Luân hồi ký sự: Thông linh bảo ngọc



Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Hôm nay, chúng tôi hân hạnh gửi đến quý khán thính giả câu chuyện luân hồi do một người tu luyện thông qua công năng mà nhìn thấy và ghi chép lại. Câu chuyện có nhan đề: “Thông linh bảo ngọc.”

“Thông linh bảo ngọc” mà tôi nói tới ở đây lại không phải là Thông linh bảo ngọc trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng. Đó là vật gì thì sau khi xem xong câu chuyện trong luân hồi có liên quan đến bản thân tôi, thì các bạn sẽ hiểu. Sau đây mời các bạn cùng tìm hiểu câu chuyện về nó.

Câu chuyện bắt đầu từ phủ Bảo Định, tỉnh Hà Bắc trong một ngày hè trong những năm Chính Đức thế kỷ 16 của triều đại nhà Minh. Một ngày nọ, trong phủ có một việc lớn, người ra người vào tấp nập. Một bà lão khoảng 60 tuổi cũng vừa hay đi qua hội chợ. Bà lão từng trải này cũng có thể xem là người biết chữ, tiếc là gia đạo suy bại, chồng của bà qua đời cách đây năm năm, con gái bà thì đến nay vẫn không biết sống chết thế nào. Vì vậy năm năm qua bà phải tự mình vào thành mua đồ. Hôm đó là một ngày nắng đẹp nhưng bỗng dưng sau đó trời bắt đầu đổ mưa. Bà lão vội vã trở về nhà mình, vì nhà bà ở vùng quê gọi là Ngọc Lâm Bảo cách phủ Bảo Định khoảng hơn 50 dặm. Trên đường về, mưa ngày một lớn hơn, may thay lúc này bên đường lại có một ngôi miếu đổ, bà nhanh chóng chạy vào trong để trú mưa.

Khi đi vào đến điện lớn của ngôi miếu, bà mới nhận ra đó là một miếu thờ Phật Di Lặc. Ở trong miếu không có tăng nhân nào, chỗ nào cũng là bụi phủ dày, điều này làm cho người ta có cảm giác đây là một ngôi miếu hoang. Đột nhiên, bà lão nghe thấy trên bàn thờ có tiếng trẻ con khóc. Bà lần theo tiếng khóc thì thấy một bé trai được bọc trong một tấm chăn. Đứa bé trông thật thanh tú và rất đáng yêu. Bà lão tự hỏi: “Không biết ai đã để quên đứa bé này ở đây nhỉ?”, theo bản năng bà giở tấm chăn ra và trông thấy trong đó một bức thư cùng một miếng ngọc. Bức thư viết: “Tôi là một thiếu nữ sinh ra trong một gia đình danh giá ở phủ Bảo Định. Phụ mẫu tôi đã hứa gả tôi cho một gia đình, nên tôi không thể lấy người mà tôi thực sự yêu thương. Một năm trước, tôi đã có hẹn với người ấy vào ban đêm và sau đó tôi đã mang thai. Tôi vô cùng hổ thẹn với chính mình. Tôi không thể về nhà đối diện với người thân, nhưng tôi cũng không muốn trốn đi cùng người tôi yêu. Vì thế, tôi đã quyết định để lại đứa bé trước tượng Phật trong dịp hội chợ lớn này. Xin những người hảo tâm hãy thu nhận cháu. Hài tử được sinh ra vào ngày mùng 8 tháng 11 năm ngoái. Miếng ngọc bên cạnh là vào ngày sinh cháu, khi tôi tỉnh lại đã thấy trên ngực cháu rồi, nhưng lúc sinh ra thì không thấy có, vì vậy chắc chắn đó là vật quý giá. Có lẽ đứa trẻ này có lai lịch. Tôi nguyện mong con mình sẽ được mạnh khỏe và bình an vượt qua mọi tai ương. Tôi đã để lại một chút vàng bạc làm vốn liếng để nuôi nấng cháu nên người. Sau khi viết xong bức thư này, có lẽ tôi sẽ gieo mình xuống sông tự vẫn. Tôi mong rằng cháu có thể tìm được một gia đình tốt nhận nuôi, thì chừng đó tôi mới yên lòng…”

Đọc thư xong, bà lão than lên một tiếng, lại là một người xấu số! Rồi bà nhặt miếng ngọc lên và quan sát nó kỹ lưỡng hơn: nhìn miếng ngọc trong veo và đẹp đến nỗi không có một chút tỳ vết nào. Nó vô cùng tròn trịa và chỉ lớn hơn cỡ đồng xu một chút, hơn nữa ở giữa có một lỗ tròn, có vẻ giống một miếng ngọc bội. Nhìn kỹ hơn, bà lão nhận thấy bên trong miếng ngọc có nhiều thứ cùng các vị Thần tiên rất đẹp đang chuyển động trong đó. Bà lão tự nhủ: “Đây phải là một miếng bảo ngọc thông linh.” Bà lau nước mắt, bế đứa bé vào lòng rồi sau đó cất thông linh bảo ngọc đi. Rồi bà nhìn qua cửa sổ thấy cơn mưa đã tạnh. Bà nghĩ: “Cái chăn này mỏng quá. Nếu thế này thì đứa bé bị cảm lạnh mất? Nếu có một cái chăn lớn hơn và dày hơn cái này thì tốt.” Thế rồi một luồng sáng màu vàng kim không biết từ đâu hiện ra, sau đó từ trên trời chầm chậm rơi xuống một tấm chăn không mỏng không dày, gặp lửa đốt không nóng, gặp nước không thấm, ngoài ra, trên tấm chăn được thêu có một chữ “缘-duyên”. Bà lão nhanh chóng nhặt lấy tấm chăn, lúc đó, bà đã khẳng định chắc chắn rằng đứa bé này lai lịch không tầm thường. Bế hài tử trong tay, bà quỳ xuống khấu đầu trước tượng Phật Di Lặc và lập lời thệ nguyện với Đức Phật rằng bà sẽ chăm sóc chu đáo cho đứa bé. Sau đó, bà bế đứa bé về nhà mình ở Ngọc Lâm Bảo.

Chăm sóc trẻ sơ sinh thường là một công việc rất vất vả, thế nhưng đứa bé rất hiểu chuyện, hầu như cậu không bao giờ quấy khóc, càng lớn càng tráng kiện. Bà lão càng nhìn càng yêu quý đứa bé, lại thêm vào đó là nó có duyên phận rất lớn với Phật thế là bà liền đặt cho nó cái tên rất hay là “Thuận Duyên”. Bé Thuận Duyên cả ngày cứ gọi “bà ơi”, “bà à”, khiến bà lão cả ngày vui vẻ không thôi. Bảy năm thấp thoáng đã trôi qua.

Phó thác của người tăng nhân đi vân du

Một buổi trưa mùa xuân nọ, khi bé Thuận Duyên đang chơi đùa trong sân nhà, thì một vị tăng nhân mặc áo cà sa, tay phải ông cầm một chiếc bát khất thực đi vào. Thần thái uy nghiêm vô cùng của ông khiến cho Thuận Duyên cảm thấy như đã từng gặp ông ở đâu đó. Thuận Duyên chạy đến nắm lấy tay vị tăng nhân, dẫn ông vào nhà, rồi cất tiếng gọi bà lão: “Bà ơi, chúng ta có khách! Chúng ta có khách!” Lúc này bà lão đang nấu cơm, nghe tiếng Thuận Duyên gọi liền chạy ngay ra ngoài sân thì trông thấy một vị tăng nhân đi hóa duyên, bà bèn vội mời ông vào trong. Vị tăng nhân này không khách khí, ông ngồi xuống phòng khách và nói ngay với bà: “Tôi tới đây một là để xin một bữa ăn, hai là tiện thể nói với bà là bà phải dạy đứa trẻ đọc sách, biết lễ nghĩa, quan trọng hơn là phải trọng đức hành thiện. Như thế, khi thời thập ác đầu độc thế gian, tiền duyên với Phật Pháp sẽ được nối lại, đến lúc đó cả hai người sẽ được đích thân Đức Chuyển Luân Thánh Vương cứu độ. Tôi hy vọng rằng hai người hãy thu xếp cho tốt, Hãy nhớ kỹ! Hãy nhớ kỹ!” Bà lão hỏi: “Không biết thời giới thập ác đầu độc thế gian có phải là “thời kỳ mạt pháp” mà Phật Tổ đã nhắc tới không? Thời đó là thời kỳ nào?”. Vị tăng nói tiếp: “Thiên cơ không thể tiết lộ sớm, đến lúc đó thí chủ tự sẽ biết. Nhân tiện, mẹ của đứa bé vẫn còn sống. Cô ấy đã trở thành một ni cô và đang tu hành nơi cửa Phật, không cần thương nhớ đến làm gì, tương lai đều được nghe Đức Chuyển Luân Thánh Vương giảng Pháp.” Nói xong, vị tăng nhân cầm bát đi ra ngoài. Trong chớp mắt đã không thấy bóng người nữa.

