Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Nhân sinh cảm ngộ

Giấc mộng hóa thành bướm của Trang Chu

02-05-2025

Tác giả: Thiên Hi

[ChanhKien.org]

Một ngày nọ, Trang Chu đang ngủ trên thảm cỏ và có một giấc mơ. Trong giấc mơ, Trang Chu hóa thành một con bướm, con bướm nhẹ nhàng bay lượn giữa không trung, rong chơi khắp nơi, thân ảnh phiêu diêu và tự do. Con bướm vui vẻ đến mức quên mất hình dáng vốn có của mình, cũng quên mất rằng bản thân mình là Trang Chu biến hóa mà thành.

Một lúc sau, Trang Chu từ trong mộng đột nhiên tỉnh giấc, nhưng ông vẫn có thể nhớ rõ cảnh tượng trong giấc mơ. Ông ngồi dậy nhìn bản thân, lại nhìn thảm cỏ, hoa lá, chim muông xung quanh, rồi nghĩ đến những điều trong giấc mơ, trong khoảnh khắc cảm thấy có chút bối rối. Ông không thể phân biệt rõ ràng mình rốt cuộc là Trang Chu hay là con bướm nữa. Rốt cuộc là ông nằm mơ thấy mình hóa thành bướm, hay ông vốn là con bướm đang mộng thấy mình biến thành Trang Chu? Bản thân mình rốt cuộc là ai?

Vấn đề mang tính triết lý này không chỉ riêng Trang Chu từng suy ngẫm, rất nhiều người khi ở một mình cũng thường suy ngẫm một vấn đề: “Ta là ai?” Có một số người chỉ là thoáng nghĩ qua, nghĩ không thông thì liền bị hãm nhập vào cuộc sống bận rộn. Cũng có người dốc hết tâm trí để suy nghĩ, tìm đáp án trong kinh Phật, trong lĩnh vực triết học, cuối cùng vẫn chẳng thu hoạch được gì, trong lòng càng ngày càng trống rỗng.

“Ta là ai?” Câu hỏi này có thể tìm thấy đáp án trong Pháp Luân Đại Pháp. Sư phụ Đại Pháp trong tập thơ “Hồng Ngâm V” (bản cập nhật) đã viết:

“Tôi và bạn đều là Thần đến từ các Thiên quốc khác nhau
Quá khứ đang hoại diệt tân vũ trụ đang đản sinh
Để vào thiên thể mới của Sáng Thế Chủ lúc mạt hậu
Vạn Vương vạn Chủ hạ thế đến làm người”

Chúng ta từng là những vị Vương trên thiên thượng, vì để đoái hiện lời thệ ước của mình mà đã đến nhân gian. Lời thệ ước này mang theo con đường thành Thần của bản thân, cũng chất chứa niềm hy vọng của chúng sinh trong thiên quốc của mình.

Tuy nhiên, trong luân hồi chuyển thế qua lại ở chốn nhân gian, chúng ta dần dần quên mất bản thân là ai. Thế giới này xô bồ, huyên náo, danh lợi tình thù giống như hoa cỏ hấp dẫn con bướm, khiến con bướm quên mất bản thân vốn là Trang Chu, khiến chúng ta quên mất sứ mệnh của mình.

Mặt khác, cũng có thể Trang Chu trong giấc mơ đã tiến nhập vào không gian khác, từ góc nhìn của con bướm mà thấy được vẻ đẹp mỹ diệu của không gian khác. Vì vậy khi tỉnh mộng, những điều ông nhìn thấy và cảm nhận được vẫn chân thực, rõ ràng. Nhiều thi nhân khi say rượu hoặc trong mộng cũng có thể tiến nhập vào không gian khác, không gian khác huyền diệu và kỳ ảo ấy đã khơi dậy tính thơ, mới có thể viết ra được lần lượt các bài thơ lãng mạn.

Trong sách giáo khoa trung học có trích dẫn bài thơ “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” của Lý Bạch, kể về việc Lý Bạch ở trong mơ đã du ngoạn núi Thiên Mụ, núi Thiên Mụ cao vút chạm mây, là một ngọn núi tiên.

Lý Bạch ở trong mộng leo lên núi tiên, nhìn thấy mặt trời mọc trên biển, nghe được tiếng gầm của gấu và rồng, sau đó còn bước vào cảnh tiên, chứng kiến một buổi tụ hội linh đình của các vị Thần Tiên.

“Cầu vồng làm áo, gió làm ngựa,
Các bậc quân vương trên mây lần lượt hạ xuống”.

Các Tiên nhân mặc áo được làm bằng cầu vồng, cưỡi xe do gió kéo thay ngựa. Những miêu tả cụ thể và chân thực đến mức người đọc có cảm giác như thân ở trong cảnh. Lý Bạch ở trong giấc mộng thật sự đã tiến nhập vào không gian khác nên mới có thể thấy được thế giới thần tiên kỳ ảo đến như vậy.

Hai câu chuyện này đều xoay quanh một chữ: “mộng”. Mộng là hư ảo, nhưng những gì nhìn thấy và cảm nhận trong mộng lại là chân thực, vì thế người ta thường không thể phân biệt rõ đâu là cảnh mộng, đâu là hiện thực. Vậy thì, thế giới mà chúng ta đang sống đây có thật sự là chân thực không? Liệu thế giới này có phải cũng chỉ là một giấc mộng hư huyễn?

Lý Bạch đã không thể vì cảnh sắc tráng quan của núi Thiên Mụ mà lưu lại mãi trong giấc mộng, do đó sau khi tỉnh dậy, ông “sững sờ giật mình mà tỉnh giấc, chỉ còn biết thở dài một tiếng mà thôi”. Nếu như ông có thể ở lại cảnh tiên trong giấc mộng, thì có lẽ trong hiện thực ông sẽ chẳng bao giờ tỉnh lại nữa. Cũng tương tự như vậy, chúng ta nếu đắm chìm quá lâu trong những chuyện thường ngày, thì liệu còn có thể quay về thế giới thiên quốc không?

Sư phụ Đại Pháp trong bài thơ “Nhập Thánh Cảnh – Hồng Ngâm III” đã nói cho chúng ta câu trả lời:

“Chuông gió ngân
Khói hương vương
Lưu luyến quên về không muốn bước
Không tu đợi bao giờ”

Đúng vậy, không tu luyện thì còn đợi đến bao giờ? Chỉ khi nhìn thấu cái giả tạm, tìm lại chân ngã, nhảy ra khỏi tầng thứ của con người, thì Trang Chu mới có thể biết được rốt cuộc mình là Trang Chu, hay là con bướm.

Nguyên văn: “Xưa kia Trang Chu mộng thấy mình hóa thành bướm, thật giống như một con bướm bay lượn tự tại, tự cảm thấy vui vẻ thỏa chí, chẳng còn biết mình là Trang Chu nữa. Bỗng chốc tỉnh dậy, mới sực nhận ra mình là Trang Chu. Không rõ là Trang Chu nằm mộng hóa thành bướm, hay bướm nằm mộng hóa thành Trang Chu?” Giữa Trang Chu và bướm ắt hẳn có sự phân biệt, đây gọi là sự biến hóa của vạn vật.

(Chiến Quốc – Trang Chu, “Trang Tử – Tề Vật Luận”)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/295052

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài