Rút ngắn thời gian học thuộc một lượt Chuyển Pháp Luân từ một năm xuống một tuần



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đài Loan

[ChanhKien.org]

Tôi đắc Pháp ở Đài Loan vào tháng 3 năm 1996. Sau khi đắc Pháp, tôi thường học thuộc một số bài kinh văn ngắn của Sư phụ. Sau đó, tôi cố gắng học thuộc Chuyển Pháp Luân, nhưng tôi loanh quanh ở bài giảng đầu tiên rất lâu. Mãi đến cuối năm 1997, các học viên Đài Loan tổ chức một đoàn học viên đến Bắc Kinh và Trường Xuân tham gia giao lưu, tôi đã tận mắt chứng kiến tình huống học thuộc Pháp sôi nổi của các học viên Trường Xuân. Sau khi trở về Đài Loan, tôi quyết tâm học thuộc lòng Chuyển Pháp Luân. Bởi vì tôi phải đi làm vào ban ngày nên tôi tận dụng thời gian ngoài giờ làm việc hàng ngày để học thuộc Pháp thật nhiều. Lần học thuộc đầu tiên là vào tháng 7 năm 1998, khi vừa học thuộc xong tôi vẫn còn ấn tượng rất sâu, sau đó dần dần quên đi. Rồi tôi học thuộc lại từ đầu, và cứ như vậy học hết một vòng lại quay lại từ đầu, mỗi lần học thuộc mất khoảng một năm.

Loại trạng thái này kéo dài trong rất nhiều năm sau sau đó, tôi vốn nghĩ sẽ ở mãi trong trạng thái như vậy. Tận đến năm 2015, do công việc người thường có thay đổi, trong một khoảng thời gian, công việc ban ngày của tôi khá linh hoạt, vì vậy tôi đã tăng cường độ học thuộc Pháp, và thời gian học thuộc hết một lượt cũng dần dần được rút ngắn, từ nửa năm xuống còn vài tháng, rồi còn một vài tuần, đến hiện tại là một tuần học thuộc hết một lượt (chính xác là 6 ngày). Tôi học thuộc Pháp không cần cầm sách, đi đường, ngồi trên xe cũng đều có thể nhẩm, tốc độ so với thông đọc không khác là bao. Tính đến nay, tôi đã học thuộc Chuyển Pháp Luân hơn 290 lần.

Nói về kinh nghiệm tu luyện học thuộc Pháp, tôi đã giao lưu một chút trong bài phát biểu tại Pháp hội Đài Loan cách đây mấy năm “Học thuộc Pháp song hành cùng tôi trên con đường hai mươi năm tu luyện”. Tại đây tôi sẽ chủ yếu nói về kinh nghiệm và phương pháp học thuộc Pháp cụ thể của bản thân, hy vọng có thể cùng giao lưu với các đồng tu có tâm học thuộc toàn bộ cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”. Do tính cách, đặc tính và điều kiện của mỗi người một khác nên nội dung dưới đây chỉ để tham khảo. Tu luyện không có khuôn mẫu bắt chước, học thuộc Pháp cũng vậy, xin các đồng tu dĩ Pháp vi Sư.

1. Học thuộc Pháp lần đầu

Mỗi người có một cách học thuộc khác nhau. Có đồng tu biết tôi đang học thuộc Pháp liền hỏi tôi học thuộc như thế nào? Tôi nói cứ học giống như học “Luận Ngữ” là được. Các bạn đồng tu muốn học thuộc Chuyển Pháp Luân hẳn là đã thuộc Luận Ngữ, về cơ bản cũng là học thuộc theo cách như vậy, chỉ cần kiên trì trong thời gian dài hơn.