Đêm đó, bà lão thao thức suốt đêm, bà nhớ đến chồng mình từng quen biết viên ngoại họ Triệu ở phủ Bảo Định, ông là thầy dạy học rất hiền đức và có học vấn uyên thâm. Vào hội chợ của phủ Bảo Định tiếp theo, bà đã nhân đó mang Thuận Duyên đến nhà Triệu viên ngoại. Sau khi đến nơi, bà đã kể tường tận đầu đuôi câu chuyện cho Triệu viên ngoại, Triệu viên ngoại đã nhận lời dạy Thuận Duyện. Thế là Thuận Duyên ở lại nhà Triệu viên ngoại để đọc sách, học tập kinh điển và kiến thức lễ nhạc. Ngoài việc học, Thuận Duyên còn giúp đỡ cho gia đình Triệu viên ngoại các công việc nhà, mùa hè thì nhổ có, mùa đông thì quét tuyết, mùa xuân thì làm ruộng, mùa thu thì hái quả v.v. khiến cả gia đình ông vô cùng quý mến. Năm Thuận Duyên lên 13 tuổi, có một dịch bệnh lây lan ở khắp các thôn trang quanh phủ Bảo Định, bà cậu vì tuổi cao không chống lại được bệnh dịch và qua đời. Trước khi bà lão lâm chung, Triệu viên ngoại đã cùng Thuận Duyên đến thăm bà, bà đã nhân cơ hội này trao lại bức thư do mẹ của Thuận Duyên để lại, cùng với miếng ngọc và tấm chăn kỳ lạ có chữ “duyên” cho cậu bé, rồi dặn dò cậu ‘phải giữ gìn cẩn thận những thứ này, còn phải đọc sách, biết lễ nghĩa và quan trọng nhất là nhất định phải chờ đến khi Pháp Luân Thánh Vương hạ thế truyền Pháp. Đến lúc đó chúng ta sẽ lại gặp nhau.’ … Không lâu sau cuộc hội ngộ này, bà lão qua đời, Thuận Duyên hay tin vô cùng đau buồn. Sau khi đau buồn an táng bà lão xong, cậu quỳ gối lạy ba lần trước mộ phần của bà.

Sau đó Thuận Duyên trở về nhà Triệu viên ngoại, Ông nói: “Con ơi, con thiên phận rất cao, ta đã không còn dạy được con nữa rồi, ta biết một cao nhân đã đắc đạo họ Tăng ở phía nam thành cách đây 100 dặm, ta sẽ gửi con đến đó. Nói đến Tăng tiên sinh, ông thực ra là một người tu luyện Phật gia, tinh thông thiên văn, lịch sử và phép thuật, ông ấy không ở chùa và còn có một cô con gái, con gái ông ấy cũng trạc tuổi con. Ông ấy cũng có thể được coi là một ẩn sĩ sống trong một túp lều tranh, tới đó rồi con sẽ hiểu điều ta nói là gì. ‘Túp lều tranh’ của ông ấy còn hơn cả nhà của chúng ta. Ông ấy cũng có rất nhiều bằng hữu. Hôm nay con hãy thu xếp hành lý để ngày mai chúng ta lên đường.” Thuận Duyên đáp: “Thưa thầy, ân tình của thầy đối với con trong những năm qua, con sẽ không bao giờ quên. Nhưng sau khi con rời đi, ai sẽ đến quét tuyết và nhổ cỏ cho thầy?” Triệu viên ngoại trả lời: “Hài tử ngốc. Ai bảo ta sở học nông cạn, không đủ tài đức để chỉ dạy cho con? Kỳ thực ta không nỡ rời xa con, không thì thế này đi, con xem có được không, trong tương lai vào thời mạt pháp, đợi đến khi con đắc được Đại Pháp mà Đức Chuyển Luân Thánh Vương truyền, con nhất định phải nói với ta, thế có được không?” Thuận Duyên thưa: “Con hứa, nếu thầy không tin, chúng ta hãy ngoắc tay lập thệ ước.” Thế là Thuận Duyên cũng nín khóc, mỉm cười vui vẻ.

Hôm sau, Thuận Duyên và Triệu viên ngoại đi xe ngựa đến nhà Tăng tiên sinh. Vừa đến nơi, Triệu viên ngoại định sai người dưới gõ cửa vào báo, thì không ngờ là Tăng tiên sinh đã đích thân ra đón tiếp rồi. Tăng chắp tay ôm quyền nói: “Tôi biết ông hôm nay sẽ đến đây! Ông đi đường vất vả rồi!” Triệu viên ngoại đáp: “Từ xa nghe tiếng Tăng tiên sinh trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người, hôm nay gặp mặt quả là danh bất hư truyền!.” Tăng tiên sinh nói: “Xin mời vào nhà!” Khi mọi người an tọa uống trà, Tăng tiên sinh mới chậm rãi giải thích với họ về chuyện đã xảy ra: “Ngày hôm qua, 3 người nhà tôi đều nằm mộng, tuy rằng tình tiết mỗi người mơ là khác nhau, nhưng đều có liên quan đến một miếng bảo ngọc. Việc lớn của nhà tôi chắc ông đều biết, nhưng có một việc mà người khác tuyệt đối không được biết, đó chính là khi con gái tôi sinh ra thì cũng giống như những đứa trẻ khác, nhưng vào ngày hôm sau trên ngực nó lại có một miếng ngọc. Hơn nữa, sau khi con gái tôi biết nói, thì nó nói với tôi rằng đây lẽ ra phải là một đôi ngọc, mà miếng ngọc đó lại đang ở chỗ một người khác. Đêm hôm qua, con gái tôi nằm mơ thấy một đôi ngọc treo trên hành lang nhà tôi. Tôi thì nằm mơ thấy có hai đứa trẻ đang chơi đùa trong Ngọc Bích Cung trên Thiên Đình, dường như trong không trung có một giọng nói âm vang và mạnh mẽ vang: ‘Ta sẽ xuống nhân gian truyền Pháp. Những ai muốn trực tiếp nghe Đức Chuyển Luân Thánh Vương giảng Pháp hãy cùng ta hạ thế xuống nhân gian!’ Lúc này hai đứa trẻ lập tức quỳ xuống phát nguyện đến nhân gian. Để tìm được nhau nơi nhân thế, chúng đã mang theo một đôi ngọc để làm chứng. Khi tỉnh giấc, tôi có linh cảm rằng hôm nay sẽ có khách quý sẽ tới. Ông thấy đấy, các ông quả là đã tới.” Triệu viên ngoại ngạc nhiên đến ngây người. Ông quả không dám tin trên đời có chuyện kỳ lạ như thế. Tăng tiên sinh hỏi: “Cháu có mang theo miếng ngọc bên mình không? Nếu có mang, có thể cho ta xem một chút được không?” Thuận Duyên bèn lấy Thông linh bảo ngọc trước ngực ra và kể đầu đuôi ngọn nguồn cho Tăng viên ngoại. Tăng viên ngoại một mặt cầm miếng bảo ngọc trong tay ngắm nhìn miếng ngọc hết sức cẩn thận, mặt khác thất thanh thốt lên: “Quả nhiên giống hệt như đúc với miếng ngọc của con gái tôi!” Sau khi nghe xong câu chuyện của Thuận Duyên, ông bèn gọi vợ và con gái ra để gặp Triệu viên ngoại.

Ngay khi Thuận Duyên vừa nhìn thấy con gái Tiểu Như của Tăng viên ngoại thì giống như là gặp người thân xa cách đã lâu, cậu bật khóc và không thể thốt lên lời nào. Tiểu Như rất xúc động. Tăng tiên sinh thấy thế nói: “Không cần nhiều lời thêm nữa, từ giờ trở đi, Thuận Duyên chính là con rể ta. Ta sẽ cho Tiểu Như cho nó, đợi đến khi nó thi đỗ công danh thì sẽ thành thân. Hơn nữa ta chắc chắn sẽ dạy cho nó thành một người nhân nghĩa có học vấn.” Sau khi tiễn biệt Triệu viên ngoại, Tăng tiên sinh bắt đầu dạy Thuận Duyên các kinh điển của Nho gia, lễ nhạc, không những thế ông còn dạy cho Thuận Duyên phương pháp tu luyện của Phật gia và các loại pháp thuật.

Khi Thuận Duyên lên 18-19 tuổi, Tăng tiên sinh cho cậu tham dự kỳ thi khoa cử một là để lấy công danh, hai là muốn Thuận Duyên giúp triều đình sửa lại lễ chế đã sắp thối nát. Thuận Duyên đã tham gia thi viện, thi hương, thi hội rồi tới thi đình đậu bảng nhãn. Vừa hay lúc ấy, Bộ Lễ còn thiếu một thị lang, nên cậu đã được phong làm Thị Lang Lễ Bộ. Trước khi nhậm chức, cậu áo gấm về quê, Thuận Duyên về thăm Triệu viên ngoại ở phủ Bảo Định, rồi về nhà Tăng tiên sinh ở phía nam thành và cưới Tiểu Như. Khi cậu và Tiểu Như rời đi, Thuận Duyên nói với Tăng tiên sinh: “Nhạc phụ, sao người và nhạc mẫu không đi cùng con và Tiểu Như hưởng phúc?” Tăng tiên sinh đáp: “Ta và mẹ của các con đã quen sống trong ngôi nhà tranh vách đất này, chưa từng nghĩ đến việc tiếp xúc với chuyện phàm tục thế gian, nay ta phó thác Tiểu Như cho con, mong con sẽ đối xử tốt với nó. Nhưng ta thấy, sau này chúng ta còn cần xây thêm hai gian nhà tranh nữa, để cho các con trở về ở. Lần này đi hãy bảo trọng!” Thuận Duyên cùng Tiểu Như quỳ xuống khấu đầu trước phụ mẫu, rồi lên xe ngựa và rời đi. Tăng phu nhân rất buồn và không nỡ phải xa hai con. Bà khẽ tự nhủ: “Không biết khi nào thì chúng mới trở về?” Tăng viên ngoại nói với thê tử một cách lạc quan: “Chúng sẽ trở về. Chúng chắc chắn sẽ trở về.”

Lại nói về vợ chồng Thuận Duyên trên đường về kinh đô, họ đi qua Ngọc Lâm Bảo, cậu sửa lại mộ phần của bà lão và xây một ngôi đền nhỏ ngay cạnh đó, rồi cậu còn cử người trông nom cho ngôi mộ bà lão.

Sau khi vào triều đình, Thuận Duyên nhận chức Thị Lang Bộ Lễ và đã góp công lớn trong việc chấn hưng pháp luật, tu sửa lễ nhạc và làm rất nhiều việc tốt cho quốc gia. Thật không may, đạo đức xã hội suy đồi, nhân tâm biến dị, gian thần nắm quyền, khoảng mười năm sau, cậu từ quan quy ẩn trở về ngôi nhà tranh của Tăng tiên sinh. Ngay khi họ vừa về đến cửa, Tăng tiên sinh nói: “Đúng như ta đã nói với các con, các con đi rồi sẽ còn trở về. Hai gian nhà tranh của các con ta đã xây xong, đời này các con sẽ ở đây với chúng ta rồi? Kiếp sau hoặc vài kiếp sau nữa chúng ta nhất định sẽ đợi được đến ngày mà Đức Chuyển Luân Thánh Vương truyền Pháp.” Thế là từ đó vợ chồng Thuận Duyên và Tiểu Như sống hai gian nhà tranh của Tăng tiên sinh, ngày qua ngày thú vui điền viên trong suốt quãng đời còn lại.

Lời kết:

Tôi đã viết bài viết này trong nước mắt. Việc biết được bao nhiêu khó nạn mà tôi đã phải chịu đựng để đắc được Pháp khiến tôi càng cảm kích hơn trước sự khó nhọc mà Sư phụ đã phải gánh chịu để truyền Pháp. Các bạn đồng tu, chúng ta phải biết trân quý cơ duyên vạn cổ, thần thánh và vĩ đại mà chúng ta đã qua đời đời kiếp kiếp gian khổ không ngừng tìm kiếm để kết duyên với Ân sư! Hãy cùng nhau tinh tấn, sớm trở về nhà.

Cuối cùng, tôi sẽ nói với các bạn những nhân vật trong câu truyện của tôi hiện nay là ai trong kiếp này. Thuận Duyên là tôi. Tiểu Như là một bạn đồng tu mà tôi gọi là “nhị tỷ”. Vị tăng nhân đó chính là Sư phụ trong kiếp này. Tăng tiên sinh có phải là Sư phụ hay không tôi vẫn không chắc. Còn về Triệu viên ngoại và bà lão, họ đều đã đắc Pháp, trong đó tôi mới chỉ gặp “bà lão” một tháng trước đây, ngay khi vừa gặp, tôi đã cảm thấy rất thân thuộc không biết chúng tôi có duyên phận gì trong quá khứ, tối hôm đó, khi tôi ngủ mà như không ngủ tôi mơ thấy một giấc mộng dài, bài viết này chính là câu chuyện về những hình ảnh trong giấc mơ của tôi. Người thiếu nữ khi đó đã bỏ tôi, gieo mình xuống sông kiếp đó vẫn là mẹ của tôi, có thể thấy nhân duyên tiên định không ai có thể thay đổi được.

Nếu có thời gian, tôi sẽ viết ra những câu chuyện khác trong các kiếp của tôi, hôm nay do thời gian có hạn tôi chỉ viết đến đây thôi. Nếu không tin là thật thì xin hãy coi như một câu chuyện kể vậy thôi!

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2005/8/24/33582.html

http://www.pureinsight.org/node/3277



Ngày đăng: 22-06-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.