Thiếu đi lòng biết ơn
Tác giả: Như Sơ
[ChanhKien.org]
Khoa học kỹ thuật đang phát triển, vật chất cũng ngày càng phong phú hơn, nhưng dường như rất nhiều mỹ đức truyền thống đang bị con người dần dần lãng quên. Người xưa luôn ghi nhớ đền ơn đáp nghĩa, nhưng ngày nay con người càng ngày càng thiếu đi lòng biết ơn.
Người ta đều nói “Bách thiện hiếu vi tiên”, hiếu kính người già chính là mỹ đức của truyền thống dân tộc Trung Hoa. Nhưng người già ngày nay không những không được hưởng thụ lòng hiếu thảo của con cái, ngược lại còn phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích gay gắt. Trong gia đình hiện nay, có rất nhiều bậc cha mẹ giúp con cái chăm cháu, làm bảo mẫu miễn phí mà con cái còn vô ơn; việc theo đuổi sở thích tự do cá nhân của họ ngược lại lại trở thành điều sai trái. Có nhiều người bận rộn cả một đời không dễ dàng gì đến lúc nghỉ hưu để được nghỉ ngơi, nhưng ngược lại nghỉ hưu còn vất vả hơn cả khi đi làm, tiền lương phải bù vào một nửa cho con, thời gian cũng không tự do, hoàn toàn không có cơ hội làm những việc mà bản thân muốn làm. Lúc đi làm thì mong chờ nghỉ hưu để có thể theo đuổi sở thích của bản thân, ai có thể ngờ được sau khi nghỉ hưu sở thích của mình chỉ có thể tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi sau khi hầu hạ con cháu xong. Hiện nay nhiều gia đình đều sinh hai con, cha mẹ đi làm từ lúc 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để bọn trẻ cho ông bà trông nom, thời gian cả một ngày của người già đều bận rộn với việc chăm cháu và làm việc nhà; có lúc bị ốm cũng không có cách nào để “xin nghỉ phép” mà nghỉ ngơi. Càng khó khăn hơn khi đã vì con vì cháu mà hy sinh vất vả, không bao giờ tính toán mong nhận lại như vậy rồi mà họ vẫn không nhận được sự biết ơn và tôn trọng, nếu có đi chăng nữa thì cũng rất ít ỏi. Cả con trai và con gái đều thiếu đi lòng biết ơn, huống hồ là con rể và con dâu; họ chỉ biết trách móc cha mẹ già làm cái này không được, làm cái kia cũng không xong mà thôi, hoàn toàn không hề nghĩ đến sự hy sinh gian khổ của cha mẹ.
Trong rất nhiều gia đình đa số mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu đều xuất phát từ việc chăm sóc cháu, ông bà không chăm cháu không xong, mà chăm cháu thì cũng không được. Trong quá trình chăm cháu sẽ khó tránh khỏi áp dụng những kinh nghiệm của bản thân, thì liền bị ghét bỏ và trách móc; nếu không chăm cháu thì sẽ càng bị oán trách hơn, họ bị cho là có lòng dạ sắt đá không muốn giúp đỡ con cháu. Có những người già bị con cái đối xử lạnh nhạt nếu không bỏ tiền hoặc không bỏ công sức ra giúp đỡ con cháu, thậm chí còn bị uy hiếp sẽ không phụng dưỡng lúc tuổi xế chiều. Chẳng phải trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dạy con cái đến tuổi trưởng thành là được rồi sao? Từ khi nào việc chăm cháu lại trở thành trách nhiệm của họ? Những người con chỉ biết trách móc hơn là cảm ơn và quên rằng trong việc chăm cháu, cha mẹ có thể giúp hoặc tình nguyện giúp đó là tình cảm, nếu không thể giúp hoặc không muốn giúp thì cũng là quyền của bố mẹ, chứ đây không phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Nếu tìm người giúp việc đến chăm con nhỏ và làm việc nhà, chẳng những tốn tiền mà e rằng cũng không thể thường xuyên xoi mói họ, vậy tại sao lại quên đi lòng cảm ơn với chính cha mẹ mình cơ chứ? Chẳng qua đây là sự ỷ lại vào tình yêu thương vị tha của cha mẹ già đối với con cháu mà thôi.