Phương pháp của cá nhân tôi là trước tiên học thuộc từng câu từng câu, câu nào dài một chút thì chia thành từng cụm vài chữ. Sau khi học từng câu xong thì nối liền lại học thuộc toàn bộ một đoạn, đoạn nào dài một chút (dài quá nửa trang) thì phân thành từng đoạn nhỏ hơn để học, sau khi thuộc nhuần nhuyễn từng đoạn nhỏ rồi thì lại nối lại. Học xong từng đoạn thì nối liền lại học thuộc toàn bộ một chương, nếu trong chương ấy gặp đoạn nào chưa thuộc kỹ thì ôn tập lại đến khi thuộc nằm lòng, chương nào kéo dài nhiều trang (quá 5, 6 trang) thì chia thành các lần khác nhau để học.

Sau khi học xong từng chương thì nối liền lại học toàn bộ một bài giảng. Toàn bộ quá trình giống như lạp tử nhỏ tổ hợp thành một lạp tử lớn, lạp tử lớn cấu thành lạp tử lớn hơn nữa; cũng giống như thông mạch, trước tiên là nhất mạch đới bách mạch, trăm mạch toàn bộ khai mở, sau đó dần dần nới rộng, cuối cùng hơn vạn mạch liên kết thành một khối.

Có thể đọc thuộc một mạch toàn bộ một bài giảng là một quan lớn. Muốn đạt đến bước này, thì mỗi từng chương mục, mỗi từng đoạn đều cần phải học thuộc lòng một cách chắc chắn thì mới được. Vậy tôi cũng không biết mình đã đọc một câu bao nhiêu lần. Lần đầu học thuộc Chuyển Pháp Luân có thể không làm được đến điểm này, nhưng chẳng qua chỉ cần kiên trì tiếp tục thì về sau sẽ tự nhiên càng học càng thuộc. Ngoài ra, cá nhân tôi đề xuất là không dừng lại ở một bài giảng quá một tháng.

Vấn đề quan hệ giữa học thuộc và thông đọc

Học thuộc Pháp cần đến một lượng lớn thời gian, vậy trong khoảng thời gian học thuộc có cần thông đọc không? Hồi tôi mới bắt đầu học thuộc cũng có băn khoăn về vấn đề này, vậy nên khi có đồng tu đi tham dự Pháp hội châu Âu năm 1998, tôi đã nhờ đồng tu đưa tờ câu hỏi lên. Sư phụ giải đáp như sau:

“Đệ tử: Thời gian có hạn, vừa muốn thông đọc, vừa muốn học thuộc, nhưng lại cảm giác học thuộc ảnh hưởng thông đọc, mối quan hệ này làm thế nào sắp xếp cho chính?

Sư phụ: Khi chư vị thông đọc đối với sự đề cao của chư vị là có chỗ tốt tương đối lớn. Nếu nói về học thuộc, chư vị chỉ có thể là trong một thời gian đặc định, tranh thủ bỏ chút công phu mà học thuộc nó luôn, sau này sẽ ít phải cầm sách mà thông đọc rồi. Nhưng ắt phải tập trung thời gian mà học thuộc nó luôn. Nếu không, chư vị vừa muốn thông đọc, vừa muốn học thuộc, lại muốn thông đọc, cứ là cách nghĩ này, thì nó cứ là như thế. Khi chư vị đang học thuộc sẽ không ảnh hưởng chư vị thông đọc, cũng sẽ không ảnh hưởng rằng chư vị vì không thể thông đọc mà khiến cho không thể đề cao. Bởi vì khi chư vị đang học thuộc, đằng sau mỗi chữ đều có vô cùng vô tận các Phật, Đạo, Thần, mỗi con chữ đều có thể khiến chư vị minh bạch lý của các tầng khác nhau.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

Thể ngộ của tôi là: Nếu như quyết tâm học thuộc Pháp, thì nên tập trung học thuộc trong một khoảng thời gian, thời gian này không thông đọc cũng không sao, sẽ không ảnh hưởng đến đề cao trong tu luyện. Kinh nghiệm cá nhân của tôi là không thông đọc cũng không ảnh hưởng đến nhận thức về Pháp lý trong thời gian học thuộc Pháp, thậm chí có lúc còn lĩnh hội được những Pháp lý không giảng rõ trên bề mặt từ đoạn Pháp đang học thuộc. Điều này thể hiện rất rõ ở lần học thuộc đầu tiên.

