực do Thành Cát Tư Hãn tự mình suất lĩnh, đầu tiên công phá thành Hắc Thủy ở phía tây thành Oát La Hài, sau đó đánh bại Đại tướng của Tây Hạ A Sa Cảm Bất ở Hạ Lan Sơn, mùa hạ thì đến Đạt Hỗn Thùy Sơn. Một lộ quân Mông Cổ khác do Đại tướng A Đáp Xích dẫn đầu, lần lượt hạ được Cam Châu (nay là Trương Dịch – Cam Túc), Sa Châu và Túc Châu (nay là Tửu Tuyền – Cam Túc).

Mùa thu, đại quân Mông Cổ tiếp tục đánh hạ được các huyện như Tây Lương Phủ (nay là Võ Uy – Cam Túc), qua Hoàng Hà chín lần, lấy được Ứng Lý (nay là khu Sa Ba Đầu thành phố Trung Vệ); Tháng 11 mùa đông, tiến đánh Linh Châu (phía tây nam của Linh Vũ Ninh Hạ). Từ đây về sau, đại quân Mông Cổ thuận lợi công chiếm các vùng như Tích Thạch Châu, Tây Ninh, ép thẳng đến đô thành Trung Hưng Phủ của Tây Hạ.

Nhìn khí thế quân Mông Cổ như chẻ tre liên tiếp áp tới gần, Hạ Hiến Tông vì quá lo lắng mà chết, năm đó 46 tuổi. Đế vị được truyền cho cháu trai Nam Bình Vương Lý Hiển kế thừa, là mạt đế nhà Hạ. Đây là vị Hoàng đế cuối cùng của Tây Hạ.

Mùa xuân năm 1227, Thành Cát Tư Hãn thấy trước việc nhà Hạ tiêu vong là kết cục được định sẵn, ông lệnh một số quân ở lại tấn công thành Hạ Vương, còn mình dẫn quân tiến vào đất Kim, liên tiếp phá được các châu Lâm Thao (nay thuộc Cam Túc), châu Tây Ninh, châu Long Đức, và châu Đức Thuận. Đang lúc tấn công nhưng chưa phá được Phượng Tường, Thành Cát Tư Hãn không khỏi tiếc nuối nói với các chư tướng: “Nếu Mộc Hoa Lê còn tại thế, ta đã không cần phải tới đây đốc chiến!”

Mùa hạ, Thành Cát Tư Hãn quay trở về hành cung Lục Bàn Sơn tránh nóng, đồng thời phái người đến Trung Hưng Phủ chiêu hàng. Lúc này Trung Hưng Phủ đã bị quân Mông cổ vây khốn nửa năm rồi, trong thành lương thực hết mà không có viện binh, còn phát sinh địa chấn mạnh và ôn dịch. Quân lính và dân chúng nhiều người bị bệnh, khốn khổ không chịu nổi. Cùng đường mạt lộ, Hoàng đế cuối cùng của nhà Hạ đành phải quyết định dâng thành đầu hàng. Hoàng đế thỉnh cầu thư thả một tháng, để người dân ở Trung Hưng Phủ rời đi. Thành Cát Tư Hãn đồng ý.

Cũng trong thời gian đó, nước Kim một lần nữa phái Hoàn Nhan Hợp Châu, Áo Đồn A Hổ đến giảng hòa, nhưng bị từ chối. Sau khi Ai Tông của nước Kim lên ngôi, ông đã có một loạt cải cách về nội chính và ngoại giao, cũng bố trí những binh sĩ trung thành dũng cảm canh gác để đề phòng sự tấn công của quân Mông Cổ. Do đó, trong suốt một năm quân Mông Cổ ở các châu Đại Xương Nguyên, Đảo Hợp Cốc, Đồng Quan, Lan Quan, Phượng Tường, Cựu Vệ đã đánh mấy trận mà đều thua và gặp bất lợi.

Một tháng sau, Hoàng đế cuối cùng của nhà Hạ dẫn theo các đại thần cùng các lễ vật như kim ngân khí mãnh, ngựa, lạc đà,v.v, tiến về Lục Bàn Sơn đầu hàng. Lúc này, Thành Cát Tư Hãn đã băng hà tại hành cung, con trai thứ tư Đà Lôi tạm thời thống soái đội quân Mông Cổ. Hoàng đế cuối cùng của nhà Hạ sau đó bị giết. Đến  đây, Tây Hạ chính thức tuyên cáo diệt vong, mà cuộc chiến Mông Cổ diệt Tây Hạ kéo dài 22 năm cũng tuyên bố kết thúc.

