Can đảm theo bước Sư phụ



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở miền Tây Hoa Kỳ

[ChanhKien.org]

Thần Vận là một hạng mục cứu độ chúng sinh do Sư phụ trực tiếp hướng dẫn. Mỗi lần tham gia quảng bá Thần Vận là tôi lại tìm ra được một số thiếu sót của bản thân thông qua sự điểm hóa của Sư phụ. Nếu chúng ta trân quý cơ hội này và chân tâm tu luyện, chúng ta có thể có sự đột phá.

Một ngày nọ, tôi và các đồng tu đi phát tờ rơi Thần Vận. Như mọi lần, chúng tôi dành trọn một ngày cho việc này, vậy nên tôi mang theo một chiếc ba lô để đồ ăn và nước uống. Ngoài ra, tôi còn cầm một chiếc túi xách đựng đầy tờ rơi Thần Vận. Do thời tiết nóng nực, tôi để một chai nước trong túi xách. Lúc này trong đầu tôi chợt nảy ra một suy nghĩ: “Phải chăng nước sẽ không bị rò rỉ ra ngoài?” và thầm trả lời: “Nếu nó bị rò rỉ cũng không sao”. Tôi không nghĩ quá nhiều về điều này, tôi chỉ nhớ giữ chai thẳng đứng và vặn nắp thật chặt.

Buổi chiều, khi chúng tôi phát báo Đại Kỷ Nguyên, tôi hoàn toàn quên mất chai nước. Lúc trở về nhà, tôi thấy có một ít nước bị rò rỉ từ chiếc túi xách. May mắn thay, tôi đã để rất nhiều khăn giấy trong túi của mình vào ngày hôm đó, và chúng đã thấm hầu hết nước. Tôi mở từng tờ rơi một và kiểm tra thì thấy có hai tờ rơi đã không còn dùng được nữa. Tôi  rất buồn và tự trách mình, hỏng hai tờ rơi có thể không cứu được hai chúng sinh. Tôi biết ý niệm đó là xuất ra từ con người chân thực của tôi. Tuy nhiên, ý niệm lúc đầu “Nếu nước có bị rò rỉ cũng không sao” đã bắt nguồn từ đâu?

Sư phụ đã giảng:

“Người ta [khi] bản thân không có chính niệm, [thì] hết thảy những thứ bất hảo tại vũ trụ này, trong tam giới này đều lưu chuyển thông suốt vào trong thân thể người ta; thậm chí dừng ở trong [thân] đó mà người ta cũng không nhận ra được. Con người là bị thao túng như thế; chính là trong tình huống bị những lạp tử ấy câu thông {liên thông} mà thao túng con người.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Florida ở Mỹ quốc [2001])

Tôi  rất cảnh giác với một số chấp trước cơ bản của mình, tuy vậy tôi đã không chú ý tới những tư tưởng đến từ các không gian khác. Chúng ta là tu luyện chủ nguyên thần, nên vấn đề này cần được coi trọng. Từ bài học này, tôi bắt đầu nghiêm túc xem xét lại những ý niệm của bản thân, ví dụ: Tôi không luyện công vào sáng sớm vì muốn ngủ thêm một chút nữa, vậy ý muốn này có phải là chân ngã của tôi không? Lúc tê mỏi vì ngồi song bàn tôi muốn kéo chân ra và nghỉ ngơi. Khi chuẩn bị gọi điện thoại về Trung Quốc, tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Đây là những suy nghĩ của tôi sao?

Sau khi thực hành theo cách này một thời gian, chủ nguyên thần của tôi ngày càng mạnh mẽ hơn, và phần tiên thiên trong tôi như được hồi sinh. Tôi đã từng đọc một tác phẩm văn học nói rằng: Một vị Thần vĩ đại đến thế giới loài người, trải qua bao kiếp nạn với những phép thần thông đã bị khóa, và bất cứ ai đều có thể ức hiếp Ông. Tôi cảm thấy Ông thật đáng thương. Trong quá khứ, chúng ta đã rất can đảm đến thế giới phàm trần này, với sứ mệnh trợ Sư chính Pháp. Sư phụ nói:

“Giảng chân tướng, cứu chúng sinh, đó chính là điều chư vị cần làm, trừ đó ra thì không có điều chư vị cần làm, trên thế gian này không có điều chư vị cần làm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Có lẽ tôi đang đi đúng hướng trong tu luyện, Sư phụ đã điểm hóa thêm cho tôi ý nghĩa của tu luyện. Sư phụ đã giảng:

“Ăn thịt hay không ăn thịt tự bản thân nó không phải là mục đích; vứt bỏ tâm chấp trước mới là chỗ then chốt.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã dành quá nhiều thời gian vào việc cố gắng không ăn thịt, tôi biết rằng ăn thịt là ham muốn và chấp trước của người thường, và cho rằng không ăn thịt nữa thì chính là tu luyện rồi, nhưng kỳ thực là đã đi đường vòng rồi. Trên thực tế, từ đầu đến cuối, sự tu luyện của chúng ta là một quá trình lựa chọn: Chúng ta chọn tư tưởng của con người hay tư tưởng của Thần? Chọn làm người hay trở thành Thần? Khi đưa ra lựa chọn, chúng ta cũng đang được chọn bởi Pháp của vũ trụ ở các tầng thứ khác nhau. Vấn đề ăn thịt là một suy nghĩ của người thường, trong khi để đạt được chính niệm, một cá nhân cần phải “Triêu văn Đạo, tịch khả tử”. Được đắc Pháp là một vinh diệu, và thật đáng tiếc nếu để cơ hội này trôi qua. Mỗi câu Sư phụ giảng đều có nội hàm vô biên. Trong tu luyện là không có đường tắt. Tôi lý giải rằng, chỉ khi chúng ta làm tốt các bài tập của học sinh tiểu học, Sư phụ sẽ cho chúng ta biết những nguyên lý của Pháp mà học sinh trung học cơ sở nên biết, hoàn thành tốt chương trình trung học, Sư phụ sẽ dạy chúng ta cách học ở trường đại học.