Tiến độ học thuộc

Nên giữ tiến độ học thuộc Pháp như thế nào? Mỗi người có khả năng ghi nhớ, thời gian, các loại phương diện… khác nhau, nhưng tôi cho rằng tốt nhất nên học thuộc một bài giảng trong vòng không quá một tháng, kéo dài thêm nữa thì hiệu quả không tốt, cũng dễ bỏ dở. Trong thời gian một tháng này bạn có thể thuộc kỹ đến đâu thì thuộc kỹ đến đó, nhưng cần phân bổ tiến độ hợp lý. Ví dụ, một bài giảng có khoảng bốn mươi trang, trừ đi thời gian ôn tập khoảng một tuần (chỉ là ví dụ, không nhất thiết là một tuần), trong ba tuần còn lại cần học thuộc lòng xong một bài giảng, vậy một ngày cần học thuộc một trang rưỡi đến hai trang. Định ra tiến độ xong thì cần tự yêu cầu bản thân, tận dụng lấp đầy thời gian, bao gồm rất nhiều khoảng trống trong sinh hoạt, chẳng hạn như giặt giũ, nấu cơm, đi bộ, ngồi xe, v.v..

Tận dụng những khoảng thời gian trống trong sinh hoạt để ôn tập lại nội dung ngày hôm đó hoặc ngày trước đó là một bước rất then chốt trong quá trình học thuộc lòng Chuyển Pháp Luân. Cách làm này có rất nhiều chỗ tốt, bao gồm: Một là có rất nhiều thời gian học Pháp, nhẩm thuộc Pháp; hai là trong trạng thái như vậy mà có thể nhẩm thuộc Pháp thì càng không dễ quên; ba là hòa tan trong Pháp, bản thân được duy trì trong trạng thái tu luyện tốt hơn. Sẽ có một số khó khăn khi mới bắt đầu thực hiện, nhưng tôi lý giải rằng đây là nghiệp lực và quan niệm trong tư tưởng đang ngăn trở. Bởi vì trong đầu não muốn chứa đựng Pháp thì những thứ bất hảo trong tư tưởng kia cần phải bị tiêu hủy bớt đi, cũng giống như khi thông đọc, chúng không để bạn cầm sách lên đọc, đọc rồi cũng muốn bạn không nhập tâm, vậy thì khi học thuộc Pháp chúng cũng không để bạn nhẩm Pháp trong tâm, nhẩm được rồi cũng phải làm bạn phân tâm, thậm chí bỏ cuộc. Cứ kiên trì một thời gian, sau khi xung qua được quan này thì bạn sẽ tốt hơn rất nhiều. Đương nhiên xung qua rồi có thể còn xuất hiện lặp lại, điều này cũng liên quan đến trạng thái tu luyện.

Dùng chủ yếu kinh sách bản giấy

Bây giờ điện thoại di động rất tiện lợi, bạn tải “Chuyển Pháp Luân” xuống điện thoại di động hoặc máy tính bảng của mình thì có thể học thuộc Pháp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, tôi đề xuất vẫn nên dùng kinh sách bằng giấy là chính, vì số trang trong sách giấy và vị trí của các đoạn là cố định, điều này giúp ích rất nhiều cho việc học thuộc toàn bộ Chuyển Pháp Luân. Căn cứ theo tình huống hiện tại của bản thân tôi, khi học thuộc tôi thường “lật trang” trong đầu, và chuyển từ đoạn này sang đoạn khác theo vị trí ghi nhớ trong đầu, điều này trợ giúp rất lớn cho việc thuận lợi học thuộc Pháp.

