Cổ phong du du: Tăng Củng trượng nghĩa giúp người chuộc lại con gái
Tác giả: Lục Chân
[ChanhKien.org]
Những năm Nguyên Hữu triều Bắc Tống Tăng Lỗ Công (Tăng Củng) [1] du ngoạn đến kinh thành và ở trọ cạnh một ngôi chợ.
Vào ban đêm ông nghe thấy tiếng khóc từ phòng bên cạnh vọng đến, tiếng khóc vô cùng bi thương. Sáng sớm hôm sau Tăng Lỗ Công liền sang hỏi nguyên do. Phòng bên cạnh là một người có dáng dấp thư sinh với vẻ mặt rất buồn bã, anh ta muốn nói điều gì đó nhưng lại lưỡng lự ngập ngừng không nói và dường như có phần xấu hổ.
Tăng Lỗ Công bảo: “Anh cứ việc nói, biết đâu anh gặp được người chính nhân quân tử giúp anh giải nạn hoá ưu. Bằng không thì dù anh có khóc đến chảy máu cả mắt cũng không ích gì”.
Vị thư sinh nhìn khắp chung quanh, do dự một hồi rất lâu rồi mới nói: “Trước đây tôi từng làm quan ở nơi nọ, vì một sự cố mà phải vay tiền quan trên, bây giờ thượng ty đòi lại rất gấp mà tôi thực sự không có khả năng trả nợ. Tôi đành thương lượng với vợ đem bán con gái cho một thương nhân với giá 40 vạn. Giờ đây đến lúc phải từ biệt con gái nên tôi cảm thấy đau thương”.
Tăng Lỗ Công nói: “Thương nhân thì phải đi bôn ba khắp nơi buôn bán, hơn nữa họ thường không có tình nghĩa. Con gái anh một khi già đi nhan sắc phai tàn có thể sẽ bị bỏ rơi. Ta là một nhân sĩ, chi bằng anh hãy gả con gái cho ta”.
Vị thư sinh lập tức quỳ xuống nói: “Không ngờ ngài lại thương xót đến tiểu nhân. Tôi gả con gái cho ngài cho dù không được một xu vẫn tốt hơn gấp mấy lần so với việc bán con cho một thương nhân. Chỉ là tôi đã viết văn thư bán con và nhận tiền của ông ấy rồi nên không có cách nào trả lại được nữa”.
Tăng Lỗ Công đáp: “Anh chỉ việc đi trả tiền lại cho ông ta rồi đòi lại giấy bán con gái. Nếu ông ta không đồng ý anh cứ kiện lên quan”. Vị thư sinh gật đầu đồng ý. Tăng Lỗ Công lấy 40 vạn tiền đưa cho anh ta và hẹn rằng: “Ba ngày sau anh hãy đưa con gái mình đến ngoài Thuỷ Môn. Đến lúc đó ta sẽ lên chiếc thuyền nhỏ đợi anh bên ngoài Thủy Môn”.
Vị thư sinh theo lời Tăng Lỗ Công đi tìm người thương nhân xin trả lại tiền và lấy lại giấy ký nợ, ông ta không dám không đồng ý.
Đúng ngày hẹn định vị thư sinh mang con gái đến ngoài Thủy Môn như đã hứa. Nhưng họ lại không thấy bóng dáng chiếc thuyền của Tăng Lỗ Công đâu. Hỏi thăm tin tức từ những thuyền phu khác họ mới biết thuyền của Tăng Lỗ Công đã cất mái chèo rời bến được ba hôm rồi.
(Dựa theo quyển “Năng cải trai mạn lục” của tác giả Ngô Tăng thời Bắc Tống)
[1]: quan viên, nhà văn nổi tiếng thời Bắc Tống, là một trong Đường Tống bát đại gia (bao gồm Liễu Tông Nguyên, Hàn Dũ, Tô Tuân, Tô Triệt, Tô Thức, Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Tăng Củng)
Ngày đăng: 01-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.