Vén bức màn văn minh tiền sử (Phần 1): Lời nói đầu
[ChanhKien.org]
Lời nói đầu – Nhìn nhận lại về văn minh tiền sử của nhân loại
Rất nhiều người vẫn ôm giữ một thái độ dè dặt khi nói đến những bằng chứng về văn minh tiền sử mà các nhà khảo cổ học ngày nay phát hiện được. Mỗi khi có khoa học gia nào đó phát hiện ra các bằng chứng cho thấy nhân loại thời kỳ tiền sử đã từng có một nền văn minh cực cao, thì sẽ có những nhà khoa học khác dùng ánh mắt hoài nghi để nhìn nhận những văn vật tiền sử này, chứ không xem xét từ góc độ khách quan, trong đó có một nhân tố rất quan trọng chính là bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hóa của Darwin. Vì các nhà khoa học trước hết đều dựa vào thuyết tiến hóa của Darwin để vẽ ra một sơ đồ cây tiến hóa sinh vật các loài của Darwin, mà thước đo thời gian trên cây tiến hóa này lại dựa trên mức độ trầm tích của địa chất để quyết định. Mặc dù thuyết tiến hóa đến nay cũng chỉ là một loại giả thuyết, nhưng sau khi được xác định bởi thước đo thời gian trên cây tiến hóa, lại được rất nhiều nhà khoa học sau này cho rằng không thể bị lung lay. Vậy nên một khi phát hiện ra những hóa thạch “không nên có” tại những tầng địa chất cổ xưa hơn, các nhà khoa học liền nghi ngờ những hóa thạch ấy, nhận định những điều có khả năng nhất thành điều không đáng tin nhất.
Sự phát triển của khoa học, nếu cứ mãi ôm chết cứng những lý luận cũ thì khoa học sẽ không thể tiến bộ được. Trong vật lý học, từ mấy thế kỷ trước đến ngày nay cơ học cổ điển của Newton vẫn luôn được cho rằng không thể bị dao động. Thế nhưng khi các nhà khoa học chuyển dịch đối tượng nghiên cứu sang quan sát sự vận động của điện tử ở vi quan, thì lại phát hiện vật lý lực học của Newton không còn thích hợp để ứng dụng trong việc giải thích sự vận động của điện tử nữa. Từ đó các nhà vật lý học lại phát triển thêm cơ học lượng tử, dùng để giải thích quỹ đạo vận động của điện tử. Nếu lúc đầu các nhà vật lý học cứ ôm cứng lý thuyết vật lý lực học của Newton, thì vật lý học ngày nay không thể đột phá. Cũng giống như thế, thuyết tiến hóa cũng chỉ là một lý luận, không nên xem nó như một khuôn mẫu bất biến, mà nên dựa trên những phát hiện mới để đưa ra những học thuyết hợp lý hơn. Nếu cứ ôm giữ mãi những lý luận của một, hai trăm năm trước không buông, thế thì việc nghiên cứu bản chất của sinh mệnh sẽ mãi mãi là ẩn đố của nhân loại.
Căn cứ theo thuyết tiến hóa của Darwin, trí não của con người càng sử dụng nhiều sẽ càng thông minh, càng ngày càng tiến hóa, từ đó khoa học của chúng ta lẽ ra có thể rất dễ dàng đưa ra lời giải thích rõ ràng cho những phát minh kỹ thuật thời cổ đại. Tuy nhiên những ví dụ dưới đây lại cho chúng ta thấy rằng, dùng thứ lý luận này lại không cách nào giải thích được rõ.
Rất nhiều những tri thức cổ xưa còn lưu lại đến nay vẫn luôn là điều khiến người ta hiếu kỳ tìm tòi, ví như Bát Quái, Chu Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư của Trung Quốc, chúng ta hiện tại đều không thể hiểu được hoàn toàn những trí huệ trong đó, thế nhưng chúng đã xuất hiện từ mấy nghìn năm trước. Ngoài ra, rất nhiều nhà khoa học đã phát hiện ra học thuyết ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, đạo lý kinh dịch, đối chiếu với khoa học hiện đại thì vô cùng tương thích. Ví như có khoa học gia đối chiếu các nguyên tố hóa học với ngũ hành, thì phát hiện học thuyết ngũ hành vô cùng hợp lý, hơn nữa một số phần còn vượt xa khỏi nhận thức của khoa học hiện tại. Xem ra trí tuệ của người xưa quả thật vượt rất xa con người ngày nay.