Sau khi Tây Hạ diệt vong, một vị tướng Mông Cổ là Sát Hãn, xuất thân trong bộ tộc Đảng Hạng, vào thành để vỗ về binh lính và dân chúng trong thành, nên cuộc sống của người dân Tây Hạ vẫn được bảo toàn. Ý nghĩa quan trọng về sự diệt vong của Tây Hạ là khiến cho không còn lực lượng nào kiềm chế hậu phương ở phía tây và phía bắc của Mông Cổ. Mông Cổ có thể toàn tâm toàn ý Nam hạ đánh chiếm nước Kim và nước Tống.

Tượng võ sĩ Tây Hạ khai quật được ở Hắc Thủy Thành. (Ảnh: Tài sản công)

Ảnh hưởng của Tây Hạ đối với đế quốc Mông Nguyên

Mặc dù Tây Hạ diệt vong, nhưng Tây Hạ đã có ảnh hưởng tích cực đối với đế quốc Mông Cổ và triều Nguyên sau này. Đầu tiên, việc Tây Hạ tôn sùng Nho học, tôn sùng Khổng Tử, nuôi dưỡng được rất nhiều nhân tài tín phụng Nho gia. Họ ra làm quan tại vương triều Mông Nguyên, thúc đẩy sự phát triển Nho học trong đế quốc do dân tộc thiểu số kiến lập. Điều này tạo sự ảnh hưởng đối với người Mông Cổ theo cách mà người ta không nhận ra trên bề mặt. Như việc Cao Trí Diệu, cháu trai tướng quốc Tây Hạ Cao Lương Huệ, từng đề nghị với người thống trị Mông Nguyên xin hãy ưu đãi nho sĩ, bảo hộ nho sĩ. Ông còn đề nghị Hốt Tất Liệt thiết lập đài Ngự Sử và cũng được vui vẻ tiếp thu.

Tiếp theo, âm nhạc của Tây Hạ cũng có ảnh hưởng đến người Mông Cổ. Âm nhạc Tây Hạ ban đầu chịu ảnh hưởng sâu sắc của âm nhạc dân tộc Hán, sau hấp thu  tinh hoa âm nhạc của rất nhiều dân tộc như Hán, Thổ Phiên, Hồi Hột mà hình thành nên sự đặc sắc của riêng dân tộc mình. Mà người Mông Cổ, “theo như lời của Cao Trí Diệu Hà Tây, vào năm Nguyên Thái tổ thứ nhất, trưng dụng cựu nhạc của Tây Hạ”, “Nghi Phượng Ty nắm vững ba sắc thái âm nhạc tinh tế của người Hán, Hồi Hồi, và Hà Tây”.

Thứ ba, người Tây Hạ sùng bái Phật, có rất nhiều cao tăng đến Tây Hạ truyền pháp. Thông qua người Tây Hạ, người Mông Cổ mới tiếp nhận Tạng truyền Phật giáo của Thổ Phiên. Việc người Mông Cổ có thể công nhận văn hóa Tây Tạng là không thể thiếu sự thúc đẩy và ảnh hưởng của người Tây Hạ.

Đối với việc phong hiệu cho cao tăng, Tây Hạ chẳng những có Đế sư, còn có Thượng sư, Đại sư, Quốc sư, Đức sư, Nhân sư, Trung sư, Thiền sư, Đại pháp sư… người Mông Cổ kế thừa truyền thống phong hiệu Đế sư.

“Kim quang minh tối thắng Vương kinh” – Văn khắc của Tây Hạ. (Ảnh: Tài sản công)

Hồn quy Trường Sinh Thiên – Lưu lại sách lược diệt Kim 

Ngày Kỷ Sửu tháng Bảy là mùa thu năm 1227 (tức ngày 25/8 âm lịch), Thành Cát Tư Hãn đã băng hà do bị bệnh tại hành cung Tát Lý Xuyên Cáp Lão Đồ thuộc huyện Thanh Thủy của Tần Châu, hưởng thọ 66 tuổi. Năm Chí Nguyên thứ 2 (năm 1265), Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) đã đặt miếu hiệu cho ông là Thái tổ, ba năm sau đặt thụy hiệu là Thánh Võ Hoàng Đế.

Trước khi lâm chung, Thành Cát Tư Hãn nói với tả hữu: “Tinh binh quân Kim tại Đồng Quan, phía nam dựa vào Liên Sơn, phía bắc giới hạn bởi Đại Hà, khó mà phá gấp được. Nếu như mượn đường qua Tống, thì vì Tống, Kim là kẻ thù truyền kiếp, nhất định sẽ cho phép ta mượn đường, sẽ đưa quân xuống đánh đất Đường, Đặng, đánh thẳng tới Đại Lương. Kim gấp, tất trưng dụng binh ở Đồng Quan. Nhưng với quân số đông mấy vạn, ngàn dặm đi viện binh, người ngựa mệt nhọc, mặc dù đến nhưng không thể chiến đấu, phá nó tất được”, tức là phải mượn đường Nam Tống, vòng qua Đồng Quan để diệt Kim.

Tin tức Thành Cát Tư Hãn băng hà sau khi nước Hạ đầu hàng mới được tuyên bố, linh cữu của ông do một cỗ xe chiến đơn giản chở về thảo nguyên Mông Cổ. Có người nói ông được mai táng ở Sơn Dương — một thung lũng phong cảnh tú lệ trên Thánh Sơn Bất Nhi Hãn Hợp Đôn của ông (nay là núi Kent), dùng xe kéo tay vào trong cốc, nhưng cho đến tận ngày nay, không ai có thể tìm thấy lăng mộ của ông. Nghe nói, có một ngàn binh lính từng cưỡi ngựa giẫm đạp trên mộ của ông, để xóa đi hết thảy vết tích. Mặc dù không biết ông được mai táng ở chỗ nào, nhưng chính như Khâu Xử Cơ đã từng nói, Thành Cát Tư Hãn nhất định là sau khi hoàn thành sứ mệnh, đã quay trở về Trường Sinh Thiên rồi.

Vấn đề người thừa kế

Trước khi Thành Cát Tư Hãn dự định chinh phạt Hoa Lạt Tử Mô, một người thiếp tên là Dã Toại đã nhắc đến vấn đề người thừa kế, nàng dâng tấu nói: “Vạn vật trên đời đều vô thường (không tồn tại mãi), một khi thân thể đại thụ của Ngài đột nhiên khuynh đảo, những người dân trăm họ đang đoàn kết vững chắc kia sẽ giao cho ai chưởng quản? Trong tứ tử kiệt xuất của Ngài, Ngài giao phó cho ai?” Thành Cát Tư Hãn rất tán thành, cho tổ chức hội nghị Hốt Lý Lặc Đài, trước tiên hỏi cách nhìn nhận của bốn người con.

Trưởng tử Truật Xích cùng thứ tử Sát Hợp Đài cùng đề cử người em trai thứ ba là Oa Khoát Đài kế thừa Hãn vị. Thành Cát Tư Hãn lại hỏi ý kiến Oa Khoát Đài, Oa Khoát Đài nguyện ý dốc hết năng lực của mình đảm nhận. Thành Cát Tư Hãn quay qua hỏi tứ tử Đà Lôi. Đà Lôi nói: “Con nguyện ở bên cạnh vị huynh do Phụ Hãn chỉ định, đem việc huynh quên nhắc cho huynh biết, đánh thức huynh khi huynh ngủ. Làm người đồng hành theo lệnh của huynh, làm cây roi dài thúc ngựa. Con sẽ luôn kịp thời đáp khi huynh gọi, tiến lên không lạc đội ngũ. Con nguyện cùng huynh đường dài chinh chiến và nguyện chiến đấu hết mình vì huynh ấy.”

Thành Cát Tư Hãn sau khi cân nhắc suy nghĩ kỹ, đã định ra người thừa kế. Người có tính cách tương đối cẩn thận, có khả năng chính trị xuất chúng, lại là người ôn hòa Oa Khoát Đài sẽ thành người kế nhiệm Đại Hãn.

Nguyên Duệ Tông Đà Lôi cùng Hiển Ý Trang Thánh Hoàng hậu Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni. (Ảnh: Tài sản công)

Thời đại sau Thành Cát Tư Hãn

Khi Thành Cát Tư Hãn băng hà, Oa Khoát Đài đang trên đường chinh chiến, nên tạm thời do Đà Lôi giám quốc. Tháng 8 năm 1229, trong đại hội Hốt Lý Lặc Đài, Oa Khoát Đài được đề cử làm Đại Hãn Mông Cổ, chính thức kế vị. Ông tuân theo di mệnh của phụ thân, liên kết Tống quốc công phá nước Kim, tiếp tục mở rộng cương thổ, tiêu diệt hoàn toàn nước Kim, chinh phục toàn bộ Hoa Bắc và khu vực Trung Á. Về mặt nội chính, ông trọng dụng Gia Luật Sở Tài quản lý Hoa Bắc và khu vực Trung Nguyên, đề bạt người Hán làm quan, chỉnh đốn nội trị, củng cố cơ sở thống trị của nước Đại Mông Cổ, làm nền tảng cho con trai của Đà Lôi là Hốt Tất Liệt xưng đế, và tiêu diệt Nam Tống sau này.