Dùng cố định một bản Chuyển Pháp Luân cũng rất quan trọng. Có rất nhiều phiên bản của cuốn Chuyển Pháp Luân chữ phồn thể với cách sắp chữ và số trang khác nhau đã được xuất bản. Thêm vào đó, trong những năm đầu, chỉ có bản chữ giản thể là có loại sách kích thước bỏ túi, tiện mang theo người, vậy nên trong quá trình học thuộc Pháp tôi đã dùng qua tổng cộng bốn phiên bản khác nhau của cuốn Chuyển Pháp Luân. Bên cạnh đó, tôi thường dùng điện thoại di động, mà điện thoại di động thì không có bố cục cố định, những điểm này cũng gây ra một số trở lực cho việc học thuộc Pháp. Mấy năm trước tôi quyết tâm dùng cố định cuốn Chuyển Pháp Luân bản chữ Lệ Thư, đã tốn không ít thời gian để làm quen từ đầu, ghi nhớ lại từ đầu vị trí của các đoạn, nhưng tôi không cách nào có thể in vị trí của các câu trong tâm trí mình như lần học thuộc đầu tiên, đó là một điều rất đáng tiếc.

2. Tăng tốc thời gian học thuộc lòng hết một lượt

Trong quá trình học thuộc, việc thuộc được một thời gian rồi quên là chuyện thường xảy ra. Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên dù chư vị thuộc thế nào, người thuộc thành thục đến mấy, sẽ vào một thời kỳ nhất định xuất hiện [việc] lại không thuộc nữa. Vì sao vậy? Bởi vì bộ phận chủ yếu kia của chư vị, bộ phận đã thuộc rồi ấy thì sau khi nó đủ tiêu chuẩn, sẽ cách khai hẳn ra khỏi chư vị, chư vị đột nhiên cảm giác rằng: Ui chao, mình sao lại không thuộc được nữa vậy? Là bởi vì bộ phận đã đủ tiêu chuẩn kia đã bị cách khai rồi. Mà bề mặt con người lại không thuộc hết, lại quên mất, có người quên nhiều, có người quên ít, sẽ xuất hiện loại sự việc này.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

Từ sau lần đầu tiên học thuộc hết một lượt, mỗi lần học thuộc sau đó tôi đều tốn khoảng một năm, một mặt là do học rồi sẽ quên, mặt khác là không thể tranh thủ thời gian như lần đầu. Vì vậy, tôi đã loay hoay ở giai đoạn này trong hơn mười năm. Nếu không phải vì sau này thời gian cho mỗi lần học thuộc bắt đầu rút ngắn, từ nửa năm xuống còn vài tháng, vài tuần, rồi còn một tuần, thì tôi đã thực sự nghĩ rằng cho đến khi viên mãn tôi cũng chỉ có thể làm được như thế này thôi. Bởi vì không thể đi lại từ đầu quá trình này một lần nữa, tôi không biết việc “rút ngắn thời gian học thuộc một lượt” có thể diễn ra nhanh đến mức nào, nhưng nếu tôi sớm tranh thủ hơn thì chắc chắn sẽ không mất đến mười năm. Quay đầu nhìn lại, việc có thể rút ngắn thời gian này là vô cùng trọng yếu. Bởi vì một khi quá trình này bắt đầu thì chính là giống như lăn một quả cầu tuyết, khoảng cách giữa số ngày dành ra để học thuộc hết một lượt so với thông đọc một lượt đã không còn xa nữa.

Mở rộng phạm vi ghi nhớ

Một số đồng tu làm theo cách học thuộc lần lượt từng câu, bất kể nhớ được kỹ đến mức nào thì cũng không học lại những chỗ đã học qua rồi. Làm như vậy cũng rất tốt, bởi vì bất kể chúng ta chọn dùng phương pháp nào thì đều sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho tu luyện. Nhưng cuối cùng nếu muốn thuộc nhuần nhuyễn toàn bộ cuốn Chuyển Pháp Luân, thì phải có thể liên ục mở rộng được phạm vi ghi nhớ, cũng chính là không cần cầm sách mà có thể một mạch đọc thuộc được một đoạn, một chương cho đến toàn bộ một bài giảng.

Quá trình này rất tốn công sức. Tôi nhớ khi mới bắt đầu học thuộc Bài giảng thứ nhất, tôi có cảm giác khoảng cách giữa phần mở đầu và kết thúc của bài giảng dường như dài dằng dặc, giống như khai thiên mục “từ trước trán cho đến thể tùng quả là mười vạn tám nghìn dặm vẫn chưa hết” (Bài giảng thứ hai – Chuyển Pháp Luân). Thế nhưng thuận theo từng lần từng lần học thuộc, khoảng cách này sẽ dần dần rút ngắn lại, dần dần sẽ không còn tốn nhiều sức như vậy nữa.

Khó khăn khi học thuộc những câu tương tự nhau

Có thể bạn vẫn chưa gặp phải vấn đề này trong một số lần học thuộc đầu tiên nhưng sau này chắc chắn sẽ xuất hiện. Sau đây là giao lưu kinh nghiệm cá nhân của tôi, chỉ mang tính chất tham khảo.

Sau khi học thuộc Chuyển Pháp Luân vài lần, tôi thấy rằng những câu hoặc nội dung tương tự xuất hiện ở những nơi khác nhau là khó thuộc nhất. Vì trong quá trình học thuộc lặp đi lặp lại, tôi đã hình thành cơ chế câu trước dẫn câu sau (dựa vào câu trước để nhớ ra câu sau), những câu hay nội dung tương tự nhau rất dễ ảnh hưởng lẫn nhau khi học thuộc, nếu không cẩn thận liền đọc nhầm sang chương khác. Ví dụ:

“Sự sản sinh ra sinh mệnh chân chính của con người chính là sinh ra trong không gian vũ trụ.” (Bài giảng thứ nhất – Chân chính đưa con người lên cao tầng)

“Họ cho rằng sinh mệnh con người là [được] sản sinh trong không gian vũ trụ,” (Bài giảng thứ hai – Công năng túc mệnh thông)

“Là vì sinh mệnh con người sản sinh nơi không gian vũ trụ,” (Bài giảng thứ ba – Phản tu và tá công)

Ba đoạn văn này có câu văn tương tự nhau, nội dung cũng tương tự nhau.

Một ví dụ khác là Bài giảng thứ hai – Vấn đề liên quan đến thiên mục và Bài giảng thứ tám – Chu thiên, đều giảng về học thuyết tam thiên đại thiên thế giới của Thích Ca Mâu Ni và “Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, rất dễ nhầm lẫn.

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, ngoài việc học thuộc lặp lại nhiều lần, chúng ta còn có thể đối chiếu các đoạn văn tương tự nhau để tìm ra những chỗ khiến mình dễ bị “dẫn” nhầm sang chương khác, sau đó ghi nhớ điểm khác biệt giữa hai bên, qua một vài lần sẽ càng ngày càng phân biệt rõ ràng. Lấy đoạn Pháp giảng về “học thuyết tam thiên đại thiên thế giới” bên trên làm ví dụ:

Nội dung trong Bài giảng thứ hai là:

“Thích Ca Mâu Ni còn giảng về học thuyết ‘tam thiên đại thiên thế giới’. Ông nói rằng trong vũ trụ này của chúng ta, trong hệ Ngân Hà này của chúng ta, có ba nghìn tinh cầu có tồn tại sắc thân như thân thể nhân loại chúng ta.”

Nội dung trong Bài giảng thứ tám là:

“Thích Ca Mâu Ni tại tầng ấy, Ông đã giảng học thuyết tam thiên đại thiên thế giới, tức là trong hệ Ngân Hà này, cũng tồn tại những người có sắc thân giống như nhân loại chúng ta.”

