Đối đãi trọn vẹn với mỗi ngày



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Gần đây, bài chia sẻ về thể ngộ của hai đồng tu Tiểu Liên và Thanh Phong đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc sâu lắng, bài chia sẻ không nói về chuyện gì to lớn, nhưng lý lẽ bên trong thật sâu sắc. Tôi thấy rất cảm khái nên muốn viết ra một đôi lời.

Hai vị đồng tu nói người tu luyện phải khiêm nhường và không có tự ngã, tôi thấy kích động trong tâm, điều này nói thì dễ nhưng làm được thì rất khó. Tính cách tôi hướng ngoại, miệng không khi nào ngớt chuyện, khi có chút thành tích thì luôn muốn cùng các đồng tu tán gẫu, khi có người tán thưởng, trên miệng thì nói “tu luyện không có tốt”, nhưng trong tâm lại rất vui. Khi cùng đồng tu lớn tuổi học Pháp, có một chút cảm giác “không thoải mái”. Tại sao “không thoải mái”? Cảm thấy mình làm hạng mục có chút thành tích, làm việc gì cũng nhanh, miệng nói tay làm, khi giao lưu không ít ánh nhìn đều hướng về phía tôi. Còn đồng tu lớn tuổi thì sao? Đọc Pháp chậm, nhiều lúc đọc sai, khi chia sẻ thì lại không nói ra được điều gì. Dường như đầu não và miệng không có sự liên kết với nhau.

Loại tâm người thường này của tôi khiến bản thân không ít lần trượt ngã trong tu luyện, nhưng tôi hiểu rõ: Muốn có đột phá, nhất định cần phóng hạ tự ngã. Khi học Pháp, học đến đoạn có liên quan đến nhân tâm của mình thì tôi đọc lại mấy lần, tâm hoàn toàn đặt ở trong Pháp. Thuận theo việc không ngừng học Pháp và thực tu, tôi càng ngày càng cảm thấy bản thân mình không được, quả thật là không được, thực sự cách rất xa cảnh giới mà Pháp yêu cầu, cảm thấy bản thân thật nhỏ bé, như trong bài chia sẻ đồng tu có viết: “Vũ trụ mới là không cho phép chúng ta mang theo nhân tâm tự ngã mạnh mẽ mà tiến vào”. “Cơ chế của Chính Pháp vô cùng chính xác và tinh tế, vô cùng phức tạp, ai cũng không thể vì bất cứ lý do gì mà dương dương tự đắc, hay cảm thấy dường như không ai có thể thay thế mình, cần luôn giữ vững tâm khiêm nhường”. Có lúc tôi tự hỏi bản thân tại sao lại không vứt bỏ được tự ngã? Mặt trời tuy rất sáng, nhưng so sánh với các tinh cầu khác ở trong vũ trụ thì nó cũng không sáng bằng một con đom đóm”. Khi tâm thái thay đổi, tôi nhìn đồng tu không còn giống như trước nữa, phát hiện các đồng tu khác dường như trầm xuống dưới làm các việc, còn tôi thì nổi ở trên bề mặt.

Ở đây tôi xin kể một câu chuyện: Kể từ khi bắt đầu làm tam thoái, tôi đã khuyên tam thoái được khoảng chừng một ngàn người, cảm thấy cũng không tệ, khi giao lưu còn khoe khoang, nói rằng bản thân đã không dễ dàng như thế nào mới làm được thế. Còn đồng tu thì sao? Rất ít khi nói, thỉnh thoảng khi được hỏi, thì trả lời cũng rất đơn giản: “Vẫn làm việc đó”.

Có một lần, tôi tình cờ biết được có một vị đồng tu làm tam thoái cho hơn một vạn người. Chuyện này đối với tôi rất chấn động, trong những đồng tu mà tôi biết, đa phần đều là người trầm tính không biểu lộ cái gì ra ngoài bao giờ, không thấy ai có phương diện nào nổi trội, thế mà lại có người khuyên tam thoái được hơn vạn người? Đây chẳng phải là một con số rất lớn đó sao? Tại sao các đồng tu lại giữ thái độ khiêm tốn và không nói ra? Nhìn lại bản thân, tam thoái mới được có một ngàn người liền khoe khoang đứng ngồi không yên, thật đáng hổ thẹn.

Có một ngày nọ, tôi gặp người điều phối chỗ chúng tôi rồi kể lại câu chuyện này một cách cảm khái: “Không ngờ rằng tại khu vực chúng ta còn có người khuyên tam thoái được hơn vạn người, như thế phải phó xuất biết bao nhiêu thời gian và tinh lực?”. Tôi lúc đó nghĩ rằng, con số này tại địa phương chúng tôi là con số lớn nhất rồi, không ai có thể vượt qua con số này. Người điều phối cười nói: “Tại địa phương chúng ta khuyên tam thoái một vạn người rất bình thường! Những đồng tu thường xuyên ra ngoài đều vượt qua con số này, còn có ba vạn, bốn vạn, bạn không biết chuyện này sao?” Tôi càng kinh ngạc: “Ba vạn? Bốn vạn? Một người sao có thể khuyên tam thoái nhiều như thế kia chứ?, không biết mọi người khuyên kiểu gì?” Người điều phối nói: “Những đồng tu này biểu hiện bên ngoài rất bình thường, nhưng mọi người đều đang nỗ lực làm ba việc, chỉ là ai cũng không nói năng gì mà thôi”.

Nhiều ngày sau, lời của đồng tu điều phối cứ xuất hiện trong đầu của tôi, không thể thoát ra được: những đồng tu làm tốt đều không nói năng gì, âm thầm phó xuất đã trở thành thói quen. Tôi thì lại có một cảm giác ảo tưởng sai lầm: Mọi người đều như vậy, không khác nhau nhiều, chắc tôi cũng không bị rơi rớt lại đằng sau đâu. Không khác nhau nhiều thật sao? Là không bị rớt lại phía sau sao? Tôi nhớ đến một vị đồng tu kể cho tôi nghe một giấc mơ: Có hai vị đồng tu nọ cùng đánh một chiếc xe ngựa tiến về phía trước, trong đó có một vị đồng tu xuống xe ngắm nhìn phong cảnh, nhưng trong nháy mắt chiếc xe ngựa đã chạy mất hút, vị đồng tu ngắm cảnh đó gấp rút muốn đuổi theo nhưng chẳng đuổi được, vừa khóc vừa đuổi theo nhưng vẫn không kịp. Người tu luyện chỉ hơi buông lơi thì sẽ bị bỏ lại rất xa, mỗi ngày gặt hái được bao nhiêu chỉ có bản thân mình mới biết. Hơn nữa, tự ngã còn sẽ gây ra rắc rối cho bản thân, bởi cựu thế lực nhìn nhận đấy là lậu.

Tôi viết ra đây một chút nhận thức của bản thân, hy vọng chúng ta trân quý quãng thời gian cuối cùng này, đối đãi trọn vẹn với mỗi ngày.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/271136



Ngày đăng: 12-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.