Học cách chịu thiệt là một loại trí huệ của nhân sinh



Tác giả: Giác Tỉnh

[ChanhKien.org]

Có một câu chuyện văn hóa truyền thống thể hiện trí huệ của nhân sinh rằng tận cùng của chịu thiệt là một điều may mắn.

Vào thời nhà Minh có một người tên là Nguyễn Thứ trên đường đi nhậm chức huyện lệnh Thiện Hóa thuộc Trường Sa có nghỉ trọ tại một thôn xá trong sơn cốc (hẻm núi). Trong khi nấu cơm tối, người hầu của ông và mười mấy vị thương nhân cùng nghỉ trọ đã phát sinh tranh chấp chỉ vì vấn đề ai là người được sử dụng bếp trước. Nguyễn Thứ đã dùng gậy đánh người hầu của mình và xin lỗi mười mấy vị thương nhân đó. Người hầu của ông trong lòng ấm ức không phục nói lớn: “Làm quan mà hèn nhát như vậy thì làm quan để làm gì?” Nguyễn Thứ không hề nổi giận. Lúc sắp đi ngủ, người thương nhân đến đập cửa phòng Nguyễn Thứ và bảo: “Chúng tôi nói năng thô lỗ, lại gặp được đại nhân rộng lượng. Nửa đêm nay nếu bên ngoài có chuyện gì ồn ào, xin đại nhân không cần bận tâm, cứ yên tâm mà ngủ ngon giấc”. Nguyễn Thứ đồng ý.

Nửa đêm bên ngoài quả nhiên có tiếng ồn ào huyên náo, Nguyễn Thứ dặn người hầu khóa chặt cửa phòng không đi ra ngoài. Không lâu sau bên ngoài yên tĩnh trở lại, Nguyễn Thứ bèn đốt nến rồi cùng người hầu đi ra ngoài, thì thấy trên mặt đất xác chết nằm la liệt, hóa ra mười mấy người thương nhân đó chính là kẻ cướp cải trang. Mọi người nói rằng, đêm đó Nguyễn Thứ có thể thoát nạn trong tích tắc là kết quả của việc ông đã chịu thiệt.

Có một câu chuyện dân gian thời hiện đại cũng thể hiện ra trí huệ của nhân sinh rằng chịu thiệt là một điều may mắn.

Đây là một câu chuyện từng được lưu truyền ở Thanh Đảo, Sơn Đông. Chuyện kể rằng có hai hang động ở chân phía Đông của núi Lao Sơn, chúng lần lượt được gọi là Đào Thạch động và Sa Thạch động, bên ngoài hang động có hai ngôi làng nhỏ tự nhiên (do thiên nhiên hình thành), được gọi là làng Đào Thạch động và làng Sa Thạch động, hai làng cách nhau chưa đầy một dặm, nhưng sau này chỉ còn lại làng Sa Thạch động.

Từ hai thôn làng, tại sao chỉ còn lại một? Nguyên do là tại Sơn Đông từng có thổ phỉ hoành hành, khi bọn thổ phỉ hung hăng nhất, chúng sẽ đốt phá, giết chóc và cướp bóc khắp nơi. Có một hôm, tin tức về nạn cướp bóc dọc đường của bọn thổ phỉ đã lan truyền đến làng Đào Thạch động và làng Sa Thạch động, vì vậy người dân ở hai làng đều ẩn náu trong hang động của mình. Lúc này, có một người phụ nữ ôm một đứa trẻ đi trên đường sau khi nghe được tin tức cũng theo người dân ở làng Đào Thạch động trốn vào hang Đào Thạch động. Sơn động vốn cũng không rộng rãi, do vậy dân của làng Đào Thạch động rất không muốn cho mẹ con người phụ nữ vào.

Đúng vào lúc mọi người đang yên tĩnh trốn bọn cướp thì đứa trẻ đột nhiên khóc lớn, người phụ nữ dỗ dành thế nào cũng không được. Có người sợ đứa trẻ khóc ầm ĩ như vậy sẽ khiến cho bọn thổ phỉ phát hiện ra sơn động, và như vậy dân làng sẽ bị lộ nên đưa ra ý kiến để người phụ nữ rời đi. Những người khác cũng không hề ngăn cản, vì họ đều sợ ảnh hưởng đến an nguy của bản thân mà cùng đồng tình đuổi người phụ nữ đi. Trong lúc tuyệt vọng, người phụ nữ rưng rưng nước mắt, ôm đứa con đang khóc đi về phía Sa Thạch động ở đối diện.

Người dân làng Sa Thạch động vốn đã ẩn nấp kín ở bên kia nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ từ xa vọng lại bèn ra ngoài động xem xét tình hình. Vừa nhìn thấy người phụ nữ mang theo đứa trẻ trên đường, họ vội vàng đưa cô vào trong động, lại nhanh chóng sắp xếp đưa hai mẹ con vào phía trong cùng của hang, như vậy tiếng khóc của đứa trẻ sẽ nhỏ đi rất nhiều.

