Ân và nghĩa trong hôn nhân
Tác giả: Thăng Lăng
[ChanhKien.org]
Lâm Ngữ Đường, một nhà văn bậc thầy của Trung Hoa Dân Quốc, kết hôn với Liêu Thúy Phượng. Khi Liêu Thúy Phượng đang xem giấy đăng ký kết hôn, Lâm Ngữ Đường nói: “Giấy đăng ký kết hôn chỉ có tác dụng khi ly hôn, chúng ta hãy đốt nó đi, từ nay không cần tới nó nữa”. Vì vậy giấy đăng ký kết hôn của hai người đã biến thành tro tàn trong nháy mắt và bị gió thổi bay. Hai người họ thực sự đã thực hiện được lời hứa của mình, gắn bó nương tựa nhau, không bao giờ rời xa nhau và sống một đời vợ chồng ân ái.
Từ Chí Ma, một nhà thơ nổi tiếng cùng thời với Lâm Ngữ Đường, vì theo đuổi Lâm Huy Nhân, không quan tâm đến việc mình đã có một người con trai ba tuổi, vẫn kiên quyết ly hôn với người vợ sắp sinh, vợ của ông ở nơi đất khách quê người gần như rơi vào bước đường cùng. Sau đó, ông ta dụ dỗ và cưới vợ của bạn mình. Dù ham muốn của ông đã được thỏa mãn nhưng cuộc sống sau hôn nhân không như ông mong đợi. Ở tuổi 35, ông qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Người vợ tái hôn của ông đã sống thê lương suốt quãng đời còn lại. Kỳ thực đó là do họ đã vi phạm lời thề của bản thân, phạm vào điểm mấu chốt của hôn nhân và gia đình mà phải gánh chịu hậu quả.
Trong văn hóa truyền thống, hôn nhân vốn là điều thần thánh và đẹp đẽ. Vào thời khắc khi hai người quyết định kết hôn, nó tượng trưng cho sự cam kết và gắn bó trọn đời. Điều này phù hợp với ý muốn của Thượng đế. Ban đầu khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài cho phép mỗi một người đàn ông được kết hợp với một người phụ nữ, cũng là phù hợp với âm dương tương hợp. Điều này không chỉ khiến xã hội nhân loại sinh sôi nảy nở mà còn khiến cuộc sống của con người càng thú vị hơn. Trong tất cả các mối quan hệ của con người, quan hệ hôn nhân là điều thiêng liêng, trang trọng và đẹp đẽ nhất. Chế độ và nếp sống một vợ một chồng là quá trình mấy chục năm tương trợ lẫn nhau, đã đặt định và vượt lên trên mối quan hệ tình thân vĩ đại mà không phải là quan hệ huyết thống. Người xưa vẫn nói, “Gia hòa vạn sự hưng”, một gia đình trọn vẹn là phương thức sinh sống mà con người nên theo đuổi; chung sống hạnh phúc bên nhau tới già là cái kết tốt đẹp mà người người mơ ước.
Hôn nhân của con người được điều khiển bởi Thần chủ quản về hôn nhân, Ngài căn cứ theo đức và nghiệp của con người, cũng như ân oán đời đời kiếp kiếp mà an bài. Đối với con người, cho dù bạn cho rằng tốt hay không tốt thì đó cũng là an bài tốt nhất. Nếu hai người ly hôn giữa chừng thì chính là làm trái với ý của Thần, làm xáo trộn con đường mà Thần đã an bài cho bạn. Tất nhiên, Thần không muốn nhìn thấy điều đó.
Việc duy trì hôn nhân không chỉ dựa trên cảm tình mà còn dựa trên đạo đức và lòng biết ơn. Đây mới là điều đáng tin cậy nhất. Tình cảm thực ra là thứ không đáng tin cậy nhất. Thuận theo sự thay đổi về thời gian và không gian, dục vọng về danh lợi sẽ không ngừng phát sinh biến hóa. Cái gọi là ái tình cũng chỉ là lướt qua như mây khói. Trong khi “ân” và “nghĩa” lại là chuẩn tắc đạo đức của nhân loại, có tác dụng ước thúc những hành vi bất chính của con người và là điều con người cần phải khắc sâu trong lòng.
Đồng thời, khi hai người kết hôn đều là thực sự nghĩ cho đối phương, chứ không phải chỉ xuất phát từ tư lợi cá nhân. Trong bạn có tôi và trong tôi có bạn, họ đều có thể giữ vững những chuẩn tắc đạo đức ở trong tâm, như vậy hôn nhân nhất định sẽ vững chắc không thể phá vỡ. Người nam nên hiểu rằng: khi một người phụ nữ giao phó cuộc đời họ cho bạn, bạn cần có trách nhiệm với cô ấy, rộng lượng và bao dung, thể hiện ra “dương cương chi khí” (khí chất của một người đàn ông thực sự). Người nữ nên hiểu rằng: dù giàu hay nghèo, hãy chung thủy theo anh ấy, mềm mỏng như cây lau, không bao giờ rời xa và từ bỏ, thể hiện đức tính nhu hòa của “âm”. Nếu hai người đều có thể nghĩ như vậy và tận sức làm tròn trách nhiệm của mình, nam chủ ngoại, nữ chủ nội, cùng bổ sung cho nhau, thì lo gì không thể tâm đầu ý hợp? Người ta thường nói: Phu thê đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim (vợ chồng đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được kim loại). Một gia đình như vậy nhất định sẽ là bến đỗ của hạnh phúc.
Điều đáng tiếc là trong quá trình phát triển của nhân loại, đặc biệt là đến thời hiện đại, do ảnh hưởng của thuyết vô thần và thuyết tiến hóa, có quá nhiều người đã rơi vào vũng lầy của ham muốn vật chất. Họ không có đạo nghĩa, lại càng không hiểu gì về lòng biết ơn. Quan niệm đã bị biến dị nghiêm trọng, trong tâm không còn ước thúc bởi đạo đức nữa, góc độ suy xét vấn đề đều là vị tư vị ngã. Vì tiền bạc, vì quyền lực, vì chút ham muốn tình dục đáng thương, và vì những thứ gọi là nam nữ tri kỷ, v.v. họ sẽ bỏ nhà cửa, tổ ấm mà bất chấp hậu quả. Chỉ cần có thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân, không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Vì vậy, trong xã hội ngày nay, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng nhanh theo đường thẳng đứng, những bi kịch gia đình liên tiếp xảy ra, không ai tìm được cảm giác an toàn, xã hội cũng rơi vào tình trạng bất ổn.
Con người muốn có được hạnh phúc thì trước hết gia đình cần ổn định. Mà điều kiện tiên quyết để gia đình ổn định là mối quan hệ vợ chồng bền chặt. Cả hai vợ chồng đều cần biết ơn, tuân theo đạo đức, quy chính lại những quan niệm bại hoại, tìm lại Thần tính và thiện niệm mới có thể quay về con đường chân chính. Nếu không, điều nhân loại đối mặt sẽ là hậu quả và vực thẳm không thể tưởng tượng nổi.
Ngày đăng: 22-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.