Người xưa giải thích ý nghĩa của ‘bằng hữu’



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Mỗi người chúng ta đều sẽ có những người bạn của riêng mình. Bạn nam hiện nay gọi là “ca môn” (người anh em), còn bạn nữ gọi là “khuê mật” (cô bạn thân). Vậy người như thế nào mới có thể trở thành một “bằng hữu” (người bạn) thực sự? Triết học gia trứ danh thời nhà Minh là Vương Dương Minh đã nói trong cuốn sách “Truyện tập lục – Quyển hạ – Môn nhân Trần Cửu Xuyên lục” rằng: “Nói chung, bằng hữu nên có ít lời khuyên răn, nhắc nhủ, chỉ trích và xử phạt, biện pháp đúng là nên dìu dắt, khen ngợi, khuyên giải và thuyết phục nhiều hơn”.

Cũng chính là nói, bằng hữu là những người thích lắng nghe những lời bạn nói, cổ vũ nhiều hơn và ít chỉ trích, trách móc. Đó mới là những người bạn thực sự. Có thể một số người rất tốt với bạn nhưng họ lại chỉ trích, trách móc nhiều hơn là khuyến khích. Người như vậy thực ra là đang làm vai trò của trưởng bối, chứ không phải bằng hữu.

Chữ “bằng” (朋) chia tách ra là gồm hai chữ “nguyệt” (月), chính là nói giữa bạn bè phải bình đẳng, chứ không phải bên này chỉ đạo bên kia. Hai người ôm nhau để sưởi ấm lẫn nhau chứ không phải bên này hy sinh cho bên kia. Chúng ta thường nói vợ chồng nên “tương kính như tân” (tôn trọng nhau như khách). Kỳ thực, trạng thái này cũng có nghĩa là vợ chồng đồng thời là bằng hữu. Như thế, hai người sẽ không quá khó xử, không rơi vào tình trạng không có gì để nói.

Hồi còn đi học, tôi có một người bạn cùng chí hướng, dù tôi có làm gì thì anh ấy vẫn luôn ủng hộ và dành cho tôi sự cổ vũ lớn nhất. Anh ấy chưa bao giờ nói xấu tôi trước mặt bạn bè khác. Cả hai chúng tôi đều nói lắp một chút (bây giờ đã đỡ hơn). Một lần, bạn tôi bị ốm và tôi đến thăm anh ấy. Hai người trò chuyện trước giường bệnh, và thật buồn cười vì cả hai đều nói lắp. Khi mẹ của bạn tôi nghe cuộc trò chuyện lắp bắp của hai chúng tôi, bà không thấy buồn cười mà thấy ấm áp. Có lẽ đây mới là ý nghĩa thực sự của bằng hữu.

Trong lịch sử có rất nhiều mối quan hệ thầy trò. Khi họ xấp xỉ tuổi nhau, mối quan hệ thầy trò tốt nhất là “vừa là thầy trò, vừa là bằng hữu”, hai người giúp đỡ nhau học tập.

Ý nghĩa thực sự của tình bạn nổi tiếng giữa Quản Trọng và Bào Thúc cũng giống như vậy. Hai người không tính toán so đo về lợi ích, mà cổ vũ và bao dung lẫn nhau, hiếm khi có những lời chỉ trích, trách móc. Mọi người thích những người bạn như vậy, nhưng khi bản thân gặp vấn đề thì rất khó làm được, vì ai cũng có nhược điểm là thích “lên mặt làm đàn anh”. Việc luôn muốn giáo dục đối phương là nguyên nhân thực sự khiến tình bạn khó bền vững.

Hãy bao dung nhiều hơn, động viên nhiều hơn. Khi gặp vấn đề, hãy đặt mình vào góc độ của đối phương để suy xét. Được như vậy thì chúng ta sẽ thấy làm bạn quả thực không khó.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/292074



Ngày đăng: 24-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.