Mạn đàm về các vị Thần khai thiên tịch địa trong Kinh Thánh
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại hải ngoại
[ChanhKien.org]
Có nhiều người cho rằng thế giới này được một vị Thần duy nhất là Thượng đế tạo ra và Adam và Eva là tổ tiên duy nhất của loài người. Kỳ thực đọc kỹ Kinh Thánh sẽ phát hiện một số miêu tả trong Kinh Thánh nếu hiểu theo thuyết một vị Thần tạo ra thế giới thì sẽ không thể giải thích được một cách hợp lý, nhưng nếu hiểu theo nhiều vị Thần tạo ra thế giới thì lại giải thích được đầy đủ, tôi xin nêu ra ở đây để chia sẻ với mọi người:
Vấn đề thứ nhất: Sau khi Cain – con trai cả của Adam giết chết người con trai thứ hai Abel, Thần Jehovah định đuổi anh ta ra khỏi quê nhà, Cain rất sợ hãi nói: “Nếu ai nhìn thấy tôi sẽ giết tôi”.
Đoạn 12-15 chương 4 Sáng Thế ký viết:
12. (Thần Jehovah nói với Cain) Người gieo trồng trên đất, đất sẽ không sinh hoa lợi cho ngươi. Ngươi sẽ phải lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất.
13. Cain nói với Thần Jehovah: Hình phạt đối với tôi quá lớn, tôi mang không nổi.
14. Hôm nay ngài đuổi tôi ra khỏi đất này, tôi sẽ lánh mặt Ngài. Tôi phải lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất, nếu ai nhìn thấy tôi sẽ giết tôi.
15. Thần Jehovah phán rằng: Nếu ai giết Cain thì sẽ chịu báo ứng gấp bảy lần. Thần Jehovah bèn đánh dấu lên mình Cain, để tránh ai gặp phải sẽ giết anh ta.
Đầu tiên, căn cứ theo ghi chép của Kinh Thánh, vào thời điểm đó Adam và Eva chỉ có hai người con là Cain và Abel, để tưởng nhớ Abel, năm Adam 130 tuổi đã sinh ra Seth. Trong Sáng Thế ký đoạn 5:4 viết rằng: “Sau khi Adam sinh ra Seth, Adam sống thêm 800 năm nữa, đồng thời tiếp tục sinh con đẻ cái”. Tức là Kinh Thánh ghi chép rõ rằng sau khi Adam sinh Seth lại tiếp tục sinh con đẻ cái, mà trước khi Seth được sinh ra thì Kinh Thánh chỉ ghi chép rằng Adam và Eva đã sinh ra Cain và Abel. Vậy người mà Cain nói là “ai nhìn thấy tôi sẽ giết tôi” là ai? Chỉ có thể là những người khác ngoài Adam và Eva, những người này không phải do Thần Jehovah tạo ra.
Có người nói, Kinh Thánh đã không ghi chép lại toàn bộ sự việc, sau khi sinh Cain và Abel, Adam và Eva có thể còn sinh ra những đứa con khác. Nói cách khác, người mà Cain lo sợ là các anh chị em của mình. Lập luận này có vấn đề, bởi vì Cain nói “Tôi phải lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất, ai nhìn thấy tôi sẽ giết tôi”, tức là nói nếu như Cain không lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất mà ở lại quê hương với gia đình, thì Cain sẽ không phải đối mặt với nguy cơ bị giết. Điều này cho thấy nỗi sợ hãi của Cain không xuất phát từ trong gia đình của anh ta, nếu không thì Cain ở chung với gia đình của mình sẽ càng nguy hiểm hơn, dù Cain sống với cha mẹ hoặc sống một mình thì đều đối mặt với vấn đề “ai nhìn thấy tôi sẽ giết tôi”, việc này không có quan hệ với việc bị trục xuất khỏi quê hương.
Hơn nữa, nếu như mối đe dọa của Cain đến từ các anh chị em của anh ta, theo ghi chép trong Kinh Thánh mà suy luận, khi Cain giết Abel là khoảng 100 tuổi, đối với người có thể sống 1000 tuổi, 100 tuổi chưa được tính là người trưởng thành, nếu như Adam và Eva còn có những đứa con khác, thì cũng chỉ có thể có khoảng 100 người con, và phần lớn trong đó vẫn còn là những đứa trẻ nhỏ. Thần Jehovah hoàn toàn có thể bảo Adam nói với những đứa con khác buông tha cho Cain, hoặc Thần Jehovah tự mình nói cũng được, nhưng tại sao Jehovah lại không làm như vậy mà đánh dấu lên mình Cain? Thần Jehovah lẽ nào còn phải nói cho các anh em của Cain dấu hiệu này có ý nghĩa gì sao? Vậy thì dấu hiệu này là thừa rồi.