Thật kỳ lạ, người phụ nữ sau khi được bố trí yên ổn chỗ ẩn nấp, đứa bé đột nhiên không còn kêu khóc! Sau khoảng hơn nửa ngày mọi người ở trong tình trạng căng thẳng lo lắng như vậy, thì nghe thấy tiếng chó sủa trong thôn đã ngừng lại, một thanh niên trẻ bèn ra ngoài xem xét tình hình, lúc này mới biết bọn thổ phỉ đã đi rồi. Sau khi người dân làng Sa Thạch động ra khỏi sơn động, thấy hang Đào Thạch động phía đối diện rất yên tĩnh bèn bảo người thanh niên qua đó báo tin bọn thổ phỉ đã đi rồi. Nhưng người thanh niên khi đến hang Đào Thạch động thì phát hiện toàn bộ người dân ở đây đã bị bọn thổ phỉ giết chết. Lúc này có người đột nhiên nhớ tới người phụ nữ và đứa trẻ qua đường, thì kỳ lạ thay không thấy dấu vết của người phụ nữ và đứa trẻ đâu nữa.

Năm thứ hai sau khi xảy ra sự việc ấy, tại đúng vị trí chỗ giữa hai ngôi làng, người ta đột nhiên phát hiện ra một khóm đỗ quyên trắng như tuyết. Khóm đỗ quyên trắng này mọc độc nhất vô nhị ở vùng Lao Sơn.

Do vậy mọi người đều cho rằng, người phụ nữ đó kỳ thực là Quan Âm Bồ Tát hạ phàm, nhân lúc nguy nan đến để thử xem lòng người thiện ác ra sao!

Chịu thiệt sao lại có thể thể hiện ra phúc phận chứ? Tự nguyện chịu thiệt thòi là thể hiện ra thiện tâm của con người, biểu hiện ra tại không gian của nhân loại có thể chạm đến thiện niệm của con người, xúc động đến nhân tâm, từ đó mà được sự phù hộ giúp đỡ của Thần Phật ở không gian khác, biến nguy thành an, biến hung thành cát. Nếu Nguyễn Thứ người triều Minh trên đường đi nhậm chức cũng tranh chút khẩu khí như người hầu của mình, tranh cãi với bọn cướp giả làm thương nhân kia thì kết quả nhất định sẽ trở thành xác chết ở quán trọ. Người hai làng ở Thanh Đảo Sơn Đông có kết cục vận mệnh không giống nhau, vấn đề mấu chốt ở đây là thiện niệm của con người có thể xuất ra hay không, có thể suy nghĩ cho người khác hay không.

Học cách chịu thiệt thực sự là một loại trí huệ, thậm chí còn là đại trí huệ của nhân sinh. Văn hóa truyền thống giáo dục con người đều là hành thiện và hướng thiện, nhưng văn hóa đảng của Trung Cộng lại hủy hoại văn hóa truyền thống, cổ vũ con người không việc gì phải chịu thiệt thòi, nó cho rằng chịu thiệt là ngu si, ngược lại mới là tốt, đó là ác niệm ác hành, thực sự làm hại con người! Có thể nói là không có một chút trí huệ nhân sinh nào.

Chúng ta hãy thử nghĩ xem, nếu không biết chịu thiệt thì chẳng phải là không biết suy nghĩ đến cảm xúc và nỗi thống khổ của người khác, vì lợi ích cá nhân của bản thân mà không chịu thiệt thòi một chút nào, vì một chút khẩu khí, không chịu thiệt sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người khác, nợ người mà không trả, không trung thực không giữ chữ tín, chiểu theo quan niệm trong văn hóa truyền thống thì đó chẳng phải là kết ác duyên hay sao? Chẳng phải là tạo nghiệp hay sao? Như vậy liệu có thể có cuộc sống và sức khỏe tốt hay không?

Xưa có một vị thượng thư tên là Lâm Vân Đồng, trước khi lâm chung ông khuyên bảo con cháu rằng: Chịu thiệt chính là phúc, đó mới là vật báu gia truyền, là đại trí huệ của nhân sinh (những bậc anh hùng hào kiệt từ xưa tới nay có những người chỉ vì không thể chịu thiệt mà làm hỏng rất nhiều việc).

Suy nghĩ sâu xa một chút, Pháp Luân Công dạy con người ta theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, tiêu chuẩn này chẳng phải chứa đựng nội hàm càng sâu xa hơn đó sao? Đó chính là đem thiên cơ tiết lộ cho con người biết cách làm người như thế nào. Trung Cộng vu khống Chân – Thiện – Nhẫn, cổ súy cho giả – ác – đấu, kỳ thực đó là âm mưu tội ác công nhiên trắng trợn hủy diệt nhân loại.

Thuận theo đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn thực sự làm một người tốt, xem ra có thể nhất thời chịu thiệt chịu khổ, nhưng cuối cùng những thứ đạt được không gì có thể đong đếm được, nhân sinh sẽ có được thu hoạch lớn. Đây mới là trí huệ to lớn của cuộc đời.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/272712



Ngày đăng: 07-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.