Bàn về ý nghĩa chân chính của Hồng Lâu Mộng



Tác giả: Thanh Hân

[ChanhKien.org]

Thế nhân đã nghiên cứu “Hồng Lâu Mộng” từ rất lâu, còn chia thành rất nhiều trường phái, nhiều người cảm thấy rằng trong “Hồng Lâu Mộng” dường như ẩn chứa bí mật gì đó cần được khai phá. Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ thuyết vô thần và tầng diện trí huệ của người thường thì hoàn toàn không thể hiểu được hàm nghĩa căn bản của tác phẩm này. Thông qua tu luyện Đại Pháp, người viết có được một vài thể hội của bản thân về tác phẩm, xin được viết ra để chia sẻ cùng mọi người. Nếu có chỗ nào không thỏa đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

1. “Hồng Lâu Mộng” viết cho ai xem?

Ngay ở trong hồi đầu tiên đã nói rõ ràng:

Đầy trang những chuyện hoang đường
Tràn trề nước mắt bao nhường chua cay!
Đều cho tác giả là ngây
Ai hay ý vị chứa đầy ở trong.

Trong cuộc sống hiện thực, có người thích đọc “Hồng Lâu Mộng”, có người lại hoàn toàn không thể đọc nổi. Vì sao? Bởi vì những người không đọc nổi ấy căn bản không phải là đối tượng mà tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” hướng tới. Vậy những người như thế nào sẽ thích đọc? Nói cách khác, cuốn sách này viết cho ai xem? “Khai tịch Hồng Mông, ai là tình chủng (kẻ si tình)?” Câu này đã đưa ra đáp án, đó là viết cho những “tình chủng” xem. Vì vậy, Tào Tuyết Cần mới nói “đại thể bàn về tình”.

Vậy “tình chủng” là gì? Có thể lý giải là người nặng tình. Những người như vậy thường có tính cách đặc trưng là có thể xem nhẹ danh và lợi, nhưng lại khá xem trọng tình cảm thế gian, đặc biệt là “tình cảm nam nữ”. Họ phần lớn đang tìm kiếm một người bạn tinh thần giống như Lâm Đại Ngọc. Có lẽ họ sẽ không thừa nhận bản thân cũng coi trọng “sắc dục” (vấn đề này đã được phân tích rất rõ ràng trong lời nói mà Tiên Cô Cảnh Huyễn nói với Bảo Ngọc, nên ở đây không nhắc lại). Nếu như không phải là loại người này, thì sẽ không có hứng thú thực sự gì đối với “Hồng Lâu Mộng”.

2. Vì sao viết “Hồng Lâu Mộng”?

Kỳ thực, vấn đề này khá lớn. Nói một cách đơn giản, tác giả hy vọng thông qua trải nghiệm sống nơi nhân gian và thể ngộ trong quá trình tu luyện của mình để đánh thức những người đang trong mộng, sớm tỉnh ngộ mà bước lên con thuyền Pháp cuối cùng.

“Hồng Lâu Mộng” còn có tên là “Thạch Đầu Ký”, lai lịch của hòn đá này đã được nói rất rõ ràng. Nhưng rất ít người nghĩ đến việc: Vì sao Nữ Oa vá trời lại thừa ra một hòn đá? Kỳ thực, điều đó ám chỉ rằng Nữ Oa không thể giải quyết vấn đề hoại diệt ở tầng không gian này, Thần của vũ trụ cũ không thể nghĩ ra một biện pháp thập toàn thập mỹ. Hòn đá này bắt buộc phải trải qua ma luyện trong cõi nhân gian, cuối cùng đồng hóa với Pháp của tân vũ trụ, mới có thể thật sự đạt đến mục đích vá trời. Vì vậy mới có câu chuyện về Thần Anh Thị Giả ở cung Xích Hà, cuối cùng phải “bởi không mà thấy sắc, bởi sắc mà sinh tình, truyền tình vào sắc, từ sắc mà ngộ được không” để quay trở về.

Nhắc đến “hòn đá” và “ngộ không”, không thể không khiến người ta liên tưởng đến “Tây Du Ký”. Mỹ Hầu Vương từ hòn đá mà sinh ra, hơn nữa pháp danh là “Ngộ Không”. “Tây Du Ký” cũng là thuật lại quá trình tu luyện, trong quá trình tu luyện, ma nạn khá lớn là “tình” và “sắc”. Đường Tăng ở Nữ Nhi Quốc đã suýt nữa không giữ vững được tâm tính. Kết cục của “Tây Du Ký” và “Hồng Lâu Mộng” đều là tu luyện viên mãn.

