Bộ não bị hiểu lầm (Phần 2)



Tác giả: Cao Tử Đàn, Đổng Vận

[ChanhKien.org]

Những hiểu biết sâu sắc của một nhà khoa học bị đột quỵ não

Sau khi trải qua một cơn đột quỵ, nhà nghiên cứu não, Tiến sĩ Jill Bolte Taylor từ Khoa Tâm thần học của Đại học Harvard có cái nhìn sâu rộng hơn về bộ não con người. (Ảnh được sự cho phép của Tiến sĩ Taylor)

Là một nhà nghiên cứu về não bộ tại Khoa Tâm thần học của Đại học Harvard, một cơn đột quỵ bất ngờ đã giúp Tiến sĩ Taylor có trải nghiệm kỳ lạ mà các nhà khoa học về não bình thường không thể chứng kiến ​​- bà ngay lập tức thoát ly khỏi những giọng nói trong đầu não, bị cắt đứt khỏi kết nối với thực tế cuộc sống, và tiến nhập vào một thế giới đầy vẻ đẹp, yên bình, từ bi và nhân ái.

Tiến sĩ Jill Bolte Taylor là nhà nghiên cứu về não bộ thuộc Khoa Tâm thần học của Đại học Harvard. Bà bất ngờ bị đột quỵ vào năm 1996. Điều này giúp bà có được một trải nghiệm kỳ lạ mà các nhà khoa học về não bình thường không thể chứng kiến. Với mong muốn mạnh mẽ được chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người, sau tám năm điều trị đau đớn, bà đã bình phục và viết cuốn sách “Những hiểu biết sâu sắc mà cơn đột quỵ mang đến cho tôi” (My Stroke of Insight: A Brain Scientistʼs Personal Journey), tựa đề của ấn bản Hồng Kông là “Phép Màu”. Năm 2008, cuốn sách đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất của The New York Times và bà được bình chọn là một trong 100 nhân vật hàng đầu của tạp chí Times. Video bài phát biểu của bà trên kênh TED Talk trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Điều kỳ diệu nào đã xảy ra với bà?

Cơn đột quỵ bất ngờ

Tiến sĩ Jill yêu thích guitar nhưng vì anh trai bà mắc chứng tâm thần phân liệt nên bà quyết tâm nghiên cứu về bộ não con người để giúp đỡ những người bị bệnh. Việc nghiên cứu của bà ở Đại học Harvard diễn ra suôn sẻ cho đến sáng ngày 10/12/1996. Khi tỉnh dậy, bà thấy chân tay mình không hoạt động bình thường, bà không thể đi, nói, đọc, viết hay ghi nhớ cuộc sống một cách bình thường. Bà kể: “Lúc đó tôi là một đứa bé trong cơ thể của một người phụ nữ trưởng thành”.

Lần đầu tiên bà cảm thấy đau nhói ở mắt trái khi đang tập thể dục buổi sáng. Bà cảm thấy ý thức của mình dần rời xa thực tế, như thể bà đang đứng trong một không gian khác để quan sát mọi thứ mình đang trải qua. Đúng lúc bà đang ngạc nhiên thì cơn đau đầu lại trở nên tồi tệ hơn. Bà bước về phía phòng khách, cảm thấy mỗi bước đi đều rất cứng ngắc, thời gian trôi chậm lại, cảm giác với thế giới bên ngoài cũng yếu dần. Cơ thể bà bắt đầu không tuân theo mệnh lệnh và mất thăng bằng, bà chỉ có thể cảm nhận được năng lượng.

Tiến nhập vào cảnh giới cực lạc

Lúc này, bà cảm thấy một phần não bộ của mình đã hoàn toàn ngừng hoạt động, như thể có ai đó đã nhấn nút tắt tiếng trên điều khiển từ xa và khiến nó hoàn toàn yên tĩnh. Ngay khi bà giật mình vì sự im lặng, sự chú ý của bà như bị bao bọc bởi biển năng lượng xung quanh. Bà không thể cảm nhận được ranh giới của cơ thể mình. Bà bắt đầu cảm thấy mình là một cơ thể khổng lồ vẫn đang mở rộng và hòa nhập với tất cả năng lượng xung quanh. Sau đó, bà bước vào một cảnh giới tuyệt đẹp.

