Trân quý sinh mệnh
Tác giả: Quá Khách
[ChanhKien.org]
Theo các báo cáo truyền thông, vào tháng 5, tại cầu Nam Trung Hoàn ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, gần như ngày nào cũng có người nhảy cầu. Việc liên tiếp có người nhảy cầu trong thời gian ngắn tại cùng một cây cầu đã thu hút sự chú ý của dư luận. Phần lớn những người nhảy cầu là người trẻ tuổi, vậy tại sao họ lại chọn nhảy cầu tự sát ở đây? Nhân viên của các cơ quan chức năng địa phương phản hồi rằng: “Là do nguyên nhân cá nhân”.
Có một con cá chết trong ao, có thể là lỗi của cá. Nhưng nếu toàn bộ cá trong ao đều chết, chẳng lẽ không nên xem xét lại liệu chất lượng nước có vấn đề hay không?
Tuy nhiên, tin vui là các chuyên gia đã nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng nhảy cầu thường xuyên: đó là do lan can không đủ cao. Biện pháp giải quyết được đưa ra là nâng cao lan can, hàn thêm lưới sắt, đồng thời treo biển cảnh báo ở những vị trí dễ thấy với nội dung: “Trân trọng sinh mệnh, cấm nhảy sông. Vi phạm sẽ bị phạt 1.000 nhân dân tệ”.
Ở đây, tôi sẽ không đi sâu vào chủ đề này, mà thay vào đó, chúng ta sẽ nhìn từ một góc độ khác để bàn về trân quý sinh mệnh.
Trước hết, tự sát là có tội. Cả tôn giáo phương Đông lẫn phương Tây đều có nhìn nhận như vậy. Chẳng hạn, giáo đồ Thiên Chúa giáo tin rằng mỗi người sinh ra trên thế gian đều mang một sứ mệnh và mục đích riêng biệt, cần sống trọn vẹn cuộc đời theo sự sắp đặt của Thiên Thượng. Do đó, người tự sát được xem là phản bội Chúa và lãng phí sinh mệnh.
Phật giáo cho rằng thân thể này của chúng ta là để trả nghiệp và trả nợ. Chỉ khi không còn nghiệp lực, con người mới có thể thông qua tu hành thoát khỏi bể khổ và đến được bến bờ hạnh phúc. Sinh mệnh của con người không phải chỉ trong một đời. Bản chất của việc tự sát là không muốn trả nợ nghiệp ở kiếp này mà đẩy món nợ đó sang kiếp sau. Điều này giống như một người vì trốn nợ mà chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhưng món nợ vẫn còn đó, sớm muộn cũng phải trả, thậm chí tương lai khi hoàn trả còn phải gánh thêm cả lãi suất.
Người ta thường nói về việc buông bỏ sinh tử, nhưng đôi khi buông bỏ cái chết lại dễ, còn buông bỏ sự sống thì khó hơn nhiều. Khi con người không sợ chết mà lại sợ sống, họ dễ bước vào con đường tuyệt vọng của tự sát. Nhưng đã không sợ chết thì vì sao lại sợ sống? Thực ra, đây là biểu hiện của chủ ý thức con người đang yếu đuối, chỉ muốn trốn tránh khó khăn. Những người có ý chí kiên cường sẽ không làm như vậy. Họ dám đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, dũng cảm sống trọn vẹn một đời, đi hết con đường mà Thiên Thượng đã sắp đặt. Hơn nữa điều đáng sợ nhất là, tự sát còn gây ra món nợ lớn nhất. Nợ ai? Nợ những sinh mệnh cao cấp đã tạo nên sự sống của mình, nợ cha mẹ đã ban cho thân xác, và nợ những bạn bè thân quyến quan tâm đến mình.
Từ góc nhìn trong không gian này, cơ thể con người không thuộc về riêng họ. Nó được tạo nên từ tinh huyết của cha mẹ, trải qua mười tháng thai nghén và một lần vượt cạn đầy gian khổ. Vì vậy, thân thể này là cha mẹ ban cho, sau đó cha mẹ còn phải hao tâm tổn sức, vất vả nuôi dưỡng con cái khôn lớn.
Cổ nhân giảng rằng: “Làm tổn thương thân thể mình là bất hiếu”, ý muốn nói thân thể của bạn thuộc về cha mẹ, là báu vật trong lòng cha mẹ, nếu bạn bị tổn thương, cha mẹ sẽ lo lắng cho bạn.
Từ cao tầng mà nhìn, sinh mệnh của con người là Thiên Thượng ban cho. Tại sao con người chỉ cần thụ tinh và mang thai lại có thể dần dần phát triển thành một cơ thể vô cùng tinh vi với hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, máu, thần kinh, miễn dịch, nội tiết, xương khớp, v.v.? Đó là vì các sinh mệnh cao cấp đã thiết lập sẵn một cơ chế phát triển phức tạp trong tế bào tinh trùng, và tất cả các chất dinh dưỡng được hấp thụ từ cơ thể người mẹ đều được sử dụng để duy trì sự vận hành của cơ chế này, không thể sai lệch dù chỉ một bước.