Ngoài ra, hiện tại có nhiều môn khí công đang lưu truyền ngoài xã hội, những môn khí công này đều đã có lịch sử mấy nghìn năm. Những người từng luyện khí công đều biết, khí công có thể cải thiện sức khỏe, chữa bệnh khỏe người. Mà người tu luyện có thành tựu còn có thể khai mở những công năng đặc dị, làm được những việc mà người bình thường dùng hết cả tay lẫn chân cũng không làm được. Người xưa vào mấy nghìn năm trước rốt cuộc làm sao có thể phát minh ra những điều cao thâm như thế?
Rất nhiều người cố gắng đi tìm lời giải thích cho những hiện tượng này, thế nhưng không thể giải thích rõ hoàn toàn, cho nên những điều này đã trở thành ẩn đố chưa được giải đáp. Tuy nhiên sau khi chúng tôi nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan, gồm cả những phát hiện của những nhà khảo cổ, những bằng chứng về các thảm họa thời tiền sử, những di tích tiền sử chưa được giải thích, chúng ta rõ ràng đã có được một đáp án rất hay có thể giải đáp vô vàn những ẩn đố kia: nền văn minh tiền sử xác thực là có tồn tại! Hơn nữa lại không chỉ trong một thời kỳ, nó đã từng tồn tại trong rất nhiều thời kỳ khác nhau. Nhân loại không những không phải là từ khỉ biến thành, hơn thế nữa tại những thời kỳ lịch sử trong quá khứ đã từng có những nền văn minh huy hoàng hơn hẳn ngày nay. Lò phản ứng hạt nhân được phát hiện tại Oklo (lò phản ứng hạch) chính là một minh chứng rõ nhất. Theo khảo sát, thời gian xây dựng lò phản ứng hạt nhân này là 2 tỷ năm trước, nó đã được vận hành 500 nghìn năm, con số thiên văn ấy là điều mà những kỹ sư xây dựng lò phản ứng hạt nhân khó mà tưởng tượng được. Ngoài ra trong bài thơ tự sự của Ấn Độ “Mahabharat” có nhắc đến con người thời cổ đại khi chiến đấu đã từng dùng loại vũ khí giống tên lửa để tấn công đối phương. Tại Ấn Độ, người ta thậm chí còn phát hiện những di tích cổ trông như những tàn tích để lại sau một vụ nổ hạt nhân.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng phát hiện một sự thật – rằng nền văn minh nào dù có huy hoàng đến đâu thì cuối cùng cũng không thoát khỏi vận mệnh bị diệt vong. Tại sao? Là do nhân tâm. Sự phát triển văn minh cao sẽ kéo theo sự bại hoại của nhân tâm, khiến người ta an dật hưởng lạc, tiêu pha vô độ. Mỗi từng thời kỳ văn minh nhân loại đều bị hủy diệt trong tình huống như thế. Khi các nhà khảo cổ học nghiên cứu các phù điêu điêu khắc trên các kim tự tháp bị chôn vùi dưới lòng đất, họ đã phát hiện những hình tượng điêu khắc khiến người xem phải đỏ mặt. Những thứ này hoàn toàn không phải là nghệ thuật, mà là sản phẩm sau khi đạo đức của con người bị trượt dốc. Vậy nên đến ngày nay những người kiến tạo nên những kim tự tháp dưới đáy biển đã biến mất từ lâu, cho dù kỹ thuật năm đó của họ có trác tuyệt đến đâu, trí sáng tạo có khiến người ta kinh ngạc đến mấy, cũng không chạy thoát khỏi sự xét xử công bằng của trời cao.
Trong quyển sách này, chúng tôi muốn đưa ra những bằng chứng mà các khoa học gia đã phát hiện được, đồng thời chỉnh lý sắp xếp lại một cách hệ thống, phân tích nhắm thẳng vào những phát hiện này, hy vọng có thể mang đến cho bạn đọc một hướng đi mới trên hành trình khám phá nguồn gốc căn nguyên của sinh mệnh loài người.
Mùa đông năm Nhâm Ngọ, Cẩn Chí, thuộc nhóm biên tập hệ thống sách ebook của Chánh Kiến Net.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/20856
Ngày đăng: 31-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.