“Hồng Lâu Mộng” ngay từ mở đầu viết rõ ràng rằng hòn đá (cũng chính là Thần Anh Thị Giả) đã đi một vòng ở chốn nhân gian, rồi trở về Tiên giới, mới để Không Không Đạo Nhân chép lại câu chuyện ghi trên bề mặt (hòn đá) của anh ta. Cũng tức là nói, nó đã đạt được “ngộ không” ở một mức độ nhất định rồi. Trên thực tế, đã viết rõ rằng Tào Tuyết Cần (có thể là phó nguyên thần) khi viết cuốn sách này, đã ngộ đạo ở một tầng thứ nào đó. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng những gì ghi chép lại đều là câu chuyện chân thực, nhưng “Giả tố chân thời chân diệc giả” (Lấy giả làm thật, thì cái thật ấy cũng là giả), ông không thể hoàn toàn phá giải mê cho con người, vì vậy trong nhiều chỗ đã sử dụng từ ngữ trái nghĩa và cách nói ẩn ý.

Có một khả năng, những gì Tào Tuyết Cần đã ghi chép lại đều là những câu chuyện đã từng xảy ra khi Bảo Ngọc luân hồi chuyển sinh trong nhân thế. Ông cũng đã ngộ ra rằng những trải nghiệm này chỉ là để giúp anh ta từ trong “biển nghiệt trời tình” mà tu luyện xuất lai.

Ông viết những câu chuyện này để cảnh tỉnh thế nhân, trong cuộc đời vô thường, hãy từ trong biển tình mà siêu thoát xuất lai, cuối cùng có thể thực sự đắc Pháp tu luyện quay trở về.

3. Viết như thế nào? Nhân vật nguyên mẫu là ai?

Có lẽ vì một mối quan hệ nhân duyên đặc thù nào đó, Giả Bảo Ngọc có thể đã nhiều lần chuyển sinh thành một nhân vật kiểu “tình chủng” ở trần gian. Cũng tức là nói, hòn đá này sau khi hạ thế có thể không chỉ trải qua một lần luân hồi. Ông thực sự đã nếm trải đủ bi hoan ly hợp của tình yêu nam nữ chốn nhân gian, nếu không thì ông sẽ không có cảm nhận sâu sắc đến vậy đối với những biến chuyển tinh tế trong tình cảm.

Có thể người vợ (hoặc những người vợ) cùng ông diễn vở kịch tại thế gian đã xuất hiện lặp lại nhiều lần trong cuộc sống ở mỗi kiếp của ông. Nhưng bởi vì họ đều là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, những điều viết ra không thể phá mê, nên ông đã sử dụng thủ pháp đặc biệt, tách biệt đặc điểm tính cách của những nhân vật lịch sử và gắn chúng vào các cô gái khác nhau trong Hồng Lâu Mộng.

Ví dụ nói về câu chuyện xảy ra với Tần Khả Khanh, nàng từ nhỏ là một đứa trẻ mồ côi, cha chồng mê luyến sắc đẹp của nàng mà đã phát sinh quan hệ bất chính; còn câu chuyện xảy ra với Sử Tương Vân, nàng cũng không có cha mẹ, nhiều lần được nhắc đến với điển cố “Dương Quý Phi say rượu”; trong chuyện Tiết Bảo Thoa gắn với điển cố “Quý Phi bắt bướm”. Kỳ thực, hình tượng nguyên mẫu của Dương Quý Phi đã được đồng thời phản chiếu vào những nhân vật này: Dương Quý Phi là một cô nhi, có nhan sắc diễm lệ như Tần Khả Khanh, đoan trang như Tiết Bảo Thoa, và cũng có mặt hào sảng như Sử Tương Vân. Tuy nhiên, cuối cùng, vì Đường Huyền Tông chìm đắm trong tình cảm với Dương Quý Phi, dẫn đến sự suy vong của đất nước, khiến Dương Quý Phi phải tự vẫn (có thuyết nói nàng chạy trốn sang Nhật Bản), kết thúc bằng một bi kịch.

Hơn nữa, trên thân Tần Khả Khanh không chỉ ẩn chứa bi kịch của Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông, mà đồ trang trí trong phòng ngủ của Tần Khả Khanh còn có chiếc đĩa vàng mà Triệu Phi Yến đã từng đứng trên đó, ám chỉ bi kịch của Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức và Hán Thành Đế. Sau khi Tần Khả Khanh qua đời, Vương Hy Phượng chủ trì tang sự, hơn nữa Tần Khả Khanh còn báo mộng nhờ nàng ta giúp đỡ dìu dắt gia tộc. Trên thực tế là nói về Hán Thành Đế mê luyến sắc đẹp, giao phó quốc gia cho cậu ruột là Vương Phượng quản lý, dẫn đến việc ngoại thích chuyên quyền. Những bi kịch này đều đang cảnh tỉnh con người, nếu quá chìm đắm trong tình cảm cá nhân, thậm chí nảy sinh tâm sắc dục mạnh mẽ, sẽ dẫn đến một người mất đi chí lớn, cũng có thể khiến một quốc gia dẫn đến diệt vong.

Nếu có thể lý giải tác giả đã đem những nguyên mẫu nhân vật trong lịch sử phản ánh vào các nhân vật khác nhau, ta sẽ phát hiện ra một chi tiết. Trong sách có ám chỉ rằng chồng tương lai của Sử Tương Vân là “Vệ Nhược Lan”, mà sau khi Tần Khả Khanh qua đời, cô được phong làm vợ của “Long Cấm Vệ”. Lần đầu tiên “Vệ Nhược Lan” xuất hiện là trong tang lễ của Tần Khả Khanh. Kỳ thực là cách Tào Tuyết Cần ám chỉ một nhân vật – “Đệ nhất thi nhân của triều Thanh”, và là đới đao thị vệ của Khang Hy – “Nạp Lan Dung Nhược”. Chồng của Tần Khả Khanh là Giả Dung, em chồng của cô là Giả Lan, cũng là để ám chỉ điều này. Vị phu nhân đầu tiên trong giấc mộng của Giả Bảo Ngọc chính là “Khả Khanh”. Vợ đầu tiên của Nạp Lan Dung Nhược rất hiền thục và ân cần chăm sóc ông, nhưng chỉ kết hôn được ba năm đã qua đời, Nạp Lan vì vậy mà vô cùng đau buồn và đã sáng tác rất nhiều bài thơ tưởng nhớ thê tử. Nạp Lan Dung Nhược là con trai của tể tướng Minh Châu, gia đình họ có người chết thì tang lễ đương nhiên rất long trọng, nhưng tuyệt đối không thể sánh với mức độ long trọng như tang lễ của Tần Khả Khanh.

Tang lễ xa hoa của Tần Khả Khanh còn ám chỉ một người khác – Hiếu Hiền Hoàng Hậu của Càn Long Đế. Khi Tần Khả Khanh qua đời, đã mời quan viên trong cung quan sát thiên tượng biến hóa để xem ngày giờ, còn có đại thái giám đích thân đến viếng, hơn nữa còn có rất nhiều con cháu của các thế gia cũng tới phúng điếu, tất cả đều ám chỉ rằng nguyên mẫu của nhân vật này có liên quan đến hoàng cung. Tang lễ của Hiếu Hiền Hoàng Hậu không chỉ là tiền vô khoáng hậu mà trong số các hậu phi cũng có thể nói là đệ nhất triều Thanh. Điều này một phần là do thời Càn Long quốc lực hùng mạnh, hai là vì tình cảm sâu nặng mà Càn Long dành cho Hiếu Hiền. Hoàng hậu Hiếu Hiền là người vợ nguyên phối (chính thức đầu tiên), lại là người hiền thục và ân cần, sau khi hoàng hậu qua đời, không ai có thể thay thế được vị trí của bà trong lòng Càn Long, và ông đã viết rất nhiều bài thơ tưởng nhớ vợ. Điều này rất giống với trải nghiệm của Nạp Lan Dung Nhược. Tại sao lịch sử lại có sự tương đồng kỳ lạ như vậy? Có lẽ những sắp đặt trong lịch sử này đều là để tạo tiền đề cho quá trình “truyền tình vào sắc, từ sắc mà ngộ không” mà thôi. Nó cũng là lời nhắc nhở cho thế nhân rằng hãy sớm chuẩn bị, nhân gian vô thường, hết thảy đều là do số mệnh an bài, người ta nên xem nhẹ tình cảm, để không phải sống trong đau khổ như vậy. Lịch sử ghi lại rằng Càn Long từ nhỏ đã học tập tu hành cùng các lạt ma Tây Tạng, dù có thể là phó nguyên thần tu luyện, thì chủ nguyên thần của ông cũng hẳn là có thể siêu thoát xuất lai được phần nào.