Ngay khoảnh khắc con người được sinh ra, sinh mệnh cao cấp lại rót chủ nguyên thần vào trong cơ thể, để con người có được ý thức tự ngã. Tại sao trẻ sơ sinh vừa chào đời đã khóc? Bởi trước đó chúng ở trong một không gian không nặng không nhẹ, không lạnh không nóng, thoải mái dễ chịu, bỗng nhiên được đặt vào một thân xác con người, nơi mà không ăn thì đói, không mặc thì lạnh, ai mà không khóc kia chứ?
Con người sinh ra chính là để chịu khổ, ai cũng như vậy, nên cũng không cảm thấy khổ nữa. Chỉ cần sống tốt hơn một chút thôi, đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Nhìn từ một không gian khác, người hạnh phúc cũng chỉ là người chịu ít khổ hơn người khác một chút mà thôi. Và sự hạnh phúc nhỏ nhoi đó là do phúc phận tích lũy từ kiếp trước của người đó tạo nên.
Sau khi tự sát, người đó sẽ đến một địa ngục gọi là Uổng Tử địa ngục, nằm ở tầng thấp trong số các địa ngục. Mặt đất trong địa ngục này thoạt nhìn có vẻ bình thường, nhưng khi bước vào người ta sẽ nhận ra nó giống như một tấm sắt nung đỏ, lửa bốc lên thiêu đốt cơ thể con người. Trên những ngọn núi ở đây, khắp nơi đều là cỏ dại sắc nhọn và những mỏm đá sắc như dao. Chỉ cần sơ ý ngã xuống, cơ thể lập tức bị đâm xuyên qua, nỗi đau thấu tận tâm can. Nhưng sau khi đứng dậy, các vết thương sẽ nhanh chóng lành lại.
Những con đường nhỏ trên núi vô cùng trơn trượt, dù có cẩn thận thế nào cũng bị trượt ngã. Điều đáng sợ hơn cả là trong các bụi cỏ um tùm có đầy rẫy rắn độc, kiến và các loài động vật nhỏ hung dữ khác. Chúng điên cuồng tấn công người đi qua, những chiếc răng sắc nhọn của chúng cắn vào cơ thể, gây ra nỗi đau thấu tận xương tủy.
Khi đói bụng cũng rất khó tìm được đồ ăn. Khó khăn lắm mới tìm được thì vừa đưa vào miệng, thức ăn lập tức biến thành than lửa nóng bỏng. Nếu khát mà uống một ngụm nước bẩn, thì nước ấy liền biến thành sắt nóng chảy.
Đây chỉ là môi trường sinh hoạt thường ngày trong không gian ấy, chứ chưa kể đến các hình phạt chuyên biệt như chiên trong chảo dầu hay rút lưỡi, v.v.
Con người chúng ta ở trong hoàn cảnh này, chỉ cần nhiệt độ tăng hoặc giảm một chút, không khí loãng đi một chút, hay ô nhiễm nghiêm trọng một chút, người ta đã cảm thấy mỗi ngày trôi qua thật khổ sở. Nhưng nếu từ địa ngục mà nhìn, thì thế gian con người thì quả thực là thiên đường. Còn từ Thiên Thượng mà nhìn thế gian con người thì lại là một bể khổ vô tận. Thế nhưng, vì con người đang sống trong mê, không có sự so sánh, nên họ vẫn cảm thấy nơi đây cũng không tệ lắm.
Địa ngục khổ sở là vì lòng người không buông bỏ được thù hận, đố kỵ, tham lam và những ác niệm khác. Nếu người ở đây thực sự buông bỏ những thứ đó, thì hoàn cảnh xung quanh họ sẽ trở nên tốt hơn một chút, thậm chí có thể thoát khỏi đây. Nhưng một khi đã đến đây, rất khó để con người thực sự thay đổi, họ chỉ hối hận vì bị trừng phạt, chứ không phải thực sự trở nên tốt đẹp.
Hoàn cảnh trong địa ngục sẽ tùy tâm mà biến hóa, là một sự tồn tại hoàn toàn trái ngược với vật lý học. Con người cảm thấy khó tin, nhưng thực ra đó mới là trạng thái bình thường trong không gian khác. Không gian của con người là lớp bề mặt nhất, mọi thứ dường như cố định và bất biến, con người bị vẻ bề ngoài này mê hoặc, cho rằng mọi thứ trong vũ trụ đều như vậy.
Vào tháng năm, năm Khang Hy thứ bảy, một người tên Trương Đại là người Trấn Giang, sống ở Dương Châu đột nhiên mắc bệnh qua đời. Sau khi đến địa phủ, Diêm Vương vừa thấy ông ta liền xin lỗi nói bắt nhầm người, nhưng đã có cơ hội đến đây rồi, thì ta sẽ dẫn ông đến Uổng Tử thành tham quan địa ngục một ngày.
