Nghiên cứu phương Tây về luân hồi: Nhân thể và sinh mệnh
Tác giả: Tử Quân
[ChanhKien.org]
Ở Trung Quốc, hầu như ai cũng biết đến câu chuyện “Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm”. Thời Xuân Thu Chiến Quốc có một người tên là Du Bá Nha. Trong một lần Bá Nha đang trên đường đi sứ nước Sở, khi đi tới cửa sông Hán Dương thì gặp một trận mưa lớn, vậy nên thuyền của Bá Nha phải neo lại bên vách núi. Hôm đó lại đúng là Trung thu, nên sau khi mưa tạnh thì trời quang trở lại, thấy trên không vằng vặc một vầng trăng sáng, Bá Nha đem đàn ra gảy, gửi gắm tâm tình vào tiếng đàn. Không ngờ ở trên núi có người tiều phu tên Chung Tử Kỳ ở đó tránh mưa lại nghe hiểu thấu khúc đàn ấy. Sau khi biết được Tử Kỳ hiểu được tâm tình trong khúc nhạc của mình, Bá Nha muốn thử Tử Kỳ một lần nữa, bèn hỏi: “Giờ tôi sẽ gảy một khúc đàn, túc hạ nghe có biết được trong lòng tôi đang nghĩ điều gì chăng?” Tử Kỳ đồng ý nghe thử một lần nữa. Bá Nha trầm tư một lúc, rồi đặt tâm ý ở chốn non cao, gảy lên một khúc nhạc. Tử Kỳ khen rằng: “Đẹp thay, vòi vọi kìa, chí tại non cao”. Bá Nha không đáp, ngưng thần một lúc rồi lại đặt tâm tình tại dòng nước chảy rồi lại gảy lên một khúc nữa. Tử Kỳ lại khen rằng: “Đẹp thay, mông mênh kìa, chí tại lưu thủy”. Chỉ với hai câu, Tử Kỳ đã nói rõ được tâm ý của Bá Nha. Bá Nha lấy làm kính phục, cất đàn sang một bên, thừa nhận Tử Kỳ là tri kỷ. Loại khả năng “Tâm hữu linh tê nhất điểm thông” [1] vượt trên cả ngôn ngữ này tự ngàn xưa vẫn được hậu nhân truyền tụng. Điều này khiến người đời không khỏi cảm thán thốt lên rằng “Lưỡng vạn hoàng kim dung dị đắc, Tri âm nhất cá tối nan cầu” (tức: Ngàn vàng dễ kiếm, Tri âm khó tìm), hơn nữa cũng thôi thúc họ, khiến họ phải đặt ra nghi vấn: rút cục là điều gì đã khiến hai người xưa nay vốn chưa hề quen biết, địa vị khác biệt, lại có thể thông qua tiếng đàn mà đạt được cảnh giới tâm linh tương thông như thế, vừa gặp mà đã hiểu nhau hơn cả những người bạn lâu năm?
Nếu xem xét vấn đề này từ góc độ luân hồi chuyển thế thì cũng không khó lý giải. Nghiên cứu của phương Tây về luân hồi đã phát hiện ra rằng: cơ thể con người chỉ là vật tải thể, còn phần tinh thần (nguyên thần) làm chủ nhục thân thì bất diệt. Thế gian con người giống như một sân khấu kịch, nhục thân của con người giống như một bộ y phục, mỗi một sinh mệnh đều từng trải qua nhiều lần diễn xuất và thay đổi vai diễn, lần lượt đóng hết vai này đến vai khác. Tuy đổi vai diễn, nhưng phần tinh thần làm chủ tư duy của các nhân vật lại có thể giống nhau. Người mà chúng ta gặp trong kiếp này có thể là người thân, bạn bè của chúng ta ở kiếp trước, họ chỉ đổi một vai diễn khác, còn phần linh hồn vẫn nguyên vẹn là linh hồn của kiếp trước. Chỉ là, con người ở trong mê nên không biết mà thôi. [Kiếp này] một khi gặp nhau họ sẽ lại tiếp nối tiền duyên theo những ân oán tình thù từ kiếp trước, có thể sẽ là “tri âm”, hoặc có thể sẽ thành kẻ thù, hoặc lại là người yêu của nhau v.v. Trong cuốn sách Chuyện tình qua nhiều kiếp luân hồi (Only love is real), tiến sĩ Brian Weiss đã kể lại một câu chuyện về “người tình tâm linh”. Một đôi nam nữ chưa từng gặp nhau trước đây đã đến gặp tiến sĩ Brian Weiss để được điều trị bằng phương pháp thôi miên hồi quy. Trong lúc thôi miên, tiến sĩ Brian Weiss đã phát hiện ra rằng họ là hai cha con sống ở Jerusalem cách đây 2.000 năm, người cha sau khi bị binh lính La Mã tra tấn, đã chết trong vòng tay của con gái mình. Hai người họ đã từng gặp nhau một lần trong văn phòng của tiến sĩ Weiss, về sau trên một chuyến bay họ tình cờ gặp lại và rồi yêu nhau.