Đối với người đời mà nói, “tình cảm nam nữ” cũng không nên quá nặng nề. Người hiện đại thường dùng cụm từ “tình cảm sâu nặng”, coi đó như một lời tán dương. Trên thực tế, tình cảm của con người trong thời kỳ thượng cổ khá nhẹ nhàng, họ sống một cuộc đời thanh đạm, như ý, tự nhiên không có phiền muộn gì, hết thảy đều là tùy duyên thuận theo thiên ý, vì thế tuổi thọ thường kéo dài. Mọi người đều biết, trong “Hồng Lâu Mộng”, các nhân vật nam nữ chính đang diễn lại câu chuyện nhân duyên đã kết trên Tiên giới – Giáng Châu Tiên Thảo muốn báo đáp sự thương yêu và ơn tưới nước của Thần Anh Thị Giả, vì vậy mới muốn cùng ông đến thế gian để “hoàn trả nước mắt” cho ông.

Nói đến “hoàn trả nước mắt”, không thể không nhắc đến một điển cố lịch sử khác là “Nga Hoàng Nữ Anh”. Họ là con gái của Đế Nghiêu, gả cho Đế Thuấn. Sau khi Đế Thuấn qua đời, họ đã khóc không ngừng, nước mắt rơi xuống làm cho trúc mọc lên, tạo thành trúc hoa hay còn gọi là trúc Tiêu Tương, sau cùng cả hai người đã nhảy xuống sông Tiêu Tương mà chết (và khi nhắc đến nước sông Tương, kỳ thực lại có liên quan đến Sử Tương Vân). Mà Lâm Đại Ngọc được gọi là “Tiêu Tương Phi Tử”, sống trong Tiêu Tương Quán, điều này không phải là ngẫu nhiên. Tại sao “Nga Hoàng Nữ Anh” cuối cùng lại đau buồn đến mức muốn vì chồng mà tuẫn táng theo? Có quả tất có nhân. Người thường cũng có câu nói “Bình bình đạm đạm mới là chân”, nhưng thực sự có thể làm được điều đó e rằng không có mấy người. Điển cố “hoàn trả nước mắt” kỳ thực là đang muốn nhắn nhủ mọi người rằng, “tình cảm sâu nặng” thực chất là một loại giày vò lẫn nhau. Nếu như không thể tỉnh ngộ ra từ giấc mộng, thì những nhân duyên tương báo như vậy bao giờ mới có thể trả hết?

4. Tần Khả Khanh – nhân vật then chốt này ẩn chứa điều gì?

Trong “Thái Hư Huyễn Cảnh”, Tiên Cô Cảnh Huyễn đã gả em gái của mình là Khả Khanh cho Bảo Ngọc. Sau khi Bảo Ngọc và Khả Khanh kết hôn, đang lúc ái ân du ngoạn, lại phát hiện ra rằng tiếp tục đi về phía trước thì đều là ma quỷ, ma quỷ muốn kéo Bảo Ngọc xuống vực sâu. Sau khi Bảo Ngọc gào lên cứu mạng liền tỉnh dậy. Tiên Cô Cảnh Huyễn, người cai quản số mệnh và hôn nhân trong thế gian con người, kỳ thực chính là Thần của Tam Giới – “Tình”, mà em gái của bà là Khả Khanh ở một ý nghĩa nào đó thì chính là hóa thân của “tình sắc”. Lời phán của Tần Khả Khanh là: “Trời tình, biển tình là mộng ảo, một khi duyên gặp bởi tình, ắt dẫn đến tội tà dâm”.

“Tình” là một chướng ngại cự đại trong tu luyện, cũng có thể nói là một loại “ma”, nhưng sự tồn tại của nó lại giúp viên đá cứng đầu ngộ được “không”, nếu không có sự tồn tại của nó, viên đá cũng không thể trở thành một viên đá thực sự có thể vá trời. “Sắc” đối với người tu luyện và thế nhân mà nói thì là một tử quan, không qua được tử quan này, cả người tu luyện và thế nhân đều có thể rơi vào địa ngục, thậm chí vạn kiếp bất phục, cực kỳ nguy hiểm.

Tình tiết “Bảo Ngọc gào lên cứu mạng”, khi bản thân tôi trải qua khảo nghiệm “tình” và “sắc”, khiến tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tính nghiêm túc của tu luyện. Nếu không thể từ căn bản cắt bỏ “tình” và “sắc”, còn muốn giữ lại một chút ít, thì sẽ phải đối mặt với hậu quả rất đáng sợ.

Diệu Ngọc thực ra cũng là hình ảnh phản chiếu của Bảo Ngọc, trong quá khứ anh ta từng tu luyện, tâm sắc dục của chủ nguyên thần chưa được loại bỏ từ căn bản.

Có người nói rằng “Hồng Lâu Mộng” là một cuốn sách dâm mà không có chữ dâm, thực ra chiếc gương “Phong Nguyệt Bảo Giám” trong truyện đã nói rõ vấn đề này. Một tên gọi khác của “Hồng Lâu Mộng” là “Phong Nguyệt Bảo Giám”, bạn phải nhìn ngược lại mới là đúng, mới nhìn thấy được tính nguy hại của sắc dục; nếu bạn nhìn từ mặt trước, chỉ hưởng thụ những miêu tả cảm tình ở trong đó, thậm chí cứ mãi nghĩ đến dục vọng, thì bạn đã nguy hiểm rồi.

“Hồng Lâu” là gì? Kỳ thực chính là chỉ Tam Giới. Người mở được thiên nhãn sẽ thấy rằng Tam Giới đều có tình, và tình nhìn giống như một loại vật chất màu hồng. Sinh mệnh của con người kỳ thực đều là từ trên thiên giới hạ phàm, mục đích là để cuối cùng, trước khi đại kiếp đến, có thể thực sự đắc được chính Pháp tu luyện quay trở về thiên giới. Tuy nhiên, nếu bạn nhập vai quá sâu, thì sẽ không còn hy vọng nữa. Hãy thử tưởng tượng xem, bạn chỉ bất quá là một diễn viên mà thôi, đạo diễn đã định sẵn số phận của các nhân vật, bạn chẳng qua chỉ là đang diễn theo kịch bản mà thôi, vậy nhân vật nào mới là tự kỷ chân chính? Và mục đích của vở kịch này là để bạn cuối cùng nhận ra mình chỉ đang diễn kịch, mục đích giấc mộng này là để giúp bạn cuối cùng có thể tỉnh mộng.

Trong vở kịch lớn lịch sử nơi thế gian con người này, mọi người không ngừng chuyển sinh, mục đích không phải để trải nghiệm những cảm giác ngọt bùi cay đắng ở đây, mà là để có thể kết duyên với Sáng Thế Chủ, đồng thời phối hợp với Chính Pháp cuối cùng để sáng tạo ra các nền văn hóa, tạo tựu phương thức tư duy của con người,… Đây mới là chủ đề của vở kịch lớn này. Nhưng con người đều bị lạc lối trong những tình tiết phụ của câu chuyện rồi, giống như nếu đọc Hồng Lâu Mộng, nhiều người không chú ý đến mấy hồi đầu tiên. Nhưng đó mới là những điều quan trọng nhất, đó mới là lý do thật sự đến thế gian của sinh mệnh – đắc Pháp trở về trời.

Hỡi những thế nhân đang mê mờ, hãy nhanh chóng tỉnh ngộ đi thôi! Chấp trước vào tình sắc sẽ tạo ra rất nhiều nghiệp lực, cuối cùng bạn sẽ phải dùng thống khổ của bản thân mà hoàn trả. Nếu nghiệp lực quá lớn, bạn sẽ phải đọa vào luyện ngục; nếu vì thế mà tạo thành đạo đức suy đồi, sinh mệnh sẽ bị hủy diệt triệt để, có đáng sợ không? Vào thời kỳ mạt Pháp này, Đại Pháp đã được khai truyền, việc kịp thời rút lui và ngộ Đạo đắc Pháp mới là sự lựa chọn sáng suốt nhất.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/128137



Ngày đăng: 21-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.