Theo video của TED Talk, bà luôn nhớ về trạng thái hoàn toàn bị thoát ly khỏi những giọng nói trong đầu và bị cắt đứt khỏi sự kết nối với cuộc sống thực. “Đó là một không gian tuyệt đẹp. Ở đó, mọi áp lực công việc đều tan biến và tôi cảm thấy rất thoải mái. Mọi áp lực giữa các mối quan hệ cá nhân cũng biến mất. Tất cả chỉ còn lại sự bình yên, thậm chí tôi đã vứt bỏ được cả gánh nặng tình cảm 37 năm”. “Tôi cảm thấy mình đã đến cảnh giới cực lạc. Đây có lẽ chính là Niết bàn (Nirvana) mà mọi người thường nói đến”.

Thực tế bên ngoài và cảnh giới nội tâm

Đang đắm chìm trong thế giới tươi đẹp, trong đầu bà đột nhiên có cảm giác hiện thực, bà nghĩ: “Có chuyện gì đó không ổn, mình cần nhanh chóng cầu cứu”. Trong quá trình đột nhiên tỉnh táo lại, bà bối rối. Bà gặp khó khăn trong việc tìm ra sự thật của chính mình, tầm nhìn của bà mờ đi, bà cố gắng liên lạc đến số điện thoại cơ quan. Khi đồng nghiệp của bà trả lời điện thoại, đối phương không nghe thấy bà nói gì. Lúc đó, bà đã mất khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ.

May mắn thay, người đồng nghiệp cảnh giác nên đã gọi xe cấp cứu. Khi Tiến sĩ Jill tỉnh dậy trong bệnh viện, bà có cảm giác như đang ở hai thế giới bên trong và bên ngoài hoàn toàn khác nhau. Sự kích thích ánh sáng từ thế giới bên ngoài bùng cháy như đám cháy rừng, âm thanh từ thế giới bên ngoài ồn ào đến mức không thể phân biệt được, cũng không thể cảm nhận được vị trí của cơ thể và khuôn mặt. Nhưng ở thế giới bên trong, bà cảm thấy mình vô cùng to lớn, linh hồn không ngừng bơi lội như một con cá voi khổng lồ giữa biển. Bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc, cơ thể to lớn của mình không thể nén lại thành một cơ thể nhỏ bé nữa.

Trong sự xuất hiện đan xen của hai thế giới này, Tiến sĩ Jill nhận ra rằng mình vẫn còn sống. Bà không chỉ còn sống mà còn trải nghiệm cảnh giới Niết bàn mà mọi người thường nhắc đến. “Đó là một thế giới tràn ngập vẻ đẹp, yên tĩnh, từ bi và nhân ái. Tôi có thể tiến nhập vào cõi Niết bàn, những người đang sống đều có thể tiến nhập vào cảnh giới này. Chỉ cần con người nguyện ý, họ có thể nhảy ra khỏi não trái và đi vào não phải, tìm được phần an tĩnh, đẹp đẽ đó”.

Nhân gian là nền tảng tốt nhất để học tập về tình yêu và sự khoan dung

Dù đã 14 năm trôi qua nhưng Tiến sĩ Taylor vẫn nhớ rõ vẻ đẹp của cảnh giới đó khi bà nói chuyện với phóng viên của “Tân Kỷ Nguyên”. Bà nói rằng trong những hoàn cảnh nhất định, con người có thể đạt được cảnh giới hạnh phúc và cực lạc mà bà đã trải qua.