Tôi bèn khiến bản thân ghi nhớ: Bài giảng thứ hai đề cập đến “trong vũ trụ này” và “trong hệ Ngân Hà này”, Bài giảng thứ tám chỉ đề cập đến “trong hệ Ngân Hà này”; Bài giảng thứ hai đã đề cập đến “tinh cầu” còn Bài giảng thứ tám thì không; v.v..

Đôi khi gặp những câu tương tự, tôi còn chọn dùng một phương pháp khác, đó là tách câu dài thành các vế ngắn và đếm nhẩm số chữ của các vế này. Như vậy sẽ giúp tôi ghi nhớ sự khác biệt giữa hai bên.

Ví dụ, có một đoạn trong Bài giảng thứ hai – Công năng túc mệnh thông:

“‘Phật vô xứ bất tại’. Một vị Phật chuyển tay một cái, thì bệnh của toàn nhân loại sẽ không còn; điều này đảm bảo là làm được. Rất nhiều chư Phật vậy sao không làm điều ấy?”

Có một đoạn khác trong Bài giảng thứ hai – Vấn đề hữu sở cầu:

“‘Phật vô xứ bất tại’, có nhiều chư Phật như vậy tại sao không làm việc ấy?”

Tôi tách hai câu trên thành những vế ngắn như thế này: “Phật vô xứ bất tại”, “ Một vị Phật chuyển tay một cái”, “thì bệnh của toàn nhân loại”, “sẽ không còn”, “điều này đảm bảo”, “là làm được”, “Rất nhiều chư Phật vậy”, “sao không làm”, “điều ấy?”

“‘Phật vô xứ bất tại’”, “có nhiều chư Phật như vậy”, “tại sao không làm”, “việc ấy?”

Và tôi nhẩm đếm số chữ trong mỗi vế là [5-7-6-3-4-3-5-3-2] và [5-6-4-2]. Như vậy giúp tôi học thuộc hai đoạn Pháp tương tự này một cách chính xác không sai một lỗi.

Cách làm này nhìn qua thì hơi phức tạp nhưng trên thực tế áp dụng rất đơn giản, làm vài lần là quen. Tôi lại lấy một ví dụ khác:

Bài giảng thứ ba – Công pháp Phật gia và Phật giáo:

“do vậy vào thời kỳ diệt Phật trong những năm Hội Xương [triều] đại nhà Đường thì nó đã bị trừ dứt hẳn;”

Bài giảng thứ năm – Nam nữ song tu:

“do đó vào những năm Hội Xương [triều] đại nhà Đường đã bị hoàng đế đất người Hán tiêu diệt”

Tôi đã chia nhỏ như thế này: “do vậy vào thời kỳ diệt Phật”, “trong những năm Hội Xương”, “[triều] đại nhà Đường”, “thì nó đã bị”, “trừ dứt hẳn” (7-5-4-4-4) “do đó vào những năm Hội Xương”, “[triều] đại nhà Đường”, “đã bị hoàng đế đất người Hán”, “tiêu diệt” (7-4-7-2)

Tôi đã sử dụng phương pháp này để vượt qua các câu tương tự nhau, xin đóng góp để đồng tu tham khảo.

Bề mặt của con người học thuộc Pháp, mỗi từng tế bào đều học thuộc Pháp

Nếu muốn thực sự thuộc nhuần nhuyễn Chuyển Pháp Luân, bạn phải học thuộc bằng phần bề mặt con người. Trong quá trình học thuộc Pháp, mặc dù những bộ phận ở vi quan của chúng ta cũng đang học thuộc Pháp, nhưng sau một khoảng thời gian, phần nào đạt tiêu chuẩn sẽ được tách khai. Vậy nên cuối cùng chúng ta vẫn dựa vào phần bề mặt con người này để tiếp tục học thuộc Pháp. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải học thuộc Pháp trong những hoàn cảnh sinh hoạt thường ngày khác nhau. Thông thường sẽ khá dễ dàng để một người ngồi trong phòng tĩnh tâm xuống học thuộc Pháp, nhưng sẽ khó hơn nhiều để học thuộc Pháp trong những tình huống sinh hoạt thường nhật khác nhau (chẳng hạn như trong nhà hàng có tiếng nói chuyện ồn ào). Mặt khác, Pháp được học thuộc trong tình huống này cũng có thể được phần bề mặt con người nhớ kỹ hơn.