Trương Đại thấy trong thành có rất nhiều linh hồn tự sát. Có người treo cổ tự tử, có người cắt cổ tự vẫn, có người uống thuốc độc tự sát, còn có người gieo mình xuống nước tự vẫn, v.v. Chỉ cần là người tự sát, mỗi ngày họ đều phải đúng giờ lặp lại cách chết của mình lúc còn sống, trải nghiệm đau đớn khiến người ta rùng mình. Những người chết oan đều vô cùng hối hận: “Đều nói chết rồi là xong, không ngờ chết rồi lại khổ sở như vậy, còn khổ hơn lúc còn sống, thực sự hối hận không kịp”.
Trương Đại hỏi những vong hồn đó bao giờ mới được đầu thai làm người? Âm sai nói rõ ràng: Không thể nữa. Những người này không chỉ phụ bạc ân nghĩa mà Diêm Vương đã khuyến khích họ làm người thiện lương ở dương gian, mà còn phụ bạc đại ơn đại đức dưỡng dục của cha mẹ. Vì vậy, Diêm Quân rất đau lòng về những người chết oan, chỉ có thể phán họ vào đạo súc sinh, rất khó có được thân người.
Diêm Quân dặn dò Trương Đại sau khi trở về nhân gian, có thể kể lại trải nghiệm của mình cho mọi người biết. Rồi ông ta vỗ mạnh lên bàn, quát lớn một tiếng, Trương Đại bỗng nhiên tỉnh dậy.
Người phương Tây vì tư tưởng không phức tạp, nên tội nghiệp cũng không lớn như vậy, địa ngục của họ ít tầng hơn phương Đông một nửa, chỉ có chín tầng, người tự sát rơi xuống tầng thứ bảy. Căn cứ theo miêu tả trong sử thi “Thần Khúc” ở phương Tây, ở đây linh hồn sẽ được chuyển sinh thành một hạt giống, rồi nảy mầm, lớn lên thành cây cối um tùm. Năm tháng dài đằng đẵng, có một loài chim quái dị gọi là Harpy, chuyên ăn lá của nó, gây ra nỗi đau khổ vô tận. Cho dù sau này họ muốn lại được làm người, cũng là việc vô cùng khó khăn.
Lý do người ta được làm người, chủ yếu là để cho họ tu luyện trong không gian này, bởi vì nơi đây là chốn mê, không nhìn thấy Thiên đường cũng không nhìn thấy địa ngục, thậm chí khoa học còn dạy cho con người rằng những thứ đó đều là mê tín. Có thể ở trong hoàn cảnh mê này mà vẫn một lòng hướng thiện, đó mới thực sự trở nên tốt đẹp. Nếu rõ ràng nhìn thấy thiên đường, nhìn thấy địa ngục rồi mới tu luyện, thì sẽ tu luyện rất chậm, ở trong trường hợp đó thì ai mà không tu luyện chứ? Kẻ xấu cũng đều đến tu, nhưng họ là vì muốn có cuộc sống hạnh phúc mà tu luyện, không phải xuất phát từ nội tâm muốn trở nên tốt đẹp, cho nên tu cũng là uổng phí.
Đây chính là lý do tại sao người ta phải uống canh Mạnh Bà trước khi chuyển sinh. Phải xóa đi ký ức kiếp trước, bằng không, nếu mang theo ký ức chuyển sinh, biết rõ nhân quả, biết rõ thiện ác hữu báo, thì ai còn muốn làm người xấu nữa? Sẽ không còn mê nữa, và cũng sẽ không có trạng thái xã hội như hiện nay.
Một số người cứ nghĩ mãi tại sao mình không luyện ra công năng, giá mà khai mở thiên mục nhìn thấy không gian khác thì tốt biết mấy. Những người có suy nghĩ như vậy, với tâm tính như vậy, nếu thực sự khai mở thiên mục, thì cả đời họ đừng nghĩ đến tu luyện nữa, vĩnh viễn không thể quay về ngôi nhà ban đầu của mình.
Kiếp này được chuyển sinh làm người, nhất định là kiếp trước đã tích lũy được phúc phận rất lớn, nên mới cho người đó một cơ hội tu luyện lên tầng thứ cao hơn, bởi vì chỉ có con người mới có thể nghe được Phật Pháp. Nếu con người không trân trọng cơ hội này, lãng phí cuộc sống, vậy thì đã phạm tội lớn.
Thiên Thượng an bài cho cuộc đời con người những trở ngại, những bất trắc, duy chỉ không an bài sự tự sát. Vật cực tất phản, khổ tận cam lai, nếu một người có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nghiệp lực này qua đi, thì vận may thông thường sẽ đến, đó chính là “đại nạn không chết, ắt có hậu phúc”.
Sinh mệnh là vô giá, thân người một khi mất đi rất khó có được lại, chúng ta nhất định phải trân trọng.
Ngày đăng: 06-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.