Khi còn nhỏ, tôi có thể sử dụng định lý để giải các bài tập toán học, bất kể các dạng toán theo kiểu nào, tôi đều có thể dễ dàng giải được. Một cách tương tự, đối với người tu luyện, nếu có thể học thấu Pháp, chúng ta có thể tránh được việc đi đường vòng. Đôi khi tôi biết rõ rằng tôi đang đối mặt với khảo nghiệm, nhưng tôi vẫn từ chối vượt quan. Tôi còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm người thường: “Thật làm người ta tức chết, thôi, chẳng vượt quan nữa, cãi nhau xong đã rồi hãy nói, để lần sau vượt quan vậy”.

Sau này tôi thấu hiểu lời giảng của Sư phụ:

“Đặc biệt là người tu luyện, trong quá trình tu luyện, tại các tầng khác nhau [đã] thiết lập cho chư vị một chút nạn; đó đều là nghiệp lực của bản thân chư vị, là nạn của bản thân chư vị; giúp chư vị bày xếp tại các tầng khác nhau để chư vị đề cao.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ: Đó là tất cả nghiệp lực của chính tôi, những khó khăn của bản thân tôi. Sư phụ không thêm bất kỳ khổ nạn nào trong tu luyện của tôi mà còn tiêu trừ rất nhiều tội nghiệp giúp tôi. Vậy mà tôi cũng không vượt quan được, liệu tôi có xứng đáng được sự cứu độ của Sư phụ không? Nếu thật sự là người tu luyện thì sẽ không oán không hận, tôi cảm thấy có lỗi với những người đã làm tổn thương mình và nỗi uất hận được xua tan. Sư phụ đã giảng:

“Nghiệp lớn đến mức bao kín thân họ, phong bế trí của họ, bản tính không còn.” (Ngộ, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Qua thực tế tu luyện, tôi dần dần lý giải được việc tầng khác nhau sẽ có Pháp của các tầng khác nhau, và tầng càng cao thì càng tiếp cận với chân lý. Nếu ta muốn tu luyện lên cao tầng, chẳng phải hiển nhiên rằng ta sẽ phải loại bỏ những vật chất xấu? Nếu chúng ta dùng Pháp để đối chiếu, chúng ta sẽ có thể đối diện chấp trước với một tâm thái thuần tịnh thay vì bị nó dẫn động. Sư phụ đã giảng:

“Trong quá khứ có một người tu Đạo đi trên đường, vừa đi vừa uống rượu, đột nhiên nhìn thấy một người, người này chính là người có thể tu Đạo mà mình cần tìm, ông liền muốn độ người này, muốn thu nạp làm đồ đệ. Ông hỏi người này: “Có muốn đi theo ta tu đạo không?” Người này ngộ tính và căn cơ rất tốt, liền nói: “Tôi muốn đi.” “Ngươi có dám tới đây với ta không?” Anh ta nói: “Tôi dám!” “Ta đi đâu ngươi cũng đều dám đi theo chứ?” “Dám.” “Được, vậy hãy đi theo ta!” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])

Trong quá trình tu luyện, khi chúng ta đối mặt với vấn đề “Chúng ta có dám đi theo Sư phụ không?” thì đương nhiên sẽ không phải là cách hỏi trực tiếp như vậy, mà thông qua các hình thức khác nhau. Lấy nghiệp bệnh làm ví dụ. Nếu ta nghĩ rằng ta có bệnh thì nó không bị tiêu trừ. Điều này là do bạn đã chọn làm người thường với mong muốn được thoải mái vô bệnh, tuy nhiên người thường thì phải tuân theo nguyên lý sinh lão bệnh tử. Sư phụ đã giảng:

“Các Đại Giác Giả thông thường không tự dưng can thiệp vào [Pháp] lý nơi người thường; Giác Giả càng cao càng không phá hoại [Pháp] lý nơi người thường, không động tới một chút nào.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Vậy khi ta cố loại bỏ tâm chấp trước về bệnh, không đi bệnh viện, thì  đã được tính là tu luyện Đại Pháp chăng? Trên thực tế chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Chúng ta có đủ can đảm bước theo Sư phụ không?” Khi chúng ta can đảm bước theo Sư phụ, phần minh bạch của chúng ta sẽ khởi tác dụng. Những sinh mệnh cao tầng sẽ không bị hạn cuộc vào Pháp lý của người thường. Khi cần phải vượt qua khảo nghiệm căn bản, ta nên nghĩ đến vấn đề này: Chúng ta chọn làm đệ tử của Sư phụ hay chọn ở lại cái khách sạn nơi xã hội người thường này? Sư phụ từ bi đã cho chúng ta nhiều thời gian để tìm ra các chấp trước của mình.

Tu luyện thật ra không hề khó. Khi chúng ta đạt được yêu cầu của Sư phụ thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. Nếu có điều gì không đúng với Pháp, chúng ta cần phải chỉnh lại bản thân để phù hợp với Pháp.

Nếu có điều gì không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/271711



Ngày đăng: 10-04-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.