Sức mạnh nào có thể khiến hai cha con của 2.000 năm trước tìm lại được nhau ở kiếp này giữa biển người mênh mông? Sợi dây tơ duyên ấy là do ai đang nắm giữ? Chúng ta có thể tìm thấy một số manh mối [cho câu trả lời] từ cuốn sách Giữa những lần luân hồi (Life between life) do tiến sĩ Joel Whitton và tiến sĩ Joe Fisher đồng xuất bản vào năm 1986. Cuốn sách mô tả về “thế giới bên kia”, nơi dừng chân của các sinh mệnh giữa các kiếp luân hồi. Ở nơi đó, kiếp sau của con người được các sinh mệnh ở tầng thứ cao hơn an bài, sinh mệnh đều chuyển sinh theo quần thể, những sinh mệnh ở cùng một quần thể thường chuyển sinh thành bạn bè và người thân để hoàn trả sạch hết những ân oán từ kiếp trước, cũng như rút ra cho mình kinh nghiệm và bài học trong những ái hận tình thù nơi trần thế.
Với sự phát triển của sinh học hiện đại, con người đã có thể làm cho tế bào sinh sản trong ống nghiệm; công nghệ sinh học hiện đại thậm chí còn hướng đến việc dùng phương pháp nhân bản vô tính để tạo ra những nhà máy lớn nhân bản cơ thể người hàng loạt. Những phát hiện từ nghiên cứu luân hồi và thử nghiệm nhân bản cơ thể người này một lần nữa lại nêu ra cho chúng ta câu hỏi cổ xưa mà sâu sắc: Nguồn gốc của sinh mệnh là từ đâu? Bản chất của sinh mệnh là gì? Ý nghĩa của sinh mệnh ra sao? Một số lượng lớn các trường hợp luân hồi đã chỉ ra rằng, đời đời kiếp kiếp của con người là do sinh mệnh cao tầng an bài, [bản chất] của sinh mệnh vốn khác xa với nhục thân mà chúng ta vẫn nhìn thấy và tiếp xúc đến được, sinh mệnh chân chính của con người là bất diệt và sẽ không bị tiêu vong khi nhục thân tử vong hoặc tiêu huỷ. Khi nhân loại từ chối sự an bài của sinh mệnh cao cấp, tự ý tạo ra cơ thể người bằng công nghệ nhân bản, thì những mối quan hệ nhân luân trong xã hội nhân loại như vợ chồng, cha con, anh chị em, v.v. đều sẽ không tồn tại nữa. Các sinh mệnh cao cấp sẽ không an bài cho nguyên thần của con người chuyển sinh đến một xã hội băng hoại nhân luân như vậy nữa. Nếu vậy, những nguyên thần như thế nào sẽ tiến vào và khống chế cơ thể người nhân bản đó? Những nguyên thần đó tiến vào cơ thể người nhân bản này nhằm mục đích gì?
Đức Phật Milarepa của Tạng truyền Phật giáo từng nói: “Cái thân người này, đối với những người có phúc đức, có chỗ thiện, thì lại là một con thuyền quý báu vô giá. Con thuyền này sẽ dùng để đi qua con sông sinh tử, đi đến bờ bên kia của giải thoát! Đối với những người làm điều ác tạo nghiệp, thì thân người lại là căn nguyên khởi phát những tâm ý ác độc dẫn dụ con người làm điều bất thiện”.
Thân thể người nếu không có nguyên thần của con người thì thân thể ấy sẽ bị sinh mệnh khác chiếm hữu, trở thành cái nhục thân hoàn mỹ để cho những sinh mệnh đó hưởng thụ những thứ của nhân loại, đồng thời cũng trở thành công cụ bộc phát dục vọng của các sinh mệnh này. Khi liên tưởng đến những lý thuyết tà bậy “người ngoài hành tinh tạo ra con người” mà các giáo phái tà ác hiện nay tuyên truyền nhằm để cổ xuý cho sự loạn bậy về tính dục, chúng ta không khó để nhìn ra điểm này.
Tư liệu tham khảo:
1.Brian Weiss, M.D. Only Love Is Real: A Story of Soulmates Reunited. Warner Books, Incorporated, February 1997.
2. Joel L. Whitton, M.D. Ph.D. and Joe Fisher, Life between life: scientific explorations into the void separating one incarnation from the next. Doubleday & Company, Incorporated, October 1986.
Ghi chú:
[1] Tâm hữu linh tê nhất điểm thông: Linh: Linh thiêng Tê: Con tây ngưu tức là con tê giác. Tâm hữu: Trong lòng (đang) sở hữu
Sừng tê thông hai đầu nên còn gọi “thông tê”. Theo Thần châu dị vật chí: Con tê giác là một con vật thần dị, sừng tê giác đại biểu cho sự linh thiêng của nó, nên mới gọi là linh tê. Theo truyền thuyết thì tê giác là linh thú, có được “linh tê” thì sẽ hiểu được suy nghĩ của người khác. Câu “tâm hữu linh tê” có ý nghĩa gần như tâm linh tương thông. Đây là một câu trong bài thơ Vô đề của Lý Thượng Ẩn, cụm “tâm hữu linh tê” được nhà thơ sử dụng như ngầm ám chỉ mặc dù bản thân đang xa cách thê tử nhưng tâm ý tương thông, lúc nào cũng nhớ đến người, muốn có được một đôi cánh chim phượng hoàng để bay đi gặp người.
Dịch từ:
Ngày đăng: 17-05-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.