Thiếu lòng biết ơn không chỉ thể hiện ở gia đình, mà còn ở trong xã hội. Ví dụ như một người sau khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác thì phản ứng đầu tiên là không còn nhớ việc đi cảm ơn người đã giúp đỡ đó mà lại đắc chí cho mình là đúng đắn, cho rằng nhân duyên của mình tốt, nhân cách rất hấp dẫn và đặc biệt ưu tú cho nên người khác mới giúp đỡ mình. Ngược lại, khi bản thân gặp phải việc không thuận lợi hoặc gặp chút khó khăn thì lại oán trời trách người, oán hận xã hội và số phận bất công; họ không biết suy xét xem những khó khăn trước mắt có phải nguyên nhân do bản thân mình gây ra hay không. Loại người này không phải là ví dụ cá biệt mà có ở mọi nơi; họ đã quen với việc thoải mái, họ đã quen với việc không làm mà hưởng, cho nên nhắm mắt làm ngơ trước sự hy sinh của người khác và cũng coi những gì bản thân nhận được là điều tất nhiên. Họ không có nhiều sự đồng cảm, không biết nghĩ cho người khác, không biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ.
Gốc rễ của tất cả những điều này chính là bởi vì loại người này thường coi mình là trung tâm; bất kể đó là những mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con cái, những việc vặt trong gia đình hay là áp lực công việc, quan hệ xã hội… họ đều cường điệu bản thân là đúng đắn, muốn vạn sự vạn vật đều phát triển theo cách nghĩ của bản thân. Những loại người mang tiềm ý thức cho rằng bản thân là bất khả xâm phạm khiến họ có lòng tự tôn quá mức, biểu hiện ở chỗ người khác không được nói khuyết điểm của bản thân (nhưng bản thân lại có thể nói người khác), người khác vừa nói thì liền tức giận. Bởi vì không biết suy xét vấn đề của bản thân nên cũng không nhìn thấy được những sai lầm của mình. Khi gặp phải sự việc gì thì phản ứng đầu tiên chính là đẩy trách nhiệm và trách móc. Điều thú vị là họ lại có “tiêu chuẩn kép” đối với mọi người và mọi sự việc.
Tôi có quen biết một người phụ nữ, cô ấy yêu cầu chồng lễ độ cung kính và hiếu thuận chu đáo đối với cha mẹ mình, nhưng cô ấy đối với cha mẹ chồng lại không tôn trọng và vô cùng lạnh nhạt. Trước đây tôi có một đồng nghiệp làm việc lười biếng và hay đùn việc, lúc mọi người đang bận thì anh ta chơi điện thoại và trốn việc, khi người khác bận tối mắt thì anh ta cũng không chủ động đến giúp đỡ. Sau đó khi công việc của anh ta chồng chất thành đống thì người khác cũng không đến giúp đỡ anh ta, lúc này anh ta lại bắt đầu không ngừng oán trách. Còn có một vị phụ huynh, một mặt thì nói đứa trẻ nào đó ở trường mẫu giáo đáng ghét thế này, không được dạy dỗ thế kia, một mặt thì lại dạy dỗ con cái của mình phải hung dữ một chút, phải biết đánh nhau. Từ điểm này cho thấy tiêu chuẩn đối nhân xử thế của họ thay đổi trong nháy mắt, trước sau đều có mâu thuẫn. Nhưng có một tôn chỉ bất biến: Tất cả điều này chủ yếu là để bảo vệ bản thân và lợi ích cá nhân.
Thánh nhân có câu: Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão; ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu (tạm dịch: kính trọng bậc cha mẹ của ta cũng như kính trọng các bậc cha mẹ của mọi người; yêu thương con em của ta cũng như yêu thương con em của mọi người). Con người ai rồi cũng sẽ già đi, thiện đãi với người già chính là thiện đãi bản thân. Những người già hiện tại có lẽ đã không còn cần con cái ngoan ngoãn hiếu thảo như trước kia nữa; nhưng mang trong lòng sự cảm ơn, thấu hiểu người già và bớt trách móc hơn thì vẫn cần phải có. Mặc dù ngày nay con cái đều là bảo bối của cha mẹ, nhưng yêu thương con cái không phải là mù quáng một mực bảo vệ nó, không để con cái gặp phải những khó khăn hay bài học về thất bại, không để nó chịu thiệt thòi, như vậy chỉ làm cho con cái hình thành cái tôi lớn hơn mà thôi. Khi mọi người quá cường điệu cái tôi của bản thân, mâu thuẫn tập thể sẽ càng gia tăng, giữa người với người cũng sẽ trở thành kẻ thù cận kề. Rất nhiều người ngày nay bởi vì đã quên đi những lễ nghĩa văn hóa truyền thống này mà mất đi lòng biết ơn, xem nhẹ sự hy sinh và đau khổ của người khác, quá tự tư và tự ngã, đòi hỏi một cách mù quáng, không biết báo ơn mới dẫn đến mâu thuẫn chồng chất trong gia đình và xã hội; cảm thấy mọi việc không suôn sẻ, kỳ thực chính là do tâm thái của bản thân có vấn đề.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/266998
Ngày đăng: 29-03-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.