Ngoài ra, sau lần thứ nhất Tây chinh, quân đội Mông Cổ lại tiến hành Tây chinh lần thứ hai trong khoảng thời gian từ năm 1235 đến năm 1242, được các tướng cầm quân như Tốc Bất Đài, Bạt Đô, Quý Do, Mông Kha cùng Bất Lý v.v. Lần Tây chinh này đã chinh phục Kiev Ross, vương quốc Allan và Bulgaria. Quân đội Mông Cổ thậm chí đã tiến tới vùng đất Ba Lan và Hungary, cũng đánh thắng được liên quân của vương quốc Ba Lan và Germanic (tổ tiên của người Đức và Anh), và quân Hungary.

Từ năm 1252 đến năm 1260 quân Mông Cổ tiến hành Tây chinh lần thứ ba, quân Mông Cổ chinh phục được Tây Á, tận đến các nước khu vực Levant (thuộc phía đông Địa Trung Hải), bao gồm nước Mộc Lạt Di, vương triều Ba Cách Đạt A Bạt Tư (Baghdad Abbas) cùng vương triều A Vưu Bố ở Syria, sau đó thành lập Y Nhi Hãn quốc.

Người Mông Cổ ba lần Tây chinh, vượt qua đại lục Á Âu, thậm chí đánh tới một dải gồm Nga, Ba Lan, Hungary, khiến Châu Âu chấn động. Cống hiến lớn nhất của cuộc Tây chinh này là, phía đông bắt đầu từ Thái Bình Dương, phía tây đến biển Baltic, phía nam đến vịnh Ba Tư. Kim bài của Đại Hãn Mông Cổ có thể chạy khắp các nơi, các con đường bị tắc trước đây đều có thể khai thông. Giao thương giữa đại lục Á Âu vào triều Nguyên đã được tăng cường thêm một bước, có thể nói là một thời cực thịnh. Một phương diện của mối kết giao này được thể hiện trong việc lượng lớn thư tịch về thiên văn, lịch pháp, toán học, y học của Ba Tư, Ả rập, v.v được truyền vào Trung Quốc; một phương diện khác được thể hiện ở chỗ các loại thương phẩm như thuốc nổ cùng các loại kỹ thuật công nghệ, tơ lụa v.v, của Trung quốc tiến vào Châu Âu.

Mối kết giao này làm cho các phương diện như khoa học kỹ thuật ở phương Đông và phương Tây được giao thoa lẫn nhau, tiến thêm một bước thúc đẩy văn hóa phương Đông và phương Tây cùng giao lưu và phát triển. Do đắc được lợi ích từ việc giao lưu này, mới có một bộ sách: “Marco – Polo du ký” lần đầu tiên giới thiệu Trung Quốc tới Châu Âu một cách có hệ thống. Trong sách không chỉ giới thiệu phong thổ và tập quán con người ở kinh đô và các thành phố khác của triều Nguyên, mà còn giới thiệu cho người Châu Âu rất nhiều sản vật phong phú, công thương nghiệp và giao thông, tôn giáo, khoa học kỹ thuật và các loại chế độ đã hoàn thiện của triều Nguyên. Điều này đóng góp rất nhiều gợi ý cho sự phát triển của Châu Âu.

Trận chiến Liệt Cách Ni Ca, diễn ra vào ngày 09/04/1241, một phần cuộc Tây chinh của Mông Cổ. (Ảnh: Tài sản công)

Thành Cát Tư Hãn: Thế nhân sẽ kể lại câu chuyện của ta

Trong các chiến tích của bậc hùng tài đại lược Thành Cát Tư Hãn, thế nhân có thể chỉ nhìn thấy một phần trong đó, nhưng chúng ta cũng có lý do tin tưởng rằng, lịch sử tại thời kỳ này đã tạo ra Thành Cát Tư Hãn. Ông lấy loại phương thức đặc biệt này để gia tăng mối bang giao qua lại giữa Á Châu và Âu Châu. Còn Thành Cát Tư Hãn đã đánh giá bản thân mình như thế nào?

Trong “Sử thoại Nạp Tích Nhĩ” của Truật Tư Trát Ni, người từng làm quan tại vương triều Cổ Nhĩ ở Khorasan, có ghi lại cuộc đối thoại giữa Thành Cát Tư Hãn và vị giáo sĩ Hồi giáo phục vụ cho ông. Trong một lần nói chuyện, Thành Cát Tư Hãn đại khái nói: “Sau khi ta chết, một cái tên hàm chứa sức mạnh sẽ được tiếp tục lưu truyền trên thế giới này”.

Hoàn toàn chính xác, mấy trăm năm qua, rất nhiều người, rất nhiều quân chủ và rất nhiều quốc gia đều đang bàn luận về câu chuyện của Thành Cát Tư Hãn. Uy danh của ông không chỉ vang vọng khắp Trung Nguyên đại địa, mà còn vang khắp đại lục Á-Âu.

Bản gốc: https://www.epochtimes.com/b5/20/12/16/n12625530.htm

(Hết)



Ngày đăng: 20-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.