Thêm nữa, nếu như mối đe dọa của Cain đến từ anh chị em của mình thì việc các anh chị em của Cain muốn mà đòi lại công lý cho Abel chẳng phải là một việc làm chính nghĩa sao? Tại sao Thần Jehovah vì để bảo hộ một tội phạm giết người mà lại giáng tội gấp bảy lần cho các anh chị em đi đòi lại công lý? Chẳng phải là không công bằng sao?
Căn cứ vào những phân tích ở trên, những người mà Cain lo lắng “nhìn thấy tôi sẽ giết tôi” chắc chắn không phải là các anh chị em của Cain, nhưng theo ghi chép trong Kinh Thánh thì Thần Jehovah chỉ tạo ra Adam và Eva, vậy những người mà Cain lo ngại chính là những người được tạo ra bởi các vị Thần khác. Nói cách khác, Cain bị Thần Jehovah “lưu đày” đến nơi không phải là nơi ở của Adam và Eva, người ở nơi đó đều là những người mà Cain chưa từng gặp, giống như một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ở một nơi xa xôi, bất cứ lúc nào cũng có thể bị giết hại hoặc bị lừa bán, trong tình huống đó có thể hiểu được nỗi sợ hãi của Cain. Thần Jehovah đánh dấu lên mình Cain để cho những người xa lạ kia biết rằng Cain được Thần bảo hộ mà không dám hành động thiếu suy nghĩ, điều này có thể lý giải được, mà lời nguyền bị báo ứng gấp bảy lần của Jehovah cũng hợp lý, bởi vì những kẻ lạ mặt nếu giết Cain thì chắc chắn xuất phát từ động cơ không tốt.
Vấn đề thứ hai: Đoạn 6:1-3 Sáng Thế ký – Kinh Thánh viết:
1. Khi con người trên mặt đất ngày càng nhiều, và khi loài người đã sinh được con gái rồi.
2. Các con trai của Thần nhìn thấy con gái của loài người dung mạo xinh đẹp, bèn cưới người nào vừa ý mình về làm vợ.
3. Thần Jehovah phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là 120 năm mà thôi.
Nghĩa là bởi vì những đứa con của Thần nhìn thấy con gái của loài người dung mạo xinh đẹp, liền tùy ý lựa chọn, lấy về làm vợ, Thần Jehovah liền trừng phạt họ, nói rằng sinh mệnh của họ sẽ rút ngắn lại chỉ còn 120 năm.
Về con số 120 năm, có nhiều cách lý giải khác nhau, có người nói là trận đại hồng thủy 120 năm sau đó đã hủy diệt loài người, cũng có người nói rằng tuổi thọ của con người bị giảm từ 1000 năm xuống còn 120 năm. Tuy nhiên cách giải thích thứ hai không thật phù hợp với những gì miêu tả ở phần sau của Kinh Thánh, bởi vì sau trận đại hồng thủy một thời gian con người vẫn có thể sống được khoảng 500 tuổi. Nhưng dù giải thích thế nào, sự trừng phạt của Thần Jehovah đối với con người là rất nặng.
Vấn đề là tại sao các con trai của Thần chọn các con gái của loài người làm vợ lại đem đến cho nhân loại tai họa lớn như vậy? Thời đó số lượng người sinh sống vốn rất ít, hôn nhân cận huyết đều được phép, tại sao không thể lấy những người con gái xinh đẹp của loài người làm vợ? “Các con trai của Thần” là ai? Còn “các con gái của loài người” là ai?