Bà cũng chỉ ra rằng thực hành đả tọa có thể giúp mọi người tập trung có chọn lọc suy nghĩ của mình vào một “mạch” định sẵn, càng chi tiết cụ thể thì càng dễ kiểm soát. “Khi chúng ta định trước kiểu suy nghĩ và suy nghĩ cụ thể, những suy nghĩ này sẽ thống trị suy nghĩ của chúng ta”. Bà nói: “Kỹ thuật (kiểm soát suy nghĩ) tuyệt vời này có thể ‘che đậy’ các hoạt động thể chất và nhận thức khác của não”, “Dần dần, tâm con người sẽ bình tĩnh lại”, và họ sẽ có thể cảm nhận được những điều đẹp đẽ.

Một số người cho rằng trải nghiệm của Tiến sĩ Taylor cũng giống như nhiều trải nghiệm cận tử khác. Hiện nay, nhiều nhà khoa học y tế trên thế giới đang nghiên cứu hiện tượng cận tử, thông qua những người từng có trải nghiệm tử vong nhưng được cứu sống nhìn lại những trải nghiệm của bản thân họ vào khoảnh khắc tử vong, để giúp con người thêm trân trọng cuộc sống hơn.

Trong cuốn sách “Làm sáng tỏ bí ẩn của sự sống và cái chết – Khải thị vĩnh cửu của ba trăm người trọng sinh sau trải nghiệm cận tử”, Tiến sĩ Babara R. Rommer, M.D. kể về những gì đã xảy ra khi họ cận kề cái chết. Nhiều người cảm thấy giống như Tiến sĩ Taylor, trải nghiệm sự bình yên trọn vẹn và tình yêu thương vô điều kiện. Tuy nhiên, những người khác lại trải qua cảm giác bất an và thậm chí là kinh hoàng.

Mặc dù trải nghiệm của hơn 300 người này rất khác nhau nhưng họ có một điểm chung. Sau khi trở lại nhân gian, họ không còn quá sợ hãi cái chết, có thể yêu thương người khác vô điều kiện hơn, giảm bớt ham muốn vật chất và trở nên tâm linh hơn. Họ cho rằng cuộc sống là nền tảng tốt nhất được tạo hóa ban tặng để các sinh mệnh học được cách “yêu thương và khoan dung”.

Bộ não người bình thường cố tình ức chế quá trình “tự thăng hoa”

Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Yang Jingduan) là bác sỹ tâm thần học tại Khoa Sức khỏe Tâm lý và Hành vi tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, Hoa Kỳ. Ông nói với “Tân Kỷ Nguyên” rằng nghiên cứu hình ảnh thần kinh hiện đại của Tiến sĩ Newberg thuộc Đại học Pennsylvania cho thấy bộ não con người có một hệ thống mạng lưới liên quan đến thùy trán, thùy đỉnh và vỏ thùy thái dương, cũng liên quan mật thiết đến hoạt động tín ngưỡng của con người. Tiến sĩ Cosimo Urgesi của Đại học UDINE ở Ý đã nghiên cứu chỉ số chấm điểm “tự thăng hoa” của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật u não. Họ phát hiện ra rằng tổn thương có chọn lọc ở thùy đỉnh sau trái và phải làm tăng đáng kể điểm “tự thăng hoa”. Bộ não con người rõ ràng có chức năng ức chế công năng nhận thức của con người ở các không gian khác. Khi cấu trúc não chịu trách nhiệm cho chức năng này bị tổn thương, con người có thể nhìn trộm hoặc thậm chí trải nghiệm những cảnh đẹp ở không gian khác. Điều này giống như những gì đã xảy ra với nhà khoa học về não bộ bị đột quỵ. Và những người đã tu luyện lâu năm dường như có thể giải tỏa một cách lành mạnh sự ức chế “tự thăng hoa” của não bộ bằng cách không ngừng buông bỏ chấp trước vào danh lợi, tình cảm và thiền định.

(Còn tiếp)

(Bài viết này đăng lại từ chuyên mục “Câu chuyện trang bìa” số 207 của “Tuần san Tân Kỷ Nguyên”)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/291956



Ngày đăng: 20-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.