Khi học thuộc Pháp, đôi lúc tôi cảm thấy rằng mọi tế bào trong thân thể mình, cho đến thân thể ở vi quan hơn đều đang học thuộc Pháp, giống như các đồng tu đọc đồng thanh khi học Pháp tập thể, nhưng lúc này là các tế bào trong cơ thể của tôi và những sinh mệnh trong trường không gian của tôi đang đồng thanh đọc, rất mỹ hảo.

3. Học thuộc theo thứ tự

Sau nhiều lần học thuộc lặp lại cuốn Chuyển Pháp Luân, thậm chí sau khi học thuộc một mạch toàn bộ “Chuyển Pháp Luân”, tôi đã thuộc rất kỹ thứ tự các chương mục trong mỗi bài giảng, nhưng vẫn không nhất định nhớ kỹ thứ tự các đoạn trong mỗi chương. Sau khi học thuộc Chuyển Pháp Luân, tôi phát hiện ra một vấn đề: Có những lúc tôi nhẩm Pháp không nhập tâm, hễ phân tâm liền quên mất mình vừa mới nhẩm đến chỗ nào, lúc này tôi vẫn thường phải bắt đầu nhẩm thuộc lại từ đoạn đầu tiên của chương đó chứ không thể bắt đầu từ bất kỳ một đoạn nào nằm giữa chương. Để khắc phục vấn đề này, tôi quyết định học thuộc thứ tự của các đoạn trong mỗi chương của sách Chuyển Pháp Luân.

Sau đó, tôi tìm ra một phương pháp và phát hiện rằng hiệu quả rất tốt, đó là lấy ba hoặc bốn đoạn làm đơn vị, mỗi một đoạn chỉ nhẩm vài chữ đầu tiên, như thế có thể học thuộc được thứ tự của các đoạn. Ví dụ ở Bài giảng thứ nhất – Luyện công vì sao không tăng công, tôi học thuộc thứ tự của các đoạn như thế này: “Luyện công-Nó không giống-‘Tâm tính’-Có người nghĩ/ Hễ tâm tính-Vậy cũng-Giới tu luyện-chúng ta/ Đồng thời-Đức-Chúng tôi bây giờ sẽ giảng/ Sư phụ-[Để] đo-Có một số người-Không tăng công”. Chỉ cần dùng 30 hoặc 40 chữ là có thể học thuộc được thứ tự của các đoạn Pháp trong mười trang. Thường thì tôi tận sức rút gọn, chỉ học từ hai đến ba chữ đầu tiên của đoạn. Tuy nhiên đôi lúc tôi cũng học đến bốn hay năm chữ đầu, làm như vậy để đọc cho thuận hoặc để tránh trong một chương có hai đoạn mở đầu bằng các chữ giống nhau. Trên đây là kết quả của nhiều lần cố gắng thử và điều chỉnh trong vài năm qua, cá nhân tôi thấy tương đối suôn sẻ, phương pháp này đã giúp tôi rất nhiều trong việc học thuộc lòng thứ tự các đoạn Pháp, xin đóng góp để các đồng tu tham khảo.

Trên đây là một số tâm đắc của cá nhân trong quá trình học thuộc Pháp, nếu có điểm thiếu sót xin đồng tu từ bi chỉ rõ.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/264544



Ngày đăng: 07-02-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.