Vấn đề này hiện nay có hai cách giải thích, một là: “các con trai của Thần” chỉ “những người con trai của con dân của Thượng đế”, “các con gái của loài người” là “các con gái của tộc ngoại bang”. Cách giải thích này có mâu thuẫn ở chỗ nếu họ đều là hậu duệ được Adam sinh ra thì dựa vào đâu để phân biệt “người của tộc ngoại bang”? Họ có tín Thần hay không tín Thần? Trong Kinh Thánh không nói về việc người tín Thần không thể kết hôn với người không tín Thần. Điều quan trọng nhất là vì sao hôn nhân của họ lại mang lại tai hoạ cho loài người? Cách giải thích này không rõ. Một cách giải thích khác là “các con của Thần” chỉ “những Thiên sứ sa ngã”, Thiên sứ không thể kết hôn với con người, bởi vì họ đã làm việc này nên bị trừng phạt. Cách giải thích này có vấn đề là trong Kinh Thánh nói rằng Thiên sứ không được kết hôn, hơn nữa Thiên sứ không có nhục thân của con người nên không thể kết hôn với con người, điều quan trọng nhất là cho dù họ có thể kết hôn thì đây là tội của những Thiên sứ bại hoại, con người không may trở thành người bị hại, vì sao Thần Jehovah lại giáng tai hoạ cho loài người? Cho nên cách giải thích này cũng không rõ. Chỉ có một cách giải thích đầy đủ cho đoạn Kinh Thánh này, chính là con người trên trái đất không chỉ có hậu duệ của Adam và Eva, mà còn có những người do Thần khác tạo ra. Những người do những vị Thần khác nhau tạo ra tuyệt đối cấm chỉ kết hôn khác dòng dõi, điều này rất dễ lý giải, bởi vì sau khi họ kết hôn khác dòng dõi thì hậu duệ sau này của họ không còn thuộc về bất cứ vị Thần nào nữa, hơn nữa làm vậy là đi ngược với ước định của họ với Thần. Cho nên khi con người trên mặt đất đều cho rằng có thể làm như vậy hoặc đều đã làm như vậy thì Thần cần phải hủy họ. Đây là cách giải thích phù hợp và logic nhất.
Hai vấn đề nêu ở trên đều hướng đến cùng một đáp án, chính là thế giới này chắc chắn do nhiều vị Thần tạo ra. Như vậy trong Kinh Thánh có manh mối nào chứng tỏ nhiều vị Thần đã tạo ra trời đất chăng? Có! Manh mối thứ nhất là: Chúng ta đều biết trong Kinh Thánh nói rằng, Thần mất sáu ngày để tạo nên vạn vật và con người, nhưng rất nhiều người đều bỏ qua một sự thật, đó là chương thứ nhất của Sáng Thế ký – Kinh Thánh nói rằng khi tạo ra người, tạo ra trời đất thì không có đề cập đến tên “Thần Jehovah”, chỉ nói do “Thần” tạo nên. Tên gọi “Jehovah” chỉ bắt đầu xuất hiện vào chương thứ hai khi tạo ra Adam và Eva. Hơn nữa, rất nhiều người không biết một sự thật vô cùng quan trọng khác, đó là “Thần” trong Thần tạo ra trời đất trong Kinh Thánh bản tiếng Do Thái là danh từ chỉ “số nhiều”! Dịch ra là “nhiều vị Thần”! Người phiên dịch Kinh Thánh đã cố ý dịch “Thần” số nhiều thành danh từ số ít, lý do là trong bản tiếng Do Thái danh từ “Thần” mang hàm ý kính ngưỡng, nên có thể phiên dịch thành danh từ số ít. Nếu như không có hai vấn đề ở trên dẫn đến giả thuyết nhiều vị Thần tạo trời đất, thì lỗi dịch sai nhỏ này hẳn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cách hiểu, nhưng vì đã có hai vấn đề ở trên, danh từ “Thần” ở đây là số ít hay số nhiều sẽ là vấn đề mấu chốt. Mà hai vấn đề ở trên nếu dùng thuyết một vị Thần duy nhất sẽ không thể lý giải được một cách hợp lý nhưng nếu dùng thuyết nhiều vị Thần tồn tại thì có thể giải thích đầy đủ, danh từ “Thần” trong nguyên văn tiếng Do Thái thực ra mang nghĩa số nhiều chứ không phải số ít.
Danh từ “Thần” số nhiều còn giải thích được một vấn đề đang tranh luận, đó là trong đoạn 1:26 Sáng Thế ký viết rằng: “‘Thần nói, chúng ta hãy chiểu theo hình dáng của chúng ta, dựa theo hình dáng của chúng ta mà tạo ra con người”. Theo câu trên, do hiện nay danh từ “Thần” được phiên dịch thành số ít, như vậy sẽ mâu thuẫn với với câu nói tiếp theo dùng danh xưng “chúng ta”, để giải quyết cho mâu thuẫn này đã dẫn ra cách lý giải “tam vị nhất thể” gì đó, hoặc là giải thích Jehovah và Jesus không phải là một vị Thần .v.v. tranh luận tới lui rất hỗn loạn. Nếu như trực tiếp phiên dịch thành: “Các vị Thần nói, chúng ta hãy chiểu theo hình dáng của chúng ta, dựa theo hình dáng của chúng ta mà tạo ra con người”, thì không còn gì mâu thuẫn nữa!
Manh mối thứ hai: Khải Huyền – Kinh Thánh đoạn 4:4 viết: “Xung quanh ngai lại có 24 ghế ngồi, trên đó là 24 vị trưởng lão, tất cả đều mặc áo trắng, đầu đội vương miện vàng”.
Khải Huyền đoạn 5:6 viết: “Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết; Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt, là bảy vị thần của Đức Chúa trời sai xuống khắp thế gian”.
Ý nghĩa là, vào thời điểm Đại Thẩm Phán, trên trời có 24 ghế ngồi, ở trên đó là 24 vị trưởng lão, trong đó có một Chiên Con, chính là Jesus.
Dù là Jehovah và Jesus là cùng một vị Thần hoặc là quan hệ cha con, theo lý giải của con người hiện tại đối với Kinh Thánh, họ vốn là những vị Thần chí cao vô thượng, vậy tại sao vào lúc Đại Thẩm Phán lại xuất hiện 24 vị trưởng lão, vậy 23 vị kia là ai, tại sao lại có thể ngồi cùng ghế với Jesus? Điều này nếu dùng thuyết một vị Thần sẽ không thể lý giải được. Nhưng nếu như nói trời đất này là do Nhiều vị Thần tạo ra, vào lúc Đại Thẩm Phán nhiều vị Thần hội tụ lại để thẩm phán thì rất hợp tình hợp lý, mở đầu và kết thúc của Kinh Thánh sẽ hoàn toàn ăn khớp.
Có người nói, trong Kinh Thánh Jesus nói: “Ta là con đường, là chân lý, là sinh mệnh; nếu chẳng phải nhờ vào ta, không có ai có thể đi đến nơi của Cha”, đây không phải là chứng cứ cho một vị Thần ư? Không nhất thiết! Nếu như Adam và Eva là do Jesus (Jehovah) tạo ra, mục đích mà ông đến thế gian chính là muốn cứu độ hậu duệ của Adam và Eva, như vậy ông nói những lời này với hậu duệ Adam và Eva là vô cùng chính xác, nhưng câu nói này lại không chứng minh vạn vật là do một vị Thần tạo ra. Lấy một ví dụ, một người cha có thể nói với những đứa con của mình rằng ta là cha duy nhất của con, nhưng câu này không thể thuyết minh ông là người cha duy nhất tạo ra thế giới này.
Kỳ thực, khi trầm tĩnh đọc Kinh Thánh sẽ phát hiện trong đó có rất nhiều nội dung mô tả rằng Thần Jehovah chỉ chăm sóc cho người Israel. Ví dụ như trong Xuất Ai Cập, Thần Jehovah nhiều lần xuất hiện và nói với Moses rằng: Ta là vị Thần của con, Ta là vị Thần của tổ tông của con. Thần Jehovah gọi người Israel là “Người của ta”, nhưng từ trước giờ Thần Jehovah lại không nói rằng ông là Thần của người Ai Cập, ông luôn thông qua Moses để truyền đạt lại cho Pharaoh Ai Cập, cũng không bao giờ xuất hiện trước vua Pharaoh Ai Cập hoặc nói Pharaoh hãy để người Israel rời đi. Và khi quân đội Ai Cập đuổi theo người Israel, ông đã dùng nước biển tiêu diệt toàn bộ đội quân Ai Cập. Câu chuyện này để giải thích người Ai Cập không phải hậu duệ của Adam, họ không có bất kỳ quan hệ nào với Thần Jehovah.
Tóm lại, Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng “nhiều vị Thần” sáng tạo ra thế giới và con người không phải là do một vị Thần tạo ra.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258735
Ngày đăng: 04-10-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.